Ai đang ‘đánh sập niềm tin của quần chúng Phật tử’?

Thái Hạo

14-5-2024

Một cán bộ Công an quỳ gối đọc thơ trước mặt nhà sư Thích Minh Tuệ. Ảnh trên mạng

1. Thời gian qua, hình ảnh một vị tu sĩ đầu trần chân đất, đi khất thực khắp Bắc Nam, không những đã khơi dậy những tình cảm và nhận thức tốt đẹp của đông đảo dân chúng và tín đồ đối với Phật giáo, mà còn khiến không ít người chẳng ngần ngại bộc lộ sự bực tức, ganh ghét và tấn công một cách dữ dội, điển hình như trang Phật giáo đời sống (1).

Trong hai ngày (12 và 13/5) trang này đã lên liên tiếp ba bài điên cuồng đánh ông Minh Tuệ. Do không có nhiều thời gian, tôi chỉ viết về bài thứ ba: “Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ” của tác giả Lý Diện Bích.

Ngay tiêu đề bài báo này, tác giả của nó đã công khai chụp mũ một cách thô thiển. Gọi “tăng đoàn Minh Tuệ” là một cách nhét chữ vào miệng người khác, dán lên trán họ một cái nhãn mà bản thân họ không hề thuộc về. Vì trên thực tế, không có cái gọi là “tăng đoàn Minh Tuệ”. Ông Minh Tuệ mặc áo vá, một mình ôm lõi nồi cơm điện và chân trần đi xin như thế đã 6 năm nay. Việc ông nổi lên trên truyền thông mới dạo gần đây là do các trang Tiktok và Youtube bốn phương tự ý đeo bám và tác nghiệp.

Ông Minh Tuệ, trong nhiều cuộc “phỏng vấn” bất đắc dĩ cũng đã luôn lặp lại rằng ông không phải sư, không phải thầy, ông không thuyết pháp gì cả, cũng không nhận ai làm đệ tử. Ông chỉ có một mình. Còn việc ngày càng có đông người đi theo ông thì đó là do ý muốn cá nhân của họ, ông không mời gọi cũng không có quyền xua đuổi, họ muốn đi thì cứ đi nhưng không phải là thầy trò hay đoàn thể gì hết. Họ đi được bao lâu thì đi, khi nào không đi được nữa thì tự bỏ cuộc.

Ông cũng nói là ông không “dìu” ai cả, vì ông dìu mình còn chưa xong! Tất cả các danh xưng như “thầy, sư” là do dân chúng tự ý để gọi ông, còn ông chỉ một mực xưng “con” với mọi người. Ông nói rằng ông chỉ là một công dân Việt Nam đang đi “tập học” theo lời Phật dạy.

2. Bài viết này còn nhân danh pháp luật để vu khống ông Minh Tuệ là “cái bẫy” là “âm mưu” để phá hoại Giáo hội Phật giáo Việt Nam và “văn hóa dân tộc”, và đòi hỏi “các cơ quan chức năng sớm vào cuộc” để xử lý ông.

Nói về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì nhà nước có quy định rõ ràng. Khoản 2, Điều 6 về Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quy định: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; THỰC HÀNH lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.

Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Theo đó, chúng ta thấy, ông Minh Tuệ chỉ đang thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Minh Tuệ cũng chỉ đang SINH HOẠT tôn giáo tín ngưỡng chứ không phải HOẠT ĐỘNG tôn giáo tín ngưỡng. Vì theo định nghĩa, “với tư cách cá nhân. Ông và cái đoàn người tự ý tự phát đi theo ông không phải là “Tổ chức tôn giáo”, vì theo định nghĩa Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”.

Ông đã luôn từ chối học trò, không nhận mình là sư là thầy, cũng khẳng định không có liên quan ràng buộc gì với những người đang đi theo ông. Nó chỉ giống như quyền tự do đi lại, và tình cờ mà gặp nhau, thế thôi. Luật nào cấm những người trên đường đi cùng nhau và nói chuyện với nhau?

Trong Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về “Các hành vi bị nghiêm cấm” (2) cũng không có chỗ nào cho thấy ông Minh Tuệ vi phạm. Trong điều này, duy chỉ có một điểm đáng bàn bạc, đó là mục a, khoản 4 “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường”. Ở đây có cụm từ “trật tự, an toàn xã hội”.

Đoàn người đi theo ông Minh Tuệ ngày một đông, chính tôi cũng đã cảnh báo ngay từ đầu rằng việc ấy vừa bất tiện cho ông vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn về an toàn giao thông, sức khỏe… Tuy nhiên, phải thấy rằng cái đoàn người đó không phải do ông kêu gọi, ông cũng không cổ vũ họ. Và ai cũng biết, ông lấy quyền gì mà xua đuổi họ. Họ đi là việc của họ, ông không liên quan và không quan tâm. Giữa ông và họ không có liên hệ gì.

Thế thì nếu có “mất trật tự” thì là lỗi ở cái đám đông ấy chứ không phải lỗi của ông. Nếu có một ca sĩ nổi tiếng dừng chân ở một bãi đất trống nào đó và bị fan phát hiện rồi vây kín, thì đó chắc chắn không thể đổ lỗi cho người ca sĩ. Ông Minh Tuệ cũng thế thôi.

