Lưu Nghị
Đối mặt với thị trường bất động sản tiếp tục trì trệ, nhiều thành phố ở Trung Quốc gần đây đã đưa ra chính sách ‘mua nhà được tặng đăng ký thường trú’, trong đó có nhiều thành phố với dân số gần 10 triệu người. Để bán được nhà, các thành phố lớn này cũng bắt đầu tham gia vào quá trình ‘cướp người’.
Vào ngày 15/5, chính quyền thành phố Hợp Phì đã ban hành thông báo “về việc điều chỉnh và tối ưu hóa hơn nữa các chính sách và biện pháp về bất động sản”. Thông báo này đưa ra các chính sách điều tiết thị trường bất động sản trên mười khía cạnh, bao gồm việc thực hiện trợ cấp mua nhà và tối ưu hóa doanh số bán hàng. Điều này bao gồm những người đã có được quyền sở hữu hợp pháp tài sản nhà ở thương mại tại Thành phố Hợp Phì. Vợ hoặc chồng, con cái và cha mẹ của người đó có thể nộp đơn lên cơ quan công an nơi có tài sản để đăng ký chuyển hộ khẩu.
Tức là người dân có thể ổn định cuộc sống bằng cách mua một căn nhà ở thành phố Hợp Phì.
Dân số thường trú của Thành phố Hợp Phì là 9,853 triệu người vào năm 2023, tăng 219.000 người so với năm 2022, đứng đầu Trung Quốc về mức tăng dân số. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng động thái của chính quyền thành phố Hợp Phì sẽ kích thích nhu cầu nhà ở.
Không chỉ thành phố Hợp Phì, mà ngay từ tháng 5 năm nay, các thành phố lớn ở Trung Quốc với dân số từ 8 đến 9 triệu người cũng đã đưa ra những chính sách cho phép người dân định cư bằng cách mua nhà.
Vào ngày 13/5, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã đưa ra “Thông báo về một số biện pháp tiếp tục thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản”, nội dung thông báo cho biết, những cư dân không phải là người địa phương nắm giữ quyền sở hữu bất động sản hợp pháp tại thành phố Phật Sơn có thể nộp đơn đăng ký hộ khẩu theo địa chỉ của ngôi nhà, vợ hoặc chồng và con cái chưa thành niên sống chung có thể được đăng ký cùng bố mẹ. Dữ liệu cho thấy tính đến cuối năm 2023, dân số thường trú của Thành phố Phật Sơn là 9,6154 triệu người.
Vào ngày 11/5, thành phố Nam Kinh cũng ban hành “Thông báo về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết nơi cư trú ổn định về mặt pháp lý”, nêu rõ rằng các điều kiện giải quyết sẽ được nới lỏng hơn nữa. Dữ liệu cho thấy vào năm 2023, dân số thường trú của thành phố Nam Kinh là 9,547 triệu người, tăng 55.900 người so với năm trước.
Để thu hút người dân ngoài tỉnh đến định cư, Thành phố Thẩm Dương đã đưa ra những điều kiện vô cùng linh hoạt. Vào ngày 1/5, Văn phòng Chính quyền Thành phố Thẩm Dương đã ban hành “Một số chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy việc các cư dân ngoại tỉnh định cư tại Thẩm Dương”, đề xuất 10 chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dân số. Không chỉ bỏ hạn ngạch đối với chế độ cư trú dựa trên hệ thống điểm số, mà chính sách này còn nới lỏng điều kiện về trình độ học vấn, đối tượng được đăng ký thường trú và mở rộng đến những người thân cận. Ngoài ra, chính sách mới này cũng quy định rằng chỉ cần có việc làm tại Thẩm Dương, hoặc thuê nhà, hoặc đang theo học tại Thẩm Dương thì đều có thể đăng ký thường trú.
Về vấn đề này, ông Nghiêm Dược Tiến, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Easy Home, nói với tờ Chứng khoán Thượng Hải rằng, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách về mua nhà và đăng ký thường trú, khác với chính sách đăng ký thường trú dành cho nhân tài trước đây. Những chính sách mới này tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng nhà ở, đồng thời cũng giảm bớt những điều kiện khắt khe về đăng ký thường trú.
Đáp lại, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã nhân cơ hội bày tỏ sự bất bình với chính sách hộ khẩu do chính quyền thực hiện.
Một tài khoản mạng xã hội có tên ‘đàm cổ sắc biến _init’, cho biết: “Họ nhất định phải dùng hộ khẩu để trói buộc trẻ em, để những đứa trẻ đã sinh ra và chưa chào đời mất quyền được thi cử công bằng. Đây là quả báo tốt nhất cho thế hệ tương lai”.
Tài khoản ‘Hải Giác’ cho biết: “Trên thế giới chỉ có Trung Quốc và Triều Tiên mới có hộ khẩu”.
Không chỉ vậy, nhằm kích thích thị trường bất động sản, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cũng liên tục đưa ra các chính sách mới.
Vào ngày 17/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp ban hành 3 chính sách tối ưu hóa về cho vay mua nhà cá nhân, theo đó, tỷ lệ tiền đặt cọc tối thiểu cho căn hộ đầu tiên và căn hộ thứ hai lần lượt giảm xuống còn 15% và 25%; đồng thời, hủy bỏ mức sàn lãi suất cho vay mua nhà ở thương mại cá nhân đối với căn hộ đầu tiên và thứ hai trên toàn quốc; sau khi hạ lãi suất cho vay mua nhà từ nguồn Quỹ Công đoàn 0,25 %, tính đến ngày 24/5, đã có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, như Hồ Bắc, Quảng Tây, Vân Nam, Sơn Tây, Ninh Hạ, Sơn Tây, Cam Túc, Hà Bắc, Thiểm Tây, Quảng Đông và Trùng Khánh, cùng với một số thành phố như Trường Sa, Hợp Phì, công bố việc tối ưu và điều chỉnh chính sách tín dụng nhà ở, toàn diện hạ thấp tỷ lệ tiền đặt cọc tối thiểu cho vay mua nhà ở thương mại cá nhân, trong đó tỷ lệ tiền đặt cọc cho căn hộ đầu tiên không dưới 15%, căn hộ thứ hai không dưới 25%; đồng thời, hủy bỏ mức sàn lãi suất cho vay mua nhà ở thương mại cá nhân đối với căn hộ đầu tiên và thứ hai, thực hiện thị trường hóa lãi suất vay mua nhà.
Chính quyền Trung Quốc từ trung ương đến địa phương đã liên tục đưa ra các chính sách nhằm kích thích thị trường bất động sản, và lý do đằng sau việc thúc đẩy người dân mua nhà là do cả cung và cầu của thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp.
Ngày 17/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu biến động giá bán nhà ở thương mại ở 70 thành phố lớn và trung bình vào tháng 4 năm 2024. Mức giảm giá so với tháng trước của nhà mới và nhà cũ trên toàn quốc đã mở rộng và đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.
Xét về mức độ thay đổi so với tháng trước, trong tháng 4, trong số 70 thành phố lớn và trung bình, chỉ có 6 thành phố ghi nhận giá bán nhà ở thương mại mới tăng so với tháng trước, giảm 5 thành phố so với tháng trước; 64 thành phố còn lại ghi nhận mức giá giảm, chiếm khoảng 91%. Giá bán nhà ở thương mại mới ở các thành phố hạng nhất giảm 0,6% so với tháng trước, mức giảm rộng hơn 0,5% so với tháng trước; giá bán nhà ở thương mại mới ở các thành phố hạng 2 và hạng 3 đều giảm 0,5% và 0,6% so với tháng trước, mức giảm rộng hơn 0,2% so với tháng trước.
Đồng thời, giá nhà ở đã qua sử dụng cũng đang giảm. Giá bán căn hộ đã qua sử dụng ở các thành phố hạng nhất giảm 1,1% so với tháng trước, mức giảm rộng hơn 0,4% so với tháng trước. Giá bán căn hộ đã qua sử dụng ở các thành phố hạng 2 và hạng 3 đều giảm 0,9% so với tháng trước, mức giảm rộng hơn 0,4% so với tháng trước.
So sánh với giá bán nhà tại các thành phố hạng 1, hạng 2, hạng 3 cho thấy, trong tháng 4, giá bán nhà ở thương mại mới ở các thành phố hạng nhất giảm 2,5%, mức giảm rộng hơn 1,0% so với tháng trước; giá bán nhà ở thương mại mới ở các thành phố hạng 2 và hạng 3 lần lượt giảm 2,9% và 4,2%, mức giảm rộng hơn lần lượt là 0,9 và 0,8 % so với tháng trước.
Theo ông Quan Vinh Tuyết, Chuyên gia Phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu Gia Cát, áp lực giảm giá nhà mới tiếp tục gia tăng vào tháng 4, tổng mức giảm giá so với tháng trước của 70 thành phố có xu hướng mở rộng, và số lượng các thành phố có mức giá tăng cũng giảm rõ rệt, đạt mức thấp kỷ lục. Nhìn chung, thị trường nhà ở hiện đang ở trong tình trạng trầm lắng kéo dài, và dường như vẫn chưa dừng lại ở đó.
Diện tích bán các tòa nhà thương mại mới là 293 triệu m2, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, diện tích bán nhà ở giảm 23,8%. Giá trị bán các tòa nhà thương mại mới là 2.81 nghìn tỷ Nhân dân tệ, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị bán nhà ở giảm 31,1%.
Ngoài ra, quy mô đầu tư phát triển bất động sản tiếp tục giảm. Từ tháng 1 đến tháng 4, mức đầu tư phát triển bất động sản toàn quốc là 3,09 nghìn tỷ Nhân dân tệ, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư vào nhà ở giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, lượng tồn kho các tòa nhà thương mại cũng ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 4, diện tích các tòa nhà thương mại cần bán trên toàn quốc là 746 triệu m2, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích nhà ở để bán tăng 24,5%.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch