Chương Thiên Lượng
Vào ngày 30/5, phần lớn các khu vực ở Bắc Kinh đã xuất hiện gió mạnh cấp 8 đến cấp 10 trong thời gian ngắn. Có tổng cộng 5 trạm khí tượng ghi nhận tốc độ gió đạt đến cấp 12 khi đo. Tốc độ gió lớn nhất là tại Thiên Linh Sơn, quận Phong Đài, đạt 37,2 m/s (134 km/h), tương đương với gió mạnh cấp 13.
Có video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, vào ngày hôm đó, có người đang tham quan Cố Cung (Tử Cấm Thành), đột nhiên gió mạnh và mưa lớn kéo đến. Du khách đã chạy đến Cung Khôn Ninh để tránh mưa. Hình ảnh cho thấy ngói của Cung Khôn Ninh liên tục rơi xuống, vỡ tan trên mặt đất. Tình huống này khiến người ta không thể không liên tưởng đến phương diện huyền học.
Khi nhìn thấy tin tức này, đầu tiên tôi nghĩ đến một câu chuyện xảy ra vào thời nhà Minh, đó là sự kiện ‘Tĩnh Nan chi dịch’ (靖難之役: Chiến dịch Tĩnh Nan).
Chúng ta biết rằng Chu Nguyên Chương thành lập triều Minh vào năm 1368 và trị vì 30 năm. Đến năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà. Sau đó, cháu trai của Chu Nguyên Chương là Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn lên ngôi. Vừa lên ngôi, Chu Doãn Văn đã bắt đầu giảm bớt quyền lực của các thân vương. Nhiều thân vương bị giảm bớt quyền lực, thậm chí bị ép đến chết.
Lúc đó, người có quyền lực mạnh nhất và cũng là đối tượng mà Kiến Văn Đế muốn giảm bớt quyền lực nhất, đó chính là Yên Vương Chu Đệ. Chu Đệ biết rằng sớm muộn gì cũng sẽ liên lụy đến mình, nhưng ông còn do dự chưa quyết. Lúc đó, có một nhân vật (tương đương với quốc sư) tên là Diêu Quảng Hiếu đã khuyên Chu Đệ khởi binh. Diêu Quảng Hiếu nói rằng: ‘Thần tri thiên đạo, hà luận dân tâm’ (臣知天道, 何論民心: Thần biết đạo Trời, việc gì phải bàn luận về tâm ý người dân), nghĩa là thiên tượng đứng về phía ngài, nên nhất định phải cải triều hoán đại (改朝換代: thay đổi triều đại), không cần quan tâm đến lòng dân. Vào tháng 6/1399, Chu Đệ quyết định khởi binh.
Khi đang điểm binh, đột nhiên gió mạnh và mưa lớn kéo đến, thổi rơi ngói của phủ Yên Vương xuống đất. Điều này được coi là điềm xấu lúc bấy giờ. Chu Đệ không biết phải làm thế nào và giải thích ra sao với binh lính. Diêu Quảng Hiếu nói rằng, xưa nay rồng bay lên trời luôn có mưa gió đi kèm. Bây giờ ngói xanh của phủ rơi xuống đất báo hiệu rằng, ngài sẽ sử dụng ngói vàng của hoàng đế.
Chúng ta biết rằng Tử Cấm Thành có ‘tường đỏ ngói vàng’, chỉ có hoàng đế mới được sử dụng ngói vàng. Thân vương lúc đó chỉ được dùng ngói xanh. Cho nên, khi ngói xanh rơi xuống, theo cách giải thích của Diêu Quảng Hiếu, điều đó có nghĩa là ngói của phủ Yên Vương sẽ được thay bằng ngói vàng, tức là Chu Đệ sẽ trở thành hoàng đế. Nghe vậy, Yên Vương Chu Đệ yên tâm phát động ‘Tĩnh Nan chi dịch’. Ba năm sau, Chu Đệ tiến vào Bắc Kinh và chính thức lên ngôi hoàng đế.
‘Tĩnh Nan chi dịch’ có liên quan đến việc ngói rơi xuống, điều này thực sự khiến chúng ta liên tưởng đến hiện tượng ngói rơi tại Cung Khôn Ninh của Tử Cấm Thành lần này.
Trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ tại Cố Cung. Vào ngày 4/3/2022, trong ngày họp đầu tiên của kỳ Lưỡng Hội của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ở Bắc Kinh đã xuất hiện gió mạnh. Điện Thái Hòa, nơi hoàng đế tổ chức đại lễ đăng cơ (thường gọi là Điện Kim Loan), bốn cửa lớn ở hướng Bắc đều bị gió thổi đổ. Đến cuối tháng 7/2023, Bắc Kinh gặp phải trận mưa lớn chưa từng có. Cố Cung chưa từng bị ngập trong vòng 600 năm thì khi ấy đã bị ngập, Cung Từ Ninh cũng bị ngập, nước ngập sâu đến bắp chân.
Những liên tưởng về phương diện huyền học này có thể nhiều người không tin, nhưng ông Tập Cận Bình khẳng định là tin.
Ông Tập Cận Bình xa lánh ông Lý Cường, thực ra tôi nghĩ không phải không có lý do liên quan đến huyền học. Trong ‘Thôi Bối Đồ’ có một tượng nói: ‘Hữu nhất quân nhân thân đới cung, chỉ ngôn ngã thị bạch đầu ông’ (有一軍人身帶弓, 只言我是白頭翁: Có một quân nhân mang theo cung, chỉ nói ta là ông đầu bạc). Đây là một dấu hiệu của cuộc đảo chính.
Ông Tập Cận Bình có thể không thích người ‘thân đới cung’ (thân mang theo cung), thậm chí có người nói rằng Tập Cận Bình chỉnh đốn ‘hỏa tiễn quân’ (火箭軍: quân đội tên lửa, lực lượng tên lửa) cũng vì liên tưởng đến từ ‘cung tiễn’ (弓箭: cung tên). Thêm vào đó, trong chữ Cường (強) (tên của ông Lý Cường) cũng có chữ ‘cung’ (弓). Nhưng dù thế nào thì hiện nay ông Tập Cận Bình đang gặp khó khăn.
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 20 (Hội nghị Trung ương 3 khóa 20) sắp diễn ra, ĐCSTQliên tục đưa ra các thông tin cho thấy hội nghị lần này sẽ mở rộng hơn nữa việc mở cửa đối ngoại. Ông Tập Cận Bình và nhiều Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đang nghiên cứu các vấn đề kinh tế tại nhiều nơi, đồng thời tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp cải cách để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện tại.
Vào ngày 23/5, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một buổi tọa đàm với các doanh nhân và chuyên gia tại tỉnh Tế Nam. Ông Tập đã nghe phát biểu về đổi mới và đầu tư, sau đó ông đột nhiên hỏi rằng: ‘Nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp kỳ lân mới giảm là gì?’. Doanh nghiệp kỳ lân hay còn gọi là kỳ lân khởi nghiệp (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD.
Đối với câu hỏi của ông Tập Cận Bình, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ là tờ ‘Nhân dân Nhật báo’ không dám đề cập đến việc có ai tại hiện trường trả lời câu hỏi của ông Tập hay không, mà tờ báo này chỉ mơ hồ viết rằng ‘câu hỏi này là tiếng nói của thời đại’.
Số lượng doanh nghiệp kỳ lân của Trung Quốc thực sự đang giảm dần. Theo báo cáo của tờ South China Morning Post (Hoa Nam buổi sáng) dẫn nguồn từ Viện nghiên cứu Hurun, đã công bố dữ liệu bảng xếp hạng doanh nghiệp kỳ lân toàn cầu năm 2024 vào tháng 4. Toàn cầu có 1453 doanh nghiệp kỳ lân, Mỹ chiếm hơn 700 (gần một nửa), còn Trung Quốc chỉ có 340 doanh nghiệp, và số lượng doanh nghiệp kỳ lân mới của Trung Quốc cũng đang càng ngày càng giảm. Vì sao lại xuất hiện tình trạng này?
Trên thực tế, không cần nói mà ai ai cũng biết. Khi nào thị trường vốn của Trung Quốc bắt đầu bị hạn chế mạnh mẽ và vốn bắt đầu chảy ra ngoài? Không biết mọi người còn nhớ sự kiện Didi Chuxing hay không? (Didi Chuxing được mệnh danh là ‘Uber của Trung Quốc’).
Vào ngày 1/7/2021 (đúng vào ngày thành lập ĐCSTQ), Didi Chuxing đã chọn niêm yết tại Phố Wall. Sự việc này đã làm ông Tập Cận Bình tức giận, bởi vì không có sự cho phép của ông Tập mà Didi Chuxing lại dám niêm yết trên sàn chứng khoán New York tại Phố Wall. Ông Tập Cận Bình đã mạnh tay ra lệnh cho Didi Chuxing rút khỏi Phố Wall. Giá cổ phiếu từ khi niêm yết đến khi rút lui của Didi Chuxing đã giảm 87%, giá trị thị trường chỉ còn lại 11,1 tỷ USD.
Từ khi Didi Chuxing rút khỏi thị trường, các cổ phiếu Trung Quốc trên thị trường Mỹ đã liên tục sụt giảm, các doanh nghiệp trong nước Trung Quốc cũng ngày càng khó tìm được nguồn vốn.
Trước đây khi thành lập một công ty Internet tại Trung Quốc, nhiều người sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp đó, bao gồm cả ngân hàng đầu tư của Nhật là SoftBank, họ cũng coi Trung Quốc là một mục tiêu đầu tư chính. Nhưng giờ đây, mọi người đều biết rằng, nếu doanh nghiệp muốn niêm yết thì ông Tập Cận Bình có thể buộc họ rút khỏi thị trường. Lúc đó sẽ không có ai kiếm được tiền và những nhà đầu tư cho doanh nghiệp ấy sẽ rất khó thu hồi vốn. Cho nên, các doanh nghiệp Trung Quốc đang rất khó khăn trong việc huy động vốn.
Chúng ta biết rằng vốn là máu của doanh nghiệp hiện đại. Nếu không có khả năng tạo ra máu và tuần hoàn máu, doanh nghiệp sẽ suy yếu hoặc đóng cửa. Khi doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng, sức mua giảm, tiêu dùng giảm, đồng tiền mất giá… Đây là những kiến thức cơ bản về kinh tế vĩ mô. Việc thị trường vốn thu hẹp đã gây ra những hậu quả như vậy.
Tình huống ở Trung Quốc còn phức tạp hơn, bao gồm nhiều yếu tố như chính sách Zero COVID, Luật chống gián điệp, Thương chiến Mỹ – Trung, các nước dân chủ tách khỏi chuỗi cung ứng với Trung Quốc, xung đột tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, việc Trung Quốc hỗ trợ Nga dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế… Tất cả đều mang lại sự bất ổn lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Chúng ta biết rằng, vốn sợ nhất là sự bất định, và tất cả những nhân tố bất định này đều do ông Tập Cận Bình gây ra.
Trung Quốc hiện đã trở thành một kẻ địch rất rõ ràng của Mỹ. Ủy ban Quân sự Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố Luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài khóa 2025 vào ngày 28/5, trong đó nhiều lần đề cập đến vấn đề Đài Loan và tái khẳng định lập trường của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan. Đồng thời luật này còn giải thích chi tiết các biện pháp cấm vận dầu thô đối với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Mỹ sẽ phong tỏa tất cả các tuyến đường vận chuyển dầu thô đến Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển.
Theo phiên bản Luật Ủy quyền Quốc phòng của Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng cần phải nộp một báo cáo cho Quốc hội trong vòng 180 ngày. Báo cáo này sẽ đánh giá khả năng phong tỏa việc vận chuyển dầu thô của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột Trung – Mỹ, bao gồm cả việc phong tỏa eo biển Malacca, eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông và các tuyến đường chiến lược khác, cũng như các phương án thay thế trên không và trên bộ của Trung Quốc. Cho nên, chúng ta có thể thấy rằng trong Luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ, Trung Quốc đã được coi là một kẻ địch rất rõ ràng của Mỹ.
Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể được thấy rõ từ một con số đơn giản. Năm 2023, tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của Trung Quốc là 23,5 kg, giảm 36% so với mức tiêu thụ 36,8 kg năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu bã đậu nành (phần còn lại sau khi ép dầu từ đậu nành để nuôi lợn), đã tăng gần 600 nghìn tấn, gần gấp 5 lần so với năm ngoái. Nguyên nhân là do người dân không đủ tiền mua thịt lợn, do đó bã đậu để nuôi lợn bị thừa.
Ở Trung Quốc hiện nay còn xuất hiện một hiện tượng gọi là ‘thặng thái manh hạp’ (剩菜盲盒: hộp rau thừa). Trong ‘hộp rau thừa’ chứa rau thừa mà người khác không ăn hết. Việc bán hộp rau thừa trở thành một mảng kinh doanh lớn trên các nền tảng thương mại điện tử. Mỗi năm có hàng triệu người mua hộp rau thừa này. Tổng doanh thu hàng năm của việc bán hộp rau thừa đạt từ 30 đến 40 tỷ nhân dân tệ. Một nhà kinh tế học nổi tiếng là Tiến sĩ Trình Hiểu Nông đã viết một bài phân tích chỉ ra rằng, điều này cho thấy ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiện phải sống dựa vào hộp rau thừa. Mức tiêu thụ thực phẩm của người Trung Quốc không chỉ giảm mà còn nghèo đến mức không đủ tiền mua thực phẩm tươi sống.
Sự đi xuống tiêu dùng của Trung Quốc đã chuyển từ việc không còn mua hàng xa xỉ, không mua quần áo, cho đến việc mua rau thừa và ăn tại các bếp ăn công cộng dành riêng cho người cao tuổi. Người Trung Quốc rất coi trọng ẩm thực, nhưng hiện nay tiêu dùng của người Trung Quốc đã đi xuống đến mức không thể đi xuống hơn được nữa.
Ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, nhiều nhà hàng bị thu hồi giấy phép bán hàng hoặc là chủ động hủy giấy phép. Năm 2023, có 1,36 triệu nhà hàng bị thu hồi và hủy giấy phép, tăng 128% so với năm ngoái. Trong quý đầu tiên của năm nay, con số này đã lên tới 460.000, so với dưới 140.000 của cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc cũng đang đi xuống.
Trên thực tế, đây là dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế đến mức không thể suy giảm thêm được nữa.
Khi ông Tập Cận Bình bắt đầu quan tâm đến các vấn đề kinh tế hoặc cố gắng nỗ lực trong lĩnh vực này, thì đây chính là lúc ông Tập đi vào con đường ‘tự ngã phủ định’ (自我否定: phủ định tự ngã, phủ định bản thân mình).
Trước đây, Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách và mở cửa đã thách thức quyền uy của Mao Trạch Đông. Ông Tập Cận Bình nhận thấy rằng, cải cách và mở cửa đã làm suy yếu sự lãnh đạo của đảng, do đó, khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã cố gắng tăng cường sự lãnh đạo của đảng, hy vọng quay trở lại đường lối của Mao Trạch Đông.
Vậy thì nếu ông Tập Cận Bình một mặt đi theo đường lối của Mao Trạch Đông, mặt khác lại quan tâm đến kinh tế và đi theo đường lối cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, thì ông Tập sẽ rơi vào tình trạng tự mâu thuẫn và tự phủ định bản thân mình.
Từ khi ĐCSTQ thành lập đã liên tục xảy ra các cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng. Dường như mỗi lần ĐCSTQ tiến hành đấu tranh về đường lối, thì sức mạnh đoàn kết và sức mạnh tổ chức của ĐCSTQ được gia cường. ĐCSTQ có cách nói rằng ‘đấu tranh giai cấp, hễ nắm là linh (nghiệm)’, tức là mỗi lần đấu tranh nội bộ, quyền uy của ĐCSTQ lại được nâng cao. Đó là vì ĐCSTQ là một đảng chính trị dựa trên hình thái ý thức, họ cần có quyền uy.
Cái gọi là ‘mười cuộc đấu tranh đường lối’, đều làm cho quyền uy của lãnh đạo tối cao được củng cố, bởi vì các đối thủ chính trị đều bị đánh bại. Nhưng hiện nay, biểu hiện của cuộc đấu tranh là một loại thách thức đối với quyền uy của lãnh đạo tối cao.
Chúng ta biết rằng Mao Trạch Đông không bao giờ chịu trách nhiệm về các công việc cụ thể. Mao thích thảo luận các vấn đề triết học, thậm chí khi gặp Nixon, Mao cũng muốn thảo luận về triết học, còn các vấn đề cụ thể thì để Nixon bàn với Chu Ân Lai. Mao muốn thảo luận các vấn đề triết học với Nixon, bởi vì các vấn đề triết học khó có thể chứng minh là đúng hay sai ngay lập tức. Mao có thể nói rất nhiều mà không ai có thể kiểm chứng ngay được.
Nhưng các vấn đề về kinh tế hoặc vấn đề về quan hệ quốc tế lại là một câu chuyện khác. Những việc này có thể ‘lập can kiến ảnh’ (立竿見影: chống cây thấy ảnh, thấy kết quả ngay lập tức), đúng hay sai có thể nhìn thấy rõ ràng.
Vì lo sợ mất quyền lực, nên ông Tập Cận Bình đã can thiệp vào các công việc cụ thể. Nhưng mỗi lần ông Tập can thiệp lại gây ra vấn đề. Những công trình dang dở của ông Tập Cận Bình liên tiếp xuất hiện, bao gồm cả việc ông Tập can thiệp vào công tác phòng chống dịch bệnh (thực hiện chính sách Zero COVID)… Mỗi lần ông Tập can thiệp đều dẫn đến kết quả tồi tệ, điều này đã làm cho quyền uy của ông này giảm dần.
Do đó, chúng ta gần như có thể chắc chắn rằng nếu Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 thực sự quay lại đường lối cải cách và mở cửa, thì đó sẽ là một lần ‘phủ định tự ngã’ toàn diện của ông Tập Cận Bình. Sự tự phủ định này sẽ làm giảm thêm quyền uy của ông Tập. Khi quyền uy giảm, trên thực tế có thể cũng gây ra khả năng phân rã trong nội bộ ĐCSTQ.
Theo Chương Thiên Lượng – Chỉ nguyệt nhàn đàm (Chỉ trăng kể chuyện)
Thuần Phong biên dịch