Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD tiền tài trợ từ nước ngoài trong vòng ba năm qua, và còn có thể mất thêm 1 tỷ USD do thực tế hành chính bị tê liệt.
Reuters loan tin độc quyền ngày 17/5 dẫn nguồn từ văn thư của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ nước ngoài gửi cho Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Phạm Minh Chính mà hãng này đọc được.
Thư do các đại diện của LHQ, WB tại Việt Nam ký và thêm 18 đại sứ các nước ở Hà Nội cùng tham gia; trong đó có đại sứ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản…
Thư nêu rõ chừng 1 tỷ USD quỹ phát triển đang chờ được duyệt chuẩn thuận, và 2,5 tỷ USD phải trả lại do hết hạn tài trợ. Số liệu này tương đương gần 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam.
Nguồn tài trợ hết hạn có thể làm chậm các dự án cần thiết như nâng cấp cơ sở hạ tầng…
Công cuộc chống tham nhũng được mệnh danh “đốt lò” do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang tạo ra một dạng “tê liệt” vì giới chức trách chậm hoặc không dám phê duyệt do sợ phạm phải những quy định phức tạp, rối rắm hiện nay.
Việt Nam đã đưa ra những cam kết đáng kể về việc giảm sử dụng than để đổi lấy nguồn tài trợ khí hậu của phương Tây, nhưng một năm rưỡi sau khi thỏa thuận với các quốc gia Nhóm Bảy (G7) được công bố, vẫn chưa có khoản vốn nào được giải ngân, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu than để tránh tình trạng thiếu điện ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau nhiều yêu cầu từ các nhà tài trợ, chính phủ đã thành lập một nhóm làm việc về vấn đề này và chỉ đạo các quan chức xem xét một số quy định cản trở việc tiếp cận nguồn vốn, một quan chức nước ngoài tham gia thảo luận nói với Reuters và lưu ý rằng không có thời hạn nào được ấn định để hoàn tất quy trình.
Lưới điện, cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước, được coi là cần nâng cấp và có sẵn một lượng lớn vốn nước ngoài để thực hiện công việc này. Tuy nhiên, các quy định hiện hành ngăn cản nhà điều hành mạng thuộc sở hữu nhà nước tiếp cận số tiền đó ít nhất cho đến năm 2027 vì vấn đề tài chính, quan chức này cho biết như một ví dụ về sự bế tắc.
Sự thất vọng của các nhà tài trợ dẫn tới những quyết định có thể cắt giảm viện trợ cho Việt Nam trong tương lai.
Ví dụ, Ngân hàng Thế giới cho biết họ sẽ sáp nhập văn phòng Hà Nội từ tháng 7 với các hoạt động ở Campuchia và Lào để nâng cao “hiệu quả quản lý”, một động thái có thể dẫn đến sự thay đổi trọng tâm.
Các quan chức Việt Nam đã kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài giảm chi phí sử dụng vốn của họ, phần lớn đến từ các khoản vay, thường theo giá thị trường. Nhưng nước này cũng đã bị mất số tiền tài trợ lớn, các quan chức phương Tây cho biết.
Khánh Vy (t/h)