Bài báo này còn nhân danh Phật giáo, nhân danh tăng đoàn, nhân danh giới luật và văn hóa để đấu tố ông Minh Tuệ và người dân. Viết “Từ một sư giả Minh Tuệ, được các Tiktoker, Youtuber, Facebooker, tung hô như Thánh Tăng, nhằm đánh sập niềm tin của quần chúng Phật tử vào các dịp quan trọng của Phật giáo, như Phật đản PL.2568 sắp tới, chia rẽ nội bộ tín đồ Phật giáo, theo hai xu hướng bảo vệ và lên án hiện tượng Minh Tuệ. Để đạt được ý đồ tiêu diệt Phật giáo của chúng. Chỉ cần cạo đầu, cầm nồi cơm điện, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, đi theo Minh Tuệ, không cần học uy nghi, giới luật và liên hệ đến GHPGVN, cũng có thể làm Thầy. Thế là cả tăng đoàn giả ra đời, để cứu nhân độ thế, bằng cách lạm dụng pháp tu khổ hạnh của nhà Phật”.

“Sư giả” là sao? Ông ta đâu có nhận mình là sư, trong khi mỗi người dân đều có quyền sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo như pháp luật đã quy định? “Lạm dụng pháp tu khổ hạnh” là thế nào và “lạm dụng” chỗ nào? Có điều gì trong thực hành của ông Minh Tuệ là không đúng với giới luật trong kinh Phật? Và xin tác giả Lý Diện Bích thử “lạm dụng” như thế một ngày thôi xem có làm nổi không?

Riêng về cái gọi là “đánh sập niềm tin của quần chúng Phật tử” hay “chia rẽ” nọ kia thì có lẽ không ai làm tốt hơn nhiều người mũ cao áo dài đang ngày ngày ngồi tòa cao thuyết giảng sai lệch giáo lý của Phật mà cả báo chí lẫn dân chúng đã phê phán lâu nay (trước cả khi ông Minh Tuệ xuất hiện rất lâu). Cũng không ai làm việc ấy tốt hơn là những vị “sư” mà dân chúng từ lâu đã phải cay đắng mà phong cho các danh hiệu như là “thích cúng dường”, “thích cúng nhà”, “thích chuyển khoản”, “thích hiến kế”. Ai làm mất niềm tin vào Phật giáo cho bằng chùa Ba Vàng hay những người như Thích Thanh Toàn, thưa Lý Diện Bích và trang Phật giáo Đời sống?

Tôi không biết chủ quản của trang Phật giáo Đời sống này là ai, thuộc cơ quan nào, nhưng tin và biết rằng, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có không ít những nhà sư chân chính cả âm thầm lẫn công khai thể hiện lòng yêu mến và sự tôn trọng đối với ông Minh Tuệ. Không nói đâu xa, khi ông Minh Tuệ đi khất thực ngang qua Thanh Hóa thì một sư cô đã đến quỳ lạy ông để thể hiện lòng tôn kính. Và cho đến hôm nay, có nhiều vị sư đã đăng đàn thể hiện tình cảm và lòng ngưỡng mộ ấy một cách không giấu giếm.

Thật lạ lùng, trong khi chính không ít những vị tu hành thuộc Giáo hội đang tán thán ông Minh Tuệ và mong muốn qua hình ảnh ông để hoằng truyền Phật pháp chân chính thì một trang nhân danh văn hóa và đạo pháp như “Phật giáo Đời sống” lại tỏ ra hằn học, xuyên tạc, chụp mũ, đấu tố, nhằm chia rẽ cộng đồng Phật tử, tấn công vào các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Nhân danh văn hóa và Phật giáo để ứng xử một cách hoàn toàn vắng mặt văn hóa và đạo pháp như thế, đó có phải mới đích thị là một cách phá hoại hay không?

_____

(1) https://phatgiaodoisong.vn/nghi-gi-ve-tang-doan-cua-minh-tue/

(2) Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx

TB: Nhân đây, tôi một lần nữa rất mong những người dân mến mộ ông Minh Tuệ hãy tôn trọng và giữ cho ông có sự riêng tư, không nên đi theo thành đoàn người đông đúc như đang diễn ra. Việc này đang có nguy cơ gây cho ông những phiền phức, rắc rối ngày càng hiển hiện, và sẽ thành lý do để những người thù ghét tạo cớ mà làm hại ông. Đồng thời quý vị cũng cần tôn trọng pháp luật, không thể tràn cả xuống lòng đường mà dàn hàng ngang như thế, rất nguy hiểm về an toàn giao thông. Nếu rủi, khi có tai nạn xảy ra rồi thì lúc đó mọi thứ sẽ phức tạp hơn ngàn lần.

______

Bình luận của Nhà nghiên cứu sử học Lê Nguyễn: “Mặc dù lấy một cái tên khá “què quặt” về mặt cấu trúc ngôn ngữ là “Phật giáo Đời sống”(!), song chủ nhân của trang này không phải là một tổ chức Phật giáo, dù chính thống hay phi chính thống, mà là một công ty cổ phần truyền thông văn hóa trụ sở đặt tại Hà Nội.

Vậy là đã rõ, mặc dầu sự xuất hiện của tu sĩ Thích Minh Tuệ kéo theo sự ngưỡng mộ có lúc lên đến cao trào của công chúng, và mặc dầu hiện tượng này đã gây ra sự đố kỵ của một vài nhà sư thuộc tổ chức Phật giáo chính thống, song đây chỉ là phản ứng cá nhân, đơn lẻ và yếu ớt của vài kẻ cảm thấy quyền lợi về vật chất và tinh thần của mình bị de đọa, chứ về mặt công khai, giáo hội Phật giáo chính thống chưa hề có một tuyên bố nào về sự kiện này. Và nếu có tuyên bố, thì hẳn là không ai chống báng lại hành động tu tập theo đúng Phật pháp của một cá nhân có đầy đủ quyền tự do về hoạt động tôn giáo theo đúng Hiến pháp và pháp luật.

Cộng đồng xã hội cần sáng suốt nhận ra và vạch trần âm mưu của những kẻ núp bóng Phật giáo để thỏa mãn các ý đồ đen tối của họ“.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts