Ngụy Kinh Sinh
Vấn đề cấu kết giữa tham quan và gian thương để trục lợi vốn dĩ đã là chuyện thông lệ trong lịch sử Trung Quốc, đa số dân chúng đều cảnh giác. Nhưng biết rõ thì sao? Câu trả lời là đã có chuyên chính của “giai cấp vô sản”! Cứ cưỡng chế [người dân] là xong – Một phiên bản bóc lột mới của chế độ Tập Cận Bình.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nền kinh tế của ĐCSTQ đang gặp khó khăn nghiêm trọng và bị suy yếu. Đặc biệt, cái gọi là sản xuất công nghiệp hướng về xuất khẩu hy vọng kiếm tiền nhanh ở thị trường nước ngoài là “cây không có rễ, nước không có nguồn”. Vận mệnh không chỉ nằm trong tay nước ngoài mà còn gây tổn hại đến hoạt động kinh tế của nước ngoài, là mô hình kinh tế không bền vững.
Nhiều người, trong đó có tôi, từ lâu đã cảnh báo rằng đây là mô hình kinh tế không bền vững, nhưng không thể đánh thức kẻ đang say – vì mô hình này giống như con nghiện ma túy, trong trường hợp con nghiện không muốn cai, thì người ta không có cách nào khác là phải dùng biện pháp cưỡng chế con nghiện. [Trong hoàn cảnh đó], họ giải thích do không có thị trường nội địa, nguy hại quá lớn từ sản xuất dư thừa… phải có biện pháp giải cứu!
Còn biện pháp gì nữa? Những kẻ điên cuồng về cơ sở hạ tầng đã rải tiền vào Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các nước nghèo không có tiền phải làm sao? Chỉ cần thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á để tiếp tục rải tiền. [Nước cờ] dùng Nga gây chiến tranh kiếm được bộn tiền bằng cách đào mồ chôn người, nhưng chưa đủ [hóa giải được sản lượng dư thừa]. Hiện nay nhiều ngành nghề như bất động sản, thiết bị điện… phá sản thua lỗ – một hiện tượng sụp đổ kinh tế chứ không phải khủng hoảng…
Bây giờ phải làm gì?
Bộ não thông minh của Tập hay những quân sư cố vấn đê tiện đã nghĩ ra một ý tưởng hay. Không có thị trường nước ngoài thì sao? Có thể mở cửa thị trường trong nước. Chẳng phải vài nghìn tệ mỗi người cho 1,4 tỷ người sẽ giải quyết được vấn đề lớn này sao? Lòng yêu nước không kiếm được tiền thì phải dùng đến biện pháp cưỡng bức. Các công cụ của chế độ độc tài đã không dùng thì bỏ không, nhưng đã dùng cũng tận dụng triệt để. Móc túi người nghèo để giúp người giàu giải quyết vấn đề của họ là một phiên bản mới của trò cướp bóc [ngược với phiên bản lấy của người giàu chia cho người nghèo].
Chính quyền trung ương đi đầu trong thủ đoạn vơ vét tước đoạt. Theo thông lệ của ĐCSTQ, chính quyền địa phương thường quán triệt theo trung ương, ngoài thể hiện tinh thần theo chỉ đạo còn là dịp tận dụng cơ hội để vơ vét, không phụ lòng tin tưởng của trung ương…, giống như việc luyện thép trong thời kỳ Đại nhảy vọt.
Người dân bình thường có nhiều tiền để tước đoạt không? Chắc chắn không. Đó là liên minh tham quan – gian thương tước đoạt của một bộ phận nhỏ tầng lớp trung lưu, sau khi tước được thì chúng trốn ra nước ngoài và ẩn danh.
Nhưng hiện nay, không chỉ tầng lớp trung lưu bị tước đoạt mà còn cả đại đa số người nghèo. Các chiến lược gia đầu chó đang để mắt đến hàng ngàn tỷ tiền gửi trong ngân hàng, nhưng phần lớn trong số đó không phải là tiền gửi của người nghèo mà chủ yếu là của các quan tham kém năng lực không thể chuyển tiền gửi ra nước ngoài. Một phần khác trong khoản tiền gửi là của người nghèo, là tiền mua bảo hiểm phòng rủi ro và điều trị y tế. An sinh xã hội và chăm sóc y tế của ĐCSTQ đang gặp khó khăn khi người dân bị bệnh hoặc gặp trường hợp khẩn cấp phải dựa vào tiền an sinh để duy trì. Những gì chúng đang tận thu không phải là tiền tăng thêm của tầng lớp trung lưu, mà là tiền phòng rủi ro của người nghèo. Người dân có thể chịu đựng được tình cảnh đó bao lâu?
Thực ra cũng có tiền lệ cướp của người nghèo chia cho người giàu vào thời nhà Minh. Khi đó quan lại các tỉnh Giang Nam nắm quyền điều hành chính quyền, để bảo vệ lợi ích, họ chuyển thuế cho các tỉnh nghèo phía bắc. Kết quả của việc tăng thuế là cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh. Thái giám Ngụy Trung Hiền chủ trương tăng thuế ở phía nam đến nay vẫn bị giới trí thức coi là gian thần. Viên Sùng Hoán chống ngoại tộc cai trị lại bị dân chúng căm hận, sau khi ông thọ hình trước cổng thành thì nhiều người đã tranh giành thân xác ông ăn tươi nuốt sống để thỏa nỗi thù hận.
Tập Cận Bình rất thông minh. Ông ta biết dù có tước đoạt của dân chúng thì họ cũng không dám nổi loạn. Dù có chặt đầu giai cấp tư sản thì họ cũng không dám nổi loạn. Nhưng phương pháp tước đoạt này thực chất là uống thuốc độc giải khát, vì khi người tiêu dùng trong nước ngày càng nghèo hơn, có nghĩa thị trường trong nước ngày càng bị thu hẹp. Trong trường hợp đó thì sản phẩm mới bán cho ai? Trong khi đó, các nước phát triển sẽ không thể để bị ức hiếp, không thể để cho nền kinh tế trong nước của họ bị [Trung Quốc] hủy hoại, [đặc biệt] người dân Mỹ có cho phép?
Ngụy Kinh Sinh