Viên Minh
Mới đây, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh tái cơ cấu quân đội lớn nhất kể từ năm 2015. Theo đó, Trung Quốc giải thể Lực lượng Chi viện Chiến lược, vốn được thành lập hơn 8 năm trước và thành lập một đơn vị mới có tên là Lực lượng Chi viện Thông tin. Ông Tập cho biết lực lượng mới sẽ cung cấp “sự chi viện quan trọng trong việc điều phối việc xây dựng và sử dụng hệ thống thông tin mạng”.
Bài phát biểu của ông Tập nhấn mạnh “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội”, “kỷ luật, quy định nghiêm ngặt” để “đảm bảo lòng trung thành, sự trong sạch tuyệt đối và độ tin cậy tuyệt đối của quân đội”. Đây dường như là động thái che đậy sự hỗn loạn trong quân đội khi Bắc Kinh phải tiến hành thanh lọc sâu sắc đối với Lực lượng Chi viện Chiến lược thông qua việc tổ chức lại và đổi tên. Điều gì đang xảy ra với lực lượng quân đội Trung Quốc?
Ông Cự Can Sinh đánh mất chức vụ chính thức
Ngày 19/4, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tổ chức phiên họp thành lập Lực lượng Chi viện Thông tin, ông Tập Cận Bình đã tham dự cuộc họp và đã có bài phát biểu. Tân Hoa Xã đưa tin, Lực lượng Chi viện Thông tin mới thành lập sẽ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, đồng thời, phiên hiệu của Lực lượng Chi viện Chiến lược sẽ bị thu hồi, và các mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của Lực lượng hàng không quân sự và lực lượng không gian mạng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Chỉ huy đầu tiên của Lực lượng Chi viện Thông tin là ông Tất Nghị đã có mặt, phiên hiệu của Lực lượng Chi viện Chiến lược bị thu hồi, nguyên chỉ huy Cự Can Sinh bằng như tự động bị cách chức. Nguyên Chính ủy của Lực lượng Chi viện Chiến lược là ông Lý Vỹ, được nhậm chức Chính ủy của Lực lượng Chi viện Thông tin. Ông Lý Vỹ có vẻ không bị ảnh hưởng gì, nhưng điều đó chẳng khác nào đã bị giáng chức. Nguyên Lực lượng Chi viện Chiến lược chịu trách nhiệm về chiến tranh không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý, trinh sát tình báo, quản lý vệ tinh, nghiên cứu phát triển và vận hành hàng không vũ trụ; trong khi Lực lượng Chi viện Thông tin mới chỉ được mô tả là “phối hợp xây dựng hệ thống thông tin mạng”.
Như vậy có thể thấy, Lực lượng Chi viện Chiến lược bị xé nhỏ, bằng như công khai một làn sóng thanh trừng khác trong quân đội, với việc chỉ huy bị mất chức quan một cách trá hình.
Ông Tập Cận Bình tiết lộ vấn đề đáng lo ngại nhất về lòng trung thành
Tại phiên họp, ông Tập Cận Bình đặc biệt cảnh báo rằng: “Chúng ta phải kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của Đảng và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc và hệ thống cơ bản về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội… tuân thủ kỷ luật và quy định một cách nghiêm ngặt… đảm bảo lòng trung thành tuyệt đối, sự trong sạch tuyệt đối và độ tin cậy tuyệt đối trong quân đội”.
Điều này hẳn đã giải thích nguyên nhân thực sự khiến Lực lượng Chi viện Chiến lược bị chia nhỏ. Ông Tập không đề cập đến vấn đề chống tham nhũng trong quân đội, điều này không chỉ nhằm che đậy vấn đề tham nhũng trong quân đội, mà còn cho thấy tham nhũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đợt thanh trừng quân đội mới lần này. Nhiều tướng lĩnh bị nghi ngờ có vấn đề về lòng trung thành hoặc không tuân theo quy tắc, nên mới khiến cho Lực lượng Tên lửa, Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương và Lực lượng Chi viện Chiến lược liên tục bị thanh trừng.
