Trần Phương
Ở nước ta hiện nay, nhiều người lên chùa cúng bái, mà cũng nhiều người phê phán giới tu hành, cụ thể là giới tu hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự thất vọng của quần chúng đối với các nhà sư của giáo hội trong cả đời sống lẫn trên mạng. Những biểu hiện suy đồi của giáo hội là thứ không còn bị che đậy nữa. Chính các nhà sư này công khai nó lên mạng, phơi bày nó ngay trước mắt chúng sinh.
Và mọi thứ đều có căn nguyên của nó.
Một bước đi sai lầm
Phật giáo luôn là một tôn giáo của tự do. Phật giáo ở đất nước nào cũng chia thành nhiều chi phái với bộ máy tổ chức khác nhau. Ngay cả đất nước xem Phật giáo hơn cả một quốc giáo như Tây Tạng, các chi phái cũng có quyền tự trị nhất định.
Thường những nước mà chính quyền cưỡng ép toàn bộ Phật giáo hoạt động dưới một giáo hội sẽ làm đạo Phật xuống cấp và dẫn đến sự băng hoại của các nhà sư chỉ sau vài thập niên. Điển hình là trường hợp của Trung Quốc năm 2018 khi có hàng loạt các nhà sư, thậm chí là người đứng đầu giáo hội, phải từ chức sau bê bối quấy rối tình dục [1].
Như các nền Phật giáo khác, Phật giáo Việt Nam cũng có xu hướng sinh hoạt tự do. Năm 1951, các nhà sư đã nỗ lực thống nhất Phật giáo ba miền dưới một tổ chức duy nhất là Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, các tập đoàn Phật giáo vẫn hoạt động độc lập với hơn sáu hiệp hội Phật giáo khác nhau.
Sau năm 1975, Phật giáo miền Nam bị chế độ mới kiểm soát và bị ép buộc hoạt động dưới một giáo hội duy nhất.
Năm 1981, một số nhà sư miền Nam, vì muốn giảm mức độ đàn áp của chính quyền lên Phật giáo, đã bắt tay với chính quyền thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ từng nói với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ rằng: “Tôi già rồi. Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Câu nói này trong bối cảnh Hòa thượng Trí Thủ là người vận động thành lập và trở thành Chủ tịch Hội đồng trị sự đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam [2].
Tuy nhiên, việc “chịu nhục” của Hòa thượng Trí Thủ chỉ xứng đáng khi những người kế nhiệm ông là các nhà sư đặt việc tu học, thực hành đúng chánh pháp lên trên tiền tài và danh vọng. Nhưng thế hệ này đến nay đã không còn nữa.
Di sản mà Hòa thượng Thích Trí Thủ để lại dưới cơ chế một giáo hội đã trở thành thảm họa đối với thế hệ nhà sư hiện nay. Cơ chế này đã không đủ khả năng để kiểm soát đông đảo các nhà sư so với cơ chế đa dạng các giáo hội, hiệp hội trước đây.
Ngay cả thiền sư Thích Nhất Hạnh, một người mà khi còn trẻ đã kịch liệt yêu cầu phải thống nhất các hiệp hội Phật giáo thành một tổ chức Phật giáo, sau này cũng đã yêu cầu chính quyền Việt Nam xóa bỏ cơ chế một giáo hội duy nhất [3].
Tu hành trở thành việc làm ăn
Làng Mai, một tổ chức tôn giáo do thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập tại Pháp và vang danh khắp thế giới, đã tuột mất cơ hội hoạt động tại Việt Nam vì một lý do rất đơn giản.
Năm 2008, trong một buổi pháp thoại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng tại Việt Nam nếu muốn làm phật sự dễ dàng thì phải đút lót tiền cho cán bộ. Làng Mai lúc bấy giờ cũng bị yêu cầu hối lộ cho cán bộ Việt Nam nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từ chối [4].
Chi tiết này sau đó được Sư cô Chân Không xác nhận lại trong một video do BBC Tiếng Việt thực hiện vào năm 2015 [5].
Sư cô nói rằng Làng Mai từng được yêu cầu “chỉ cần đưa một góc nhỏ của Làng Mai” thì tu sĩ Làng Mai có lẽ đã không bị đuổi khỏi chùa Bát Nhã tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sư cô Chân Không cho rằng những người tu hành như bà sẽ “phạm giới” nếu đóng góp vào nạn tham nhũng.
Nếu một tăng đoàn nổi tiếng Làng Mai bị yêu cầu phải đưa hối lộ để được hoạt động, thì chắc chắn các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể thoát khỏi.
Vấn nạn tham nhũng đã làm suy đồi các nhà sư của giáo hội. Những người thay vì chuyên tâm tu hành, giảng dạy Phật pháp cho quần chúng, nay lại lấy việc kiếm tiền để đút lót, tìm quan chức bảo kê cho mình làm quan trọng.
Để kiếm tiền nhanh và nhiều, việc hướng dẫn tu tập cho người dân trở thành việc làm ăn. Các bước tu tập của đạo Phật bị đơn giản đến mức như nấu một gói mì ăn liền, ví dụ như chỉ cần “cúng dường” là có thể giải nghiệp.
Giới doanh nhân cũng cấu kết với các nhà sư cơ hội và các quan chức tham ô dựng lên những ngôi chùa khổng lồ bên ngoài, còn bên trong thì trống rỗng về nội dung.
Giờ đây, có những ngôi chùa mà ở đó, giờ đây, các nhà sư trở thành những nhân viên kinh doanh, nhận lương và cố gắng kiếm tiền công đức. Và có những ngôi chùa mà ở đó, sự băng hoại trong thực hành giới luật của các nhà sư đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng.
Không chỉ là vấn đề tôn giáo
Tại Việt Nam, Phật giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo. Phật giáo là một phần bản sắc, niềm tự hào của người Việt.
Năm 1956, Tạp chí Phật giáo Việt Nam thuộc Tổng hội Phật giáo đã trích dẫn câu nói của một nhà văn rằng: “Tâm hồn chúng ta như đã sẵn sàng để dâng hiến cho Đức Phật. Cái gì dính dáng đến Phật giáo đều có thể làm cho chúng ta rung động”.
Do đó, sự xuống cấp trầm trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ không chỉ là vấn đề của riêng giáo hội mà còn là một vấn đề của xã hội. Chính quyền có lẽ đã không nhìn ra mặt này khi họ cưỡng ép các nhà sư phải “thống nhất” dưới một giáo hội duy nhất.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng thuật lại sự căng thẳng mà Hòa thượng Thích Trí Thủ phải gánh lấy trong lúc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Hồi đó Mai Chí Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, họ căng thẳng với các thầy bên Viện Hóa Đạo quá. Ông Mai Chí Thọ nói thế này: “Các thầy chỉ có hai con đường: một là theo, hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ ủng hộ các thầy. Còn các thầy chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp” [6].
Sau hơn 40 năm, có thể sẽ không cần phải dùng đến xe tăng hay thiết giáp để dẹp bỏ một giáo hội. Bản thân sự suy đồi của giáo hội đó đã đập tan hình ảnh của họ trong mắt công chúng rồi.
T.P.
Nguồn: Luatkhoa.com