Nguồn: Baijiahao, Baidu, ngày 16/04 và 17/04/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Tháng 5 năm ngoái, Campuchia đã đề nghị Trung Quốc tài trợ cho Dự án kênh đào Phù Nam Techo của nước này. Dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này có mức chi phí 1,7 tỷ USD và có tổng chiều dài 180 km. Mục đích chính của nó là cải thiện giao thông vận tải ở khu vực thủ đô Phnom Penh. Kênh đào này bắt đầu từ sông Basak (sông Hậu), một nhánh của sông Mê Kông, và kết thúc ở tỉnh Kampot ở phía Nam Campuchia. Nó đi qua bốn tỉnh của Campuchia gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, qua đó đem lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người.
Sông Mê Kông là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù sông Mê Kông chảy qua Campuchia nhưng nó không đóng vai trò lớn trong giao thông vận tải và hậu cần kinh tế của nước này, bởi tất cả các cửa ra của hạ lưu sông đều nằm ở Việt Nam. Tuy giáp biển nhưng Campuchia không có con sông lớn nào dẫn thẳng ra biển. 33% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia phải đi qua hạ lưu sông Mê Kông ở Việt Nam, điều này buộc họ phải chi trả cho Việt Nam một khoản phí quá cảnh tương đối lớn. Hơn nữa, chi phí vận chuyển và lệ phí thông quan của nước này cũng cao hơn Việt Nam gấp mấy lần. Bởi vậy, Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến Campuchia và có thể nói rằng ở một mức độ nào đó, Việt Nam nắm trong tay huyết mạch kinh tế của Campuchia.
Do đó, Dự án kênh đào Phù Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Campuchia. Việc xây dựng kênh đào sẽ kết nối trực tiếp thủ đô Phnom Penh với cửa biển ở phía Nam Campuchia. Theo kế hoạch, dự án này cho phép hai tàu chở hàng 3.000 tấn đi qua cùng một lúc. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả vận chuyển của cảng Phnom Penh và làm giảm chi phí hậu cần mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực dọc tuyến. Sau khi dự án này hoàn thành, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia phải đi qua ngõ sông Mê Kông của Việt Nam sẽ giảm xuống 10%, điều này sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng có kế hoạch thành lập các đặc khu kinh tế xung quanh kênh đào để tạo thêm cơ hội việc làm và nâng cao mức độ đô thị hóa.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo được coi là sáng kiến chiến lược quan trọng của Chính phủ Campuchia. Kể từ khi con trai Hun Sen là Hun Manet lên nắm quyền Thủ tướng, dự án này càng được chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Một trong những lý do khiến Hun Sen xúc tiến dự án kênh đào Techo trước khi rời nhiệm kỳ là bởi ông hy vọng nó sẽ củng cố địa vị chính trị của con trai mình ở Campuchia. Điều đáng nói, cái tên “Phù Nam Techo” do chính Hun Sen đặt, nó tượng trưng cho vinh quang lịch sử và sức mạnh quốc gia của Campuchia.
Thông tin từ Internet cho thấy, “Techo” thực chất là phiên âm của một từ có nghĩa là “đô đốc quân sự cấp cao nhất canh giữ một phương” trong tiếng Khmer, tương tự như “Đại thống đốc” thời Trung Quốc cổ đại. Danh từ này có thể bắt nguồn từ hai vị danh tướng sống dưới thời Oudong của Khmer cổ vào thế kỷ 17 – Techo Meas và môn đệ của mình là Techo Yot. Họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ Khmer và chống thù trong giặc ngoài. Hai vị danh tướng này có danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử Campuchia và đến nay vẫn có thể chiêm ngưỡng bức tượng đồng được người dân Campuchia dựng lên để tôn vinh họ tại Bến tàu Sisowath ở Phnom Penh.
Cái tên “Phù Nam” cũng khá quen thuộc trong thư tịch cổ Trung Quốc, nó được nhắc đến lần đầu tiên để chỉ một vương quốc cổ nằm ở bán đảo Đông Dương vào thời cổ đại. Lãnh thổ của vương quốc này trải dài ở một số khu vực của Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan ngày nay.
Ý nghĩa lịch sử của hai từ “Techo” và “Phù Nam” cho thấy, Hun Sen không đặt tên cho dự án kênh đào này một cách ngẫu hứng. Ở một góc độ nào đó, ý nghĩa của hai từ này cũng thể hiện chức năng quan trọng của kênh đào Phù Nam Techo đối với Campuchia: Đảm bảo an toàn giao thông ở Phnom Penh, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam và giúp Campuchia khôi phục lại ánh hào quang trong quá khứ.
Hun Sen lựa chọn giao quyền điều hành kênh đào Techo cho công ty Trung Quốc, với mong muốn quyền điều hành sẽ được trao trả cho chính phủ và người dân Campuchia sau 40 đến 50 năm nữa. Hành động này có nghĩa rằng, Campuchia sẽ được hưởng lợi từ nó, chứ không phụ thuộc vào khoản vay của Trung Quốc.
Mặt khác, dự án này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc. Sau khi dự án hoàn thành, Trung Quốc có thể đi thẳng từ sông Lancang tới sông Mê Kông để đến Thái Lan và Malaysia mà không cần qua Việt Nam, đồng nghĩa với việc vùng nội địa ở Tây Nam Trung Quốc sẽ có thêm một cửa ngõ trực tiếp đi ra biển, điều này cũng giúp bảo vệ sự an toàn của tàu buôn Trung Quốc trên tuyến đường thủy Malacca, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác.
Campuchia không có đủ tiềm lực kinh tế nên đã tìm đến Trung Quốc, phía Trung Quốc đồng ý vì đó là vấn đề đôi bên cùng có lợi. Người Campuchia tin rằng, dự án này sẽ khiến Campuchia không còn phải phụ thuộc vào kẻ khác nữa, “kẻ khác” ở đây là Việt Nam. Ngay sau khi được công bố, dự án kênh đào giữa Trung Quốc và Campuchia đã vấp phải sự hoài nghi từ mọi phía. Người Việt Nam không mấy lạc quan về điều này, bởi sự vận hành của kênh đào Phù Nam sẽ làm giảm cơ hội vận chuyển hàng hóa từ Phnom Penh và khiến họ mất đi một lượng lớn phí quá cảnh. Phía Việt Nam đã đề xuất phương án xây đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh nhưng Campuchia không đồng ý. Bên cạnh đó, Mỹ đã phóng đại rằng Trung Quốc sẽ triển khai căn cứ quân sự ở Campuchia và cũng đang cố gắng gieo rắc mối bất hòa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thông tin về việc Trung Quốc muốn triển khai căn cứ quân sự ở Campuchia đã kích thích sự nhạy cảm của Việt Nam. Nước này đã đồng thời yêu cầu cả Trung Quốc và Campuchia cung cấp toàn bộ thông tin xây dựng của dự án, qua đó đánh giá xem liệu nó có gây thiệt hại cho hệ sinh thái sông Mê Kông hay không, và Việt Nam sẽ chỉ tán thành nếu dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Phải nói rằng đây là một yêu cầu vô lý. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia không liên quan đến nước thứ ba, và hai nước này không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin xây dựng. Mặc dù gần đây, Việt Nam thường xuyên đến thăm Trung Quốc và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc trong việc xây dựng các dự án đường sắt cao tốc, nhưng Việt Nam và Mỹ cũng có mối quan hệ thân thiết, Mỹ vẫn luôn lôi kéo Việt Nam và các nước ASEAN để tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ASEAN. Bộ Thương mại Mỹ đang thảo luận về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và tăng cường hợp tác với Việt Nam. Vì vậy, khó có thể khẳng định liệu trong tương lai Việt Nam có bị lôi kéo vào cuộc chiến bởi những khoản lợi nhuận của Mỹ hay không.
Mới đây, hai tàu chiến Trung Quốc đã tới Campuchia để tham gia cuộc tập trận chung “Rồng vàng 2024” diễn ra vào từ giữa đến cuối tháng 5. Đây là cuộc tập trận chung thứ sáu giữa hai nước, nó đương nhiên không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng ngoài việc tăng cường sự hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nước, đây cũng được coi là một cú phản kích đối với những yêu cầu từ phía Việt Nam.
Ngay từ tháng 12 năm ngoái, hai tàu Type 056A của Trung Quốc đã tới Campuchia để tham gia cuộc tập trận chung Trung Quốc-Campuchia. Tuy nhiên vào thời điểm đó, hai tàu Type 056A này không về nước mà vẫn neo đậu tại căn cứ hải quân Campuchia. Lần này, Trung Quốc tiếp tục cử đi hai tàu chiến, nâng số chiến hạm có mặt tại Campuchia lên con số bốn, đây là lực lượng hải quân đáng kể ở Đông Nam Á.
Sự tham gia của tàu chiến Trung Quốc trong cuộc tập trận quân sự chung Trung Quốc-Campuchia lần này không chỉ tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, mà còn truyền đi thông điệp tới thế giới bên ngoài và đánh động một vài quốc gia. Dự án kênh đào này là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, giúp tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, thế giới bên ngoài không thể ngăn cản dự án này.