Đỗ Kim Thêm
12-5-2024
Hàng năm, tổ chức WJP (World Justice Project: Dự Án Công Lý Thế Giới) thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá hơn 100 quốc gia trên thế giới để xếp hạng nước nào có “Chỉ số Thượng tôn Pháp luật” (Rule of Law Index: RLI) cao nhất. Năm 2023, tổ chức này cũng đã thực hiện các cuộc khảo sát ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Chỉ số mà WJP công bố dựa vào khảo sát của các chuyên gia và hộ gia đình. Số điểm trung bình của mỗi quốc gia dựa trên tám yếu tố: Hạn chế quyền lực của chính phủ, không tham nhũng, chính phủ cởi mở, quyền cơ bản, trật tự và an ninh, chấp pháp, tư pháp dân sự và hình sự.
Bằng phương pháp tổng hợp công phu và khoa học, chỉ số RLI do WJP công bố có giá trị hàng đầu thế giới, với các đặc điểm nguyên gốc và độc lập.
Chỉ số Thượng tôn Pháp luật của Việt Nam năm 2023
Theo WJP, Việt Nam bị xếp hạng 87 trong số 142 nước. Xếp hạng theo khu vực, Việt Nam hạng 11 trên 15 nước và theo thu nhập là 11 trong số 37 nước. Việt Nam đạt được 0,49 điểm trong tổng số 1 điểm.
Điểm số cụ thể của Việt Nam như sau:
1. Những biện pháp hạn chế quyền hành của chính phủ: 0,45 điểm
2. Không có tham nhũng: 0,42 điểm
3. Chính phủ mở: 0,45 điểm
4. Quyền cơ bản: 0,45 điểm
5. Trật tự và An ninh: 0,78 điểm
6. Chấp pháp: 0,44 điểm
7. Tư pháp dân sự: 0,45 điểm
8. Tư pháp hình sự: 0,46 điểm
Nhìn về tương lai toàn cảnh, chỉ số này tiên đoán hệ thống pháp quyền của Việt Nam sẽ ngày càng tồi tệ hơn, nhưng WJP không giải thích chi tiết.
Có lẽ người dân Việt bình thường không ngạc nhiên lắm về kết quả mà tổ chức WJP công bố, bởi những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam, họ có thể đoán trước được kết quả.
Về mặt lý thuyết, theo chủ thuyết chuyên chính vô sản, luật pháp là phương tiện bóc lột của giai cấp tư sản; do đó, đấu tranh bằng bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản mới là phương cách tốt đẹp để xoá bỏ luật pháp và đem đến công bình xã hội cho toàn dân.
Từ ngày Việt Nam mở cửa thị trường cho quốc tế tham gia đầu tư, đảng CSVN mới ý thức được rằng, muốn hội nhập quốc tế thành công, cải cách hệ thống luật lệ phải là biện pháp then chốt.
Dựa trên cơ sở này, Việt Nam cho ra đời khái niệm về Nhà nước Pháp quyền Xã Hội chủ nghĩa. Nhưng cho đến nay, dù với bao nỗ lực, Đảng củng không thể chứng minh được rằng Việt Nam có được một hệ thống luật pháp nghiêm minh, mà trên thực tế họ đã chứng minh ngược lại: Đảng luôn đứng trên và đứng ngoài luật pháp và không chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật.
Bằng chứng là, cho dù Hiến pháp là một bản văn có giá trị cao cả nhất nước, nhưng với Việt Nam, Hiến pháp chỉ là bản sao Nghị quyết của Đảng. Hơn nữa, Đảng và chính quyền luôn phủ nhận mọi ràng buộc trước pháp luật khi sai phạm, như lời tuyên bố của ông Mai Tiến Dũng khi ông ta còn giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Về mặt thực tế, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, gồm: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội… và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Thế nhưng, chính phủ Việt Nam chỉ ký mà không thực hiện. Bằng chứng là, Việt Nam liên tục bỏ tù nhiều nhà bất đồng chính kiến, cáo buộc họ với các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ luật Hình sự) và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331)… Những vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam ký, đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các trang mạng xã hội lên tiếng tố cáo.
Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng là một vấn đề nghiêm trọng mà từ lâu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt. Cuối cùng, Mỹ đã phải quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt “vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
Cụ thể là, có sự phân biệt giữa các nhóm tôn giáo được chính quyền công nhận và không công nhận. Hậu quả của vấn đề này làm cho các nhóm tôn giáo thuộc các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên không có cơ hội phát triển. Các Giáo hội hoạt động trong nước cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối về các biện pháp kiểm soát và đàn áp.
Về quyền lao động, đảng CSVN công khai kiểm soát các hoạt động của công đoàn lao động. Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh luật lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cố tình trì hoãn việc thực hiện Công ước số 98 của Liên Hiệp Quốc về quyền thương lượng tập thể đã được phê chuẩn năm 2019. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức, vẫn tiếp tục vi phạm quyền thương lượng tập thể và quyền tự do hiệp hội.
Đứng trước tình huống này, nhiều người hy vọng rằng Việt Nam sẽ cải cách hệ thống nhà nước pháp quyền. Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2023), Việt Nam long trọng cam kết với Liên Hiệp Quốc là họ sẽ tăng cường vai trò nhà nước pháp quyền và sẽ thực hiện vào cuối năm 2099. Lời cam kết này có nghiêm túc hay không, câu trả lời đã quá rõ.
Năm 2013, ông Trọng, người đứng đầu đảng CSVN từng thừa nhận rằng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa“! Mười năm sau, cuối năm 2023, Chính phủ Việt Nam cam kết với thế giới, rằng họ sẽ cải thiện nhân quyền vào cuối năm 2099!
Đối với quốc tế, lời cam kết không nghiêm túc này sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nhưng ở Việt Nam, chắc chắn một điều là tình trạng bất công xã hội sẽ còn xảy ra dài dài.
Nhưng bất công ở Việt Nam sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Chính trình độ nhận thức của toàn dân sẽ là yếu tố quyết định, dẫn đến sự thay đổi của chính quyền. Chỉ khi nào toàn dân Việt có ý thức về quyền dân tộc tự quyết và có khả năng đoàn kết để hành động, thì ngày đó sự thay đổi cho đất nước này may ra sẽ khởi đầu.
Nguồn: Tiếng Dân