Bình luận: Bắc Kinh chứng khoán hóa nợ xấu, tình hình thêm trầm trọng

Antonio Graceffo

Bình luận: Bắc Kinh chứng khoán hóa nợ xấu, tình hình thêm trầm trọng
Các tòa nhà cao tầng được phản chiếu trên cửa sổ của một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/5/2013. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Việc Bắc Kinh chứng khoán hóa nợ xấu gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Khi các khoản nợ xấu và khoản vay có vấn đề ngày càng gia tăng, Bắc Kinh chỉ đạo các ngân hàng chứng khoán hóa chúng. Điều này gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vốn có bắt nguồn từ việc các ngân hàng gộp các khoản nợ xấu thành chứng khoán và bán chúng cho các nhà đầu tư.

Các khoản nợ xấu (NPL – non-performing loans) – các khoản nợ mà người đi vay không có khả năng trả – có mức tăng đáng chú ý trong năm ngoái, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, nơi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,8% vào cuối năm 2022 lên 4,99% vào cuối năm 2023. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc chứng kiến nợ xấu từ thế chấp nhà ở tăng 9,6%. Sự gia tăng mạnh của nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đặc biệt đáng lo ngại do sự đóng góp đáng kể của bất động sản vào nền kinh tế, chiếm khoảng 20% nền kinh tế và hơn 1/4 số khoản cho vay do các ngân hàng lớn nắm giữ.

Tỷ lệ nợ xấu chung trên tất cả các ngành chỉ ở mức 1,6%, cao hơn một chút so với mức 1,4% của Hoa Kỳ, nhưng tương đương với nhiều nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hệ thống phân loại nợ của ngân hàng tại Trung Quốc che giấu mức độ thực sự của những rắc rối tiềm ẩn về vay nợ. Các khoản cho vay có vấn đề (special mention loans) được coi là rủi ro hơn các khoản cho vay tốt nhưng chưa được phân loại là nợ xấu. Ở các quốc gia khác, một số khoản vay có vấn đề này có thể được phân loại là nợ xấu do các tiêu chí chặt chẽ hơn. Sự khác biệt trong cách phân loại này dẫn đến một kịch bản trong đó nợ xấu được báo cáo của Trung Quốc có vẻ thấp hơn tình trạng thực tế. Nhóm các khoản vay có vấn đề ở Trung Quốc có thể là một kho chứa các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai, gây ra rủi ro lớn hơn cho hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng Trung Quốc kết thúc năm với 620 tỷ USD trong các khoản vay có vấn đề. Với các hướng dẫn mới về tính minh bạch được áp dụng, nhiều khoản vay có vấn đề này sẽ cần được phân loại lại thành nợ xấu, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Do đó, tỷ lệ tài sản xấu tổng hợp, bao gồm cả các khoản nợ xấu và các tài sản khác như bất động sản bị thu hồi, dự kiến sẽ đạt từ 5,5% đến 5,9%.

Sự gia tăng nợ xấu và các khoản vay có vấn đề có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc khiến người đi vay khó thanh toán nợ hơn, trong khi doanh số bán nhà yếu cản trở khả năng thu hồi vốn đầu tư của các nhà phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng và hôn nhân chậm trễ góp phần làm giảm doanh số bán nhà và chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm suy giảm hoạt động đầu tư và vay mượn của doanh nghiệp. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn do chính quyền trung ương áp đặt để kiểm soát mức nợ càng hạn chế khả năng tiếp cận khoản vay đối với một số người đi vay.

Sự tập trung đáng kể của nợ xấu và các khoản vay có vấn đề trong lĩnh vực bất động sản khiến rủi ro gia tăng đối với các ngân hàng Trung Quốc. Nếu người đi vay không trả được nợ và ngân hàng phải dùng biện pháp tịch thu tài sản thế chấp, các ngân hàng có thể phải gánh chịu thua lỗ trong bối cảnh thị trường suy thoái. Khi các khoản vay được thu hồi ở mức ít hơn, các ngân hàng có ít vốn hơn để cho vay. Các ngân hàng có thể trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay trong lĩnh vực bất động sản, hạn chế nguồn vốn cho các dự án phát triển mới. Điều này cũng có nghĩa là Bắc Kinh không thể sử dụng hoạt động phát triển bất động sản để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

Để đối phó với vấn đề, chính quyền trung ương đã chỉ đạo các ngân hàng chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.Việc chứng khoán hóa về cơ bản chia các khoản nợ xấu thành các loại rủi ro khác nhau (như rủi ro cao, trung bình và thấp). Chúng sau đó được đóng gói thành các công cụ tài chính và bán cho các nhà đầu tư. NPL có thể được chứng khoán hóa thành trái phiếu, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, nghĩa vụ nợ có thế chấp hoặc thậm chí là các công cụ phái sinh. Việc phát hành chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 40% trong năm nay, với việc những bên cho vay giảm bớt được gánh nặng từ các khoản thế chấp khó khăn, nợ thẻ tín dụng quá hạn và các khoản cho vay tiêu dùng gặp rắc rối.

Lợi ích của việc chứng khoán hóa là các ngân hàng có thể thu hồi một phần tiền mặt mà họ đã cho vay. Nó cũng phân phối rủi ro cho nhiều nhà đầu tư mua chứng khoán. Tuy nhiên, nó không loại bỏ được các khoản nợ xấu hoặc các vấn đề tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc, những điều đã khiến người đi vay vỡ nợ. Một mối lo ngại khác về chứng khoán hóa là nó làm trầm trọng thêm các vấn đề thiếu minh bạch hiện có trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Một khi các khoản nợ được chứng khoán hóa và bán, việc theo dõi và định lượng tỷ lệ nợ xấu hoặc rủi ro thực tế mà các ngân hàng đang đối mặt trở nên gần như không thể, cũng như việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình nền kinh tế dựa trên tỷ lệ phần trăm cá nhân không thể trả nợ.

Phân phối rủi ro có vẻ là một ý tưởng hay nhưng nó có thể dẫn đến sự lây lan. Chứng khoán được đảm bảo bằng nợ xấu có mức độ rủi ro cao do khả năng người đi vay vỡ nợ. Kịch bản này giống như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi mà các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp được tạo ra từ các khoản thế chấp dưới chuẩn – các khoản vay mua nhà được cấp cho những người đi vay không đủ khả năng chi trả. Những chứng khoán này sau đó được bán cho những nhà đầu tư đã đánh giá thấp những rủi ro liên quan.

Tại cuộc khủng hoảng đó, bong bóng thị trường nhà đất cuối cùng đã vỡ, khiến giá bất động sản sụt giảm. Do đó, số vụ vỡ nợ đối với các khoản thế chấp dưới chuẩn tăng mạnh, khiến giá trị chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp giảm mạnh. Bằng cách chứng khoán hóa các khoản thế chấp và bán chúng cho các nhà đầu tư, rủi ro được chuyển từ ngân hàng sang các khu vực khác của nền kinh tế, chẳng hạn như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ và các nhà đầu tư cá nhân, cả lớn và nhỏ.

Tóm lại, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang chậm lại. Điều này thể hiện rõ qua việc doanh số bán hàng tiêu dùng và nhà ở giảm sút, cũng như tình trạng vỡ nợ ngày càng tăng. Bất kể cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc giải quyết tỷ lệ nợ xấu trên giấy tờ như thế nào, các nguyên nhân cơ bản vẫn tồn tại, từ xuất khẩu và hoạt động nhà máy giảm sút đến khủng hoảng già hóa, bong bóng nợ và sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cố gắng che giấu bằng chứng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts