Bất chấp các động thái lớn nhằm giải cứu lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Bắc Kinh, doanh số của 100 công ty bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong tháng 5.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiếp tục suy giảm. Trong 5 tháng đầu năm nay, khối lượng bán hàng của 100 công ty bất động sản hàng đầu đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu từ Công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC), vào tháng 5, 100 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc đã đạt doanh số giao dịch là 322,4 tỷ CNY (nhân dân tệ), giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước và kết quả bán hàng trong một tháng tiếp tục nằm ở mức thấp lịch sử. Trong 5 tháng đầu tiên, tổng doanh số giao dịch đạt 1,4 nghìn tỷ CNY, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, cho biết: “Chúng ta biết rằng bong bóng bất động sản của Trung Quốc vẫn đang nhanh chóng sụp đổ và mở rộng sự sụp đổ của nó. Bây giờ ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã đưa ra một số chính sách, chẳng hạn như yêu cầu một số cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước mua lại những bất động sản và các tòa nhà chưa hoàn thiện này rồi phát triển chúng thành “nhà ở giá rẻ” hay các phương pháp khác, nhưng vấn đề thực sự với các biện pháp này là tiền đến từ đâu”.
Ngày 17/5, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố 3 “động thái lớn” để kích thích thị trường bất động sản. Một trong số đó là thiết lập khoản vốn cho vay lại đối với nhà ở giá rẻ trị giá 300 tỷ CNY để giúp chính phủ mua nhà hiện có và biến chúng thành nhà ở giá rẻ.
Tuy nhiên, theo ước tính của ngân hàng của Anh là Barclays, lượng nhà ở tồn kho của Trung Quốc lên tới 28 nghìn tỷ CNY. Nomura Securities ước tính rằng vẫn còn 20 đến 30 triệu ngôi nhà ở Trung Quốc chưa hoàn thành và cần đầu tư 3 nghìn tỷ CNY để hoàn thành chúng. BCA Research, một tổ chức nghiên cứu của Canada, cho biết cần bơm ít nhất 5 nghìn tỷ CNY vào thị trường nhà ở của Trung Quốc để có thể có tác động có ý nghĩa đến nền kinh tế.
Hai biện pháp khác mà chính quyền Trung Quốc thực hiện là giảm đáng kể tỷ lệ thanh toán trước và hủy bỏ sàn lãi suất cho vay thế chấp. Các nhà phân tích tin rằng những biện pháp này sẽ không hiệu quả.
Ông Sun Guoxiang, Phó giáo sư tại Khoa Quan hệ quốc tế và Khởi nghiệp tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho biết: “Các chính sách hiện tại của Trung Quốc dường như không thể giải quyết được vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với bất động sản. Tất cả các “đòn đánh kết hợp” được thấy cho đến nay dường như vẫn không có tác dụng”.
Ông Tạ Điền cho biết: “Các biện pháp cứu trợ của ĐCSTQ sẽ không thực sự hiệu quả. Trên thực tế, nhiều nhất thì nó chỉ có nghĩa là chuyển những thứ còn dang dở hoặc những tòa nhà trống rỗng và lãng phí này từ tay người này sang tay người khác. Không có giải pháp thực sự nào để giải quyết vấn đề thực sự về tình trạng dư thừa công suất và xây dựng quá mức của những tòa nhà này. Và người dân Trung Quốc thực sự không có quá nhiều thu nhập để có thể hấp thụ những bất động sản này, vì vậy bong bóng bất động sản này nhiều khả năng sẽ tiếp tục vỡ”.
Ngoài kết quả bán hàng giảm sút, các công ty bất động sản Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực trả nợ. Theo số liệu thống kê từ Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc, quy mô trái phiếu đáo hạn của các công ty bất động sản vào năm 2024 sẽ là 770,3 tỷ CNY. Phó giáo sư Sun Guoxiang của Đại học Nam Hoa Đài Loan tin rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang thị trường tài chính và thị trường trái phiếu.
Ông Sun Guoxiang cho biết: “Vì doanh số bán bất động sản không tốt, tất nhiên tình hình sẽ cho thấy nó có ảnh hưởng đến toàn bộ ngành tài chính, hoặc các ngành liên quan như ngành ngân hàng. Mọi vấn đề vẫn đến từ chính bản thân hệ thống của ĐCSTQ”.
Theo NTDTV
Bảo Nguyên biên dịch