Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang
Bất chấp dự đoán của những nhà quan sát, các đảng cực hữu đã không đạt được chiến thắng lớn như mong đợi trong cuộc bầu cử châu Âu. Tuy nhiên, phe cực hữu vẫn gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là tại Pháp.
Bầu cử châu Âu hoạt động thế nào?
Từ ngày 6 đến 9/6, hơn 180 triệu người châu Âu đã bỏ phiếu bầu chọn 720 đại biểu mới của Nghị viện châu Âu (EP). Trụ sở EP toạ lạc tại Strasbourg, Pháp và Brussels, Bỉ. Đây là cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) với quyền lực đáng kể trong việc đưa ra các quyết định chung cho các quốc gia thành viên EU.
Vai trò chính của EP là thông qua các chính sách liên quan đến khuôn khổ thị trường chung của EU, thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nhập cư và nhiều vấn đề xã hội khác. EP cũng là cơ quan giám sát Uỷ ban châu Âu (EC); cơ quan hành pháp cao nhất của EU; có quyền phê chuẩn Uỷ viên châu Âu và thông qua Nghị quyết về việc bãi miễn EC.
Mỗi quốc gia EU được phân bổ một số ghế nhất định trong EP dựa trên quy mô dân số. Trong các cuộc bầu cử, cử tri châu Âu sẽ quyết định bỏ phiếu cho một trong những đảng cấp quốc gia – ví dụ như công dân Đức sẽ có thể bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Xã hội Đức (SDP), hay tại Amsterdam thì công dân có thể bỏ phiếu cho đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ Hà Lan (VVD). Số ghế từng quốc gia được phân bổ trong EP dựa trên quy mô dân số, Đức nhận được nhiều số ghế nhất do có dân số đông nhất, sau đó là Pháp, Italia, Tây Ban Nha, và Ba Lan.
Hệ thống bầu cử của hầu hết các nước EU tuân theo chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện. Cử tri lựa chọn đảng ưa thích trong một danh sách các đảng tranh cử, sau đó nêu rõ ứng cử viên nào của đảng họ muốn nắm giữ ghế. Tiếp theo, số ghế được phân chia cho một đảng dựa trên việc có bao nhiêu cử tri bầu cho đảng này, và những ứng cử viên của đảng nhận được nhiều phiếu bầu từ cử tri nhất sẽ trở thành đại diện trong Nghị viện châu Âu. Khi lên tới cấp EP thì các đảng trúng cử sẽ được tổ chức thành các “đảng gia đình” xuyên quốc gia, liên kết với nhau dựa trên tư tưởng và quan điểm chính trị.
Ví dụ, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) là một nhóm liên kết các đảng trung hữu trên khắp EU tại Nghị viện châu Âu, chia sẻ tư tưởng dân chủ Kitô giáo và có quan điểm ủng hộ một EU hội nhập mạnh mẽ. Trong khi đó, các đảng cực hữu sẽ tụ hợp vào khối Bản sắc và Dân chủ (ID), thường chia sẻ các quan điểm như đặt chủ nghĩa dân tộc trên hết, chống hội nhập EU, hay ủng hộ chính sách nhập cư cứng rắn hơn.
Nỗi sợ cực hữu
Trước bầu cử, nhiều nhà quan sát châu Âu dự đoán rằng các phe cực hữu sẽ giành được chiến thắng lớn do nhiều cử tri bất bình với các chính sách của chính phủ hiện nay – phần lớn là trung hữu. Các vấn đề như bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19, bao gồm lạm phát và giá cả tăng cao, nguy cơ làn sóng nhập cư tái diễn, và quan điểm rằng EU đang tập trung quá nhiều vào cuộc xung đột tại Ukraine – thường được cử tri nêu là các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định bỏ phiếu.
Dựa trên những yếu tố này, các cử tri bày tỏ quan điểm rằng thể chế EU đã mất đi sự kết nối với người dân và hoạt động như một cơ quan độc lập tại Brussels, không có khả năng tiếp nhận và giải quyết các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ khối EU. Sự bất mãn này không chỉ bị giới hạn ở bất kỳ quốc gia nào, mà đã trở thành một tâm lý lan rộng trên khắp lục địa, thúc đẩy sự trỗi dậy của các phong trào dân tuý và chủ nghĩa dân tộc những năm gần đây. Chính xu hướng này đã khiến các nhà quan sát tin rằng số cử tri lựa chọn phe cực hữu sẽ tăng mạnh trong cuộc bầu cử EP này.
Không phải làn sóng, nhưng vẫn có sự trỗi dậy
Tuy nhiên, kết quả bầu cử đã không đem lại làn sóng cực hữu mạnh như mong đợi. Cho đến nay, chỉ 12 trong số 27 quốc gia EU đã đếm xong toàn bộ số phiếu, nhưng kết quả tạm tính đủ chắc chắn để Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen thuộc EPP khẳng định “phe trung hữu đã giữ vững, nhưng cũng phải nói rằng phe cực hữu và cánh tả đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cử tri”.
Kết quả tạm tính trên trang chính thức của Nghị viện châu Âu cho thấy EPP sẽ tiếp tục là phe lớn nhất, chiếm 186 ghế, sau đó là Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) bao gồm đảng SPD cầm quyền tại Đức chiếm 135 ghế, và khối Phục hưng châu Âu gồm đảng VVD chiếm 79 ghế. Các con số này có thể thay đổi, nhưng chiến thắng của ba “đảng gia đình” này cho phép liên minh trung hữu tiếp tục nắm đa số ghế trong EP.
Mặc dù vậy, S&D và Renew Europe đã cùng mất 27 ghế, và hai “đảng gia đình” thuộc phe cánh hữu là ID và đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) ít cực đoan hơn đã dành được tổng cộng 131 ghế, thêm 13 ghế so với bầu cử EP năm 2019. Ngoài ra, đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) cực hữu đã dành được 15 trong số 96 ghế EP được phân bổ cho Đức, thêm 6 ghế so với 2019. AfD sẽ tham gia vào EP nhưng không nằm trong “đảng gia đình” nào, sau khi bị trục xuất khỏi ID vào cuối tháng 5.
Kết quả của cuộc bầu cử cho thấy xu hướng ngả về cực hữu được thể hiện rõ nhất tại một vài quốc gia, thay vì trên khắp EU. Đặc biệt là tại 2 quốc gia lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp, chính phủ đương nhiệm đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cử tri khi số phiếu của hai đảng cầm quyền giảm mạnh, trong khi phe cánh hữu đã trỗi dậy tại đây. Các đảng cực hữu cũng đã đạt được chiến thắng so với cuộc bầu cử EP năm 2019 tại Áo, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Italia.
Thủ tướng Giorgia Meloni của Italia và Donald Tusk của Ba Lan thuộc phe cánh hữu, tiếp tục được coi là hai nhà lãnh đạo được cử tri ủng hộ sau khi giữ vững vị thế dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP. Tại Tây Ban Nha, đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa (PSOE) đang cầm quyền do Thủ tướng Pedro Sanchez dẫn đầu đã bị đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) thuộc phe EPP trung hữu đánh bại, nhưng hai đảng chỉ cách nhau 2 ghế trong EP.
Điều này cho thấy mặc dù cuộc bầu cử EP đánh dấu một sự chuyển dịch sang cánh hữu rõ ràng tại EU, quyền lực của hầu hết các đảng chính thống không bị ảnh hưởng nặng nề. Thay vào đó, người thua cuộc lớn nhất trên cấp EP là các đảng xanh và cánh tả, trở thành liên minh nắm giữ ít số ghế nhất.
Hơn nữa, các quan chức EU có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã đạt 51%, tăng nhẹ so với mức 50,66% vào năm 2019 nhưng cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục là 43% trong cuộc bầu cử EP năm 2014. Các cuộc bầu cử EP thường ít được cử tri quan tâm hơn so với bầu cử trong nước, đặc biệt khi so sánh với tỷ lệ bỏ phiếu 77,75% trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan cuối 2023, hay gần đây nhất là tại Bỉ vào ngày 9/6, khi 87,42% cử tri đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang.
Mặc dù vậy, mức độ tham gia trong cuộc bầu cử EP năm nay có thể coi là tương đối cao, đặc biệt khi xét đến xu hướng các cử tri tham gia liên tục giảm trong các cuộc bầu cử EP kế tiếp, kể từ năm 1979, khi cuộc bầu cử EP diễn ra lần đầu. Điều này nhấn mạnh là EU vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của cử tri châu Âu, và có lẽ sẽ làm giảm bớt lo ngại rằng EU được điều hành bởi các nhà kỹ trị Brussels mà không có sự chấp thuận của phần lớn công dân châu Âu.
Pháp – tâm điểm của làn sóng cực hữu
Cho dù làn sóng cực hữu đã không lan rộng khắp châu Âu, bức tranh tại Pháp lại hoàn toàn khác. Người thua cuộc lớn nhất tại cấp quốc gia trong cuộc bầu cử EP là Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi đảng Phục hưng (RE) của ông chỉ dành được 13 ghế trong số 81 ghế EP được phân bổ cho Pháp, và giảm 10 ghế so với bầu cử năm 2019. Trong khi đó, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu bao gồm cựu ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen đã dành được hơn 30 ghế, hơn gấp đối RE và tăng 7 ghế so với 2019.
Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, Jordan Bardella, nhà lãnh đạo trẻ của RN, và hậu bối của bà Le Pen đã yêu cầu ông Macron tôn trọng kết quả bỏ phiếu tại Pháp bằng cách giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử mới. Tổng thống Macron đã gây bất ngờ khi tuyên bố như vậy vào ngày 9/6, đặt cược vào niềm tin rằng cử tri Pháp không đủ can đảm để bầu ra một chính phủ cực hữu. Ông dường như đang thách thức cử tri ngay từ lúc này liệu họ có thực sự muốn Pháp được quản trị bởi phe cực hữu hay không.
Theo tạp chí Foreign Policy, các chuyên gia khu vực lo ngại rằng ông Macron đã tự đặt mình vào một tình huống khó khăn, mà khó có thể thoát ra được. Nếu RN giành được quyền kiểm soát quốc hội, nền chính trị Pháp sẽ bị ép vào tình huống “chung sống”, khi Tổng thống và Thủ tướng phải chia sẻ quyền lực với nhau do Tổng thống là thành viên của một đảng khác với đa số nghị sĩ Pháp. Năm 1997 là lần cuối cùng một Tổng thống Pháp giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử, Tổng thống Jacques Chirac theo phe cánh hữu đã đánh mất vị thế đa số của đảng ông vào tay của phe cánh tả.
Vì vậy, màn trình diễn kế tiếp của RN trong cuộc bầu cử Hạ viện sẽ được theo dõi kỹ càng trên khắp thế giới, bởi đó có thể là dấu hiệu cho biết liệu bà Le Pen có thể cưỡi trên làn sóng cực hữu đang diễn ra tại Pháp để giành chức Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2027 hay không. Bà Le Pen đã tranh cử trong cả 3 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất vào năm 2012, 2017, và 2022, nhưng chưa thể giành được sự ủng hộ của cử tri so với các đối thủ trung hữu.
Liệu cuộc bầu cử EP có phải bước đầu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Le Pen? Đây sẽ là một diễn biến đáng quan sát trong thời gian tới.