Sự an nguy của châu Âu trong bối cảnh mới

Đỗ Kim Thêm

17-5-2024

Ngay sau khi Putin tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine cách nay hơn hai năm, chính giới quốc tế và các chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu và Nga đã phân tích biến cố này theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều cuộc tranh luận xoay quanh các chủ điểm như Nga chiếm Ukraine để đe đoạ khối NATO, gây chiến với châu Âu và làm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba. Tất cả mọi lý giải đều mang ít nhiều thuyết phục.

Đến nay, cuộc chiến Ukraine bước vào năm thứ ba và các triển vọng chiến thắng của Nga trên chiến trường hay ký hoà ước trên bàn hoà đàm với Ukraine đều lâm vào cảnh bế tắc.

Trong mối quan hệ nồng ấm hơn của Nga với Trung Quốc và phức tạp hơn của Trung Quốc với châu Âu, mọi tiên liệu trước đây cần được xét lại cho phù hợp với bối cảnh mới.

Mối đe dọa của Nga

Trước đây, Putin cáo buộc các chính trị gia phương Tây đã nhận định sai lầm khi lo ngại rằng Nga sẽ mở một cuộc tấn công, vì họ dựa trên các nguồn tin sai lệch. Ngược lại, Putin cho rằng, chính phương Tây mới là mối đe dọa nghiêm trọng cho tình trạng an ninh của Nga.

Để đáp lại, phương Tây cố chứng minh Nga là mối nguy hiểm thực sự khi công khai đe dọa khối NATO và châu Âu. Dựa vào các biến chuyển lịch sử thời cận đại, các sử gia nhận định, Nga luôn mang ý định phá hủy trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh Lạnh và muốn có một trật tự thế giới mới do Nga lãnh đạo.

Bằng chứng cho thấy, Putin đã nhiều lần đưa ra lời tuyên bố minh định về quyền bá chủ châu Âu của Nga. Cụ thể là tháng 12/2021, Nga gửi tối hậu thư tới các quốc gia thuộc khối NATO, kêu gọi không nên thu nhận bất kỳ quốc gia nào làm thành viên cho liên minh, đặc biệt là Ukraine và Georgia.

Ngoài ra, Nga còn lên tiếng yêu cầu NATO rút khỏi tất cả các nước không thuộc NATO trước năm 1997, chủ yếu là các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây.

Về cơ bản, ý thức hệ hiện nay của Nga nhằm khôi phục Đế quốc Nga và chống phương Tây. Do đó, thực tế cho thấy Nga không phải hù dọa, mà sẵn sàng tiến hành chiến tranh để đạt được mục tiêu. Từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Putin cũng lên tiếng ngăn chặn phương Tây trong việc hỗ trợ cho Ukraine bằng cách đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, biến chuyển thuận lợi hơn cho Putin khi trong trường hợp Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ năm 2024 trở thành hiện thực và là mối lo ngại mới của châu Âu. Nếu Trump, vị tổng thống tân cử của Mỹ không thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ khối NATO, châu Âu phải lo việc sản xuất một loại bom hạt nhân “châu Âu” nhằm duy trì khả năng răn đe, chống lại Nga. Nhưng tinh thần hiếu hoà của dân chúng và sự phân hóa trong chính trường châu Âu là một trở ngại cho việc thực hiện dự án này.

Những nước lo lắng nhất

Dĩ nhiên, các nước có nhiều kinh nghiệm trực tiếp với Nga hiện nay hoặc Liên Xô trước đây, đã lên tiếng. Tất cả đang ở trong tình trạng báo động đỏ, đáng kể nhất là Ba Lan, các nước vùng Baltic, Cộng hòa Séc rồi lần lượt đến các nước khác.

Nhiều tiên lượng khác nhau cùng cho rằng, trong vòng 3 đến 5 năm tới, Nga có thể tấn công một quốc gia trong khối NATO và Ba Lan có thể là mục tiêu đầu tiên.

Một phán đoán khác dè dặt hơn khi lập luận rằng Nga cần có nhiều thời gian hơn để gia tăng khả năng quân sự, ước tính Nga cần từ 5-9 năm hoặc 6-9 năm mới có thể bắt đầu tấn công các nước này.

Mọi diễn biến có thể thay đổi, nhanh hoặc chậm hơn, vì tùy thuộc vào các hoạt động kinh tế của Nga nhằm phục vụ cho nhu cầu chiến tranh có phát triển hay không.

