Các công ty luật vươn ra hải ngoại để trợ giúp chính sách ngoại giao của Trung Quốc

Mary Hong

Khách bộ hành băng qua đường trước các tòa nhà ở khu trung tâm thương mại tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/11/2021. Tình trạng suy thoái kinh tế rõ rệt của Trung Quốc trong nửa cuối năm đang thử thách khả năng ứng phó với khó khăn của chính sách ngân hàng trung ương và chia rẽ các nhà kinh tế về việc liệu có cần hành động tích cực hơn để tránh suy thoái sâu hơn hay không. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, các công ty luật hàng đầu của Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng ra hải ngoại cùng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của nước này.

Theo một bản tin của tờ Nikkei, hồi tháng 11/2023, công ty Luật Jingsh có trụ sở tại Bắc Kinh đã công bố kế hoạch thành lập ba văn phòng tại Bắc Hàn, Nam Hàn và Tokyo của Nhật Bản, trong nỗ lực xây dựng một nền tảng vững chắc tạo thuận tiện cho việc mở rộng của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế.

Ít nhất tám trong số các công ty luật lớn nhất của Trung Quốc đã mở văn phòng ở châu Á và Hoa Kỳ kể từ đầu năm 2023, với nhiều công ty khác đã dự trù việc mở rộng, tờ Financial Times đưa tin.

Hồi tháng Một năm nay (2024), Bộ Tư pháp Trung Quốc tiết lộ số lượng luật sư liên quan đến ngoại quốc đã vượt quá 12,000 người. Số lượng chi nhánh ở hải ngoại của các công ty luật Trung Quốc đã tăng từ 122 vào năm 2018 lên 180 vào năm 2022. Tính đến tháng 11/2023, số lượng luật sư ở Trung Quốc liên quan đến ngoại quốc đã tăng hơn 4,800 người so với năm 2018, tương đương với tốc độ tăng trưởng 67.8%.

Ông Vu Bình (Yu Ping), một học giả pháp lý Trung Quốc, cho biết các công ty luật và luật sư Trung Quốc “có tính định hướng thị trường cao, nên cơ cấu lợi nhuận và lý luận kinh doanh của họ khó có thể đồng hành cùng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Ông Vu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Trên thực tế, các luật sư Trung Quốc thậm chí có thể bị xem là địch thủ của ĐCSTQ.”

Trợ giúp BRI

Ông Cao (bí danh), một luật sư ở Nhật Bản, nói rằng việc các công ty luật Trung Quốc mở rộng ra hải ngoại dường như phù hợp với việc tuân thủ chiến lược bành trướng trên toàn cầu của chính quyền này.

Ông Cao nói với The Epoch Times rằng các nhà đầu tư Trung Quốc mạo hiểm ra hải ngoại thường gặp phải rào cản ngôn ngữ khi tìm kiếm trợ giúp pháp lý. “Dĩ nhiên họ sẽ tìm kiếm những luật sư người Trung Quốc có chuyên môn về luật ngoại quốc,” ông nói.

“Khi các công ty Trung Quốc đầu tư vào Nhật Bản, họ có thể yên tâm hơn khi thông qua tôi để tìm công ty luật Nhật Bản. Điều này tạo động lực cho các công ty luật Trung Quốc mở rộng ra hải ngoại.”

Ông Vu đồng thuận: “Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc ưu tiên sử dụng các công ty luật Trung Quốc hơn. Họ không muốn tiết lộ thông tin đầu tư của mình cho các công ty luật ngoại quốc, mặc dù các công ty luật quốc tế sẽ duy trì tính bảo mật. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại.”

Dựa trên số liệu thống kê chính thức do Bộ Thương mại Trung Quốc và các cơ quan khác công bố, đầu tư ra hải ngoại của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, hơn 70 quốc gia tham gia BRI của Trung Quốc mang đến cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc, theo China Briefing.

Trong tám tháng đầu năm 2023, đầu tư phi tài chính trực tiếp ra hải ngoại (ODI) của Trung Quốc vào các quốc gia BRI đạt tổng cộng 140.37 tỷ nhân dân tệ (19.20 tỷ USD), đánh dấu mức tăng đáng kể 22.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra hải ngoại giảm 8.8% vào năm 2022 so với năm trước đó. Bất chấp mức giảm tổng thể này, đầu tư vào châu Á (ngoại trừ Hồng Kông) vẫn ổn định ở mức 26.7 tỷ USD, ngang bằng với mức của năm trước đó.

