Việt Nam: Thấy gì qua con số 93.000 tỷ đồng được rút ra khỏi thị trường?

Phan Vũ

Tỷ giá USD đã tăng 5% so với hồi đầu năm

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, ước tính số tiền NHNN rút khỏi thị trường qua các kênh đấu thầu vàng và bán ngoại tệ lên tới 93.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình thị trường vàng vẫn khó lường và áp lực tăng tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt.

Nỗ lực bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến ngày 24/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48.500 lượng vàng SJC qua 9 phiên đấu thầu để bình ổn thị trường. Với mức giá trúng thầu dao động trong khoảng 81,3 – 89,4 triệu đồng/lượng, ước tính số tiền NHNN thu về từ hoạt động đấu thầu vàng miếng vào khoảng 4.200 tỷ đồng.

NHNN cũng liên tục duy trì hoạt động bán can thiệp USD để ổn định thị trường ngoại hối trong suốt 1 tháng qua. Theo các nguồn thạo tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán giao ngay cho các ngân hàng thương mại đã vượt 3,5 tỷ USD. Với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD, ước tính số tiền VND mà NHNN đã hút về đối ứng với lượng ngoại tệ bán ra là khoảng 89.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung trong 1 tháng qua, lượng tiền VND mà NHNN đã rút ra khỏi thị trường thông qua hoạt động bán vàng và USD đã lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.

Việc NHNN bán vàng và ngoại tệ là nhằm bình ổn thị trường sau những diễn biến tăng nóng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, động thái này cũng trực tiếp làm thu hẹp bảng cân đối của NHNN và có tác động làm giảm cung tiền VND của nền kinh tế, đồng thời thu hẹp kho dự trữ ngoại hối.

Cùng với việc bán ngoại tệ, NHNN cũng nâng lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) lên 0,25 điểm % trong nỗ lực giảm chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, giảm sức ép tỷ giá.

Ngày 23/5, NHNN đã thông báo về kết quả đấu thầu thị trường mở với lãi suất 4,5%/năm.

Theo đó, NHNN đã cho 8 thành viên vay tổng cộng hơn 40.000 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Lãi suất cho vay tăng 0,25 điểm % so với trước và đây là lần thứ 2 NHNN tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua.

Áp lực tăng tỷ giá vẫn chưa hết

Sau một thời gian hạ nhiệt, những ngày gần đây tỷ giá đang tăng trở lại gây ra nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp nhập khẩu và nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát.

Ngày 26/5, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.264 VND/USD, tăng 23 đồng so với hồi đầu tháng. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 23.050 – 25.477 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Cùng ngày, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng mức kịch trần. Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank công bố tỷ giá USD mức 25.277 – 25.477 VND/USD. Ngân hàng Viettinbank niêm yết tỷ giá ở mức 25.187 – 25.477 VND/USD (mua vào – bán ra).

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).

Chia sẻ với truyền thông, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Ông Quang cũng chỉ ra ba nguyên nhân khiến áp lực tỷ giá vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Thứ nhất, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh – ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai – chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Tác động từ tỷ giá tăng lên lạm phát

Các doanh nghiệp nhập khẩu và có khoản vay ngoại tệ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ tỷ giá tăng. Chi phí nhập hàng tăng lên trong khi giá bán trong nước khó tăng tương ứng khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lợi nhuận để duy trì hoạt động.

Báo cáo tư vấn chính sách “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024” mới công bố của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Think Future cho biết, ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu.

VEPR dẫn các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng chỉ ra rằng cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy nếu theo nghiên cứu này, với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Điều này chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới. “Lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3,9%, tháng 4 CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024”, nhóm nghiên cứu của VEPR đánh giá.

Vì vậy, theo khuyến nghị của VEPR, kiểm soát mức độ mất giá VND trong năm 2024 vẫn cần phải là một ưu tiên để ổn định vĩ mô.

Theo đại diện NHNN, trong thời gian tới, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn ngoại tệ thu về sẽ giúp hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào quý IV năm 2024 sẽ giảm áp lực mất giá của các đồng tiền trên thế giới so với USD, trong đó có VND.

Phan Vũ

Related posts