Nhà báo công dân đưa tin về COVID-19 tại Vũ Hán thời đầu dịch bệnh bùng phát, cô Trương Triển (Zhang Zhan), vẫn chưa liên hệ được sau khi mãn hạn tù, khiến nhiều người lo lắng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vụ việc này.
Theo tuyên bố hôm thứ Năm (16/5), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quan ngại sâu sắc trước các thông tin cho rằng cô Trương Triển, một nhà báo công dân Trung Quốc bị bỏ tù 4 năm vì đưa tin về dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), dự kiến sẽ được thả khỏi Nhà tù Nữ Thượng Hải vào ngày 13/5 nhưng lại mất liên lạc.
Tuyên bố có đoạn, Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) giam giữ và ngược đãi cô Trương một cách tùy tiện. Hoa Kỳ nhắc lại rằng Trung Quốc nên tôn trọng nhân quyền của cô Trương Triển, và ngay lập tức chấm dứt các hạn chế như giám sát, thẩm tra, sách nhiễu và đe dọa đối với cô và tất cả các nhà báo Trung Quốc.
Tuyên bố nhấn mạnh, các nhà báo của Trung Quốc phải được đưa tin tự do trong sự an toàn.
Cô Trương Triển, 40 tuổi, là một luật sư chuyển sang làm nhà báo công dân. Cô bị giam giữ vào tháng 5/2020 sau khi đến Vũ Hán đưa tin về giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Các video và bài đăng trên mạng xã hội của cô đã thu hút sự chú ý đến việc Chính phủ Trung Quốc đàn áp thông tin về sự lây lan của dịch bệnh lúc bấy giờ, cũng như các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt của nước này.
Tháng 12/2020, “Tòa án nhân dân” Phố Đông, Thượng Hải đã kết án cô 4 năm tù vì tội “gây gổ và gây rối”, khiến Trương Triển trở thành người đầu tiên ở Trung Quốc bị kết án tù vì đưa tin về COVID-19.
Trong những ngày đầu bị giam cầm, cô nhất quyết tuyệt thực phản đối, khiến sức khỏe sa sút đến mức lâm bệnh nặng.
Bản án của cô đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích rộng rãi. “Phóng viên Không Biên giới” (RSF), tổ chức cam kết bảo vệ quyền của các nhà báo trên toàn thế giới, đã trao Giải thưởng Dũng cảm Tự do Báo chí năm 2021 cho Trương Triển, để ghi nhận việc cô đưa tin trực tiếp về dịch viêm phổi Vũ Hán thông qua mạng xã hội, bất chấp các mối đe dọa từ ĐCSTQ trong những ngày đầu của đại dịch.
Báo cáo ca ngợi, cô là nguồn thông tin độc lập lớn về dịch bệnh Vũ Hán vào thời điểm đó.
Cô Trương Triển bị giam trong Nhà tù nữ Thượng Hải trong nhiều năm. Ban đầu dự kiến cô sẽ được thả vào thứ Hai (13/5), nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu cô ấy có được thả hay không và tình trạng hiện giờ ra sao.
Trong tuần này, nhà hoạt động nhân quyền Thượng Hải cô Thẩm Diễm Thu (Shen Yanqiu), người đã theo dõi cô Trương Triển trong một thời gian dài, nói với VOA rằng cảnh sát an ninh quốc gia Thượng Hải không chỉ cấm cô đón cô Trương Triển ra khỏi tù, mà còn cảnh báo cô không được nhận các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông.
Kết quả là kế hoạch ban đầu của cô Thẩm Diễm Thu là đi cùng mẹ của cô Trương Triển đến nhà tù đón buộc phải hủy bỏ. Người thân và bạn bè của cô Trương Triển đang chịu áp lực rất lớn từ chính quyền. Các cuộc gọi của giới truyền thông tới Nhà tù nữ Thượng Hải vào thứ Ba (14/5) và thứ Tư (15/5) đều không thành công.
Cô Aleksandra Bielakowska, chuyên gia vận động của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới ở Đài Bắc, cho biết cô lo lắng rằng cô Trương Triển sẽ không bao giờ thực sự được ra tù.
Cô nói rằng chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ hạn chế phổ biến thông tin về cô Trương Triển, mà còn cấm những người có liên quan nhận bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, nhằm đảm bảo rằng cộng đồng quốc tế không thể duy trì liên lạc, cập nhật hoặc thảo luận về tình hình của cô Trương Triển sau này.
Một cựu luật sư của Trương Triển nói với tờ The Guardian của Anh rằng cô có thể đã được “đưa đi nghỉ dưỡng”. Đây là một cách nói giảm nói tránh của cảnh sát Trung Quốc khi buộc những người “gây rắc rối” phải “đi theo những hành trình có người hộ tống để giám sát họ”.
Luật sư này cho biết, có hai kết quả có thể xảy ra khi cô Trương được thả tự do: “Hoặc là cô ấy sẽ được gửi về nhà, hoặc là cô ấy sẽ bị đưa đi đâu đó ‘giam lỏng’ trong khoảng từ 1 – 3 tháng …; theo kinh nghiệm của tôi với những người được gọi là nhạy cảm, sẽ có một khoảng thời gian họ không được phép tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ không được phép di chuyển đi đâu đó.”
Luật sư này nói: “Mọi người đang theo dõi và cố gắng hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì”.
Hôm thứ Hai (13/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từ chối bình luận về việc cô Trương Triển đã được thả hay chưa, nói rằng không có “thông tin liên quan” về vấn đề này.
Nhiều nhà báo công dân khác cũng bị ĐCSTQ kết án nặng vì đưa tin về dịch bệnh. Ngày 14/1/2020, cô Hứa Na, một học viên Pháp Luân Công, đã bị chính quyền ĐCSTQ kết án phi pháp 8 năm tù, vì cung cấp thông tin dịch COVID-19 tại Bắc Kinh ra nước ngoài.
Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2024 do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc đứng thứ 173 trong số 180 quốc gia và khu vực.
Số nhà báo bị ĐCSTQ cầm tù vẫn đứng đầu thế giới, với 119 nhà báo, trong đó có 10 nhà báo Hồng Kông. Tổ chức này cho biết, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ thông tin.
Bình Minh (t/h)