‘Khủng hoảng lãnh đạo’ tại Việt Nam: Bất ổn sẽ còn tiếp diễn?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Ngày 26 tháng 4 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông báo chấp thuận cho ông Vương Đình Huệ “từ chức” Chủ tịch Quốc hội, chức vụ cao thứ tư trong hệ thống chính trị Việt Nam. Việc sa thải ông Huệ, xảy ra chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, cho thấy cuộc khủng hoảng lãnh đạo của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn và có hàm ý quan trọng đối với tương lai chính trị của đất nước.

Không giống như sự ra đi bất ngờ của ông Thưởng, việc từ chức của ông Huệ đã được nhiều người đoán trước vì tin đồn đã lan truyền trong nhiều tuần. Những tin đồn này đã được xác nhận khi Bộ Công an thông báo vào ngày 22/4 về việc bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chánh văn phòng Quốc hội và trợ lý thân cận lâu năm của ông Huệ. Việc bắt giữ ông Hà là một phần của cuộc điều tra lớn hơn nhắm vào Tập đoàn Thuận An, một công ty xây dựng đã được giao nhiều dự án cơ sở hạ tầng đầu tư công trên khắp cả nước. Trong khi Thuận An phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ thì ông Hà bị bắt vì cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi”, một cách nói thường được dùng để ám chỉ việc nhận hối lộ. Có thông tin cho rằng đối với mỗi dự án giành được nhờ ảnh hưởng của ông Hà (và người đứng sau), Thuận An phải trả cho ông Hà một khoản lại quả tương đương khoảng 5% giá trị dự án.

Với việc Trung ương Đảng chấp nhận đơn xin từ chức của ông Huệ, Quốc hội sẽ sớm triệu tập để chính thức bỏ phiếu bãi nhiệm ông và bầu người kế nhiệm. Quốc hội cũng sẽ bầu một chủ tịch nước mới, vị trí vẫn còn bỏ trống kể từ khi ông Thưởng từ chức. Hiện chưa rõ ai sẽ được chọn vào các vị trí này. Tuy nhiên, các tin đồn trên mạng cho rằng ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Thưởng, trong khi bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, có thể được đề cử thay thế ông Huệ.

Tuy nhiên, việc bầu người kế nhiệm ông Thưởng và ông Huệ sẽ không chấm dứt ngay lập tức cuộc khủng hoảng lãnh đạo hiện tại của Việt Nam. Việc loại bỏ ông Huệ, chỉ một tháng sau sự ra đi của ông Thưởng, đã khiến hai trong bốn vị trí “tứ trụ” của đất nước bị bỏ trống. Điều này đã gây ra cảm giác bất ổn sâu sắc, đặc biệt là khi ông Huệ từng được coi là ứng cử viên hàng đầu thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người hiện đang đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ dù tuổi cao, sức yếu. Với việc ông Huệ bị cách chức, Đảng phải bắt đầu lại từ đầu quá trình tìm kiếm người thay thế ông Trọng, một nhiệm vụ sẽ đầy thách thức nếu xét việc đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy hai năm nữa. Trong trường hợp ông Trọng đột ngột qua đời hoặc mất năng lực làm việc do vấn đề sức khỏe trước khi một người kế nhiệm được chọn, Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn có một vấn đề nghiêm trọng khác: sự suy giảm hàng ngũ ủy viên Bộ Chính trị. Trong 15 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến ​​việc cách chức 5 trong số 18 thành viên Bộ Chính trị, 2 Chủ tịch nước, 1 Chủ tịch Quốc hội và 2 Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, Đảng chưa bổ sung thêm thành viên mới vào Bộ Chính trị, làm giảm nguồn ứng viên tiềm năng cho các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất không chỉ cho nhiệm kỳ hiện tại mà còn cho cả nhiệm kỳ tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026. Điều đáng chú ý là nếu quy định tuổi nghỉ hưu đối với các ủy viên Bộ Chính trị là 65 được thực thi nghiêm chỉnh, 10 trong số 13 ủy viên Bộ Chính trị còn lại sẽ phải nghỉ hưu vào năm 2026. Điều này đồng nghĩa với việc khủng hoảng lãnh đạo và bất ổn chính trị của Việt Nam có thể tiếp diễn sau năm 2026 trừ khi Đảng bổ sung thêm các thành viên mới và trẻ hơn vào Bộ Chính trị.

Đối với các nhà đầu tư, một mối quan ngại lớn khác liên quan đến cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay không chỉ là số lượng hạn chế các ứng cử viên đủ điều kiện mà còn cả việc Đảng có xu hướng ưu tiên lòng trung thành chính trị và tính liêm chính cá nhân hơn năng lực. Nếu ông Mẫn và bà Mai được bầu làm người kế nhiệm ông Thưởng và ông Huệ thì điều này càng khẳng định mối quan ngại của họ. Cả hai nhà lãnh đạo này đều kín tiếng và không được công chúng biết đến về thành tích chuyên môn cũng như phẩm chất lãnh đạo chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Thay vào đó, họ có thể được Đảng sử dụng như những “lựa chọn an toàn” nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện tại do lý lịch tương đối trong sạch và khuynh hướng chính trị trung dung của cả hai người. Điều này có thể giúp họ nắm giữ chức vụ hết nhiệm kỳ mà không gặp sự cố khó lường. Nếu Đảng không đưa thêm nhiều nhân tài hơn vào các cơ cấu chính trị hàng đầu của đất nước, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài dưới hình thức lãnh đạo kém hiệu quả và qua đó hạn chế triển vọng kinh tế của Việt Nam, ngay cả khi tất cả các vị trí hàng đầu đã được lấp đầy.

Mặc dù vậy, có thể vẫn có một số điều tích cực trong việc sa thải ông Huệ. Thứ nhất, nó gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có quyết tâm mạnh mẽ trong việc chống tham nhũng ngay cả khi việc vạch trần tình trạng tham nhũng tràn lan trong các cấp cao nhất của Đảng có thể khiến hình ảnh của Đảng bị sứt mẻ. Về lâu dài, ít tham nhũng hơn có nghĩa là môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện và triển vọng kinh tế đất nước sẽ tươi sáng hơn.

Thứ hai, dù việc loại bỏ ông Huệ có thể làm chậm quá trình tìm người kế nhiệm Tổng Bí thư Trọng, nhưng nó có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Ngoài cáo buộc là người hưởng lợi cuối cùng trong vụ án đưa hối lộ liên quan đến Tập đoàn Thuận An, ông Huệ còn bị cho là có nhiều mối quan hệ tình ái ngoài hôn nhân, trong đó có cả vụ việc với một ca sĩ nổi tiếng. Việc bầu một chính trị gia vừa tham nhũng vừa thiếu đạo đức làm lãnh đạo cao nhất có thể đe dọa nghiêm trọng tính chính danh và thậm chí cả sự tồn vong của Đảng.

Cuối cùng, với sự ra đi của ông Huệ và ông Thưởng, cũng như khả năng Đảng sẽ bổ nhiệm “các lựa chọn an toàn” làm người thay thế họ, các nhà đầu tư có thể mong đợi một giai đoạn tương đối bình lặng hơn trên chính trường Việt Nam trong hai năm tới. Mặc dù đấu đá chính trị sẽ tiếp diễn, đặc biệt là để giành các vị trí lãnh đạo được bầu vào năm 2026, nhưng Đảng có thể không muốn có thêm những thay đổi nhân sự cấp cao nữa. Nguyên nhân là Đảng cần một thời kỳ ổn định để tập trung chuẩn bị cho Đại hội 14, đặc biệt là về mặt nhân sự. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này, Đảng có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị thậm chí còn sâu rộng hơn trong vòng hai năm tới.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.

Related posts