Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Mô hình kinh tế của Trung Quốc không bền vững

Ye Ziwei

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Mô hình kinh tế của Trung Quốc không bền vững
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman có bài phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Châu Á ở Hong Kong vào ngày 20/1/2015. (Ảnh: PHILIPPE LOPEZ/AFP qua Getty Images)

Nhà kinh tế danh tiếng cho rằng toàn bộ mô hình kinh tế của Trung Quốc là không bền vững do sự thiếu hụt lớn trong chi tiêu trong nước và việc thiếu cơ hội đầu tư.

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, cho biết thật kỳ lạ khi các nhà lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc không muốn sử dụng nhiều chi tiêu của chính phủ hơn để tìm cách hỗ trợ cho nhu cầu của người tiêu dùng, mà thay vào đó lại hỗ trợ cho sản xuất. Ông Krugman cũng cho rằng, mô hình kinh tế của Trung Quốc là không bền vững.

Bloomberg đưa tin vào ngày 2/6 rằng ông Krugman đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV: “Thực tế việc chúng ta có sự thiếu vắng hoàn toàn tính thực tế từ phía người Trung Quốc [chính quyền Trung Quốc] là một mối đe dọa đối với tất cả chúng ta”.

Ông Krugman đồng ý với lời chỉ trích của các quan chức kinh tế Hoa Kỳ về chính sách của Trung Quốc rằng Trung Quốc không nên tìm cách thoát khỏi rắc rối thông qua xuất khẩu. “Chúng ta không thể hấp thụ, thế giới sẽ không chấp nhận mọi thứ mà Trung Quốc muốn xuất khẩu”, ông nói với Bloomberg TV.

Chính quyền Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào sản xuất và tập trung vào các ngành công nghiệp mới như xe điện, pin và năng lượng tái tạo trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới cho nền kinh tế vốn đang chậm lại. Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại đến từ nhu cầu trong nước. Nhiều ngành công nghiệp mới kể trên được tự động hóa cao và không thể cung cấp đủ việc làm. Một phân tích năm 2023 của Goldman Sachs phát hiện ra rằng ba ngành công nghiệp chính được chính quyền Trung Quốc ưu tiên – xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo – chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc và không thể tạo đủ việc làm để giúp đỡ hàng triệu sinh viên đang học và sinh viên tốt nghiệp đại học, cũng như những lao động di cư, những đối tượng vốn đang phải vật lộn để kiếm sống.

Bình luận của ông Krugman được đưa ra khi Hoa Kỳ và Châu Âu bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và việc bán phá giá một lượng lớn hàng hóa được nhà nước trợ cấp ra nước ngoài, đồng thời Hoa Kỳ và Châu Âu đều đang hoặc sẽ có hành động để chống lại điều đó.

​​Vào ngày 15/4, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Chúng tôi lo ngại rằng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng có thể gia tăng mạnh vào thị trường của chúng ta”.

“Tôi đã nói rất rõ trong các cuộc thảo luận với họ (Trung Quốc) rằng đây không chỉ là mối quan tâm của chúng tôi mà còn là mối quan tâm của các quốc gia khác, Châu Âu, Nhật Bản và thậm chí cả các thị trường mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ, Mexico, Brazil, v.v.”, bà cho biết.

Một mô hình kinh tế không bền vững

Ông Krugman nói thêm rằng toàn bộ mô hình kinh tế của Trung Quốc là không bền vững do sự thiếu hụt lớn trong chi tiêu trong nước và việc thiếu cơ hội đầu tư.

Ông cho biết Bắc Kinh nên tìm cách hỗ trợ cho nhu cầu trong nền kinh tế thay vì gia tăng hoạt động sản xuất.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, bà Yellen cũng thúc giục Bắc Kinh quan tâm đến vấn đề dư thừa công suất: “Có cung và có cầu”. “Một cách khả thi là kích thích nhu cầu và để các hộ gia đình [hoạt động tiêu dùng] chiếm một phần lớn hơn trong tổng sản phẩm quốc nội”.

Giáo sư Mary Gallagher của Đại học Michigan cho biết trong nghiên cứu mới nhất rằng từ Đại nhảy vọt đến sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, tình trạng dư thừa công suất là một phần trong phong cách quản trị chung của chính quyền Trung Quốc, và mô hình quản trị của họ có xu hướng hướng tới “dư thừa công suất” và hoàn thành quá mức các mục tiêu.

Một bài báo trước đây của Bloomberg cho biết việc chính quyền Trung Quốc chuyển sang sử dụng các biện pháp hỗ trợ cho sản xuất có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại mới.

Một bài báo trên Business Insider cho biết ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, tin rằng cho dù cựu Tổng thống Trump hay Tổng thống đương nhiệm Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11, thì các chính sách kinh tế hiện tại của chính quyền Trung Quốc đều có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Theo Epoch Times tiếng Trung

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts