Tình trạng dư thừa trong sản xuất thép của Trung Quốc không chỉ gây tổn hại tới chính đất nước này, mà còn khiến Hoa Kỳ và Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngành thép Trung Quốc, vốn đã tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy, với sản lượng tăng hơn 7 lần trong hai thập kỷ qua, hiện đang phải đối mặt với những thách thức dư thừa công suất đáng kể.
Sự dư thừa công suất này đã dẫn đến tình trạng thép giá rẻ dư thừa tràn ngập thị trường toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép ở Hoa Kỳ và các nước Mỹ Latinh. Mối lo ngại đang gia tăng ở các quốc gia này về việc mất đi hàng nghìn việc làm và tính bền vững lâu dài của ngành thép, thúc đẩy các lời kêu gọi khẩn cấp để đưa ra các biện pháp bảo vệ và can thiệp chính sách.
Trung Quốc cũng đang phải gánh chịu hậu quả của việc sản xuất thép quá mức. Một số công ty thép lớn báo cáo thua lỗ đáng kể trong năm ngoái và một số công ty buôn bán thép đã tiến hành thủ tục phá sản.
Khủng hoảng dư thừa
Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, sản xuất 1,019 tỷ tấn vào năm 2023, tương đương khoảng 55% sản lượng toàn cầu.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, ngành thép Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong hai thập kỷ qua, với sản lượng thép thô tăng 735%.
Tình trạng dư thừa công suất này, kết hợp với hoạt động bán phá giá thép ra nước ngoài đã khiến giá thép toàn cầu giảm và việc mất việc làm đáng kể trên toàn thế giới.
Khi thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ và nhu cầu cơ sở hạ tầng chậm lại, nhu cầu thép trong nước cũng giảm mạnh. Điều này đã dẫn đến việc thép Trung Quốc được bán ra nước ngoài với giá thấp hơn để giải quyết sản lượng dư thừa.
Trong ba tháng đầu năm nay, khối lượng sản xuất của các công ty thép do Hiệp hội Công nghiệp Sắt thép Trung Quốc theo dõi là khoảng 201 triệu tấn, gần bằng năm ngoái. Theo nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu My Steel Network, tính đến ngày 28/3, lượng tồn kho tổng cộng của các nhà máy thép trong nước và tồn kho xã hội của Trung Quốc đạt 23,412 triệu tấn, tăng 75% so với 13,382 triệu tấn vào cuối năm 2023. Điều này cho thấy phía cung hầu như không thay đổi, trong khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc giảm mạnh.
Trong ba tháng đầu năm nay, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt khoảng 88 triệu tấn, giảm so với 96 triệu tấn vào năm ngoái.
Theo tính toán của S&P Global Commodity Insights, mức tiêu thụ thép nội địa của Trung Quốc – phản ánh lượng thép thực sự tiêu thụ trong nước – đã giảm 13,1% trong tháng 3 xuống còn 77,93 triệu tấn. Mức tiêu thụ thép trong nước trong quý I năm 2024 đã giảm 6,3%.
Trung Quốc đã xuất khẩu 25,8 triệu tấn thép trong ba tháng đầu năm nay, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá của những mặt hàng xuất khẩu này nhìn chung đang giảm mặc dù có nhiều biến động. Theo một bài báo của Yicai Global vào tháng 3, giá thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm ít nhất trong nửa đầu năm nay.
Ngành thép Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng, khi ngành này lỗ khoảng 2 tỷ USD chỉ trong hai tháng đầu năm nay. Theo chuyên gia Wang Jianhua, nhà phân tích trưởng của dịch vụ tình báo thị trường Mysteel.com, ngành thép là ngành có thành tích kém nhất trong số các ngành công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2023.
Năm ngoái, một số công ty thép lớn đã báo cáo lỗ đáng kể, chuyển từ hoạt động có lãi sang lỗ.
Cụ thể, Anshan Steel báo cáo sự thay đổi lớn từ có lãi sang lỗ ròng 3,257 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 450 triệu USD). Tương tự, Chongqing Steel lỗ 1,494 tỷ CNY (khoảng 210 triệu USD), tăng 47% so với năm trước. Maanshan Steel và Shandong Iron & Steel cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh, với khoản lỗ lần lượt là 1,33 tỷ CNY (khoảng 180 triệu USD) và 400 triệu CNY (khoảng 60 triệu USD), một sự đảo ngược đáng kể so với lợi nhuận trước đó.
