Hoa kiều Canada về nước tiết lộ sự u uất, trầm buồn ở Trung Quốc

Lý Viên Minh

Hoa kiều Canada về nước tiết lộ sự u uất, trầm buồn ở Trung Quốc
Gần đây, số vụ nhảy cầu tự tử ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đang gia tăng. Trong ảnh là cầu Y Phần ở thành phố Thái Nguyên, xe cảnh sát được bố trí hai bên để canh gác cầu ngăn chặn người dân nhảy xuống sông. (Ảnh chụp màn hình video)

Một người Canada gốc Hoa gần đây mới trở về Trung Quốc và đã được chứng kiến ​​khung cảnh kinh tế trong nước trì trệ, thị trường bất động sản tiêu điều, và những thanh niên trên đường phố trầm lặng. Mỗi ngày đều có người mất hy vọng vào cuộc sống và chọn nhảy cầu tự vẫn.

Ông Kavin, một người Canada gốc Hoa, nói với phóng viên The Epoch Times rằng đây là lần thứ hai ông trở lại Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 và ông cảm thấy người dân ở nước này hiện rất u uất. Khi đi trên đường, có thể thấy những bạn trẻ đó trông rất trầm lặng, rất nhiều người khuôn mặt không mang nét cười. Ngược lại, những người lớn tuổi đang khiêu vũ trên quảng trường lại trông rất năng động và vui vẻ.

Người trẻ tuổi khó tìm việc, nhiều người tự vẫn, không khí nặng nề

“Người trẻ tuổi không tìm được việc làm, hoặc cảm thấy cuộc sống không như ý nên cảm thấy không còn hy vọng gì trong cuộc sống. Vì vậy, gần đây có rất nhiều người đã nhảy xuống sông ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Hầu như ngày nào cũng có người nhảy sông tự tử. Không khí rất nặng nề“, ông Kavin nói.

Mới đây, những vụ nhảy sông tự tử ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã khiến cả xã hội Trung Quốc chấn động. Theo nhiều nguồn tin, kể từ đầu tháng 5 tới nay, ở thành phố này đã có hơn 10 người nhảy cầu. Người dân địa phương nói: “Sắp trở thành cầu Nại Hà rồi”. Chính quyền địa phương đã khẩn trương tăng chiều cao của lan can hai bên cầu và cử một lượng lớn người tới gác cầu, nhưng những động thái này bị cho là “trị ngọn không trị gốc”.

Trùng hợp là bản đồ tỉnh Sơn Tây có hình dạng tương tự bản đồ Đài Loan. Có cư dân mạng ở Trung Quốc đã bình luận rằng: Xin hỏi ở Đài Loan có ai nhảy sông chưa? Ông Kavin cho rằng ở Trung Quốc không có chăm sóc xã hội, không có tổ chức phi lợi nhuận đi giúp đỡ, quan tâm và chăm sóc người dân.

“Vào trưa ngày 27/5 trên cầu Nam Trung Hoàn (ở thành phố Thái Nguyên) lại có một cô gái nhảy sông tự vẫn. Tại sao ngày nào cũng có người muốn tự tử? Tôi nghĩ là do nền kinh tế Trung Quốc đang bất ổn và người dân không tìm được việc làm, rất nhiều sinh viên đại học đã tốt nghiệp được mấy năm rồi nhưng cũng chỉ có thể làm nhân viên giao hàng (shipper) hoặc chạy xe công nghệ”, ông Kavin nói.

Tháng 5/2024, nhiều video trên mạng cho biết một số nơi ở Trung Quốc đã bố trí “người gác cầu” sau khi xuất hiện nhiều vụ nhảy cầu tự vẫn. (Ảnh chụp màn hình video)

Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc tăng vọt. Vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc công bố: trong số công dân Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt mức cao kỷ lục với 21,3%. Sau đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong hơn 4 tháng.

Tuy nhiên, số liệu chính thức bị cho là thấp hơn so với thực tế. Bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), Phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, từng đăng bài viết ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc vào tháng 3 năm ngoái phải lên tới 46,5%, cao hơn nhiều so với con số 19,7% mà chính quyền công bố vào tháng đó.

Ông Kavin cho rằng, nguyên nhân khiến người trẻ tuổi không tìm được việc làm là do xã hội Trung Quốc quá cạnh tranh. Việc thì ít mà người thì nhiều nên phải tranh giành chút ít tài nguyên này. Có rất nhiều người tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học hoặc kỳ thi công chức vì không thể tìm được việc làm.

Sinh viên đại học tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/3/2024. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Ông Kavin biết được rằng, có rất nhiều người chỉ kiếm được 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ (10,5 – 14 triệu VND) mỗi tháng, một số vị trí kỹ thuật thì trả 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,5 triệu VND). Tiền lương đã không được tăng trong nhiều năm, ví dụ như, tài xế xe buýt vẫn chỉ kiếm được 3.000 nhân dân tệ một tháng. Tuy nhiên, vật giá lại tăng lên, chẳng hạn như dịch vụ ăn uống.

Ông Kavin nói, “Tôi có một người họ hàng kiếm được 3.000 nhân dân tệ một tháng. Anh ấy thậm chí không nỡ [bỏ tiền ra] đi tàu điện ngầm, toàn đi xe buýt. Tôi thấy tàu điện ngầm [giá như thế là] cũng rẻ rồi ấy. Ý tôi là, cuộc sống của người dân Trung Quốc thật túng thiếu”.

“Bây giờ các trung tâm mua sắm ở đây vắng tanh. Ngoại trừ khu ẩm thực, những nơi khác đều trống. Hầu như không có người mua quần áo trong các trung tâm mua sắm cao cấp”.

“Giá nhà đã giảm 30, 40%. Tôi nhớ thời trước dịch bệnh, đài phát thanh quảng cáo bán nhà nhưng bây giờ không thấy phát trên đài nữa, ngành bất động sản cũng không ổn rồi”.

“Về ngoại thương, có thể không dễ làm [như trước kia] nữa. Tôi biết một người bạn đã thua lỗ khi bán thực phẩm nhập khẩu, đang nợ mấy trăm nghìn tệ”. (100 nghìn nhân dân tệ bằng khoảng 21,000 Úc kim).

Người dân đi bộ qua một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/5/2024. (Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images)

‘Ngày càng ít người nước ngoài đến Trung Quốc’

Ông Kavin cho biết khi trở lại Trung Quốc lần này, ông cảm thấy Trung Quốc không còn “mở cửa” như trước. Cảm giác rõ nhất là ngày càng ít người nước ngoài đến Trung Quốc. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, khi đi bộ trên đường phố thấy rất rất ít người nước ngoài.

“Có thể nói trước đây du khách nước ngoài nhiều tới mức nhìn đâu cũng thấy. Ví dụ như ở trên đường Nam Kinh, quảng trường Thiên An Môn hay [khu sầm uất] Tam Lý Đồn ở Bắc Kinh, giờ đây không thấy người nước ngoài nữa, họ đều bỏ chạy rồi và không còn đến Trung Quốc nữa. Tất nhiên vẫn có một số người đến, nhưng cũng đặc biệt ít, chỉ là đi kinh doanh hoặc du học”, ông Kavin nói.

Ông Kavin cho hay, bạn bè của ông đều đi du lịch Nhật Bản, Đài Loan hoặc Châu Âu. Rất ít người nước ngoài đến Trung Quốc du lịch, vì cảm thấy đi du lịch Trung Quốc rất dễ mang vạ vào thân. Cá nhân ông Kavin cũng không muốn quay lại Trung Quốc nữa.

“(Ở Trung Quốc) không nhận thẻ tín dụng quốc tế, cũng không có tiền mặt để trả lại tiền thừa. Mặc dù WeChat và Alipay có thể liên kết với thẻ tín dụng nhưng rất rắc rối. Vậy nên bạn phải vượt tường [lửa Internet]. Vượt tường cũng rắc rối lắm, không phải lúc nào VPN cũng hoạt động. Ví dụ như, lần này vượt tường thành công rồi, lần sau lại không được, phải đổi một VPN khác. Tôi đã tải xuống hai đến ba VPN, cứ phải đổi qua đổi lại, đổi sang địa chỉ IP của các nước khác. Vậy nên người nước ngoài mới không đến Trung Quốc du lịch”.

Ứng dụng WeChat được hiển thị trong App Store (kho ứng dụng) trên một chiếc điện thoại iPhone của hãng Apple ở Washington, Mỹ vào ngày 7/8/2020. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Ông Kavin có một người bạn thân từ nhỏ hiện đang sống ở Canada, cũng là người Hoa, được sinh ra ở Canada. Có một lần người bạn đó nói rằng đang cân nhắc việc xin thị thực (visa) Trung Quốc, nhưng sau đó người bạn đó lại nói: “Tôi không xin visa nữa, vì tôi rất sợ ‘Luật Phản gián điệp’”.

Vào tháng 4/2023, cơ quan lập pháp tối cao của Trung Quốc tuyên bố đã thông qua “Luật Phản gián điệp” phiên bản sửa đổi. Theo đó, chính quyền này có thể ban hành lệnh cấm xuất cảnh với bất kỳ cá nhân nào được cho là có khả năng “gây nguy hại đến an ninh quốc gia” hoặc với những người bị điều tra vì “gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc gia”. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 cùng năm.

Ông Kavin cho hay: “Cha mẹ anh ấy (người bạn kể trên) là người Quảng Châu, anh ấy cũng sợ ‘Luật An ninh Quốc gia’ của Hong Kong. Mỗi lần về Trung Quốc, anh ấy đều quá cảnh ở Hong Kong. Xứ cảng thơm đã hoàn toàn biến thành cảng thối, những người Hong Kong (có năng lực) thì đều tháo chạy rồi. Rất nhiều người Hong Kong trẻ tuổi đến Canada vì Canada có kế hoạch xuồng cứu sinh cho người Hong Kong”.

‘Kế hoạch xuồng cứu sinh’ mà ông Kavin nhắc đến là một chính sách công có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 đến ngày 31/8/2026 mà chính phủ Canada dành cho cư dân Hong Kong, qua đó cung cấp những con đường để trở thành cư dân thường trú cho người Hong Kong đến Canada.

Những người bạn ở Trung Quốc của ông Kavin cũng đang chuẩn bị di dân. Có một người lớn tuổi hơn ông Kavin hiện đang ở Thái Nguyên, người này đã bắt đầu vượt tường lửa từ năm 2021 và đã thức tỉnh, biết được bộ mặt thật của chính quyền Trung Quốc. Người bạn này còn xem YouTube vào mỗi sáng. Ban đầu bạn của ông Kavin muốn đến Canada nhưng lại bị từ chối cấp thị thực nên đã nộp đơn xin thị thực Khối Schengen của Liên minh Châu Âu. Ông này muốn đến Châu Âu làm việc và đưa cả gia đình đi theo.

Bảng chỉ dẫn gần lối vào Tổng lãnh sự quán Canada ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 9/5/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Sự đàn áp tự do ngôn luận ở Trung Quốc gây ngột ngạt

Ông Kavin cho rằng, quyền tự do ngôn luận ở Trung Quốc ngày càng bị thắt chặt và nghiêm ngặt hơn so với hơn mười mấy năm trước. Nếu có bất kỳ từ nào vi phạm lệnh cấm, chúng sẽ bị chặn ngay. Ví dụ: hầu hết video về những vụ tự tử ở Thái Nguyên trên nền tảng Douyin (TikTok phiên bản nội địa Trung Quốc) đều bị chặn chỉ trong vòng vài ngày sau khi được đăng tải.

Ông Kavin cho biết, ngay cả khi bạn đăng những bài viết về các vấn đề xã hội như bảo vệ quyền lợi tại những tòa nhà dang dở, nợ lương công nhân, tự tử, v.v. và trong những bài viết đó không đặt nghi vấn hay chỉ trích đảng và chính quyền Trung Quốc thì bạn cũng vẫn bị chặn, hoặc là bị hạn chế lượng người tiếp cận, hoặc là bị gỡ bài.

“Bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn gán cho sự phản kháng (protest) này [tội danh] là ‘cố tình gây sự và kích động rắc rối’. Sở dĩ họ làm như vậy là vì họ biết rõ rằng khả năng cai trị của mình không ổn, nền kinh tế rối tinh rối mù, nhưng lại muốn thắt chặt quyền tự do ngôn luận và quyền phát biểu những bất đồng chính kiến ​​của người dân Trung Quốc. Điều này khiến người dân cảm thấy sợ hãi, bị đè nén và ngột ngạt, cuối cùng khiến cho bầu không khí trong xã hội ngày càng nặng nề”, ông Kavin nói.

Ông Kavin cũng thực hiện một cuộc khảo sát với những đứa trẻ xung quanh mình và nhận thấy rằng các học sinh tiểu học ở Trung Quốc hiện bị tẩy não nhiều hơn trước, các trường học thậm chí còn tuyên truyền “yêu nước yêu Đảng” nhiều hơn.

Ngày 28/8/2023, các em học sinh tiểu học ở thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc đang đọc sách giáo khoa mới được phát hành. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Ông Kavin chỉ ra: “Học sinh tiểu học [ở Trung Quốc] tổ chức dã ngoại mùa xuân, đi công viên và nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, nhưng trẻ em không thấy vui. Ở Mỹ và Canada, các chuyến đi dã ngoại rất thú vị, đi công viên nước, trang trại, bảo tàng khoa học, đi ra biển, ra hồ, đi viện bảo tàng. Họ (ở Trung Quốc) đều rất ngưỡng mộ nền giáo dục ở nước ngoài”.

“Còn học sinh tiểu học Trung Quốc có nhiều bài tập về nhà đến vậy, làm đến 11h, thậm chí là 12h đêm, thật khó tưởng tượng. Tôi rất thương những đứa trẻ ở Trung Quốc”, ông Kavin bày tỏ.

Ông Kavin cũng tiết lộ rằng, vào năm ngoái, ông đã mang theo một tờ báo của The Epoch Times mua tại thành phố Seattle, Mỹ và đọc nó khi đang ngồi trên tàu cao tốc đi từ Hong Kong tới Trung Quốc. Có hai hành khách lên tàu ở thành phố Trịnh Châu và hỏi ông: “Đây là gì vậy?”. Ông Kavin đáp lại: “Cho các bạn xem này”. Hai người kia nói: “Chà, đẹp quá!”, “Ở trong nước không đọc được những tin tức này!”.

Ông Kavin cũng mong rằng sẽ có ngày người dân ở Trung Quốc xem được Đài truyền hình NTD và đọc được những ấn phẩm của The Epoch Times.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Related posts