Kiểm duyệt ở Trung Quốc: Chú mèo hoạt hình khiến chính quyền sôi sục

Tessa Wong – Phóng viên Kỹ thuật số châu Á

Khi các cuộc biểu tình chống phong tỏa bùng lên ở Trung Quốc hồi tháng 11/2022, hàng trăm nghìn người trên thế giới dõi theo một nguồn tin khác lạ: một tài khoản X (Twitter) bí ẩn có hình đại diện là một con mèo hoạt hình.

Một nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc, với tài khoản X (Twitter) có hình đại diện là một con mèo, nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng bịt miệng anh.

Sau khi lấy thông tin từ người dân, tài khoản “Thầy giáo Li không phải giáo viên của bạn” đã đăng tải hàng loạt video, chi tiết cập nhật về các cuộc biểu tình, hoạt động của cảnh sát và các vụ bắt giữ mới ở Trung Quốc.

Những thông tin này hầu như không bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hay internet nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước Trung Quốc.

Từ một phòng ngủ ở Ý, sinh viên mỹ thuật tên Li Ying là người điều hành duy nhất của tài khoản X nói trên. Kể từ đó, Li trở thành người ghi chép quan trọng những thông tin mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm về mặt chính trị.

Tài khoản X của Li là nơi phản ánh xã hội Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, nơi chính quyền ngày càng gia tăng mức độ kiểm duyệt thông tin.

Thông tin về các cuộc biểu tình quy mô lớn hay những hoạt động bất đồng chính kiến nhỏ lẻ đều bị xóa khỏi internet ở Trung Quốc, nhưng sau đó lại xuất hiện trên tài khoản của Li.

Li cho hay điều này đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Li đã miêu tả cụ thể cách Bắc Kinh gây sức ép lên những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài.

Li cáo buộc chính quyền Trung Quốc không chỉ quấy rối anh mà cả bạn bè, gia đình và những người theo dõi tài khoản X của anh trong một chiến dịch uy hiếp có tổ chức.

Chính quyền Trung Quốc chưa phản hồi câu hỏi của BBC. Do đó, chúng tôi chưa thể độc lập xác minh các cáo buộc của anh Li.

Tuy nhiên, chiến thuật của Bắc Kinh được Li nhắc tới từng được các nhà hoạt động, nhóm nhân quyền và những chính phủ khác ghi nhận.

Qua điện thoại, anh Li nói với BBC rằng mình bước chân vào con đường hoạt động một cách tình cờ.

“Chính sự đàn áp không ngừng nghỉ của chính quyền Trung Quốc đối với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí đã biến tôi từ một người bình thường thành tôi của ngày hôm nay”.

Li bắt đầu xuất hiện trên mạng bằng việc viết và đăng tải những câu chuyện tình trên Weibo, nền tảng chat trực tuyến của Trung Quốc.

“Lúc đó tôi là một người lấy tình yêu làm chủ đề sáng tạo chính, chứ không can dự gì vào chính trị”, con trai của hai giáo viên mỹ thuật chia sẻ.

Ngay cả khi Bắc Kinh đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào năm 2019, Li không hề bị tác động: “Tôi cũng giống như nhiều người bình thường khác, tôi không nghĩ rằng các cuộc biểu tình có liên quan gì đến bản thân”.

Rồi đại dịch Covid ập tới, Trung Quốc đóng cửa với thế giới.

Li, lúc này đang theo học tại một trường mỹ thuật danh tiếng ở Ý, khao khát muốn biết tình hình ở quê nhà.

Lướt mạng xã hội, anh bị sốc khi đọc về những đợt phong tỏa hà khắc ở Trung Quốc: “Có người thì chết đói, có người thậm chí còn nhảy lầu… Cảm xúc chung khi đó là bi thương và uất nghẹn”.

Anh Li bắt đầu thảo luận về chuyện này trên Weibo.

Một số người theo dõi đã gửi riêng cho anh những câu chuyện của bản thân và yêu cầu anh đăng lên thay họ.

Anh Li đã đồng ý.

Đội ngũ kiểm duyệt đã phát hiện và chặn tài khoản của anh.

Không nản chí, anh Li bắt đầu chơi mèo vờn chuột và tạo tài khoản Weibo mới mỗi lần bị chặn.

Sau 53 tài khoản, anh Li thấy đã quá đủ: “Tôi tự nhủ rằng được rồi, mình sẽ chuyển sang Twitter”.

Trên X, do vừa không chịu sự kiểm duyệt Trung Quốc, vừa có thể truy cập thông qua mạng ảo (VPN), ngày càng nhiều người theo dõi tài khoản của Li.

Tới cuối năm 2022, khi diễn ra các cuộc biểu tình Bạch Chỉ (Giấy Trắng) phản đối chính sách Zero Covid của Trung Quốc, tài khoản X của Li có hơn một triệu người theo dõi. Tài khoản của Li trở thành trung tâm trao đổi thông tin quan trọng về các cuộc biểu tình.

Có thời điểm, tin nhắn ào ạt đổ về tài khoản anh Li mỗi giây. Li, gần như không ngủ, liên tục kiểm tra thông tin và đăng tải các bài viết, thu hút được hàng trăm triệu lượt xem.

Không lâu sau, anh nhận được những lời dọa giết từ các tài khoản ẩn danh.

Anh nói rằng chính quyền đã tới nhà bố mẹ anh ở Trung Quốc để thẩm vấn hai người.

Ngay cả khi đó, Li vẫn ngỡ rằng cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường sau khi các cuộc biểu tình lắng xuống.

“Sau khi hoàn tất việc đưa tin về phong trào Bạch Chỉ, tôi nghĩ rằng điều lớn lao nhất tôi có thể làm trong đời vậy là đã xong”, anh nói.

“Tôi không nghĩ đến việc tiếp tục điều hành tài khoản này. Nhưng khi tôi đang nghĩ sẽ làm gì tiếp, tất cả các tài khoản ngân hàng của tôi ở Trung Quốc đột nhiên bị đóng băng.

“Đó là khi tôi nhận ra – tôi không còn có thể quay đầu được nữa”.

Phương Tây ngày càng lo ngại về gián điệp của Bắc Kinh, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Đã có những báo cáo về việc Bắc Kinh theo dõi và gây sức ép lên công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài.

Việc này đã khiến phương Tây lo ngại.

Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc này, gọi chúng là sự “bôi nhọ ác ý và vô căn cứ”, đồng thời cho biết luôn cam kết bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của công dân ở nước ngoài.

Tuy nhiên, những cáo buộc xuất hiện ngày càng nhiều.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ cáo buộc một lực lượng cảnh sát Trung Quốc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, bao gồm X, để quấy rối trực tuyến nhiều người Trung Quốc. Mỹ buộc tội hàng chục người về tội “đe dọa liên quốc gia”.

Úc được cho là đang điều tra một hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhắm vào người dân Úc.

Một cựu gián điệp từng chia sẻ với truyền thông Úc việc mình nhắm vào một họa sĩ vẽ tranh biếm họa chính trị ở Campuchia và một nhà hoạt động ở Thái Lan.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) phát hiện ra rằng du học sinh Trung Quốc tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bị theo dõi.

Theo các nhà phân tích, hoạt động được coi là đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc bắt nguồn từ Chiến dịch Săn cáo (Fox Hunt) – chiến dịch truy bắt tội phạm trốn chạy đã kéo dài khoảng một thập kỷ.

Họ tin rằng những chiến thuật này đang được áp dụng để nhắm vào các cá nhân ở nước ngoài mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa.

Li cho rằng có đủ dấu hiệu cho thấy anh nằm trong số những người bị theo dõi.

Anh kể rằng cảnh sát đã tới một công ty mỹ thuật ở Trung Quốc mà anh từng đặt hàng và yêu cầu cung cấp địa chỉ giao hàng của anh ở Ý. Anh từng nhận được những cuộc gọi từ một người tự xưng là đại diện của một dịch vụ giao hàng châu Âu và yêu cầu anh cung cấp địa chỉ hiện tại, dù Li không hề đặt món hàng nào.

Địa chỉ cũ và số điện thoại của Li được công khai trên nền tảng nhắn tin WeChat.

Một người lạ đã tới nhà cũ của anh và yêu cầu gặp mặt để “bàn chuyện công việc”.

Hiện chưa rõ liệu chính quyền Trung Quốc có đứng đằng sau những việc này hay không.

Tuy nhiên, sự mập mờ này có thể nhằm tạo ra “sự ngờ vực và ám ảnh thường trực về việc bị đàn áp” lên mục tiêu bị nhắm tới, theo đánh giá của bà Laura Harth, Giám đốc chiến dịch của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders – nơi gần đây đã nêu bật trường hợp của Li.

Bắc Kinh bị cáo buộc làm việc với các cá nhân trung gian, chẳng hạn như những thương nhân Trung Quốc ở nước ngoài, nhờ vậy mà chính phủ sau này có thể phủ nhận mọi liên quan trực tiếp vào các vụ việc.

Theo Safeguard Defenders, người xuất hiện tại nhà cũ của Li là một doanh nhân có mối liên hệ với một trong những đồn cảnh sát của Trung Quốc ở nước ngoài vốn gây nhiều tranh cãi.

“Thường thì sẽ có những người yêu nước và những người theo chủ nghĩa dân tộc hợp tác với chính phủ theo dạng quan hệ cộng sinh”, bà Yaqiu Wang, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Freedom House nói. Theo bà, mọi người nghĩ rằng “nếu làm điều này cho chính quyền thì sẽ có lợi cho công việc kinh doanh của mình”.

Sức ép gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây, Li cho biết.

Li kể rằng chính quyền giám sát và thẩm vấn bố mẹ anh nhiều hơn, đôi khi là hằng ngày.

Ngay cả các cán bộ từ ngôi trường họ từng làm việc cũng yêu cầu họ thuyết phục Li dừng lại.

“Họ thẩm vấn tất cả những người ở Trung Quốc có liên quan tới tôi, ngay cả những liên lạc trên WeChat. Họ muốn tìm hiểu thói quen sinh hoạt của tôi hay nhà hàng tôi thường lui tới”, anh nói.

Một người thậm chí còn được cho là bị ép tự nhận là anh Li.

Từ cuối năm ngoái, có những người theo dõi trên X đã nói với anh Li rằng họ được “mời uống trà” – một cách nói giảm của việc bị cảnh sát thẩm vấn. Theo ước tính của Li, có khoảng vài trăm người đã bị thẩm vấn và yêu cầu hủy tương tác với anh.

Li nói rằng có người đã được cho xem một danh sách dài với khoảng 10.000 cái tên của những người được cho là có theo dõi tài khoản X của anh.

Anh tin rằng chính quyền làm việc này để phô trương quy mô của việc thẩm vấn, đồng thời đe dọa anh và những người theo dõi.

“Đương nhiên là tôi cảm thấy có lỗi. Họ chỉ muốn hiểu chuyện gì đang diễn ra ở Trung Quốc, vậy mà cuối cùng lại bị ‘mời uống trà’”, anh nói.

Tháng 2/2024, anh đã công khai thông tin này cùng lời cảnh báo trên tài khoản X. Trong một đêm, hơn 200.000 người đã hủy theo dõi.

Hiện chưa rõ làm thế nào mà chính quyền Trung Quốc có thể lần ra những người dùng X. Dù nhiều người có thể được xác định qua các tweet của họ, số khác đã chủ động che giấu danh tính.

Bà Yaqiu Wang cho rằng Bắc Kinh có thể đã yêu cầu X cung cấp thông tin của người dùng. Trong trường hợp này, X “nên minh bạch” về việc họ có đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào như vậy hay không.

X hiện vẫn chưa trả lời các câu hỏi của BBC.

Không lâu sau khi đưa tin về các cuộc thẩm vấn, tài khoản X của anh Li nhận được hàng loạt tin nhắn và bình luận làm phiền.

Bên cạnh những nội dung đồi trụy, họ gửi những bức biếm họa thô tục về cha mẹ anh.

Trong những tuần gần đây, anh nhận được những hình ảnh ghê rợn từ các bộ phim kinh dị, cũng như những video tra tấn mèo – anh nói rằng điều này xảy ra vì họ biết anh yêu mèo.

BBC đã xem những bức ảnh chụp lại màn hình của những nội dung trên.

Tần suất tin nhắn tăng khủng khiếp trong những ngày gần đây, cứ vài phút lại có một tin nhắn đến.

Việc này xảy ra trùng khớp với thời điểm anh Li đăng tải các bài viết liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, trước dịp kỉ niệm ngày 4/6 vừa rồi.

Đây vẫn là chủ đề cấm kỵ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông tin cá nhân anh Li và bố mẹ anh, bao gồm cả hình ảnh của họ, đã xuất hiện trên một trang web được các tài khoản X ẩn danh quảng bá.

Trang web này cũng cáo buộc anh Li làm việc cho chính quyền Trung Quốc – việc được cho là để đánh vào niềm tin của người theo dõi đối với Li.

Việc kiểm tra tên miền của trang web cho thấy nó được tạo ra vào tháng 4/2024 và địa chỉ của người đăng ký là ở Trung Quốc và Tasmania. Địa chỉ IP của trang web được quản lý bởi một công ty ở Hong Kong.

Không rõ ai đứng sau tất cả điều này, nhưng Li nói rằng đây là một “đòn tấn công tâm lý” nhằm bào mòn tinh thần của anh.

Việc Internet bị kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc đã khiến anh Li trở thành nguồn thông tin quan trọng cho hơn một triệu người theo dõi.

Nhà khoa học chính trị Ho-fung Hung từ Đại học Johns Hopkins nói rằng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất săn đuổi những người bất đồng quan điểm ở hải ngoại.

Theo ông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm điều tương tự.

“Khi các cộng đồng hải ngoại hoạt động tích cực hơn và mạng xã hội giúp kết nối họ với những người ở quê nhà, các chính phủ độc tài ngày càng nhìn nhận các cộng đồng di cư như một mối đe dọa”, ông nói.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc ngày càng áp dụng thêm nhiều chiến thuật vì sự “hoang tưởng ngày càng lớn của chính quyền Trung Quốc” bị bủa vây bởi sự trì trệ của kinh tế, suy giảm đầu tư nước ngoài và chảy máu chất xám.

Các nhà quan sát cho rằng sự hoang tưởng này dường như đang châm ngòi cho sự đàn áp dữ dội nhắm vào ông Li.

Bà Wang cho biết những gì đang xảy ra với ông Li có dấu hiệu của một “kế hoạch cấp cao, có tầm cỡ quốc gia”. “Anh ấy đã trở thành người tổng hợp thông tin của mọi người, đó là điều rất đáng sợ đối với chính quyền… Anh ấy có một loại quyền lực mà chưa ai từng có”.

Một cách mỉa mai, Li nói rằng anh có thể được gọi là “con mèo nguy hiểm nhất của Trung Quốc” – ý nói hình đại diện trên X do anh tự vẽ.

Theo anh Li, chính quyền nhắm đến anh vì anh gây cản trở đến nỗ lực kiểm duyệt thông tin tiêu cực có quy mô lớn của Bắc Kinh và vì anh đại diện cho một thế hệ thanh niên Trung Quốc mới – thế hệ thông thạo internet và có nhận thức chính trị.

“Những gì thế hệ Bạch Chỉ đang thể hiện chính là thái độ mà họ [chính quyền Trung Quốc] không muốn cho mọi người thấy”.

“Tôi chỉ làm những gì tôi cho là đúng”, anh Li nói rằng sự tức giận và thất vọng bùng lên trong các cuộc biểu tình chống lệnh phong tỏa năm 2022 đã thôi thúc anh hành động.

Thành quả của anh có một cái giá khổng lồ.

Anh Li thường xuyên di chuyển khắp nước Ý, chỉ ở mỗi địa điểm vài tháng và hầu như không rời khỏi nhà.

Anh không tìm được công việc ổn định và sống nhờ vào sự ủng hộ từ trên mạng cũng như thu nhập từ YouTube và X. Anh sống một mình với hai con mèo, Guolai và Diandian.

Trong những cuộc phỏng vấn trước đây, anh từng nhắc tới một người bạn gái, nhưng họ đã chia tay. “Bây giờ tôi chỉ có một mình”, anh thẳng thắn chia sẻ; “Áp lực rất lớn. Nhưng tôi không cảm thấy cô đơn vì tôi tương tác với rất nhiều người trên mạng xã hội”.

Tuy nhiên, anh thừa nhận tình hình hiện tại và số giờ dài hoạt động trên mạng xã hội đang dần bào mòn tinh thần anh. “Gần đây, tôi cảm thấy khả năng diễn đạt của mình bị suy giảm và tôi rất hay mất tập trung”.

Dù vừa gia hạn hộ chiếu, anh tin rằng chính quyền Trung Quốc cho phép điều này là để tiếp tục giám sát anh.

Đó là một món quà chua cay từ chính phủ của anh. Từng là một người đam mê du lịch, anh Li giờ cảm thấy bản thân bị giam cầm.

“Tôi thường xuyên than thở [về cuộc sống mà tôi có thể có]”, anh thêm.

“Tuy nhiên, tôt không hối hận về những gì mình đã làm”.

“Tôi không coi bản thân là một người hùng, tôi chỉ làm những gì khi đó mình cho là đúng” “Tôi là minh chứng cho thấy bất kể ai cũng có thể làm được những việc này”.

Anh tin rằng nếu tài khoản của anh bị xóa, “tự khắc sẽ có một giáo viên Li khác xuất hiện”.

Dù ý nghĩ về việc bị bắt khiến anh sợ hãi, từ bỏ không phải là một lựa chọn.

“Tôi cảm thấy mình không có tương lai… tới ngày họ tìm thấy tôi và kéo tôi trở lại Trung Quốc, hoặc thậm chí là bắt cóc tôi, tôi sẽ tiếp tục làm những gì tôi đang làm”.

Bằng cách công khai các cáo buộc của mình, anh hy vọng phơi bày được các chiến thuật của chính quyền Trung Quốc.

Nhưng cũng bởi vì anh tin rằng Bắc Kinh đã đi quá giới hạn bằng cách gia tăng đàn áp và anh muốn đáp trả lại.

“Tôi đăng điều bạn không ưa và bạn nghiền nát tôi, đó là cách một cuộc chiến diễn ra.

“Nhưng sao lại làm những điều đó với bố mẹ tôi? Tôi thực sự không hiểu”.

Hiện anh đang lên một kế hoạch phản kháng bằng việc mở rộng quy mô hoạt động của mình, có thể là tuyển thêm người, hoặc đăng bài bằng tiếng Anh để mở rộng tầm ảnh hưởng.

Chính quyền Trung Quốc “rất sợ thế giới bên ngoài biết Trung Quốc thực sự ra sao… [Đăng bài bằng tiếng Anh] là điều họ còn sợ hơn nữa.

“Họ có thể nghĩ rằng họ có nhiều chiến thuật, nhưng tôi cũng có nhiều bài tẩy”.

T.W.

Related posts