Dân số Trung Quốc sụt giảm, xã hội đối mặt cú sốc lớn

NTDTV

Dân số Trung Quốc sụt giảm, xã hội đối mặt cú sốc lớn
Một đứa trẻ trên đường phố Bắc Kinh, chụp vào ngày 17/1/2024. Dữ liệu chính thức từ chính quyền Trung Quốc cho thấy tốc độ suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ tăng nhanh vào năm 2023, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. (PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm thay đổi cơ cấu nhân khẩu học. Dân số Trung Quốc đã suy giảm với số lượng lớn, và xã hội đang phải đối mặt với những cú sốc nặng; thiếu người lao động, triển vọng tương lai không sáng sủa, vậy thì điều gì đang chờ đón Trung Quốc?

Bắt đầu từ năm 2022, dân số Trung Quốc đã bước vào giai đoạn số người chết vượt quá số sinh mỗi năm. Theo dữ liệu chính thức của chính Trung Quốc, dân số của Trung Quốc vào năm 2022 sẽ ít hơn 850.000 người so với năm 2021. Đến năm 2023, dân số sẽ giảm 2,08 triệu người. Tất nhiên, thế giới bên ngoài biết rằng dữ liệu chính thức của chính quyền có sự gian lận và không chính xác. Số liệu ở đây chỉ mang tính tham khảo.

Đánh giá từ kinh nghiệm trên thế giới, các bước ngoặt về nhân khẩu học cũng thường là những bước ngoặt trong phát triển kinh tế – xã hội và sẽ có một số thay đổi lớn ảnh hưởng đến lực lượng lao động, lương hưu, động lực tăng trưởng kinh tế và thậm chí là sự phát triển của toàn xã hội. Vậy điều gì sẽ xảy ra với tương lai của Trung Quốc khi dân số giảm?

Những hậu quả tiêu cực của kế hoạch hóa gia đình

Ông Lý Thiếu Dân, Giáo sư tại Đại học Old Dominion ở Virginia, Mỹ, cho biết trong chương trình Diễn đàn Tinh anh của NTDTV: Xu hướng suy giảm dân số ở Trung Quốc khó có thể thay đổi trong tương lai nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ. Điều đáng buồn hoặc đáng châm biếm nhất về Trung Quốc là, trên thế giới, tỷ lệ tử vong trước tiên giảm, sau đó tỷ lệ sinh giảm dần, nhưng chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến tỷ lệ tử vong, mà cố ý hạ thấp tỷ lệ sinh, khiến nó giảm xuống mức thấp như hiện nay.

Cấu trúc dân số là một khái niệm rất quan trọng và then chốt. Chúng ta thường nghe nói về cấu trúc dân số có dạng kim tự tháp, trong đó những người trẻ tuổi chiếm đa số ở dưới cùng, và dần dần số người ở các nhóm tuổi cao hơn sẽ giảm đi do tử vong. Đây là cấu trúc tuổi tự nhiên, không có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, khi mọi người sinh ít con đi, phần dưới cùng của kim tự tháp sẽ trở nên ngày càng nhỏ hơn. Đây vẫn là một sự thay đổi tương đối êm ả, khi sinh và tử diễn ra một cách chậm rãi. Việc mô tả xu hướng này bằng các mô hình toán học cũng không quá khó khăn. Mọi người có thể có những dự đoán lạc quan hoặc bi quan về xu hướng này, nhưng cấu trúc dân số vẫn giữ một hình dạng cụ thể, không thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, khi xảy ra chiến tranh hoặc nạn đói, chúng có thể ảnh hưởng đến một nhóm tuổi cụ thể. Các phong trào chính trị của chính quyền Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dân số. Sự thay đổi lớn về dân số khiến cho xã hội rất khó thích nghi, tác động lớn đến các vấn đề về lao động, hôn nhân, việc làm, giáo dục, v.v.

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng, nói chung, sinh con là một chi phí, đồng thời cũng là một khoản đầu tư. Nếu có hiệu quả, thì có thể tăng thu nhập kinh tế. Các nước phát triển đã đầu tư rất nhiều vào việc nuôi dạy trẻ em. Trong xã hội nông nghiệp, trước khi hiện đại hóa, người ta không đầu tư quá nhiều vào con cái – chỉ cần chúng lớn lên một chút là đã có thể lao động, như đi kiếm củi, đỡ bố mẹ làm ruộng, chăn nuôi. Vì vậy, ở xã hội nông nghiệp, chi phí sinh con tương đối thấp, và cũng không cần phải đầu tư vào giáo dục. Còn hiện nay, Trung Quốc là một xã hội đang trở nên “quá tải”, từ khi còn chưa sinh con ra cha mẹ đã bắt đầu lo lắng về việc con cần vào được trường danh tiếng vì không muốn con bị thua ngay từ vạch xuất phát. Ngược lại, ở nhiều nước phát triển như Canada, Úc, việc sinh con được coi là một niềm vui lớn, mọi người không quá lo lắng về số lượng con cái. Chi phí nuôi dưỡng trẻ em cũng tương đối thấp, và xã hội hỗ trợ họ rất nhiều.

Nhưng khi những người trẻ tuổi ở Trung Quốc bây giờ nghĩ đến việc có con, điều họ nghĩ đến không phải là hạnh phúc gia đình mà chỉ là cái giá phải trả. Và bây giờ nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng việc có con sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Khi nhìn thấy trẻ con, họ lập tức nghĩ đến các loại hình giáo dục ngoại khóa, như piano, vũ đạo, v.v. Đây đã trở thành một nét văn hóa – không phải là điều bắt buộc, nhưng do sự so sánh, cạnh tranh, nếu không cho con theo học thì bố mẹ cảm thấy xấu hổ.

Ông Lý Thiếu Dân cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ rất tồi tệ, nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế tồi tệ không phải vì dân số quá đông mà là do các chính sách kinh tế sai lầm của chính quyền Trung Quốc, chẳng hạn như luyện thép quy mô lớn (nhà nhà luyện thép, người người luyện thép) và quản lý bữa ăn tập thể trong nông trường, đó đều là những việc làm bừa bãi. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cho rằng kinh tế kém phát triển là do dân số quá đông. Đây là suy nghĩ về dân số từ những năm đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sau đó, một nhóm các nhà khoa học tự nhiên do Tống Kiện đứng đầu, vốn nghiên cứu về tên lửa nhưng không có việc làm, đã bắt đầu sử dụng lý thuyết điều khiển để tính toán dân số, và cho rằng dân số tối ưu của Trung Quốc là 500 triệu người. Không hiểu nguyên nhân nào mà chính quyền Trung Quốc đã tin vào cách tính toán này, do đó vào cuối những năm 70, chính sách từ hai con nhanh chóng chuyển sang chính sách một con. Từ những năm 50 đến đầu những năm 70, phụ nữ Trung Quốc sinh trung bình trên 5 con. Sau đó, từ sinh trên 5 con giảm xuống còn 2 con, rồi cuối cùng chỉ được sinh 1 con. Đây là sự giảm sút dân số rất đột ngột. Ở các quốc gia khác dân số giảm dần một cách tự nhiên, nhưng ở Trung Quốc lại giảm đột ngột, từ những năm 70 đến năm 79 khi chính sách một con được đưa ra, đây là sự giảm sút như bị rớt xuống.

Ông Lý Thiếu Dân cho biết, khi Đảng Quốc Đại nắm quyền vào những năm 1970, Ấn Độ cũng thực hiện chính sách kiểm soát dân số, đó là ngăn cản người dân sinh con và trừng phạt họ nếu có quá nhiều con. Tuy nhiên, Ấn Độ là một đất nước dân chủ, chính sách hạn chế sinh con này đã khiến mọi người phẫn nộ. Đến năm bầu cử sau đó, Đảng Quốc Đại đã thua thảm hại, mặc dù họ đã cầm quyền nhiều năm. Vì vậy, chỉ có chế độ chuyên chế mới có thể yêu cầu mọi người sinh hay không sinh con, còn ở chế độ dân chủ thì không thể làm việc này.

Vào thời cổ đại, dân số quan trọng hơn đất đai.

Các loại cây trồng mới ở Châu Mỹ đã gây ra sự gia tăng dân số toàn cầu rất lớn.