Ông Vu cho biết đầu tư vào những thị trường thân thiện với Trung Quốc là một hoạt động phổ biến. Những khoản đầu tư như vậy mang lại một cơ hội thúc đẩy ảnh hưởng chính trị mà không gặp phải những rào cản pháp lý nghiêm ngặt. Những quốc gia này cũng thường bật đèn xanh. “Tất nhiên, vận hành theo cách này sẽ thuận tiện hơn, đây cũng là một thông lệ nhất quán của ĐCSTQ,” ông Vu nói.

Cuộc chiến pháp lý của ĐCSTQ

Kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Bắc Kinh đã kinh qua thời kỳ hội nhập với thế giới, thể hiện sự sẵn sàng tiếp thu các khái niệm pháp lý phương Tây. Các công ty luật Trung Quốc đã có nhiều cơ hội kinh doanh quốc tế hơn. Tuy nhiên, các hãng luật ngoại quốc có bề dày kinh nghiệm vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp.

Sau đó, ĐCSTQ bắt đầu tăng cường kiểm soát các khía cạnh khác nhau của hệ thống pháp luật.

Kể từ năm 2012, các luật sư bị buộc phải cam kết trung thành với ĐCSTQ khi tuyên thệ.

Vào tháng 01/2017, ông Chu, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, khẳng định rằng sự độc lập tư pháp là “ảnh hưởng sai lầm từ phương Tây.”

Tháng 09/2023, cơ quan ngôn luận Nhật báo Giải phóng của ĐCSTQ đưa tin Thượng Hải đang tích cực phát triển Trung tâm Trọng tài Châu Á-Thái Bình Dương và Trung tâm Dịch vụ Pháp lý Quốc tế Thượng Hải với định hướng toàn cầu.

Theo bài viết trên, Hiệp hội Luật sư Thượng Hải đã khởi xướng một chương trình đào tạo dài hạn cho các luật sư liên quan đến ngoại quốc được gọi là “Kế hoạch Định hướng,” đã đào tạo thành công 302 luật sư thành thạo kinh doanh quốc tế, các quy định, và kỹ năng đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Số lượng luật sư hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý ngoại quốc tại Thượng Hải hiện đã lên tới gần 3,500 người, chiếm 10% tổng số luật sư của thành phố này.

Trước đó vào năm 2019, Tân Hoa Xã 一 cơ quan ngôn luận của chính quyền này 一 cũng đưa tin rằng Shanghai Jin Mao Partners (Sở Luật sư sự vụ Kim Mậu Thượng Hải) đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty luật từ các quốc gia thành viên G20, các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và các quốc gia khối BRICS. Trung tâm Dịch vụ và Nghiên cứu Pháp lý BRI của công ty này đã phát triển 68 văn phòng trên khắp năm châu lục trong vòng ba năm.

“Sau khi BRI ra đời, ngành tư pháp vào cuộc ngay,” ông Vu cho biết.

Theo ông Vu, Hiệp hội Luật Trung Quốc và Hiệp hội Luật sư Trung Quốc dẫn đầu, chủ yếu nhằm trợ giúp các chính sách của chính quyền.

Chuyên gia pháp lý Đàm Diệu Nam (Tan Yao-Nan) nói với The Epoch Times rằng điểm khác biệt cốt lõi giữa ngành luật ở Trung Quốc và các ngành luật ở phương Tây nằm ở mối quan hệ của họ với chính phủ.

Ông nói: “Ở Trung Quốc, có các luật cho phép chính quyền quy định một cách hợp pháp các doanh nghiệp, kể cả các công ty ngoại quốc, phải tuân thủ các định hướng chính sách quốc gia. Những luật này có áp dụng cho các công ty luật không? Nếu như vậy thì điều này có mâu thuẫn với cam kết vốn có của ngành về bảo mật khách hàng không? Là một ngành đang phát triển trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng [ra thị trường quốc tế], các công ty luật Trung Quốc nên công khai làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, tôi chưa nhận được bất kỳ lời giải thích nào như vậy từ họ.”

Các địch thủ của Đảng

Ông Vu cho biết các công ty luật và luật sư Trung Quốc đã hoạt động lâu năm trong môi trường do thị trường định hướng, với đặc trưng là động cơ lợi nhuận và chiến lược kinh doanh vốn khiến họ giữ khoảng cách với ĐCSTQ.

Ông giải thích: “Nếu quý vị xem xét hoạt động nội bộ của các công ty luật Trung Quốc, quý vị sẽ nhận ra rằng họ thiếu khả năng và nguồn tài chính để thực hiện các dự án mang tính hệ tư tưởng được chính phủ tài trợ tại hải ngoại. Sự sống còn là mối quan tâm hàng đầu của họ, vì nguồn doanh thu của họ phụ thuộc vào khách hàng, chủ yếu tập trung vào công việc tuân thủ.”

Ông chỉ ra rằng các công ty luật nhà nước chỉ tồn tại từ những năm 1980. Ngày nay, các công ty luật hàng đầu của Trung Quốc đều là các đối tác tư nhân không nhận được tài trợ của chính phủ.

“Các công ty luật hoạt động khác với các tổ chức nhà nước vì họ thiếu sự lãnh đạo tập trung. Về căn bản, họ là những nhóm thực thể riêng lẻ, giống như một bao khoai tây, trông thì như một khối khi để cùng nhau nhưng lúc phân tán sẽ tách ra thành các thực thể riêng lẻ. Các quyết định kinh doanh trong các công ty luật được xác định thông qua các cuộc gặp gỡ đối tác, và điều gì dẫn dắt các quyết định này? Họ bị lợi ích dẫn động,” ông nói.

Ông không tin rằng có bằng chứng chắc chắn cho thấy các luật sư buộc phải tham gia BRI do áp lực từ chính quyền. Ông nói: “Nhiều đối tác trong các công ty luật nổi tiếng đã chọn không tham gia sáng kiến ​​này. Họ ưu tiên hoạt động kinh doanh liên quan đến tuân thủ, thường mang lại lợi nhuận cao hơn.”

Ông nhấn mạnh: “Quả thực nếu chúng ta quan sát kỹ, các luật sư có thể được coi là địch thủ của ĐCSTQ.”

“Họ không làm việc để phục vụ lợi ích của Đảng. Ở Trung Quốc, luật sư nằm trong số những người phản đối sự lãnh đạo của Đảng nhiều nhất. Do đó, ĐCSTQ xem các công ty luật là một mắt xích yếu và đã liên tục tìm cách đàn áp và kiểm soát họ trong nhiều năm qua,” ông cho hay.

Ông Vu lấy vụ đàn áp 709 năm 2015 làm ví dụ. Tháng 07/2015, chính quyền này đã tiến hành một cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động ở Trung Quốc. “Hàng trăm người trong số họ đã bị bắt cùng với gia đình họ,” ông nói.

Ông Albert Ho (ở giữa) thuộc Đảng Dân Chủ Hồng Kông đeo còng tay giả khi tham dự một cuộc biểu tình sau khi có ít nhất 50 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc bị giam giữ hoặc thẩm vấn những ngày trước đó trong một cuộc đột kích “chưa từng có” của cảnh sát. Tại Hồng Kông vào ngày 12/07/2015. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)
Ông Albert Ho (ở giữa) thuộc Đảng Dân Chủ Hồng Kông đeo còng tay giả khi tham dự một cuộc biểu tình sau khi có ít nhất 50 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc bị giam giữ hoặc thẩm vấn những ngày trước đó trong một cuộc đột kích “chưa từng có” của cảnh sát. Tại Hồng Kông vào ngày 12/07/2015. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)

Hơn nữa, các luật sư còn phải đối mặt với áp lực rất lớn khi đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân. “Mặc dù vậy, họ không có lựa chọn nào khác; sinh kế của họ phụ thuộc vào những vụ kiện này, và họ phải làm vì họ đang được trả tiền cho việc đó,” ông Vu nói.

Cô Mary Hong đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.

Hân Nhi biên dịch

Related posts