Nhưng trước mắt, Nga có thể phát động một chiến dịch tuyên truyền gây phân  hóa trong nội bộ của khối NATO và Liên Âu. Nga hy vọng là sự bất đồng chính kiến sẽ lan rộng và tình tình chín muồi sẽ có lợi cho Nga, thí dụ dân chúng châu Âu sẽ tranh cãi liệu Đức và Pháp có nên hy sinh nhân lực và tài lực cho quyền lợi của Lithuanian (Cộng hòa Liva) hay không. Tùy tình huống, Nga có thể sẽ phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tương tự như tại Ukraine.

Nhưng liệu Nga có khả năng tài trợ để duy trì chiến cuộc mới này trong bao lâu và vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có hỗ trợ gì không. Do đó, mối bang giao Trung Quốc và Nga cần được châu Âu quan tâm nhiều hơn.

Bang giao Trung Quốc và Nga

Putin đang thực hiện chuyến công du ra nước ngoài lần đầu tiên sau khi “tái đắc cử” và gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nguyên thủ quốc gia đã ký tuyên bố chung, nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Putin hãnh diện tuyên bố: “Mối quan hệ Nga-Trung đã đạt đến mức cao nhất và bất chấp tình hình toàn cầu khó khăn, chúng đang trở nên mạnh mẽ hơn”.

Thực vậy, Bắc Kinh là đối tác quan trọng nhất của Moscow về mặt kinh tế và chính trị. Trong khi phương Tây đáp trả cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt, thì Bắc Kinh chẳng những không lên án hành động xâm lược này, mà còn nhấn mạnh đến quan điểm trung lập và ủng hộ Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngay trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cả hai nước Nga – Trung đã đồng ý về một tình bạn “không biên giới”. Ông Tập, lại một lần nữa, hứa với Putin về sự hợp tác của Trung Quốc trong tình bạn cố hữu.

Moscow và Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để củng cố mối quan hệ đối tác và chia sẻ tham vọng nhằm cải cách trật tự toàn cầu và hình thành một đối trọng với Mỹ.

Dĩ nhiên, Putin quan tâm đến việc tăng cường liên minh để chống lại phương Tây. Sự đoàn kết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Putin xem đó là một cử chỉ để chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rằng Moscow không hề bị cô lập. Tuy tuyên bố là Bắc Kinh sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết tình hình Ukraine, nhưng không có bất kỳ thông tin cụ thể nào về sự hỗ trợ này.

Bang giao Trung Quốc châu Âu

Chuyến đi châu Âu gần đây của ông Tập tới Pháp, Hungary và Serbia cũng là một yếu tố mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi. Dù Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm thành công tốt đẹp, nhưng không có một tiến triển nào về chủ đề chiến tranh Ukraine đạt được ở Paris, Budapest hay Belgrade. Châu Âu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tuyên bố của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với quân đội Nga. Đồng thời, Nga đang mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, bao gồm cả việc sản xuất tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Nga có gây chiến với NATO không?

Hầu hết các chuyên gia có một nhận định chung là, Nga sẵn sàng gây chiến vì có tham vọng đế quốc và muốn khôi phục quyền lực trong quá khứ.

Về mặt quân sự, Nga hiện đang bị ràng buộc ở Ukraine. Nhưng khi nào chiến cuộc kết thúc do hoà ước hoặc vì bên này hay bên kia chiến thắng, bất kể kết quả đó là gì, thì Nga vẫn tiếp tục phát triển nền kinh tế nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến tranh của mình, với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Đó là những điều mà giới quan sát có thể nhận ra qua mức gia tăng sản xuất xe tăng, tên lửa… của Nga. Nhưng thực tế mà Nga không thể che giấu là phải chuyển hướng về nhu cầu nhân sự vì mức tổn thất binh sĩ trong cuộc chiến Ukraine rất nặng nề, nên Nga cần được huy động thêm binh sĩ.

Sự cân bằng quyền lực giữa NATO và Nga

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách Nga đầu tư 16% công chi cho quân đội, đó là gần 6% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khối NATO đã có nhiều tranh chấp về công chi quốc phòng, vì một số quốc gia thành viên không chi được mức 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng như đã thỏa thuận, chủ đề mà Donald Trump đã từng lên tiếng gay gắt trước đây.

Về cơ bản, khối NATO, với tổng số 3,3 triệu binh sĩ tại ngũ, có vị thế tốt hơn quân đội Nga, đặc biệt là trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, Nga đang bị tổn thất hàng trăm ngàn trong số khoảng 1,2 triệu binh sĩ.

Về trang bị vũ khí, Nga cũng gặp khó khăn tương tự như vậy. Trong chiến tranh Ukraine, Nga mất khoảng 3.000 xe tăng chiến đấu, hàng ngàn xe bọc thép, hơn 100 máy bay chiến đấu và một phần đáng kể của Hạm đội Biển Đen. Đó là những tổn thất nặng nề mà Nga phải mất nhiều năm mới có thể bù đắp được, ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ.

Về quân đội Đức, nhìn chung, được đánh giá là trang bị tốt, nhưng còn cần phải được cải thiện. Tuy nhiên, không thể nói là bị hỏng hoàn toàn như các cáo buộc, mà bằng chứng là Đức hiện nay có ngân sách quân sự lớn đứng vào hàng thứ bảy trên thế giới.

Tất nhiên, trang bị quốc phòng Đức có nhiều thiếu sót mà quân đội ở nhiều nước khác cũng có cùng một tệ trạng.

Khả năng phòng chống của NATO

Nhìn tổng thể, trước sự bành trướng của Nga, các nước trong khối NATO muốn tái vũ trang với một quy mô lớn và phô trương uy thế. Các cuộc diễn tập khắp nơi cũng nhằm mục đích duy trì và nâng cao khả năng phòng thủ của NATO.

Ngoài ra, cùng với Mỹ, khối NATO và các nước Liên Âu cùng hỗ trợ tài chính và quân viện cho Ukraine. Sức mạnh của quân NATO hiện nay đang được mở rộng ở sườn phía đông và quân đội Đức cũng tham gia chương trình Đông tiến này.

Quân đội Đức cũng có biện pháp riêng nhằm chống Nga mang tên “Kế hoạch hoạt động của Đức”. Dự án này nhằm tái phối trí việc cung cấp nhân lực cho quân đội NATO và bảo vệ lãnh thổ.

Một trong số các biện pháp mới này là “trung đoàn an ninh nội địa” sẽ được thiết lập. Trung đoàn này có mục đích ưu tiên là bảo vệ các cơ sở hạ tầng và dân chúng Đức trong trường hợp bị Nga tấn công. Theo kế hoạch, binh sĩ chính quy Đức phải lo tập trung chiến đấu ở sườn phía đông của liên minh NATO, nên sẽ không thể bảo đảm thỏa đáng các nhu cầu nội địa của Đức.

Đức đã bị tấn công như thế nào?

André Bodemann, Trung tướng Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh lãnh thổ Đức lo ngại rằng, hiện nay Đức đang trong “giai đoạn mà chúng ta chưa có chiến tranh, thậm chí chưa có về mặt pháp lý, nhưng chúng ta đã không có hòa bình trong một thời gian dài vì bị đe dọa hằng ngày”.

Bodemann nêu ra bốn loại hành vi gây hấn mà hiện nay Đức đang phải đối phó: Tấn công trên mạng, thông tin sai lệch có chủ đích (đặc biệt từ mạng xã hội), hoạt động gián điệp (ví dụ: Do tàu gián điệp của Nga ở Biển Baltic) và phá hoại.

Ví dụ cụ thể là các cuộc tấn công vào tuyến đường sắt và khoan đường ống LNG. Nhưng không phải trong trường hợp tấn công nào cũng có thể chứng minh dễ dàng rằng có sự tham gia trực tiếp của Nga.

Kết luận

Cuối cùng, trong khi các chuyên gia cho biết, Nga cần thời gian từ 5-9 năm hoặc 6-9 năm để tấn công, thì lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức Boris Pistorius (SPD) là nghiêm túc nhất: Đức phải “sẵn sàng để đối phó với chiến tranh”.

Mối an nguy của châu Âu có phần phức tạp hơn vì còn tuỳ thuộc quá nhiều yếu tố khó đoán: Diễn tiến chiến cuộc Ukraine, bầu cử tổng thống Mỹ, sự phát triển của nền kinh tế phục vụ cho chiến tranh của Nga và mối bang giao Nga – Trung.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts