Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch khỉ đuôi dài sang Trung Quốc, với tuyên bố phục vụ nghiên cứu khoa học.
Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở đường cho Việt Nam xuất khẩu loài động vật này sang Trung Quốc, các báo nhà nước loan tin.
Nghị định thư được ký kết vào chiều 6/6 trong buổi hội đàm giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hoàng Trung và Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên.
Phó tổng cục trưởng Triệu Tăng Liên được cử dẫn đoàn công tác sang Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường giữa hai phía.
Các nông sản được xem xét ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật bao gồm dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản. Đây đều là những sản phẩm khai thác của Việt Nam, sẽ xuất sang Trung Quốc. Hiện mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký hai văn kiện này.
Ngoài ra, mặt hàng cá tầm của Trung Quốc sẽ được hai phía xem xét tháo gỡ khó khăn để xuất khẩu sang Việt Nam.
Khỉ đuôi dài nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, theo Phụ lục của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) mà Việt Nam tham gia từ năm 1994.
Khỉ đuôi dài được đưa vào trong Sách Đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp theo Nghị định 48/2002 của Chính phủ.
Cả Sách Đỏ Việt Nam và Công ước CITES cấm mua bán các loài động vật hoang dã cho mục đích thương mại, nhưng không cấm mua bán các động vật được nuôi.
Theo bản tin trên báo Tuổi Trẻ, khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc là khỉ đuôi dài nuôi, xuất khẩu với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học.
Sách Đỏ Việt Nam cho hay khỉ đuôi dài có màu từ xám đến nâu đỏ, đặc điểm nhận diện là chiếc đuôi dài, thường đạt 3/4 hoặc hơn so với chiều dài cơ thể. Khỉ đuôi dài có tuổi thọ 37-38 năm. Khỉ đuôi dài thường sống thành đàn từ 10-100 con trong nhiều môi trường rừng, rừng rậm nguyên sinh, rừng thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 2.000m. Khỉ đuôi dài rất hay ngồi thành nhóm bên đường cái, không hoảng sợ khi xe cộ chạy qua.
Tại Việt Nam, khỉ đuôi dài thường phân bố từ Thừa Thiên – Huế tới Kiên Giang, số lượng giảm rõ rệt từ năm 1975 tới nay. Số lượng tiểu quần thể khoảng 30. Khỉ đuôi dài có giá trị làm thuốc, làm vật mẫu, là nguồn động vật thử nghiệm các loại vắc-xin cho con người. Tại Việt Nam, loài này thường bị săn bắt để lấy thịt, nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.
Nguyễn Quân