Đường Tĩnh Viễn
Trong 35 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hết sức để xóa đi ký ức của người dân về lịch sử đen tối vào ngày 4/6 hàng năm. Nhưng cũng giống như sự cố về chiếc bánh gato có hình xe tăng của Lý Gia Kỳ vào năm 2022, sự phong tỏa tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đã khiến gần 100 triệu người hâm mộ Lý Gia Kỳ chỉ sau một đêm đã biết ngày 4/6 là ngày gì và chính xác chuyện gì đã xảy ra vào ngày đó.
Chính quyền Trung Quốc cố gắng xóa ký ức về ngày 4/6
Nền tảng Weibo cũng cấm các nhãn dán biểu tượng cảm xúc cây nến vào ngày 4/6. Mỗi khi lệnh cấm như vậy được thực hiện, lại có thêm nhiều bạn trẻ chưa biết về ngày 4/ 6 có cơ hội tìm hiểu về ngày đó.
Vào ngày 3/6, trang web mua trước vé tham quan Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã đặc biệt đưa ra thông báo nhắc nhở rằng, Thiên An Môn sẽ đóng cửa cả ngày 4/6, và những người đã mua vé sẽ được tự động hoàn trả thông qua hệ thống.
Đồng thời, chính quyền Trung Quốc tiếp tục cấm mọi hoạt động bị nghi ngờ nhằm tưởng nhớ các nạn nhân ngày 4/6, bao gồm cả việc đăng ảnh tưởng niệm lên mạng. Gần đây, nhiều ảnh chụp màn hình WeChat được lan truyền trên các mạng xã hội ở nước ngoài cho thấy các trường đại học lớn đã trở thành tâm điểm của chính quyền Trung Quốc trong năm nay. Nhiều trường đã đưa ra thông báo yêu cầu dừng mọi hoạt động nhóm vào ngày 4/6, và mọi hoạt động của lớp hoặc hoạt động câu lạc bộ đều phải được báo cáo trước một tuần, đồng thời nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo và truyền giáo, v.v, trong ngày này.
Hơn nữa, trong một Thông báo khác, có thể thấy các trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên khác thuyết phục học sinh không đăng bất kỳ thông tin nào trên các nền tảng công cộng như trang web công cộng của trường, Douyin, các kênh video, v.v., kể cả đăng các thông báo về bất kỳ công việc thông thường nào, và họ sẽ phải chờ đến khi có thông báo tiếp theo để được phép đăng.
Năm nay, ở hải ngoại, quy mô kỷ niệm ngày 4/6 lớn hơn nhiều so với những năm trước. Nhưng điều quan trọng hơn là, trong bối cảnh Trung Quốc đang phá hủy sự tự do của Hong Kong và đang nhăm nhe tấn công Đài Loan, việc tưởng niệm ngày 4/6 một cách long trọng đã mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ quá khứ mà còn có ý nghĩa cảnh báo về tương lai. Có thể nói rằng tâm trạng của những người tham gia buổi tưởng niệm đã có sự đối chiếu với tình hình hiện tại.
Có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong Sự kiện Thiên An Môn?
Có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong Sự kiện Thiên An Môn? Số liệu thống kê sau sự kiện từ các kênh khác nhau là rất khác nhau. Con số thấp nhất là con số do cựu phóng viên Tân Hoa Xã, Trương Vạn Thư, đưa ra trong một cuốn sách được xuất bản ở Hong Kong, nói rằng có 713 thường dân đã thiệt mạng trong vụ sự kiện ngày 4/6. Ông Kỷ Tư Đạo, phụ trách phỏng vấn của tờ New York Times, đang ở Bắc Kinh vào thời điểm đó, cũng cho biết số người chết là khoảng 400 đến 800 người. Nhưng những con số này thường được coi là một sự đánh giá thấp rất lớn.
Một phóng viên ABC cho biết: “Trước khi mọi nhân viên y tế nhận được lệnh bịt miệng ‘từ chính quyền’ không được tiết lộ số lượng nạn nhân cho chúng tôi, số nạn nhân được thống kê là 2.600 người”. Số liệu thống kê chưa đầy đủ do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đưa ra là 2.700 người chết và 30.000 người bị thương; Đại Công Báo của Hong Kong khi đó cũng cho biết có hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 30.000 người bị thương.
Tuy nhiên, con số hơn 2.000 người này được các phương tiện truyền thông đưa tin ngay ngày thứ hai sau sự kiện đó, nói rằng đó là số thi thể có thể nhận dạng được. Thực tế, còn có rất nhiều nạn nhân bị tàn sát một cách dã man đến mức không thể nhận dạng được, những người này chưa được tính vào số liệu thống kê. Ước tính sơ bộ, số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 10.000 người. Các báo cáo truyền thông thời đó cũng đề cập đến nhiều chi tiết vô cùng tàn bạo của quân đội Trung Quốc, như việc họ tiếp tục nã đạn vào những người dân và sinh viên bị thương để chắc chắn họ đã chết, hoặc ném những người bị thương chưa chết vào đống lửa để thiêu sống.
Nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc: Số nạn nhân ngày 4/6 gây kinh ngạc
Vào ngày 23/1/2005, tờ The Epoch Times ở nước ngoài nhận được một lá thư từ một người ẩn danh và công bố số liệu thống kê được cho là đến từ nội bộ chính quyền Trung Quốc, trong đó nói rằng người cung cấp số liệu là một sĩ quan cấp cao của Bộ Tổng tham mưu, bản thân ông này đã bị giết vào ngày 21/11/2004 tại Bắc Kinh.
Thông tin này được cho là đến từ những tài liệu thống kê nội bộ của Bộ Tổng tham mưu ngày 12/10/1989. Thông tin rất chi tiết và liệt kê số liệu thống kê về các nạn nhân ở tổng cộng 26 địa điểm tàn sát. Mỗi số liệu đều chính xác đến từng chữ số, khiến người xem rất sốc. Theo những tài liệu này, tổng số người chết từ ngày 1/6 đến ngày 10/6/1989 lên tới 31.978 người; bao gồm 10.974 sinh viên được xác định danh tính, 7.992 dân thường được xác định danh tính và 11.865 người không xác định được danh tính.
Những tài liệu này còn đặc biệt giải thích lý do tại sao nhiều người chứng kiến trực tiếp tại hiện trường lại có nhận định về số thương vong khác biệt rất lớn so với những con số thống kê này. Điều này là do sau sự kiện này, quân đội theo lệnh chỉ cho phép một số ít thi thể được giữ lại một cách biểu tượng hoặc để người thân nhận dạng, còn phần lớn các thi thể khác đều bị ép buộc phải hỏa táng nhanh chóng, mục đích là không để lại dấu vết.
Hơn nữa, trong suốt quá trình trấn áp khu vực Thiên An Môn, các lực lượng quân đội đã sử dụng phương pháp chia nhỏ nhóm. Nhiều người biểu tình đã bị phân chia thành các nhóm nhỏ và bị xử bắn tập thể. Nhiều người bị thương cũng bị giết hại sau đó. Đây cũng là lý do tại sao số người thiệt mạng ban đầu lại rất ít. Nhiều người rời khỏi hiện trường chỉ chứng kiến được một số ít người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương.
Nhưng trên thực tế, sau khi bị quân đội bao vây hoàn toàn, tất cả mọi người có mặt tại hiện trường đều bị giết chết. Số người chết thực tế cao hơn nhiều so với những gì người dân bình thường nhìn thấy hoặc suy đoán. Hơn nữa, sau sự kiện, quân đội đã ngay lập tức tiến hành công việc dọn dẹp và sửa chữa quy mô lớn để loại bỏ vết máu và vết đạn khỏi hiện trường, dẫn đến đánh giá bên ngoài thấp nghiêm trọng.
Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng con số nạn nhân này dựa trên số liệu thống kê về số người chết trong 10 ngày từ ngày 1 đến 10/6, nhiều người trong quân đội Trung Quốc đã lưu giữ các tài liệu bằng văn bản, video và hình ảnh về cuộc đàn áp ngày 4/6, thậm chí còn có nhiều tài liệu về việc trấn áp ở những nơi xa Thiên An Môn, cho nên những người có mặt tại hiện trường vào ngày 4/6 không thể biết được. Có lẽ chỉ sau khi Sự kiện Thiên An Môn bị lật tẩy hoặc chính quyền hiện tại của Trung Quốc sụp đổ, sự thật về vụ giết người hàng loạt tàn khốc và đẫm máu này mới được tiết lộ cho người dân Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch