Ngôi nhà ma

Đặng Duy Hưng

Ở trong khu vực quanh chùa Đ. ai cũng biết ngôi nhà của lão Phùng có ma. Đây là ngôi nhà ba tầng cao, sang trọng nhất phố. Lão Phùng nhận thầu dọn dẹp vệ sinh cho quân đội Mỹ, giàu lên nhờ hợp đồng béo bở. Không chỉ vậy, lão thầu luôn những cái TV, máy radio phát thanh bị hư tý xíu. Tụi lính Mỹ trao đổi với lão bằng cây thuốc lá hay chai rượu nếp đặc sản. Lão đem về sửa sơ sơ rồi bán lại cho dân thành phố tiêu dùng.

Lão thông minh lanh lợi, việc gì có tiền là làm. Việc lớn nhỏ khó dễ lão cũng giải quyết được nhưng lại thất bại xua đuổi ma quỷ trong nhà. Nhờ thầy pháp, sư cao tay ấn ngay cả cha nhà thờ chính tòa trong tỉnh nhưng cuối cùng họ cũng bó tay phải bỏ của chạy lấy người. Trong nhà chỉ còn con bé Tú họ hàng xa với vợ lão mồ côi cha mẹ từ nhỏ ở sau nhà bếp gìn giữ ngôi nhà. Có lẽ lão hy vọng một ngày nào đó con ma trong nhà không có ai phá phách buồn mà bỏ đi. Con bé Tú không biết bị sanh thiếu tháng hay sao mà đầu óc tưng tưng. Nó giống như bị người cỏi trên nhập, nói chuyện vui buồn khó ai đoán được!

Lâu lâu vài người gặp con Tú ngoài chợ hỏi nhưng nó lắc đầu: “Làm gì có ma quỷ gì đâu! Do lão làm việc quá sức nên ngủ có nhiều ác mộng thôi. Tui ở nhà cả ngày lẫn đêm có thấy gì đâu!”

Rồi năm 1975 đến, cả nhà lão nhanh chân nhất chạy ra nước ngoài. Hơn năm sau khi tình hình an ninh ổn định phân bộ quân ủy đưa người về sửa chữa thành nhà khách đón cán bộ về ở khi đến thành phố công tác. Con Tú bây giờ thành công nhân thường trực thu dọn làm vệ sinh phòng ốc.

Ai cũng chờ đợi chuyện ma xảy ra ‘bóp cổ’ vài thằng dép râu vào nam ăn cướp. Nhưng hai tháng trôi qua họ chẳng thấy gì xảy ra. Con Tú cười “Tui nói rồi mà! Làm gì có ma!”

Chung quanh hàng xóm bắt đầu tự trả lời câu hỏi: “Chắc ma quỷ cũng sợ mấy ông cán bộ nón cối!”

Đột nhiên vào một buổi sáng, ông Bảy xích lô chở hàng ra chợ sáng sớm thấy một ông cán bộ nằm chết trước sân nhà. Công an đến hơn hai chục người từ mặc đồ thường dân đến quân phục xúm quanh bàn tán. Không ai được đến gần nên chẳng biết gì hơn trừ lời đồn của đám “tàn quân phản động.” Đại để ông ấy bị ma ám nên nhảy lầu tự tử. Có kẻ thêu dệt lên: “Chắc chắn ông ta bị ma đẩy xuống từ lan can.”

Con bé Tú giọng bình thường: “Ông đó uống quá nhiều rượu nên mất thăng bằng té xuống chết thôi! Không có ma quỷ gì hết!”

Có người không tin thầm kín nói với nhau: “Chắc công an biểu nó nói như vậy, nếu không sẽ mất công việc lẫn hộ khẩu!”

Nói chuyện vậy thôi, sau 1975 “tai vách mạch rừng” nghe vậy thôi chớ truyền lại có thể mang kiềng “phản động” ở tù mọt gông.

Nhưng không ngờ, ba ngày sau đó có thêm một ông cũng bị té ở chỗ cũ. Tuy không chết nhưng xương tay, chân, và lưng bị gãy. Chắc chắn là bị tàn tật suốt đời! Sống kiểu ông này, thà chết còn hơn sống trong đau khổ!

Rồi khuya hôm sau đó, thêm một công an nữ trực đêm tự nhiên chạy ra ngoài la hét làm cả xóm thức dậy.

Cô giọng run rẩy khuôn mặt trắng cắt không còn giọt máu: “Ma! Ma! Tôi thấy một người đàn ông nói chuyện với cô gái mặc áo trắng ru con trong võng trên sân thượng.”

Lần này nghe đâu công an từ trung ương về chính thức điều tra. Mấy ngày đêm họ liên tiếp mở đèn sáng choang như thách thức con ma hiện ra. 

Hai tuần trôi qua, không khí chung quanh nhà rất ẩm ướt. Khá nhiều xe với đoàn tùy tùng bảo vệ đến cả ngày lẫn đêm, họp xong rồi đi! Ngày nào cũng vậy cả hai tuần liên tiếp.

Vào một tối cuối tuần đó, trời mưa thật lớn, sét đánh chớp cuối chân trời mấy lần. Không biết trong những cán bộ “vô thần” có người nào hy vọng trời cao sẽ dùng sét đánh chết mấy con ma.

Và nghe con Tú than vãn lúc quét nhà: “Tuần sau tui phải dọn vào nhà tập thể vì nhà này phải đập xuống sửa chữa lại thành nhà bảo tang tưởng niệm cuộc chiến bất khuất của nhân dân chống Mỹ Nguỵ.”

Căn nhà để trống không ai ở gần sáu tháng mới thấy xe, thợ đến đập xuống xây tường cửa nhà mới. Ai cũng sợ “tai nạn lao động” nên trời vừa tối là thợ thầy đã dọn dẹp về. Buổi tối họ nhờ ông già Năm sống bên kia đường đem ghế dựa qua ngủ trông giùm.

Vài người tò mò hỏi ông có thấy gì không?

Ông cười nhe hàm răng sún ba cái: “Khuya nào tôi cũng làm nửa xị rượu là ngủ một giấc đến sáng.”

Và cuối cùng tòa nhà kiểu mới cũng được hoàn thành. Khánh thành lễ hội thật trang trọng có phó chủ tịch nước đến cắt băng khánh thành. Đặc biệt nhất là phía trên lan can bây giờ xây thêm hàng rào bằng sắt như ngăn chặn té lầu khi “say rượu.”

Người người đến rất đông, ngày ngày xếp hàng vào thăm quan triển lãm tranh ảnh. Không biết trong số khách thăm quan có ai muốn tìm hiểu về những con ma hay không. 

Dường như trung ương đã quyết định chính xác, đập cũ xây mới ma quỷ cũng sẽ khăn gói bỏ đi. 

Bốn cán bộ đến sống quản lý tòa nhà sống bình yên không có gì trục trặc được gần một tháng. 

Sáng hôm nọ, một ông thức dậy xuống phòng vệ sinh. Lúc đi qua phòng triển lãm, ông có cảm giác có gì khác lạ với những tấm hình treo trên tường. Dường như ai đó chuyển đổi chỗ những tấm hình từ trên xuống dưới hay từ phải sang trái! Ông đánh thức những cán bộ khác dậy để tường trình.

Câu chuyện được giữ kín không ai biết cho đến khi con Tú trở lại ở trong ngôi nhà. Lần này nó được lên chức trở thành cán bộ quản lý viện bảo tàng. Có lẽ cấp trên nhận định căn nhà này chỉ có một mình con Tú ở được. Một công hai chuyện, một cục đá liệng chết hai chim. 

Mà thật sự đúng như vậy! Con Tú vẫn như ngày xưa đi đâu ai hỏi cũng trả lời: “Làm gì có ma quỷ! Tui sống qua bao nhiêu năm có thấy gì đâu!”

Nghe nó tâm sự vậy thôi nhưng nếu ai nhìn kỹ trong đôi mắt nó sẽ có cảm giác đang ôm ấp một bí mật. Nhưng đó là chuyện của nó, không có gì gọi là đáng ầm ĩ lên phải không các bạn!?

Đặng Duy Hưng

Related posts