Do lo ngại về sự gián đoạn thị trường do mức giá thấp gây ra, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi ở Trung Quốc yêu cầu các công ty thép phải hành động.
Vào ngày 28/3, Hiệp hội Công nghiệp Sắt thép Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố kêu gọi các công ty ngăn chặn nghiêm ngặt sự gián đoạn thị trường do bán phá giá. Tuyên bố cũng kêu gọi các công ty thép chủ động giảm cường độ sản xuất.
Tổng thống Biden đề xuất tăng gấp 3 lần thuế quan
Trong một động thái chính sách quan trọng nhằm bảo vệ ngành thép của Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đề xuất tăng gấp ba mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Phát biểu trước công đoàn United Steelworkers ở Pittsburgh vào ngày 17/4, ông Biden đã kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai xem xét việc tăng mức thuế suất trung bình hiện nay từ 7,5% lên 25%.
Tòa Bạch Ốc đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành thép đối với nền kinh tế Mỹ: “Tổng thống Biden biết rằng thép là xương sống của nền kinh tế Mỹ và là nền tảng cho an ninh quốc gia của chúng ta. Thép của Mỹ đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước và giúp xây dựng tầng lớp trung lưu. Thép do Mỹ sản xuất vẫn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta”.
Lời kêu gọi tăng thuế quan của ông Biden là một động thái chiến lược nhằm chống lại điều mà ông mô tả là “gian lận” của các công ty Trung Quốc, vốn được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp đáng kể của chính phủ. Ông cho rằng tình trạng này đã dẫn đến mức giá thấp không công bằng, gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ. Tổng thống nhấn mạnh hàng nghìn việc làm trong ngành thép bị mất đi ở các bang như Pennsylvania và Ohio từ năm 2000 đến năm 2010 do những hoạt động này.
Ông Biden cho biết: “Đây là những hành động chiến lược và có mục tiêu nhằm bảo vệ người lao động Mỹ và đảm bảo cạnh tranh công bằng”, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính quyền ông trong việc bảo vệ việc làm trong lĩnh vực thép.
Ảnh hưởng tới Mỹ Latinh
Khoảng 1,4 triệu người đang làm việc trong ngành thép ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, giá thép cạnh tranh của Trung Quốc, rẻ hơn tới 40% so với sản phẩm trong nước, đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà máy thép nội địa.
Ví dụ, nhà máy thép lớn nhất Chile, Huachipato, từng tuyên bố ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 2.700 việc làm trực tiếp và 20.000 việc làm gián tiếp. Kể từ năm 2009, nhà máy đã lỗ lũy kế hơn 1 tỷ USD.
Huachipato đã yêu cầu Ủy ban quốc gia về bóp méo giá (CNDP) của Chile khuyến nghị chính phủ áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu. CNDP gần đây đã ra phán quyết rằng có đủ bằng chứng về việc Trung Quốc bán phá giá và thay vào đó đề xuất mức thuế 15%. Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức khi Chile đã ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2005 và việc áp thuế có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
Vào ngày 20/4, Chile đã công bố mức thuế quan tạm thời từ 25% đến 34% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, Huachipato đã quay lại tiếp tục sản xuất.
Các công nhân trong ngành sản xuất kim loại trên khắp châu Mỹ Latinh, bao gồm cả những người ở các nước sản xuất thép lớn như Chile và Brazil, đang kêu gọi chính phủ áp đặt thuế nhập khẩu cao hơn để bảo vệ việc làm tại địa phương. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Mỹ Latinh (Alacero), khu vực này đã nhập khẩu kỷ lục 10 triệu tấn thép từ Trung Quốc vào năm 2023, tăng 44% so với năm trước và tăng mạnh so với mức 85.000 tấn nhập khẩu hai thập kỷ trước.
Tại Brazil, nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng 50% trong năm ngoái, trong khi sản lượng thép trong nước giảm 6,5%. Gerdau, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Brazil, đã sa thải 700 công nhân với lý do “điều kiện khắc nghiệt từ nhập khẩu” do thép Trung Quốc tạo ra. Ngành thép Brazil đang kêu gọi chính phủ tăng thuế nhập khẩu lên 25%.
Mexico đã có lập trường mạnh mẽ hơn, tuyên bố vào cuối tháng 12 rằng họ sẽ áp thuế gần 80% đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất địa phương phàn nàn rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã làm tổn hại đến sản xuất trong nước. Mức thuế này áp dụng cho một số loại thép tấm cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam, trừ khi có thể chứng minh được rằng chúng không có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch