Nguồn: Azriel Bermant, “How Iran’s Attack Could Change Israel’s Strategy”, Foreign Policy, 06/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Vụ tấn công tên lửa ngày 14 tháng 4 đã cho Israel thấy rằng nước này không thể tự mình đánh bại Iran.
Vào tháng 7 năm 2019, Israel và Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 ở Alaska. Với thái độ khoa trương quen thuộc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố các cuộc thử nghiệm “thành công ngoài sức tưởng tượng. … Hôm nay, Israel có khả năng chống lại các loại tên lửa đạn đạo phóng từ Iran hoặc từ bất kỳ nơi nào khác nhắm vào chúng ta”.
Gần năm năm sau, vào rạng sáng ngày 14 tháng 4, Iran đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel, sử dụng khoảng 120 tên lửa đạn đạo, 30 tên lửa hành trình và 170 drone – trong đó khoảng 99% đã bị bắn hạ. Chín tên lửa đã xuyên thủng hàng phòng thủ của Israel và tấn công hai căn cứ không quân, nhưng chỉ gây ra thiệt hại ở mức tối thiểu.
Thành công của Israel trong việc vô hiệu hóa cuộc tấn công của Iran là khoảnh khắc tốt lành hiếm hoi đối với đất nước này. Nó cho thấy hiệu quả độc đáo của hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp của Israel – bao gồm các hệ thống như Arrow 3, David’s Sling và Iron Dome – trong việc bắn hạ các tên lửa của Iran. Nó cũng trấn an người Israel rằng đất nước của họ có thể kêu gọi Mỹ, Anh, Pháp và Jordan giúp đỡ đánh chặn cuộc tấn công.
Cuộc tấn công ngày 14 tháng 4 có khả năng thay đổi hoàn toàn tính toán chiến lược của Israel. Nếu khả năng phòng thủ tên lửa của Israel thực sự tốt đến vậy – chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Mỹ – thì nó không chỉ giảm số thương vong tiềm ẩn của Israel mà còn cung cấp cho các nhà lãnh đạo thêm thời gian và sự linh hoạt để phản ứng. Phòng thủ hiệu quả có thể giảm bớt quy mô của bất kỳ hành động trả đũa nào – và thậm chí có thể loại bỏ hoàn toàn nhu cầu đáp trả – điều này sẽ giúp bảo vệ vị thế và tính hợp pháp quốc tế của Israel. Một Israel cảm thấy an toàn hơn cũng có thể cảm thấy ít áp lực hơn để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Iran, điều có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn.
Cuộc tấn công của Iran dường như cũng mang lại tính cấp bách mới cho nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác an ninh ở Trung Đông. Vào đầu tháng 5, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ và Ả Rập Saudi đã “rất gần” đạt được một thỏa thuận về an ninh và chia sẻ công nghệ, có thể bao gồm cả việc bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi-Israel.
Mối quan hệ đang phát triển của Israel với các nước láng giềng Ả Rập – và sự phụ thuộc của nó vào các nước này để giảm thiểu bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran, như ngày 14 tháng 4 cho thấy – sẽ có nhiều tác động lan truyền đến các chính sách của Israel, từ gia tăng áp lực để thỏa hiệp với người Palestine đến nhu cầu tham vấn các đồng minh nhiều hơn thay vì chỉ dựa vào năng lực hành động đơn phương.
Sự thay đổi trong tính toán của Israel dường như đã bắt đầu diễn ra. Ngay sau cuộc tấn công tên lửa của Iran, đã có áp lực mạnh mẽ trong nội bộ chính phủ Israel để tiến hành một cuộc phản công dữ dội và ngay lập tức. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của họ lại hối thúc Israel kiềm chế hoặc ít nhất là giảm bớt quy mô phản ứng quân sự.
Họ đưa ra một lý do thuyết phục: Israel đã giáng một đòn mạnh vào Iran vào ngày 1 tháng 4, khi họ tiêu diệt một số tướng lĩnh cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở Damascus. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã khuyên ông Netanyahu: “Ông đã giành được chiến thắng. Hãy chấp nhận chiến thắng đó”.
Mặc dù ban đầu nội các chiến tranh của thủ tướng Netanyahu đã phê duyệt một cuộc phản công lớn vào Iran, nhưng các kế hoạch đã bị thu hẹp lại. Cuộc tấn công cuối cùng, diễn ra năm ngày sau cuộc tấn công của Iran vào ngày 14 tháng 4, nhằm vào một căn cứ Không quân Iran gần Isfahan, Iran, gần các cơ sở liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng Israel đã không tấn công bất kỳ địa điểm chiến lược nào hoặc gây ra thiệt hại đáng kể. Thành công của Israel trong việc vô hiệu hóa cuộc tấn công tên lửa của Iran gần như chắc chắn đã làm giảm sức hấp dẫn của một cuộc trả đũa đơn phương mạnh mẽ nhằm vào Iran.
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Thủ tướng Israel khi đó là Yitzhak Shamir hiểu được giá trị của hợp tác và kiềm chế. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã xây dựng một liên minh rộng lớn để chống lại Iraq dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein sau khi nước này xâm lược và chiếm đóng Kuwait. Iraq đã bắn 40 tên lửa Scud vào các mục tiêu dân sự của Israel, giết chết hai thường dân và làm bị thương hàng trăm người, trong một nỗ lực cố tình kéo Israel vào Chiến tranh Vùng Vịnh và gây rạn nứt liên minh 42 quốc gia tham gia chống lại Saddam.
Mỹ đã kêu gọi Israel không trả đũa. Chính quyền Bush đã chuyển tên lửa Patriot cho Israel với niềm tin rằng chúng sẽ có tác động ổn định tình hình. Mặc dù Patriot không đặc biệt hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa Scud do Liên Xô sản xuất của Iraq, nhưng chúng đã đóng vai trò thuyết phục Shamir đứng ngoài cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu. Liên minh chống Iraq đã kiềm chân và đánh bại Saddam một cách dễ dàng. Netanyahu khi đó giữ chức thứ trưởng; Shamir được nhiều người coi là người đỡ đầu của ông ấy.
Năng lực phòng không của Israel ngày nay đã tốt hơn rất nhiều, nhưng liệu bằng đấy năng lực đã là đủ? Chỉ cần một tên lửa hạt nhân vượt qua lá chắn của Israel đã đả đủ gây ra hậu quả không thể tưởng tượng được. Hơn nữa, bằng cách tập trung vào việc ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào, Israel cũng có thể gửi một thông điệp tới các đối thủ rằng họ không còn dựa vào khả năng răn đe để ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy nữa. Việc quá phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã kết luận rằng không thể dựa vào răn đe hạt nhân để đảm bảo an ninh.
Điều đó có thể đã đúng: Iran đã không bị cản trở bởi khả năng hạt nhân giả định của Israel khi nước này tấn công vào tháng Tư. Cũng vào năm 1991, Israel đã cảnh báo người Iraq rằng sẽ có sự trả đũa ồ ạt đáp lại bất kỳ hình thức tấn công nào, tuy nhiên điều này không ngăn được Saddam phóng tên lửa.
Kể từ những năm đầu tồn tại của mình – đặc biệt là kết quả của nhiều cuộc chiến tranh nhằm xóa bỏ quốc gia này khỏi bản đồ – Israel đã tin rằng họ có quyền hành động đơn phương khi đối mặt với các mối đe dọa. Chính sách này được gọi là Học thuyết Begin, được đặt theo tên của Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Menachem Begin, người nổi tiếng đã ra lệnh ném bom lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq vào năm 1981. Năm 2007, Thủ tướng khi đó là Ehud Olmert đã cho phép một cuộc đột kích phá hủy cơ sở hạt nhân al-Kibar của Syria.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều câu hỏi về việc liệu Học thuyết Begin, vốn ủng hộ hành động đơn phương, có còn phù hợp ở hiện tại hay không. Các cơ sở hạt nhân của Iran được phân tán rộng rãi và nằm sâu dưới lòng đất, khiến chúng khó có thể bị phá hủy bởi một cuộc tấn công phủ đầu. Điều này đã được chiến lược gia người Anh Lawrence Freedman dự đoán trước trong một bài báo xuất bản năm 2003. “Niềm tin nhiệt thành vào hành động phủ đầu phản ánh mong muốn về một thế giới nơi các vấn đề có thể được giải quyết dứt điểm chỉ bằng những hành động táo bạo, kịp thời và dứt khoát.,” ông viết. “Những trường hợp này ngày nay rất ít có khả năng xảy ra”
Những bài học từ cuộc tấn công của Iran sẽ không thể chấp nhận được đối với những kẻ cực đoan trong chính phủ Israel và những người diều hâu trong cơ quan quốc phòng của nước này, những người tin rằng Israel chỉ có thể dựa vào chính mình. Việc Israel đánh chặn thành công đòn tấn công của Iran sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh khác, bao gồm cả các nước láng giềng và đối tác Ả Rập của Israel.
Cụ thể, Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, bao gồm cả việc kết nối Israel với hệ thống cảnh báo tên lửa toàn cầu của Mỹ. Sự phụ thuộc vào Mỹ, vốn đã được thể hiện trong cuộc tấn công vào tháng 4, có khả năng hạn chế không gian chính sách của bất cứ hành động quân sự đơn phương nào của Israel chống lại Iran, và nó nhấn mạnh tầm quan trọng hiện hữu của việc có các đồng minh, bao gồm cả các đồng minh ở Trung Đông.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn nếu Iran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện tham vọng phát triển và củng cố hệ thống phòng không và tên lửa trong khu vực tương tự như hệ thống chống tên lửa của NATO ở châu Âu để đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran và các đồng minh của nước này.
Israel coi Iran là kẻ thù nguy hiểm đang tìm cách tiêu diệt nước này. Các quốc gia vùng Vịnh, dù rõ ràng đang đối đầu chiến lược với Iran và các nước ủy nhiệm của Iran, vẫn muốn duy trì quan hệ với Tehran và tránh con đường xung đột mở, leo thang. Một Israel đơn phương leo thang chống lại Iran có thể gây nguy hiểm cho sự hợp tác giữa Israel và Ả Rập, vốn đã trở nên thiết yếu đối với an ninh của Israel.
Công chúng Israel dường như cũng ít mong muốn hành động đơn phương chống lại Iran. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây do Đại học Hebrew thực hiện, 74% người Israel được khảo sát phản đối việc Israel trả đũa Iran nếu điều đó làm tổn hại đến hợp tác an ninh với các đồng minh của Israel. Israel sẽ phạm sai lầm thảm khốc nếu coi nhẹ vai trò hỗ trợ của các đồng minh và bỏ qua tiềm năng phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia Ả Rập ôn hòa, bao gồm cả Ả Rập Saudi.
Vụ thảm sát do Hamas tiến hành vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 và cuộc tấn công của Iran vào ngày 14 tháng 4 đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: Israel không còn có thể chỉ dựa vào chính mình để giành chiến thắng trước kẻ thù.
Azriel Bermant là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Prague