Lực lượng Tên lửa và Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương chỉ bắt giữ và thay thế người, trong khi Lực lượng Chi viện Chiến lược lại phải bị chia nhỏ. Làm như vậy, việc tiến hành tái tổ chức nhân sự với quy mô lớn tương ứng sẽ dễ dàng hơn và sẽ được công bố với thế giới bên ngoài rằng “lực lượng chiến lược mới đã được thành lập” nhằm che đậy sự hỗn loạn của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là để giữ lại thể diện cho ông Tập.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc thanh trừng lớn các tướng lĩnh trong quân đội và thúc đẩy cải cách quân đội vào cuối năm 2015. Các quân khu lớn ban đầu đã bị bãi bỏ và đổi thành 5 chiến khu lớn, tất cả Tư lệnh quân khu đều bị cách chức; 18 tập đoàn quân của Quân đội được điều chỉnh thành 13 tập đoàn quân, một lượng lớn sĩ quan cấp trung cũng bị thanh trừng; Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Chi viện Chiến lược và Lực lượng Chi viện Hậu cần Liên hợp mới được thành lập; 4 Tổng bộ Quân ủy được chia thành 15 phòng ban.
Thông qua trò chơi chia rẽ và hội tụ như vậy, cộng thêm chiến dịch chống tham nhũng của quân đội, các tướng lĩnh được cố lãnh đạo Giang Trạch Dân đề bạt ngày trước về cơ bản đã bị thanh trừ và thay thế bằng những người được ông Tập chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi ông Tập tái đắc cử lần thứ ba, quân đội bất ngờ lại xuất hiện vấn đề lớn và phải tiến hành cuộc thanh trừng lớn lần thứ hai.
Lần này, lực lượng Chi viện Chiến lược đã bị chia nhỏ nhằm che đậy các cuộc thanh trừng chính trị. Tuy nhiên, một quân chủng mà sau khi đã được thành lập vài năm, lại bị hủy bỏ phiên hiệu, dù có lấp liếm thế nào đi chăng nữa, thì cũng khó giữ thể diện cho ông Tập.
“Quyết định trọng đại” của Quân ủy lại là chính sách tồi tệ nhất
Ông Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu của mình rằng cần phải “quản lý toàn diện và chặt chẽ quân đội… duy trì trật tự chính quy… và đảm bảo tập trung thống nhất và an toàn, ổn định cao độ trong quân đội”.
Tình hình chính trị của Trung Quốc đang hỗn loạn, và quân đội đã trở thành một trong những nguồn gốc của sự hỗn loạn, người đứng đầu rất lo lắng rằng các cuộc thanh trừng là không thể tránh khỏi, nhưng lại lo sợ tinh thần của quân đội sẽ càng bất ổn hơn, vì vậy anh ta phải che đậy nó bằng cách chia nhỏ quân Chi viện Chiến lược, kỳ thực là hạ sách bất đắc dĩ. Bài phát biểu của ông Tập cũng nêu rõ việc điều chỉnh và thành lập Lực lượng Chi viện Thông tin là “quyết định trọng đại” của Quân ủy Trung ương và là “bước đi chiến lược” nhằm “xây dựng cơ cấu, bố trí mới các quân chủng và vũ khí”.
Quân đội hiện đại hóa trên khắp thế giới đều đang chuyển sang thông tin hóa, và quân đội Hoa Kỳ là một đại biểu rõ ràng trong đó. Quân đội Hoa Kỳ đã thành lập Lực lượng Không gian và Bộ chỉ huy mạng, nhưng lại không có cái gọi là Lực lượng Chi viện Thông tin. Công nghệ thông tin đã được tích hợp vào các nhóm quân sự khác nhau, tạo thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh mà không một lực lượng thông tin riêng lẻ nào có thể đảm nhiệm được.
Lực lượng Chi viện Thông tin mới thành lập của Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, nhưng cách nói “trù tính xây dựng hệ thống thông tin mạng” là khá miễn cưỡng. Cấp bậc của quân chủng mới này rõ ràng là thấp hơn so với các quân chủng lớn khác, e rằng nó không có khả năng điều phối, chỉ huy các quân chủng và chiến trường khác. Ông Tập và Quân ủy Trung ương không thể trao quá nhiều quyền lực cho Lực lượng Chi viện Thông tin. Nếu họ nhất quyết phối hợp tổng thể thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng chia cắt mới hoặc phân chia chiến lợi phẩm không đồng đều.
Việc Trung Quốc thành lập Lực lượng Chi viện Thông tin đã phản ánh sự biến dạng trong cơ cấu quân đội, đồng thời cũng phản ánh khoảng cách rõ ràng với quân đội hiện đại hóa. Nguyên chính ủy Lực lượng Chi viện Chiến lược là ông Lý Vỹ được điều sang nhậm chức Chính ủy mới của Lực lượng Chi viện Thông tin. Ông nói trong bài phát biểu rằng “chúng tôi sẽ kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Tập”.
Tư lệnh mới của Lực lượng Chi viện Thông tin không lên tiếng mà để Chính ủy lên tiếng thay, một lần nữa cho thấy ông Tập không tin tưởng các tướng lĩnh quân sự; trong khi các cán bộ chính trị thiếu năng lực quân sự, nhưng có thể để mắt tướng lĩnh các cấp thay cho ông Tập, điều này giúp họ nhận được nhiều ân sủng hơn.
Biện giải đáng xấu hổ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là ông Ngô Khiêm, đã giới thiệu ngắn gọn, gọi cải cách lần này là “xây dựng cơ cấu, bố trí mới các quân chủng và vũ khí”. Đây hoàn toàn không phải là “xây dựng cơ cấu, bố trí mới các quân chủng và vũ khí”, mà chỉ là sự phân chia Lực lượng Chi viện Chiến lược ban đầu thành ba đơn vị, không được coi là quân chủng, mà chỉ có thể gọi là binh chủng, nói chung là thấp hơn một cấp bậc.
Lực lượng Chi viện Chiến lược ban đầu có Cục Hệ thống Hàng không Vũ trụ và Cục Hệ thống Mạng, được nâng cấp thành Lực lượng Hàng không Vũ trụ Quân sự và Lực lượng Không gian mạng, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy và ông Tập Cận Bình.
Lực lượng Chi viện Chiến lược ban đầu còn bao gồm Căn cứ 311 (chịu trách nhiệm về chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý), cơ sở thông tin liên lạc và trung tâm thử nghiệm thiết bị điện tử, khả năng cũng thuộc Lực lượng Chi viện Thông tin mới; ngoài ra còn có một cơ sở thử nghiệm hạt nhân, nhưng không biết được chuyển giao đến đâu.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không có lời giải thích nào về Lực lượng Chi viện Thông tin mới. Thay vào đó, họ tập trung vào lực lượng hàng không vũ trụ quân sự và lực lượng không gian mạng. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc là ông Ngô Khiêm, một mặt cho biết “thúc đẩy xây dựng lực lượng hàng không vũ trụ quân sự”, mặt khác lại nói “sử dụng không gian một cách hòa bình”.
Quân đội Trung Quốc phụ trách hầu hết các hệ thống hàng không của Trung Quốc, nhưng lại tự mình mâu thuẫn khi lớn tiếng kêu gọi hòa bình hàng không, thật là nói một đằng, làm một nẻo. Bắc Kinh lớn giọng thành lập Lực lượng Chi viện Thông tin mới, nhưng lại không có lễ thành lập song song với Lực lượng hàng không vũ trụ quân sự và lực lượng không gian mạng, khả năng đã cố tình giấu kín và cũng không muốn tiết lộ những ứng cử viên tương ứng cho vị trí chỉ huy và chính ủy.
Gần đây, nhiều quốc gia liên tục vạch trần các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc và lo lắng về các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Lúc này đây, Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng quân sự hàng không vũ trụ và lực lượng không gian mạng, đây là trọng tâm chú ý lớn hơn của tất cả các nước. Những tuyên bố sai trái của Trung Quốc về “sử dụng không gian một cách hòa bình” và “phát triển các phương pháp phòng thủ an ninh mạng” là những lời nói dối điển hình.
Nhấn mạnh lòng trung thành chính trị làm trầm trọng thêm sự lạc hậu về công nghệ
Chính quyền Trung Quốc chia nhỏ Lực lượng Chi viện Chiến lược và tiến hành các cuộc thanh trừng sâu rộng; các cán bộ công tác chính trị sẽ trở nên cơ hội hơn; trong khi sĩ quan quân đội và nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp sẽ càng bị áp chế. Lực lượng hàng không vũ trụ quân sự, Lực lượng không gian mạng và Lực lượng Chi viện Thông tin sau bị khi chia nhỏ, đều có yêu cầu khá cao về kỹ năng chuyên môn, nhưng lòng trung thành chính trị mới được xem là ưu tiên hàng đầu. Chỉ những người giỏi trong việc thể hiện lòng trung thành mới có thể được thăng chức. Đây vừa khéo là điểm yếu của những người có chuyên môn. Nếu họ dành nhiều thời gian cho việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên và dựa dẫm người khác, thì kỹ năng chuyên môn cũng sẽ không cao, và họ vẫn sẽ cố tình giở trò bịp bợm.
Vào ngày 18/4, Tân Hoa Xã đã cao giọng tuyên bố rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy đã khen thưởng các phi hành gia Cảnh Hải Bằng, Chu Dương Trụ, Quế Hải Triều. Năm 2023, ba người họ cùng ngồi trên tàu vũ trụ Thần Châu 16 và bay vào trạm vũ trụ, lưu trú ở đó một khoảng thời gian.
Ông Cảnh Hải Bằng gia nhập Lực lượng Không quân Trung Quốc năm 1985 và sau đó trở thành phi hành gia. Ông được thăng cấp Thiếu tướng vào năm 2013, được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Quân đoàn 82 của Quân đội vào năm 2019.
Phi hành gia thứ hai là ông Chu Dương Trụ học tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc. Ông tốt nghiệp học viện quân sự và mang quân hàm Đại tá quân đội.
Phi hành gia thứ ba là ông Quế Hải Triều, tốt nghiệp Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, sau đó đến Đại học York và Đại học Ryerson của Canada để nghiên cứu kỹ thuật hàng không vũ trụ trong một thời gian dài và tham gia các dự án nghiên cứu. Ông trở lại Bắc Kinh vào năm 2017. Bây giờ, Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng hàng không vũ trụ, ông có thể sẽ phải tham gia quân đội, nếu không sẽ khó tham gia các dự án trong quân đội. Tất nhiên, có thể ông đã bí mật gia nhập quân đội từ lâu.
Quân đội Trung Quốc làm chủ nghiệp vụ hàng không vũ trụ. Hai phi hành gia đầu tiên đều là quân nhân, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn; phi hành gia thứ ba được coi là một người chuyên nghiệp, nhưng rất khó để các cơ sở trong nước bồi dưỡng anh ta và buộc phải gửi anh ta ra nước ngoài. Mạng lưới nhân tài trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc, cần phải được sử dụng trong quân đội là chủ yếu, có điều nhà cầm quyền vẫn không tin tưởng họ.
Lực lượng Chi viện Chiến lược đã bị xé nhỏ, các tướng lĩnh có trình độ chuyên môn đã bị thanh trừng, và cái gọi là “hệ thống toàn quốc” hay “tự chủ nghiên cứu và phát triển” của Trung Quốc rất khó để đi được xa hơn.
Người ngoài nghề lãnh đạo người trong nghề
Tư lệnh mới của Lực lượng Chi viện Thông tin là ông Tất Nghị, từng giữ chức tham mưu trưởng Tập đoàn quân 40, phó tư lệnh Quân đoàn 78, kiêm Tư lệnh Quân khu tỉnh Hồ Nam; năm 2021, ông được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện và Quản lý Quân ủy Trung ương; tháng 7/2023, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược.
