CHUYẾN ĐI THỤY SĨ CỦA DAVID GOODALL

Nguyễn Nhân Trí

Một buổi chiều thứ Tư tháng 5, 2018, trong khu vực “Xuất Hành” của phi trường quốc tế thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc có rất nhiều người đang chuẩn bị lên đường. Trong đám đông có một nhóm người đang tiễn chân một ông lão ngồi trên xe lăn. Họ trò chuyện với nhau, trao đổi vài nụ cười, một câu bông đùa, mấy cái ôm hôn lần chót trước khi ông được đẩy vào một hành lang dài dẫn ra phi cơ.

Ông lão đó là Tiến sĩ David Goodall, 104 tuổi. Và hôm nay là ngày ông lên đường đi đến một nơi để ông được chết.

David Goodall ngoài việc là một nhà sinh vật học nổi tiếng, một thi sĩ, một kịch sĩ nghiệp dư còn là một người cha, ông nội và ông cố của một gia đình lớn đầy con cháu sống rải rác ở mấy quốc gia khác nhau.

Cuộc đời ông lúc nào cũng đầy những sinh hoạt sôi động. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ vào đầu thập niên 1940, ông làm việc tại các đại học ở nhiều quốc gia kể cả Anh, Hoa Kỳ và Úc. Ông lập gia đình 3 lần. Khi đến tuổi về hưu vào năm 1979, ông tiếp tục làm việc và trong vài thập niên gần đây nhất đã biên soạn một tài liệu dài 30 tập về các hệ thống môi sinh trên thế giới. Năm 2016, ông nhận được huân chương cao quý nhất về những thành tựu và đóng góp khoa học của ông cho nước Úc: Order of Australia Medal.

Ông chơi tennis cho đến 90 tuổi khi mà ông không còn đủ sức chơi nữa. Ông tham gia một hội kịch nghệ nghiệp dư trong thành phố cho đến khi ông không còn có thể lái xe ban đêm đến tập dượt kịch được nữa.

Ông sống tự lập một mình trong căn phố một phòng ngủ của ông, tiếp tục đi làm việc ở trường đại học Edith Cowan University bằng phương tiện chuyên chở công cộng cho đến lúc 102 tuổi khi trường đại học yêu cầu ông chỉ được làm việc ở nhà vì họ e ngại cho sự an toàn của ông trong khi di chuyển. Ông phản đối và trường đại học đã phải tìm cho ông một văn phòng gần nhà ông hơn để ông đến đó làm. Lúc đó, ông là khoa học gia lớn tuổi nhất vẫn còn làm việc của nước Úc.

Tuy nhiên, sức khỏe ông ngày càng suy giảm thêm. Ông đi đứng càng lúc càng khó khăn và thị lực của ông không còn cho phép ông đọc email trên màn ảnh computer nữa. Ông bắt buộc phải nghỉ làm.

Vào đầu năm, ông bị té trong nhà. Tuy không bị thương tích gì đáng kể nhưng ông không tìm được chỗ vịn nào để có thể gượng đứng dậy được. Ông nằm trên sàn nhà 2 ngày ròng rã cho tới khi người giúp việc đến nhà tìm thấy và chở ông đến bệnh viện. Ông kể lại: “Chỉ có hai vết thương xoàng và vài vết bầm nhỏ. Nói chung là không có gì để lo lắng cả.” Tuy nhiên bác sĩ cũng đã cấm ông không được dùng phương tiện di chuyển công cộng và không được băng qua đường một mình nữa.

Không còn đi làm được nữa, và hầu như tất cả những bạn bè của ông đã qua đời, ông cảm thấy ông không còn phục vụ gì cho xã hội được nữa. Cộng thêm vào việc sức khỏe suy sụp hẳn, ông không thấy có gì vui thích để sống nữa. Đó là lúc ông bắt đầu suy nghĩ và toan tính đến việc chấm dứt cuộc đời mình.

Con gái của ông là Karen Goodal-Smith kể lại ông thường nói về dự định sẽ tự kết thúc sinh mạng mình nếu điều kiện sức khỏe và phẩm chất đời sống không còn đáng để tiếp tục nữa. Và ông đã có lần cố thực hành việc tự sát, tuy nhiên không thành công.

Đó là điều ông sợ nhất: cố gắng tự sát nữa nhưng vẫn không thành công mà chỉ biến ra tàn phế và tình cảnh bắt buộc ông phải vào viện dưỡng lão. Ông kể rằng: “Tôi rất lo lắng mỗi khi nghĩ đến việc không còn tự chăm sóc được cho chính mình nữa.”

Tuy nhiên, cũng giống như từ xưa đến giờ, một khi muốn làm điều gì là ông nhất quyết sẽ phải làm cho được. Vì luật pháp nước Úc không cho phép việc trợ tử, tức là không ai được phép giúp ông tự sát, ông liên lạc với hội Exit International (“Lối Thoát Quốc Tế”), một tổ chức quốc tế mà ông đã là hội viên trong 20 năm nay, nhờ giúp đỡ giấy tờ cho ông nhanh chóng sang Thụy Sĩ để kết thúc cuộc sống nay không còn đáng sống nữa của mình.

Lối Thoát là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận ủng hộ việc hợp thức hóa an tử và trợ tử. Lối Thoát được Bác sĩ Phillip Nitschke sáng lập vào năm 1997 sau khi đạo luật cho phép an tử ở Úc (ban hành năm 1996 và là đạo luật an tử đầu tiên trên thế giới) bị hủy bỏ. Trên mặt pháp lý, Lối Thoát là một công ty đăng bộ ở Úc nhưng hoạt động toàn cầu với hơn 20 ngàn thành viên có số tuổi trung bình là 75 tuổi.

Bác sĩ Nitschke cho biết Tiến sĩ Goodall là trường hợp đầu tiên của một dạng an tử mà xưa nay người ta chưa từng gặp. Đó là vì ông Goodall tuy già và yếu nhưng ông nói chung vẫn còn khỏe khoắn, không có bệnh nan y hay không bị đau đớn gì cả. Bác sĩ Nitschke nói tiếp, “Đây là tình cảnh của một công dân Úc nổi tiếng, tự trọng và hãnh diện với những thành đạt của mình. Thế mà bây giờ ông bị luật pháp kiềm chế những gì ông được phép và không được phép làm trong khi ông chỉ giản dị muốn được sử dụng quyền căn bản của cá nhân để kết thúc mạng sống của chính mình. Tình cảnh nầy đã bắt buộc ông phải đi ra nước ngoài để được chết, vì đây là một điều ông thực sự mong muốn và tin tưởng…”

Khi người ta hỏi sinh nhật 104 của Tiến sĩ Goodall có vui không thì ông trả lời ngắn gọn: “Không, tôi không vui. Tôi chỉ muốn được chết.” Và ông nói thêm “Tôi rất vui sướng với cuộc sống của tôi cho đến khoảng 90 tuổi. Về sau nầy, sức khỏe tôi không còn nữa, tôi ăn không còn ngon và đi đứng không được dễ dàng nữa. Đời sống trở thành quá khó khăn và tôi không còn làm được những gì tôi muốn làm nữa. Vì vậy tôi chấm dứt cuộc sống như vậy. Điều nầy không có gì đáng buồn cả. Có đáng buồn chăng là ở chỗ tôi không được phép thực hiện việc tôi rất muốn nầy trong đất nước của tôi.”

Tiến sĩ David Goodall luôn luôn giữ một tinh thần bình thản và vững chắc về quyết định của ông. Gia đình ông tuy thông hiểu và hết lòng ủng hộ tư tưởng nầy nhưng họ vẫn không khỏi bị chấn động lớn khi lần đầu tiên nghe về quyết định của ông.

Các người con, và các cháu nội ngoại của ông, cho biết họ đang trải qua một giai đoạn đầy những xúc cảm mãnh liệt. Một mặt họ nhận biết quyết định nầy thể hiện con người với cá tính cương quyết, nhân cách độc lập của ông. Mặt khác, càng gần ngày ông ra đi thì họ càng cảm thấy khó bình thản để chào tiễn biệt ông lần cuối cùng. Con gái ông, bà Karen nói: “Cha tôi đã được toại nguyện trong cuộc sống, chúng tôi đã có một thời gian dài bên nhau đầy yêu thương. Việc ông ra đi bây giờ là vì ông tự trọng và muốn bảo toàn nhân phẩm của ông ấy. Đây là một quyết định tuyệt đẹp nhưng không phải ai cũng tiếp nhận dễ dàng… ”

Bà nói tiếp: “Những khi tôi nhớ rằng đây là lựa chọn của Cha tôi và là điều mà ông ao ước thì việc chia tay có cảm thấy đỡ khó khăn hơn một chút. Chúng tôi có được những ngày giờ cuối cùng như thế nầy với ông là một điều rất may mắn. Và chúng tôi cảm thấy rất có phước khi Cha tôi có thể thực hiện được việc nầy đúng như ý muốn của ông. Và sự kiện ông thực hiện việc nầy một cách công khai như thế nầy sẽ đóng góp rất nhiều vào cuộc tranh luận đang diễn ra hiện tại về vấn đề an tử.”

Trước chuyến đi của ông, Tiến sĩ Goodall tổ chức gặp gỡ tất cả những thân quyến và thân hữu để chào chia tay lần cuối cùng. Ông rất bình thản khi trò chuyện với họ về chuyến đi sắp đến của ông.Trong buổi họp mặt với hội thi sĩ Well Versed mà ông đã từng tham gia thường xuyên, ông ngâm tặng mọi người một bài thơ ông tâm đắc mang tựa đề Tarantella của Hilaire Belloc.

… Never more;
Miranda, never more.
Only the high peaks hoar:
And Aragon a torrent at the door.
No sound
In the walls of the halls where falls
The tread
Of the feet of the dead to the ground
No sound:
Only the boom
Of the far waterfall like doom.”

… Thôi đã hết;
Miranda, thôi đã hết
Có còn chăng chỉ những đỉnh tuyết sương trắng phết
Và ngoài cửa cuồn cuộn dòng Aragon
Không một âm thanh
Giữa những bức tường các đại sảnh
Nơi bước chân
Của người chết dẫm trên đất nền
Không một âm thanh
Trừ tiếng vang rền
Của con thác từ xa như ngày khánh tận. (NNT dịch)

Trên đường bay sang Thụy Sĩ, ông ghé ngang thành phố Bordeaux ở miền tây nam nước Pháp vài hôm để thăm viếng gia đình con trai của ông đang sinh sống ở đó. Gia đình người con nầy chỉ vừa mới biết đến quyết định của ông mấy tuần trước.

Trời ở đó đang mùa xuân và những khu vườn nho trên đồi đang nẩy chồi lá xanh tươi.

Ba người cháu nội của ông Goodall cùng tháp tùng trong chuyến đi cuối cùng của ông. Một người cháu, tên Daniel Goodall 30 tuổi, vừa phụ nấu một buổi cơm thôn quê thịnh soạn cho ông nội mình vừa giải thích: “Tuy mới đầu tin này khiến tôi bị chấn động mạnh, nhưng sau khi có thời gian suy nghĩ thêm, tôi lại thấy vui mừng cho ông. Tuy phần tôi vẫn không khỏi đau buồn, nhưng tôi vui mừng cho phần ông tôi.” And nói thêm: “Đó chắc sẽ là một trải nghiệm rất lạ lùng, khi có một buổi hẹn với thần chết.”

Nơi “hẹn với thần chết” của Tiến sĩ Goodall là Basel, một thành phố có từ thời Trung Cổ nằm trên bờ sông Rhine ở miền tây bắc Thụy Sĩ, gần biên giới với Pháp và Đức. Giữa những khu phố cổ của thành phố Basel là tòa thị sảnh xây bằng đá trầm thạch đỏ từ thế kỷ 16. Trong nhà thờ chính toà của thành phố nầy có ngôi mộ của học giả Đức Erasmus.

Khi ông đến Thụy Sĩ, nhiều phóng viên khắp thế giới đã tụ họp tại khách sạn nơi ông ở để tường thuật về diễn tiến chuyến đi của ông. Trong buổi chiều trước khi ông chết, hội Lối Thoát Quốc Tế tổ chức một buổi họp báo, và mọi người đến đông nghẹt.

Ông giải thích với họ rằng ông không có gì để sợ hãi, đau buồn hay hối tiếc cả; ông rất vui khi mọi việc đã được thu xếp để kết thúc như vậy. Tuy ông ao ước phải chi ông không cần phải đến tận Thụy Sĩ để thực hiện ý nguyện của mình, và phải chi ông được chết tại quê hương nước Úc bên cạnh những người thân của mình, ông vẫn hài lòng vì sắp được từ bỏ cõi đời nầy. Ông ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người đã đến nghe ông trò chuyện, và hy vọng cuộc đời của ông đã có ích lợi trong khía cạnh nào đó cho họ, ít nhất là trong giai đoạn cuối cùng nầy.

Tiến sĩ Goodall phải đi đến Thụy Sĩ vì luật an tử của quốc gia nầy có phần dễ dãi hơn nhiều nơi khác. Luật hình sự Thụy Sĩ cho phép việc trợ giúp người khác tự kết liễu mạng sống của họ miễn là người trợ giúp không làm điều nầy vì tư lợi. Và Thụy Sĩ cũng không giới hạn luật nầy cho công dân của họ mà thôi. Có nghĩa là người ngoại quốc có thể đến Thụy Sĩ để xin được trợ tử.

Hàng năm có khoảng 200 du khách ngoại quốc mua vé phi cơ một chiều đến Thụy Sĩ vì lý do nầy. Điều đó dẫn đến một hiện tượng được những người chống đối luật an tử gọi là “du lịch tự sát”.

Nhiều người dân Thụy Sĩ không đồng ý với luật lệ an tử trong nước họ. Thí dụ như bà Annemarie Pfeifer, một chuyên gia tâm thần học và cũng là dân biểu hội đồng thành phố Basel, nghĩ rằng luật an tử làm Thụy Sĩ mang tiếng xấu. Bà lo ngại luật nầy sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của quốc gia đã sáng lập ra hội Hồng Thập Tự, một tổ chức quốc tế biểu tượng sự cứu giúp mạng sống con người.

Ở ngay tại Úc cũng vậy, chính Hội Đồng Y Khoa Úc (Australian Medical Association) đã lên tiếng quan ngại về tiền lệ mà Tiến sĩ Goodall đang mang đến. Chủ Tịch Hội Đồng nầy, Bác sĩ Michael Gannon cho rằng luật cho phép an tử và trợ tử là những đạo luật “nguy hiểm”.

Ông Gannon lo ngại: “Khi những người già đến bao nhiêu tuổi thì xã hội chúng ta không còn đón mừng việc họ sống lâu nữa?” Ông than phiền: “Những người như Tiến sĩ Goodall quyết định tự sát chỉ vì họ cho rằng không còn gì đáng để sống nữa. Tôi nghĩ đó là một lằn ranh rất nguy hiểm. Tôi rất lo lắng xã hội chúng ta sẽ đi đến những luật lệ tuỳ tiện quyết định ai đáng để tiếp tục sống và ai không còn đáng sống nữa.”

Theo ông Gannon: “Xã hội chúng ta cần và nên chăm sóc những người đang khốn đốn vì già yếu và phụ giúp làm cho đời sống của họ đáng sống. Chúng ta cần phải có những hệ thống và phương tiện chăm lo cho các bệnh nhân cận tử một cách tốt đẹp hơn.”

Vài ngày trước đó, Tiến sĩ Goodall đã gặp hai bác sĩ Thụy Sĩ để xác nhận ý muốn chấm dứt mạng sống của ông và chứng minh trí óc ông vẫn còn minh mẫn khi đi đến quyết định trên. Đây là hai điều kiện bắt buộc theo luật an tử Thụy Sĩ.

Trong buổi phỏng vấn với các ký giả, nhân dịp được hỏi ông định nghe bản nhạc gì trong lúc qua đời, ông lập tức hát cho mọi người trong phòng nghe một đoạn Symphony Số 9, bài Ode to Joy của Beethoven mà ông yêu thích. Khi ông chấm dứt, tiếng vỗ tay của mọi người kéo dài mãi không muốn dứt như để cảm nhận màn trình diễn cuối cùng của một khoa học gia tài ba vốn cũng là một kịch sĩ, ca sĩ và thi sĩ nghiệp dư đầy nhiệt huyết.

Buổi sáng hôm ông Goodall dự định sẽ chết, trời mưa nhè nhẹ và dai dẳng. Ông thức dậy sớm. Con gái ông, bà Karen gọi điện thoại từ thành phố Perth ở Úc để thăm hỏi ông lần chót. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời, người cha lúc nào cũng cứng rắn, kỷ luật của bà nói với bà rằng ông rất yêu thương bà. “Biết rằng cha tôi sẽ chết ngày hôm nay và tôi sẽ không bao giờ được trò chuyện với ông nữa, nghe ông thốt ra lời nầy là một điều rất lớn lao đối với tôi”, bà thổ lộ.

Khi người ta đẩy ông trên chiếc xe lăn vào trụ sở y tế Life Circle của thành phố Basel, trong căn phòng mà ông sẽ chết, nhiều phóng viên nhà báo đã chờ đợi sẵn. Ông và 3 người cháu nội ngoại của ông ngồi xuống một chiếc bàn tròn nhỏ để ký những văn kiện sau cùng bằng 3 ngôn ngữ khác nhau. Bao quanh họ ngổn ngang những máy quay phim, máy ảnh và đèn rọi sáng choang.

Vẻ mặt ba người cháu đều bơ phờ và thất thần. Riêng ông vẫn sắc bén và thản nhiên. Khi đọc một văn kiện có đề cập đến “bệnh trạng” của ông, ông khẽ cằn nhằn: “Tôi đâu có bệnh gì đâu, tôi chỉ muốn chết mà thôi.”

Sau khi phần thủ tục giấy tờ đã xong, tất cả phóng viên và dụng cụ phải rời khỏi phòng. Những người còn lại chuẩn bị những thứ cần thiết. Vào khoảng 12 giờ 30 trưa thứ năm ngày 10 tháng 5, 2018, ông Goodall nằm xuống chiếc giường dành riêng cho ông và làm những động tác cuối cùng trong cuộc sống của ông.

Bác sĩ đã cắm sẵn một mũi kim tiêm vào gân cánh tay ông, mũi kim nầy nối liền với lọ độc dược treo gần đó. Theo luật an tử của Thụy Sĩ, ông phải tự mình bật mở một bộ phận nhỏ bằng nhựa để làm cho liều độc dược chảy qua mũi kim tiêm vào người ông. Không ai khác được phép trợ giúp ông làm việc nầy.

Liều độc dược được dùng ở đây là một loại barbiturate mang nhãn hiệu Nembutal. Barbiturate là một hóa chất tác động lên hệ thống thần kinh trung tâm, nếu dùng đúng phân lượng, sẽ gây mê thiếp và kế đó là chết.

Ở tuổi 104, mắt ông rất mờ và những ngón tay ông rất vụng về. Ông lọng cọng khá lâu nhưng vẫn không bật được chiếc nút mở vừa nhỏ vừa cứng. Nếu ông không tự làm được việc đó thì chuyến đi Thụy Sĩ nầy của ông sẽ thất bại và ông sẽ phải mang theo ước nguyện không thành của mình quay trở về Úc. Mọi người trong phòng, kể cả mấy người cháu của ông, đã được căn dặn kỹ là họ không được đụng đến dụng cụ nào hay nói lời gì để chỉ dẫn cho ông.

Tuy nhiên họ được quyền đổi một bộ phận mở khác cho ông. Sau khi họ làm điều đó, ông cố gắng một lần nữa, và ông có thể bật mở chiếc nút một cách khá dễ dàng.

“Ông nằm ngửa ra, nhắm mắt lại bình thản chờ đợi”, một người cháu trai của ông có mặt trong phòng kể lại.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuốc xảy ra chậm hơn ông tưởng. Khoảng 30 giây đồng hồ sau, ông mở mắt ra nhìn quanh và buột miệng “Ồ, chậm đến thế à?”

Đó là lời nói sau cùng của ông. Một khoảng thời gian ngắn sau, ông ngừng thở.


Nguồn
:

Một số bài viết đăng trên: www. abc.net.au, www.bbc.com, theguardian.com, www.nytimes.com, www.sbs.com.au, www.smh.com.au, v.v.

Related posts