Gió Bấc
1-6-2024
Phật Giáo đã ra đời hơn 2600 năm, có đến 84.000 pháp môn. Mỗi pháp môn đều có kinh điển đặc trưng, tuy dị biệt nhưng vẫn lấy Từ Bi Hỷ Xả là giá trị căn cốt, hướng chúng sanh thực hành Giới Định Tuệ, rèn luyện Bát Chính Đạo đạt đến trí tuệ giải thoát. Tiến trình tu tập của phật tử, cư sĩ, tu sĩ là thực hành giới luật, các điều Phật dạy, sống thiểu dục, chuyển hóa tham sân si ở những mức độ khác nhau. Đó là Chính Pháp.
Phật giáo Việt Nam có lịch sử lâu đời từ thời Bắc thuộc, vẫn phát triển theo dòng chảy, truyền thống ấy. Tuy nhiên, từ năm 1981 Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, trực thuộc tổ chức chính trị Mặt Trận Tổ Quốc, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, được người dân gọi là “Giáo Hội Quốc Doanh” lại có một Đạo Pháp khác, với slogan Đạo Pháp – Dân Tộc – Xã Hội Chủ Nghĩa. Xã Hội Chủ Nghĩa là “thiên đàng” không có thực, là gông cùm của dân tộc thì Đạo Pháp Xã Hội Chủ Nghĩa không thể tốt lành.
Gần đây, hiện tượng sư Minh Tuệ, sáu năm qua thực hành hạnh Đầu Đà, với đầu trần, chân đất, mang lõi nồi cơm điện thay bình bát, khất thực mỗi ngày, chỉ ăn một lần, không nhận tiền bạc hay thực phẩm dư thừa, đắp y phấn tảo tự may từ vải nhặt được ngoài đường, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa… bốn lần đi xuôi ngược Bắc Nam đang gây xôn xao dư luận trong ngoài nước.
Sư khiêm tốn xưng con với mọi người, không dám nhận mình là tu sĩ hay nhà sư, ông cũng nhấn mạnh trước đây từng có xuất gia vào chùa nhưng thấy không phù hợp nên ra đi và ông không liên quan đến giáo hội hay chùa chiền nào. Ông cố ý dùng lõi nồi cơm điện thay bình bát để không gây nhầm lẫn với các nhà sư. Ông xác định là người Việt Nam học theo lời Phật dạy và đi bộ là để rèn luyện sức khỏe, giữ thân tâm an lạc.
Đông đảo Phật tử, cả người không có đạo lẫn chức sắc Công Giáo, Cao Đài … đều xúc động, kính ngưỡng phẩm hạnh tu hành của nhà sư và đều cảm nhận được đây là hình ảnh chân thực, sống động đức hạnh và hành trình của Đức Phật mà trước nay chỉ nghe thấy qua kinh sách. Có người xem Sư Minh Tuệ là hành giả hiếm hoi, thực hành chính pháp hết sức nghiêm cẩn mẫu mực xưa nay hiếm người làm được.
Có người xem Sư là vị Phật sống. Số người đồng tu tự nguyện cùng theo Sư hành trình càng lúc càng đông, nay lên đến hơn 60 người. Trên mọi chặng đường đi, hàng ngàn người dân địa phương đổ ra đường chào đón, đảnh lễ hay đồng hành. Mạng xã hội tràn ngập thông tin bày tỏ sự ngưỡng mộ, sự tỉnh thức, sự phát nguyện hướng theo giáo lý Phật học từ tấm gương hành trì đạo hạnh của sư.
Không chỉ người trong nước mà nhiều người Việt từ nước ngoài đã bay về nước xin đồng hành. Ngày 29-5 vừa qua, thầy Minh Thiện, một người Việt ở Mỹ về đồng hành mấy ngày đã viên tịch trên đường khất thực. Nhiều người đồng tu khác đã rời đoàn, do không chịu nỗi thử thách khắc nghiệt của hành trình. Thế nhưng, đoàn người đồng tu không giảm mà vẫn tăng lên hàng ngày.
Ấy thế nhưng nhiều chức sắc và ngay chính Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ lại có ý kiến, văn bản khẳng định Sư Minh Tuệ không phải là Tu sĩ Phật Giáo và lưu ý, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” (1).
Cả hai tổ chức quan trọng trên lại đưa ra yêu cầu rất đáng quan ngại là “Liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Không chỉ nói mà còn hành động. Thượng tọa Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bị Giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm sau khi ông đăng video khen ngợi Thầy Minh Tuệ. Thượng Tọa Minh Đạo phải quỳ sám hối với các nhà sư khác và xin thôi các chức vụ trong giáo hội là ủy viên thường trực của Ban trị sự tỉnh, phó Ban trị sự thị xã Phú Mỹ… Chỉ còn là trụ trì Tu viện Minh Đạo đang cưu mang 64 trẻ mồ côi (2).
Sự việc chưa dừng lại ở đó, mạng xã hội đang lan truyền văn bản của Văn Phòng 2 Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội mời sư Minh Đạo làm việc vào ngày 4-6 về “nội dung thuyết giảng thiếu chuẩn mực”. Có thể sẽ còn có thêm sự trừng phạt mới từ cấp trung ương. Một nhà sư khen tặng người tu khác sao phải bị trừng phạt nặng nề như vậy?
Ai cũng thấy và chính Ban Tôn Giáo, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hôi cũng thấy, thầy Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà của Phật Giáo nhưng tại sao lại phủ nhận ông không phải là tu sĩ. Chính pháp của giáo hội quốc doanh theo slogan “Đạo Pháp – Xã Hội Chủ Nghĩa” khác với đạo pháp truyền thống như thế nào mà cho rằng tán than người tu theo hạnh Đầu Đà sẽ “xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”?
Trong cơ cấu quyền lực của thể chế cộng sản, tất cả các tổ chức tôn giáo được cấp phép đều là tổ chức ngoại vi của đảng, do đảng lãnh đạo, người điều hành đều là đảng viên. Phật giáo quốc doanh cũng vậy.
Để trả lời chính xác câu hỏi này cần vận dụng câu nói để đời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu “… Phải nhìn kỷ những gì cộng sản đã làm”.
Điều dễ thấy nhất là suốt mấy chục năm qua, đảng đã nhào nặn Phật giáo Quốc Doanh thành cơ sở kinh doanh tâm linh thu hút tài sản cúng dường của phật tử, doanh nghiệp. Đức Phật, bậc trí tuệ giải thoát bị biến thành vị thần linh chuyên thâu nhận và ban phát tiền bạc, chức quyền tuổi thọ, một tên quan tham nhận tiền cúng dường và đáp đứng lòng tham của người cầu cúng.
Không chỉ là những ma tăng, sàm tăng Thích Chân Quang, Thích Thái Trúc Minh, Thích Nhật Từ, … chuyên rao giảng niềm tin sai trái mê hoặc phật tử để thu tiền mà phần lớn nếu không nói là hầu hết các chức sắc phật giáo quốc doanh đều cùng một giuộc. Đằng sau mỗi ngôi chùa lớn đều có quan chức cao cấp đỡ đầu để cấp phát đất đai, phá rừng nguyên sinh, chiếm lĩnh vị trí đắc địa để kinh doanh dụ lịch, địa ốc.
Chùa Bái Đính, Ba Vàng, hệ thống hàng chục chùa Trúc Lâm diện tích hàng chục đến hàng trăm hecta. Đặc biệt, Chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Nằm cách Hà Nội khoảng 70km, ngôi chùa này rộng 144 ha trong tổng diện tích 5.100 ha của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là điểm du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng.
Công cuộc kinh doanh của chùa ngày càng mở rộng chuyên nghiệp hơn, mỗi ngôi chùa lớn đều có công ty kinh doanh. Thiền Tông Phật Quang của Thích Chân Quang có công ty Pháp Quang kinh doanh đa ngành truyện sách, thời trang Phật Giáo, dược phẩm, có hàng chục đại lý ở nhiều tỉnh thành (3). Chùa Giác Ngộ của Thích Nhật Từ có Quỹ Đạo Phật Ngày nay, có hàng chục chương trình quyên góp cúng dường trai tăng, ấn tống kinh kệ… với nhiều phương thức đóng góp đa dạng online, offline (4).
Trái ngược hoàn toàn với chính pháp Phật Giáo truyền thống là hướng con người đến lối sống đơn giản thiểu dục, từ bi, thiện lành với cả chúng sinh, chính pháp của giáo hội quốc doanh kích hoạt lòng tham, vị kỷ của phật tử đến vô giới hạn không chỉ kiếp này mà đến cả kiếp sau, thông qua việc vét túi cúng dường. Thuyết nhân quả, nhân duyên bị diễn dịch như cuộc đầu tư siêu lợi nhuận, kiếp này cúng dường trăm triệu kiếp sau thành tỉ phú. Mọi tội lỗi ác nghiệp gây ra đều có thể mua chuộc, hối lộ Trời Phật, qua cúng dường.
Cũng giống như “công cuộc đốt lò”, chống tham nhũng của Đảng, chỉ đốn chân đối thủ, thẳng tay với dân đen, bao che cho đồng bọn, xử lấy lệ những vụ đã bại lộ không thể che giấu, giáo hội quốc doanh cũng lờ đi, thỏa hiệp bao che cho những kẻ phạm giới, phạm pháp mười mươi. Với sư Ba Vàng Trúc Minh, việc cúng oan gia trái chủ lừa dân chiếm hàng chục tỷ đồng, chỉ bị cách chức qua loa. Vừa phục hồi chức vụ, sư Ba Vàng lại bày ra việc xá lợi tóc phật đầy tai tiếng rồi cũng chỉ bị phạt sám hối, cấm tổ chức lễ hội quốc tế 1 năm. Điều quan trọng là, Giáo Hội Quốc doanh cứ ỡm ờ không dám nói thật với dư luận, đó là Xá Lợi Tóc thật hay chỉ là cỏ biết đi, bán tràn lan trên mạng.
Nguy hiểm nhất là với Thích Chân Quang, ngoài những bài thuyết pháp thô bỉ về chuyện cúng nhà đất cho chùa, hay nhân quả nhảm nhí, ma tăng này còn dám sửa đổi nội dung ngũ giới cấm của đức Phật. Đây là quy ước quan trọng căn bản nhất cho đạo đức con người, Chân Quang đã bỏ giới cấm tà dâm và thay vào đó là cấm phản bội. Đây cũng là đặc trưng nhất của chế độ Cộng sản muốn biến mọi người đều trở thành nô lệ, công cụ ngoan ngoãn phục vụ cho chế độ độc tài (5).
Chính vì vậy, Chính Pháp của Giáo Hội Quốc Doanh đối kháng 100% với Phật Pháp truyền thống. Phật giáo chân chính giúp con người gạn đục khơi trong với bản thân, sống hài hòa thân thiện với tha nhân và lớn hơn là với cả chúng sinh. Chính Pháp quốc doanh là sự lừa mị, kích động lòng tham, sự lầm lạc của con người, chạy cuốn theo giá trị vật chất, ảo tưởng quyền lực và trở thành thiêu thân cho đám ma tăng cộng sản.
Đức độ, phẩm hạnh tu hành của sư Minh Tuệ đã đánh thức lương tri con người, hồi sinh sức sống thanh khiết cho phật giáo truyền thống, vô tình trở thành đối thủ nguy hiểm, không chỉ cho bọn ma tăng mà còn có nguy cơ làm suy giảm quyền lực của chế độ độc tài.
Kiếp nạn lớn nhất đang chực chờ sư Minh Tuệ. Thầy ông Nội Lê Tùng Vân là quái nhân ngoài hành tinh hơn 80 tuổi vẫn loạn luân sinh con sòn sọt, lão tướng Trần Độ trên 70 tuổi còn bị bắt khi ăn nằm với gái, một tội ác nhơ nhớp không tưởng nào đó sẽ phủ lên, bôi đen phẩm hạnh của Sư Minh Tuệ trong một ngày không xa. Nguy hiểm hơn nữa, có thể sư Minh Tuệ sẽ đột nhiên vắng bóng như Tổ sư Minh Đăng Quang hay Đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Đó là sở trường chính pháp của Giáo hội Quốc doanh.
_________
Chú thích:
2- https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9een8k8yxdo
3- https://quydaophatngaynay.org/cung-duong-hoc-phi-tang-doan-chua-giac-ngo-nam-2024-c310/