Trí Đạt
Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, một nhóm vận động hành lang kinh doanh châu Âu, cho biết trong “Khảo sát niềm tin kinh doanh” thường niên năm 2024 được công bố vào tin vào thứ Sáu (10/5) rằng tỷ lệ các công ty châu Âu coi Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu của họ đã hạ xuống mức thấp kỷ lục, và cảnh báo có thể mất nhiều năm để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc (European Union Chamber of Commerce in China) cho biết triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất trong 20 năm kể từ khi báo cáo được công bố. Hơn một phần tư (26%) số người được hỏi tỏ ra bi quan về tiềm năng tăng trưởng hiện tại, và 44% bi quan về triển vọng tương lai.
Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố, Mỹ lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc sau nhiều năm trong quý I năm nay và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ tháng Một đến tháng Ba năm nay; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Mỹ đạt 63 tỷ euro (khoảng 68 tỷ đô la Mỹ), trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ dưới 60 tỷ euro một chút. Trước đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 8 năm liên tiếp.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân và doanh nghiệp tự lực cánh sinh và yêu cầu các quan chức tiếp tục theo đuổi mô hình phát triển lấy lực sản xuất làm trung tâm, phát triển dựa vào nợ, ngay cả khi đối mặt với phản ứng dữ dội của phương Tây. Trong bối cảnh đó, các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc cảm thấy ít được chào đón hơn trước.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai (6/5) kêu gọi ông Tập Cận Bình đảm bảo thương mại cân bằng hơn với châu Âu, nhưng khi ở Paris, ông Tập Cận Bình cho thấy ít có dấu hiệu chuẩn bị đưa ra những nhượng bộ lớn. Ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA): “Ông Tập Cận Bình không tin rằng Trung Quốc có vấn đề dư thừa sản lượng. Ví dụ, ông ấy cho rằng lập trường của châu Âu về xe điện Trung Quốc là không hợp lý”.
Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: “Có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một số công ty châu Âu đang cô lập hoặc giảm quy mô kinh doanh tại Trung Quốc vì họ bắt đầu phải đối mặt với những thách thức ở đây (thị trường Trung Quốc) lớn hơn lợi ích.”
Ông Jens Eskelund nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng các nhà đầu tư chỉ có thể khôi phục niềm tin kinh doanh bằng cách nhìn thấy những hành động thực tế”.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, chỉ 13% công ty Châu Âu được khảo sát cho biết họ hiện coi Trung Quốc là điểm đến đầu tư chính, giảm từ mức 16% vào năm 2023 và thấp hơn nhiều so với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt zero-COVID mà Bắc Kinh vẫn thực hiện trong thời gian đại dịch; tỷ lệ này là 27% vào năm 2021 và 21% vào năm 2022, năm mà các hạn chế zero-COVID cuối cùng được dỡ bỏ.
Các thành viên của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc bao gồm các doanh nghiệp nổi tiếng như BASF, Maersk, Siemens và Volkswagen.
Ông Denis Depoux, đồng chủ tịch ủy ban quản lý toàn cầu của công ty tư vấn quản lý Roland Berger, cho biết: “Các công ty châu Âu phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng ở Trung Quốc, phần lớn là do những biến động kinh tế không ổn định và thiếu khả năng dự đoán trong định hướng chính sách”.
Các nhà phân tích cho rằng đại dịch và khủng hoảng bất động sản đã bộc lộ những hạn chế trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Và do sự mất cân bằng giữa đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc nghiêm trọng hơn Nhật Bản vào những năm 1980, nên nền kinh tế có thể chậm lại đến mức có cảm giác như đang suy thoái. Nhật Bản từng ở trong nền kinh tế bong bóng vào những năm 1980, sau đó rơi vào “thập kỷ mất mát” khi bong bóng vỡ.
Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu đang cảm thấy bị siết chặt, với số lượng báo cáo tăng trưởng doanh thu đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Đồng thời, gần 40% công ty châu Âu được khảo sát cho rằng suy thoái kinh tế của Trung Quốc là thách thức kinh doanh lớn nhất mà họ phải đối mặt, 15% cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là thách thức lớn nhất.
Cơ quan này cho biết: “Các doanh nghiệp (châu Âu) đang tiếp tục chuyển hướng các khoản đầu tư dự định ban đầu ở Trung Quốc sang các thị trường thay thế được coi là dễ dự đoán, đáng tin cậy và minh bạch hơn”, “Các quyết sách đầu tư được đưa ra theo chu kỳ và không phải là được đưa ra một cách tùy tiện, nên không thể đảo ngược chúng (những quyết định này) chỉ trong một sớm một chiều”.
Trí Đạt (theo Reuters)