Hàn Quốc: Hàng thương mại điện tử của Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Một số sản phẩm có chứa một loại chất gây ung thư gọi là cadmium, với hàm lượng cao nhất vượt quá giới hạn cho phép tới hơn 3.000 lần. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc hôm thứ Ba (30/4) cho biết, sau khi kiểm tra 252 sản phẩm dành cho trẻ em ở nước ngoài giá cực rẻ được bán bởi thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, phát hiện 38 sản phẩm có chứa chất gây ung thư, chiếm 15% trong tổng số.

Theo báo cáo của Hãng thông tấn Yonhap hôm 30/4, giá bán trung bình của những sản phẩm được kiểm tra này là 3.468 won (khoảng 63.000 VNĐ), đây là những sản phẩm có thể mua trực tiếp từ nước ngoài mà không cần đáp ứng yêu cầu khai báo nhập khẩu chính thức. Trong số 38 sản phẩm chứa chất gây ung thư, có 27 sản phẩm bị phát hiện có chứa “chất dẻo phthalate”, cao nhất vượt tiêu chuẩn tới 82 lần; 6 sản phẩm bị phát hiện chứa chất gây ung thư “cadmium” với hàm lượng vượt tiêu chuẩn tới 3.026 lần; 5 sản phẩm bị phát hiện chứa hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn tới 270 lần.

Báo cáo cũng cho biết, các sản phẩm được phát hiện có “chất dẻo phthalate” chủ yếu bao gồm giày dép, văn phòng phẩm và đồ chơi, còn các sản phẩm bị phát hiện có “cadmium” và “chì” chủ yếu bao gồm đồ trang sức như nhẫn và vòng tay.

Kết quả điều tra nêu trên chỉ đề cập đến các chất có hại như phthalate và kim loại nặng mà Hải quan Seoul có thể phân tích.

Theo báo cáo của Yonhap hôm 25/4, một số sản phẩm như giày và phụ kiện trẻ em được bán bởi các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc như AliExpress và Temu, cũng bị phát hiện có chứa các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng.

Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: yanishevska / Shutterstock)

Báo cáo cho biết, trong số 16 loại khóa giày dùng để trang trí dép trẻ em, giày thể thao và các sản phẩm khác, có 7 loại được phát hiện có chứa “chất làm dẻo phthalate” (DEHP, DBP) vượt quá tiêu chuẩn tới 348 lần, một số sản phẩm còn chứa hàm lượng chì được phát hiện cao gấp 33 lần quy định cho phép. Chất dẻo phthalate trong một số mái hiên ô tô dành cho trẻ em cũng vượt quá giới hạn cho phép khoảng 324 lần, một số sản phẩm có chứa hàm lượng chì quá mức.

Chất dẻo “Phthalate” có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là DEHP (diester of phthalate), được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế công nhận là chất gây ung thư. Hàm lượng chì quá mức không chỉ gây hại cho chức năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ ung thư.

Vào ngày 8/4, Seoul đã công bố các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ngoài, và quyết định tiến hành kiểm tra an toàn hàng tuần đối với các sản phẩm trong danh sách bán chạy nhất, đồng thời công bố kết quả thử nghiệm đầu tiên trong cùng ngày.

Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài thông qua các sản phẩm giá cực thấp và người tiêu dùng nước ngoài gặp rắc rối [vì các sản phẩm tương tự có] giá cao đã bị cám dỗ. Tuy nhiên, như hải quan Hàn Quốc phát hiện, các chất đe dọa sức khỏe có trong các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc cũng khơi dậy sự cảnh giác.

Theo số liệu từ Hải quan Hàn Quốc, trong 4 tuần từ 6/11 đến 1/12 năm ngoái, Hải quan đã thu giữ 142.930 mặt hàng giả, trong đó khoảng 90% đến từ Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông. Hàng giả của Việt Nam chiếm 10%.

Phân tích thành phần cũng cho thấy, để giảm giá thành, các công ty sản xuất hàng giả không chỉ sử dụng cadmium trong xử lý bề mặt mà thậm chí còn sử dụng chì và cadmium làm nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất. Trong số 20 chiếc khuyên tai bị phát hiện có chứa cadmium, có 15 chiếc có hàm lượng cadmium vượt quá giới hạn cho phép tới 600 lần và một số sản phẩm có hàm lượng cadmium vượt quá giới hạn cho phép tới 930 lần.

Theo Trương Đình, Epoch Times

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium Nga

Uranium. (Ảnh: Rui Costa/Flickr/CC)

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân từ Nga, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 30/4 nhất trí thông qua dự luật Cấm nhập khẩu uranium Nga, sau khi Hạ viện có động thái tương tự vào tháng 12/2023. Dự luật này sẽ được chuyển đến Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Sau khi được ban hành, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu uranium dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ được bãi bỏ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ.

Dự luật cũng giải ngân 2,7 tỷ USD trong một đạo luật được thông qua từ trước để Mỹ xây dựng ngành công nghiệp chế biến uranium. John Barrasso, thành viên Ủy ban Năng lượng Thượng viện Mỹ, tuyên bố bang Wyoming “có uranium để thay thế hàng nhập từ Nga và chúng tôi sẵn sàng sử dụng nguồn cung này”.

Một ngày trước khi Thượng viện thông qua dự luật, một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kêu gọi quốc hội nước này áp lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Nga.

“Điều này sẽ đảm bảo với ngành công nghiệp, đồng minh và đối tác rằng Mỹ đưa ra quyết định rõ ràng về thiết lập chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân đảm bảo, không bị ảnh hưởng từ đối thủ trong nhiều thập kỷ tới”, phát ngôn viên này cho biết.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, uranium nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 12% lượng nhiên liệu mà các nhà máy điện hạt nhân Mỹ sử dụng trong năm 2022.

Phan Anh

Hạ viện Bỉ đệ trình thủ tục kiện nhóm tin tặc Trung Quốc APT31

(Ảnh minh họa: TY Lim/Shutterstock)

Hôm thứ Ba, sau cuộc họp của một ủy ban thuộc Hạ viện Bỉ, Hạ viện đã quyết định khởi động thủ tục tố tụng tư pháp đưa nhóm tin tặc Trung Quốc có tên APT31 ra tòa án, theo yêu cầu của các nghị sĩ bị tấn công mạng.

Theo báo cáo của kênh truyền thông Bỉ “7sur7”, hôm thứ Ba (30/4), 3 nghị sĩ Bỉ đã viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Eliane Tillieux, đưa ra yêu cầu này gồm ông Samuel Cogolati, bà Els Van Hoof và ông Georges Dallemagne. Theo hãng tin EFE của Tây Ban Nha, 5 nghị sĩ Bỉ đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công, trong đó có cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt.

5 chính trị gia này đến từ các đảng phái khác nhau, nhưng có một điểm chung, họ đều là thành viên của “Liên minh nghị viện xuyên quốc gia về chính sách Trung Quốc”. Liên minh này cam kết giải quyết các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm gần 250 thành viên quốc hội từ 33 quốc gia và đảng phái.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Tim Loughton, cũng là một thành viên của liên minh. Ông bị Bắc Kinh trừng phạt vì quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và bị trục xuất khỏi quốc gia Đông Phi Djibouti, sau khi hộ chiếu của ông bị quét ở đó hồi đầu tháng Tư.

Hôm thứ Hai (29/4), 5 chính trị gia Bỉ bị tin tặc Trung Quốc tấn công đã đưa ra tuyên bố chung trên tờ Le Soir và De Standaard, rằng các tin tặc liên kết với cơ quan tình báo Trung Quốc, phát động một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ quan chức dân cử nào dám thách thức chế độ chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tuyên bố chung nhấn mạnh, đây không phải là cuộc tấn công vào bất kỳ đảng phái chính trị hay quốc gia nào, mà là cuộc tấn công vào tất cả các quan chức dân cử dám thách thức chế độ Bắc Kinh.

Họ nói thêm, chúng tôi không thể cho phép kiểu tấn công mạng này tiếp tục nhắm vào các đại diện được bầu của người dân Bỉ, mà không có phản ứng mạnh mẽ và tương xứng.

Họ yêu cầu chính phủ liên minh Bỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhóm tin tặc APT31, hoặc tiến hành một cuộc điều tra tư pháp về sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời cung cấp quyền truy cập thông tin nhiều hơn cho các nghị sĩ là mục tiêu của các cuộc tấn công nước ngoài.

Truyền thông Bỉ đưa tin, 5 nghị sĩ này được cho là đã mở các email dùng làm cổng gián điệp. Điều này cho thấy, tác động của hoạt động gián điệp là không rõ ràng, nhưng người ta nghi ngờ rằng họ có thể đã thay đổi địa chỉ IP của máy tính để có thể định vị địa lý các thiết bị.

Theo RFI

Bà von der Leyen: EU không loại trừ việc cấm TikTok

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Hội đồng Châu Âu/ Flickr)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết EU “không loại trừ” việc cấm TikTok. Bà nói: “Chúng tôi rất ý thức được sự nguy hiểm của TikTok”. Trang tin Politico cho biết: “Đây là một trong hàng loạt tin xấu đối với TikTok ở châu Âu”.

Theo Politico đưa tin hôm 29/4, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã ám chỉ tại một cuộc tranh luận ở Maastricht (Hà Lan) rằng việc cấm TikTok ở Liên minh châu Âu (EU) là một lựa chọn. Cuộc tranh luận có sự góp mặt của các ứng cử viên chính từ các đảng chính trị tranh cử cuộc bầu cử EU năm 2024.

Bà nói: “Không thể loại trừ trường hợp này”. Sau khi người dẫn chương trình đề cập đến Mỹ, bà von der Leyen cho biết, tại Mỹ, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn quốc trừ khi chủ sở hữu TikTok là ByteDance bán TikTok.

Sau đó, bà nói thêm rằng Ủy ban Châu Âu là “cơ quan đầu tiên trên thế giới cấm TikTok khỏi điện thoại của chúng tôi”, “Chúng tôi nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của TikTok”.

Bà von der Leyen không tham dự hội nghị Maastricht với tư cách là chủ tịch Ủy ban Châu Âu mà với tư cách là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Nhân dân Châu Âu (epp) trung hữu. Những phát biểu của bà được đưa ra khi TikTok Châu Âu đang hứng chịu hàng loạt tin xấu.

Đây là một trong hàng loạt tin xấu dành cho TikTok ở Châu Âu.

Ủy ban châu Âu hôm thứ Hai (22/4) thông báo rằng căn cứ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) sẽ mở một cuộc điều tra về TikTok. Đây là lần thứ hai TikTok bị EU điều tra kể từ khi luật này có hiệu lực.

Cuộc điều tra này tập trung vào phiên bản mới của TikTok Lite, được ra mắt tại Pháp và Tây Ban Nha vào tháng Ba.

Chương trình mới của của TikTok có vấn đề “Kế hoạch nhiệm vụ và phần thưởng” cung cấp điểm thưởng cho các hành vi của người dùng như xem video, nhấn like, theo dõi, và mời bạn bè tham gia, có thể đổi lấy phần thưởng thực như phiếu quà tặng mua sắm trực tuyến.

Ủy ban châu Âu cho rằng Tiktok đã không tiến hành đánh giá thẩm định các rủi ro có thể xảy ra trước khi triển khai kế hoạch này, đặc biệt là nguy cơ gây nghiện cho trẻ em và gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của người dùng.

Ủy ban châu Âu đã yêu cầu trước ngày 18/4 TikTok phải cung cấp báo cáo đánh giá rủi ro cho phiên bản Lite mới, cũng như thông tin về các biện pháp mà công ty đã thực hiện để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, nhưng TikTok đã không nộp báo cáo đó trong thời hạn.

Do đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra tối hậu thư, yêu cầu TikTok nộp báo cáo đánh giá rủi ro chậm nhất là vào ngày 23/4, và các thông tin khác mà Ủy ban châu Âu yêu cầu phải cung cấp trước ngày 3/5.

Ủy ban cũng thông báo, nếu TikTok không phản hồi đúng hạn có thể bị phạt 1% doanh thu theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số.

TikTok phải đối mặt với một cuộc điều tra khác, cũng theo Luật An ninh mạng, vì bị cáo buộc không bảo vệ trẻ vị thành niên. Theo Đạo luật An ninh mạng, Ủy ban Châu Âu có thể ra lệnh tạm dừng một dịch vụ trong mọi trường hợp như là biện pháp cuối cùng.

Trí Đạt

Related posts