Dịch ho gà ở Trung Quốc Đại Lục đang gia tăng và ngày càng trầm trọng. Số ca mắc bệnh ho gà vào tháng Tư đã tăng 83 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 90.000 ca và 7 người tử vong. Nhiều cư dân mạng thẳng thắn cho rằng “thực ra đây chính là COVID-19”.
Theo tài khoản chính thức Weibo của Caixin ngày 3/6 trích dẫn số liệu từ Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Quốc gia Trung Quốc, số ca mắc ho gà trong tháng Tư ở Trung Quốc đã vượt 90.000 người, vượt tổng số ca cộng dồn trong 3 tháng đầu năm nay, tăng gần 83 lần so với 1.074 ca của cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo, từ đầu năm nay, số ca mắc bệnh ho gà ở Trung Quốc tăng nhanh, với số ca mắc bệnh tích lũy trong 4 tháng đầu năm vượt quá 150.000 ca.
Từ tháng Một đến tháng Ba, số ca mắc bệnh ho gà được báo cáo hàng tháng trên cả nước lần lượt là 15.275 ca, 17.105 ca và 27.078 ca. Tổng số ca mắc bệnh là khoảng 60.000 ca, với 13 trường hợp tử vong. Sang tháng Tư, số ca mắc bệnh tăng gấp đôi, lên tới 91.272 ca, trong đó có 7 người đã tử vong.
Điều đáng chú ý là do dữ liệu dịch bệnh của giới chức Trung Quốc luôn không nhất quán, nên ngoại giới thường nghi ngờ về tính xác thực của dữ liệu công khai của nước này. Trên thực tế, số ca mắc bệnh ho gà có thể còn cao hơn.
Có cư dân mạng nói thẳng rằng: “Tình hình thực tế là số ca mắc bệnh ho gà đã tăng lên hàng ngàn lần.”
“Năm nay có thể trở thành ‘năm ho gà’”.
Hôm 26/4, trên tài khoản chính thức của mình trên mạng xã hội Weibo, Eastday.com đưa tin số ca mắc bệnh ho gà ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Dữ liệu cho thấy, số lượt tìm kiếm về bệnh ho gà tiếp tục tăng kể từ đầu năm. Lượt tìm kiếm trung bình hàng ngày về bệnh ho gà trong tuần qua đã cao hơn 9 lần so với đầu năm.
Các bác sĩ cho biết, triệu chứng điển hình của bệnh ho gà là “ho không sốt”, tức là người bệnh thường không sốt cao, kèm theo ho từng cơn, tiếng vang như gà gáy. Đặc biệt sau khi nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường không điển hình, dễ bị khó thở, ngưng thở, nôn mửa…
Theo Nhật báo Bắc Kinh, gần đây, CDC Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Y tế Quốc gia đã cùng ban hành “Kế hoạch Kiểm soát và Phòng ngừa Ho gà (Phiên bản 2024)”, đề xuất đưa bệnh ho gà vào phạm vi giám sát trọng điểm đối với các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính ở Trung Quốc.
Kế hoạch nêu rõ rằng nếu học sinh và nhân viên được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, họ phải được điều trị bằng kháng sinh hiệu quả trong 5 ngày, trước khi trở lại trường học hoặc nơi làm việc.
Nếu xảy ra cụm dịch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở địa phương phải tiến hành đánh giá động về tình hình dịch. Nếu 21 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới thì có thể đánh giá cụm dịch đã kết thúc.
Ngày 28/3, “Tân Hoàng Hà” đưa tin, từ đầu mùa xuân, xung quanh có nhiều người “ho không ngừng”, các bệnh về đường hô hấp như ho gà lại được coi trọng.
Gần đây, các bác sĩ nhi khoa nhận thấy, ngày càng có nhiều trẻ em mắc bệnh ho gà xuất hiện trên lâm sàng. Điều này dường như cho thấy, xu hướng tỷ lệ mắc bệnh ho gà ngày càng tăng. Ho không chỉ xuất hiện ở trẻ em, mà còn gồm cả người lớn.
Trong phần bình luận của bài viết “Tân Hoàng Hà”, nhiều cư dân mạng Đại Lục chỉ ra rằng bệnh ho gà chính là “virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19)”, “chỉ đổi tên mà thôi”, “chính là COVID, gọi chung là cảm cúm”.
“Cảm giác giống như di chứng của COVID-19, cổ họng khó chịu, không ngủ được vì ho lúc nửa đêm.”
Một số cư dân mạng nghi ngờ vắc-xin COVID-19 có vấn đề:
“Là do tiêm vắc-xin.”
“Ho gà chẳng phải vì tiêm vắc-xin ư? Lẽ nào vắc-xin có vấn đề?”
“Tôi cũng nghĩ là do các loại vắc-xin trước đây tác quái.”
“Đúng vậy, vắc-xin chắc chắn có vấn đề. Những kẻ hành ác đa đoan sẽ bị Trời phạt!”
Nhiều cư dân mạng Douyin cho biết:
“Cơn ho đang giết chết tôi.”
“Tôi đã ho ra máu 5 ngày trong một tháng.”
“Thực ra là dương tính với COVID-19 rồi… Tôi đã làm xét nghiệm axit nucleic.”
“Tôi ho tới mức phổi sắp bung ra ngoài rồi.”
“Tôi ho gần 2 tháng rồi.”
“Tôi vẫn ho từ khi có dịch, còn bị hen suyễn đột biến. Ho đến mức sống không bằng chết.”
“Năm ngoái là một năm trọng đại đối với mycoplasma. Năm nay là một năm trọng đại đối với bệnh ho gà. Năm sau sẽ là năm như thế nào đây?”
Lý Mộc Tử / Vision Times