Bà Quách Quân, Tổng biên tập của The Epoch Times, cho biết trong Diễn đàn Tinh anh rằng, ông Tập Cận Bình đã nói hai câu mà bây giờ nhiều người đang cười nhạo. Một câu là “chiếm giang sơn, ngụ giang sơn”, và câu khác là “giang sơn chính là nhân dân”. Khi đặt hai câu này cạnh nhau thì trở thành “chống lại nhân dân, ngự trị nhân dân”, nên hiện nay bị mọi người nhạo báng và chỉ trích. Thực ra, những gì ông Tập Cận Bình nói là khái niệm chính trị cổ xưa của Trung Quốc. Người xưa ở Trung Quốc nói “giang sơn, xã tắc” không có nghĩa là lãnh thổ, mà là chỉ nhân dân. Vì vậy, câu nói “bờ cõi tứ phương, không ai không là thần dân của Thiên tử” có nghĩa là tất cả mọi người đều là thần dân của Thiên tử (Hoàng đế).

Vào thời xa xưa, đất đai không phải là tài nguyên quý hiếm. Bởi vì dân số ít nên dân số phải là quan trọng nhất. Trọng tâm của các cuộc chiến tranh thời xưa thường không phải là đất đai mà là người ở trên mảnh đất đấy. Nếu không thể giành được đất đai, thì họ sẽ cướp bắt người dân ở đó, nếu không thể cướp bắt được người dân, họ sẽ cướp bắt phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, lãnh thổ của các quốc gia cổ đại chỉ là một phạm vi đại khái, không được xác định chính xác, nhưng việc xác định ai sở hữu người dân lại rất rõ ràng. Do đó, dân số luôn là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Bà Quách Quân cho rằng, lý thuyết dân số của Malthus có ảnh hưởng lớn đến chính trị hiện đại, nhưng về cơ bản thì lý thuyết dân số của Malthus được đưa ra dựa trên nền kinh tế nông nghiệp. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, khi dân số cổ đại của Trung Quốc vượt quá 100 triệu người hoặc tiến gần đến 100 triệu người, thì sẽ xảy ra rối loạn lớn trong xã hội, sau đó dân số sẽ giảm mạnh, thậm chí chỉ trong vài năm chiến tranh mà dân số có thể giảm đến một nửa. Khi chiến tranh kết thúc, xã hội ổn định trở lại, dân số sẽ tăng lên từ từ, rồi lại đến một chu kỳ như vậy.

Sự đột phá về dân số của Trung Quốc xảy ra vào cuối thời nhà Minh và dân số tăng lên đáng kể vào thời nhà Thanh. Điều này là do người Châu Âu đã tìm ra những giống cây trồng mới ở Châu Mỹ, trong đó quan trọng nhất gồm khoai tây, khoai lang và ngô mà chúng ta hiện đã quen thuộc. Những loại cây trồng mới này từ Châu Mỹ có yêu cầu về đất đai, lượng mưa và điều kiện khí hậu thấp hơn nhiều, nhưng năng suất lại rất cao, đồng thời không đòi hỏi kỹ thuật canh tác và công cụ nông nghiệp phức tạp. Kết quả là sản lượng lương thực trên toàn cầu tăng vọt, không chỉ dẫn đến sự gia tăng dân số rất lớn ở Trung Quốc, mà còn dẫn đến sự gia tăng dân số toàn cầu một cách nhanh chóng. Trước thời Trung Cổ, dân số toàn cầu chỉ vào khoảng 300 triệu đến 500 triệu, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 đến 1/3 dân số toàn cầu. Vì vậy, sự bùng nổ dân số đột ngột hiện nay có liên quan rất nhiều đến việc thúc đẩy cây trồng ở Nam Mỹ.

Lý thuyết của Malthus ra đời vào thế kỷ 18 và 19. Vào thời điểm đó, cây trồng ở Châu Mỹ đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà nghiên cứu, Malthus đồng thời cũng đánh giá các vấn đề xã hội dựa trên mức độ phát triển nông nghiệp nguyên thủy.

Sau này, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, như sự cải tiến của thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, hạt giống và những tiến bộ trong công nghệ trồng trọt, diện tích thích hợp cho việc trồng trọt trên trái đất cũng tăng lên rất nhiều nên giới hạn dân số trở nên ít quan trọng hơn. Nếu toàn bộ đất trồng trọt trên thế giới được sử dụng hết, về cơ bản nó có thể nuôi sống 15 tỷ người. Do đó, việc hạn chế dân số bởi nông nghiệp không còn là vấn đề lớn nhất. Nhưng tôi nghĩ phương pháp và ý tưởng nghiên cứu vấn đề của Malthus vẫn đúng, ít nhất không thể nói là sai, chỉ là môi trường mà con người phải đối mặt đã thay đổi rất nhiều.

Suy giảm dân số ở Trung Quốc là do thể chế.

Nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân cho biết trong Diễn đàn Tinh anh: Quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới trải qua tình trạng suy giảm dân số là Đức. Ngay từ đầu những năm 1970, Đức đã bắt đầu có mức tăng trưởng dân số âm. Tiếp sau đó là Hungary, vào năm 1980. Đến năm 1999, toàn Châu Âu lần đầu tiên ghi nhận mức tăng dân số âm. Vào thời điểm đó, tổng dân số Châu Âu khoảng 720 triệu người, giảm hơn 50.000 người so với năm 1998. Đến năm 2003, dân số Châu Âu lại giảm thêm 1,88 triệu người và Châu Âu trở thành khu vực có tốc độ tăng dân số âm nhanh nhất thế giới. Đến năm 2050, dân số Châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 630 triệu người, chỉ chiếm 7% tổng dân số thế giới.

Tại Châu Á, dân số Nhật Bản bắt đầu giảm từ năm 2010 và tốc độ giảm ngày càng nhanh hơn trong những năm gần đây. Hiện nay, dân số Nhật Bản đã giảm từ 128 triệu năm 2008 xuống còn 125 triệu vào năm 2023, tức là giảm 3 triệu người. Hàn Quốc cũng bắt đầu trải qua tình trạng tăng trưởng dân số âm vào năm 2021. Tổng dân số Hàn Quốc có 51,73 triệu người vào năm 2021, giảm 91.000 người so với năm trước. Theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, khi tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 14% thì được xem là dân số già, và khi vượt quá 20% thì được coi là dân số ‘siêu già’. Một số phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đưa tin, Hàn Quốc có thể sẽ bước vào giai đoạn dân số ‘siêu già’ trong vòng 4 năm nữa.

Quốc gia phát triển cuối cùng trên thế giới có mức tăng trưởng dân số âm có thể là Hoa Kỳ. Theo thống kê từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có thể không có mức tăng dân số âm cho đến năm 2080, và đây là dự báo dựa trên chính sách nhập cư hiện tại. Nếu chính sách nhập cư của Mỹ trở nên thông thoáng hơn, thì có thể phải mất tới 100 năm nữa Mỹ mới bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm.

Ông Lý Quân cho rằng, ngoài những yếu tố kinh tế, một yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh là giá trị quan. Khi giá trị quan chuyển từ lấy gia đình làm trung tâm sang lấy cá nhân làm trung tâm, thì tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh con sẽ giảm mạnh. Xét theo cách này, dù bề ngoài Mỹ có vẻ rất cởi mở, hiện đại, nhưng đa số người dân Mỹ vẫn giữ quan điểm giá trị truyền thống.

Ông Thạch Sơn, biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, cho biết trên Diễn đàn Tinh anh rằng yếu tố quan trọng nhất để hạn chế hay tăng trưởng dân số của một quốc gia, một dân tộc chính là số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Số lượng đàn ông nhiều đến mấy cũng không quan trọng bằng số lượng phụ nữ, bởi vì chỉ có phụ nữ mới có thể sinh con trong suốt mấy chục năm. Do đó, vào thời chiến tranh, hầu như chỉ có đàn ông chết trận, còn phụ nữ thì vẫn sống sót, qua đó dân số có thể nhanh chóng phục hồi. Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới khoảng 30-40 triệu người, nghĩa là dù có nhiều đàn ông đến mấy, cũng không thể sinh ra được nhiều con, bởi vì chính sách dân số của Trung Quốc đã quy định, đây cũng là một hậu quả xấu của chính sách một con.

Ông Thạch Sơn nói rằng, tình hình ở Trung Quốc có thể khác biệt so với phần lớn các nước khác trên thế giới, bởi vì tỷ lệ tử vong của người già Trung Quốc đang giảm, nhưng tỷ lệ sinh lại đang giảm mạnh ở thời điểm không nên giảm như vậy. Điều này là do chính sách kế hoạch hóa gia đình mang tính cưỡng chế của chính quyền Trung Quốc, khiến cấu trúc dân số ở Trung Quốc hiện nay đang gặp phải một số vấn đề rất lớn. Nhưng trên thực tế, yếu tố chính hạn chế sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc hiện nay lại liên quan đến chế độ, chứ không phải do vấn đề dân số.

Theo Diễn đàn Tinh anh
Lý Ngọc biên dịch

Related posts