Tướng lĩnh lục quân lại đi lãnh đạo Lực lượng Chi viện Thông tin, người ngoài nhìn vào sẽ thấy đây đúng thật là một chuyện đáng cười, nhưng đây lại là điều mà Trung Quốc nhất quyết muốn làm. Lực lượng Chi viện Chiến lược và Lực lượng Tên lửa hẳn đã gặp rắc rối cùng lúc vào nửa đầu năm 2023. Vị tướng lục quân này được chuyển giao cho Lực lượng Chi viện Chiến lược vào tháng 7 năm 2023, nguyên nhân có thể là Đội ngũ ban đầu khó nhận được sự tin cậy.
Ông Lý Vỹ – nguyên chính ủy Lực lượng Chi viện Chiến lược, đã bị giáng chức và vẫn được giữ lại. Ông cũng là người ngoài nghề. Ông Lý Vỹ từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Chính trị Tập đoàn quân 47, Chính ủy Quân khu Nam Tân Cương, Chính ủy Tập đoàn quân 21, Chính ủy Quân khu Tân Cương; Chính ủy Lực lượng Chi viện Chiến lược. Ông Lý Vỹ là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và khả năng được coi là trung thành.
Ông Cự Can Sinh, nguyên chỉ huy Lực lượng Chi viện Chiến lược, tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Tây An, cũng được xem là có chuyên môn. Ông từng giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Trinh sát Kỹ thuật của Bộ Tổng tham mưu và chỉ huy Cục Hệ thống Mạng của Lực lượng Chi viện Chiến lược; ông được thăng chức chỉ huy Lực lượng Chi viện Chiến lược vào năm 2021 và hiện đã bị cách chức một cách trá hình.
Ông Cao Tân, chỉ huy trưởng đầu tiên của Lực lượng Chi viện Chiến lược ban đầu, đã phục vụ trong Lực lượng Pháo binh số 2 một thời gian dài và nhậm chức vào tháng 12 năm 2015; nhưng đến tháng 4 năm 2019, ông được điều chuyển nhậm chức Giám đốc Cục Chi viện Hậu cần của Quân ủy Trung ương; ông nghỉ hưu sớm vào tháng 1 năm 2022. Khả năng các thành viên của Pháo binh số 2 hoặc Lực lượng Tên lửa từ sớm đã bị cho ra rìa.
Ông Lý Phụng Bưu, nguyên Tư lệnh thứ hai của Lực lượng Chi viện Chiến lược, từng nhậm chức Tư lệnh Sư đoàn Dù 44, Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 15, Phó Tư lệnh Quân khu Thành Đô; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Chiến trường Trung ương; được điều về làm Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược vào tháng 4 năm 2019. Ông cũng là người ngoài nghề. Vào tháng 7 năm 2021, ông được điều làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây, vị trí Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược được thay thế bởi một người có chuyên môn là ông Cự Can Sinh, nhưng cuối cùng vẫn là đứng ở mép bên. Giờ đây, Lực lượng Chi viện Thông tin mới được thành lập được lãnh đạo bởi các tướng lĩnh quân đội.
Hai chính ủy đầu tiên của Lực lượng Chi viện Chiến lược ban đầu đều được điều đến từ các quân chủng khác, khả năng ngay từ đầu ông Tập đã không tin tưởng vào đội ngũ ban đầu. Ông Lý Thượng Phúc cũng có bối cảnh chuyên môn. Ông từng làm việc tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, sau đó giữ chức Thứ trưởng Cục Thiết bị. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm phó Tư lệnh thứ nhất của Lực lượng Chi viện Chiến lược. Năm 2017, ông trở lại Cục Trang bị, ông trở thành thành viên Quân ủy năm 2022 và trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2023, nhưng rất mau đã rớt đài.
Sau khi Lực lượng Chi viện Chiến lược bị chia cắt, nhân sự đã được cải tổ lại. Một số sĩ quan có trình độ chuyên môn có thể sẽ được dùng đến, nhưng họ sẽ khó có thể cất đầu dậy lần nữa. Lực lượng Chi viện Chiến lược đã bị tách rời dưới danh nghĩa cải cách nhằm che đậy sự hỗn loạn trong quân đội, nhưng giống như Quân đoàn Tên lửa, lực lượng này rơi vào tình trạng thanh trừng sâu sắc. Quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục tình trạng rối ren.
Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch