Cựu doanh nhân tiết lộ: Trung Quốc kiếm tiền bằng việc trấn áp rượu ‘đặc cung’ trái phép

Alex Wu

Cựu doanh nhân tiết lộ: Trung Quốc kiếm tiền bằng việc trấn áp rượu 'đặc cung' trái phép
Công nhân Trung Quốc sắp xếp các chai rượu bạch tửu sản xuất tại địa phương ở Mao Đài, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 22/9/2016. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Nhân danh việc trấn áp rượu ‘cung ứng đặc biệt bất hợp pháp’, chính quyền Trung Quốc đã đột nhập vào các doanh nghiệp hợp pháp và tịch thu rượu. Đây là một mánh lới để kiếm tiền, trong khi Bắc Kinh không thực sự muốn thực thi pháp luật.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo vào ngày 10/6 đưa tin, Bộ Công an Trung Quốc đã thu giữ hơn 300.000 chai rượu “đặc biệt” và “độc quyền” trái phép trong ba tháng qua, trị giá 890 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 123 triệu USD). Một số nhà bình luận cho rằng lệnh cấm gần đây của Bắc Kinh đối với các sản phẩm độc quyền là một cách để chính quyền Trung Quốc kiếm tiền.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung Quốc, Bộ Công an đã trấn áp việc sản xuất và bán trái phép các chai rượu “đặc biệt” và “độc quyền” dưới danh nghĩa của chính quyền và quân đội Trung Quốc, và đã thu giữ hơn 318.000 chai rượu “bất hợp pháp” từ tháng 3 đến đầu tháng 6, trị giá 890 triệu CNY (khoảng 123 triệu USD). Các nhà chức trách cũng đã giải tán “48 băng nhóm tội phạm xuyên khu vực” bị cáo buộc đang bán hàng giả và bắt giữ 417 nghi phạm.

Sự việc này xảy ra sau lệnh cấm gần đây của Bắc Kinh đối với việc sản xuất, bán và quảng bá các sản phẩm sử dụng logo “đồ cung ứng đặc biệt” và “đồ cung ứng độc quyền”, tờ Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (China News Service) của nhà nước đưa tin vào ngày 8/5. Bài báo cũng đăng lại thông báo do Cục Quản lý Sự vụ của Quốc vụ viện và 4 bộ phận khác ban hành về việc “nghiêm cấm các cơ quan trung ương và nhà nước sử dụng logo như ‘đồ cung ứng đặc biệt’ và ‘đồ cung ứng độc quyền’” (ban hành vào năm 2013).

“Đồ cung ứng đặc biệt” “đồ cung ứng độc quyền” đề cập đến thực phẩm, đồ uống và các mặt hàng xa xỉ khác mà chính quyền Trung Quốc dành riêng cho các thành viên tinh hoa của mình và không dành cho công chúng nói chung. Hệ thống nguồn cung ứng này được gọi là “đặc cung” (tegong).

Hệ thống “đặc cung” của chính quyền Trung Quốc có từ thời Diên An (1936–1947). Vào những năm 1950, Liên Xô đã giúp Trung Quốc thiết lập hệ thống “đồ cung ứng đặc biệt” và bộ phận mua sắm nhằm cung cấp thực phẩm, đồ uống và nhu yếu phẩm hàng ngày cho những người lãnh đạo và cán bộ của chính quyền Trung Quốc. Chất lượng và số lượng hàng hóa mà các cá nhân nhận được được xác định bởi cấp bậc của họ.

Quyền sở hữu các sản phẩm “đồ cung ứng đặc biệt” như vậy đại diện cho các đặc quyền của các cá nhân. Do đó, hàng hóa có nhãn “đặc cung” là mặt hàng được săn đón nhiều nhất trên thị trường Trung Quốc.

Ví dụ, vào ngày 26/3/2018, khi người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón người lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hai chai “Mao Đài miệng ngắn bình tương” được phục vụ tại bữa tiệc đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông Trung Quốc vì loại Mao Đài này được coi là “đồ cung ứng đặc biệt” và hiếm khi được bán trên thị trường. Vào thời điểm đó, một chai Mao Đài như vậy được cho là được bán trực tuyến với giá 1,28 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 176.600 USD).

Mao Đài là ví dụ nổi tiếng nhất về “đồ cung ứng đặc biệt” ở Trung Quốc và thường gắn liền với nạn tham nhũng của các quan chức. Hàng năm, lượng Mao Đài được cung cấp cho các quan chức và giới quân đội của Trung Quốc được cho là chiếm 60% tổng doanh số của công ty.

Rượu Mao Đài dùng trong lễ mừng đám cưới. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Mánh lới để kiếm tiền

Ông Vương Ứng Quốc (Wang Yingguo), một cựu doanh nhân đến từ Thâm Quyến hiện đang sống tại Hoa Kỳ, đã nói với phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 10/6 rằng chính quyền không thực sự thực thi các quy định về việc ngăn chặn sản xuất và phân phối “các đồ cung ứng đặc biệt bất hợp pháp”, và cuộc trấn áp gần đây chỉ là một cách để chính quyền Trung Quốc kiếm tiền.

“Mục đích của hành động thực thi pháp luật này là bắt một nhóm ‘hẹ’ [những cá nhân Trung Quốc dễ bị tổn thương bị bóc lột bởi chính quyền Trung Quốc] và phạt họ, để tạo ra nguồn thu cho các cán bộ ở cấp thấp hơn. Điều quan trọng là tạo ra thu nhập…”, ông Vương nói.

“Ví dụ, khi một nhà máy bia rượu sản xuất rượu, họ in một số từ như ’đồ cung ứng đặc biệt‘ hoặc ’đồ cung ứng độc quyền’ trên đó theo yêu cầu của khách hàng. Điều này không phải là bất hợp pháp; nó chỉ là một phương pháp tiếp thị”, ông chỉ ra.

“Nhân danh việc trấn áp rượu ‘cung ứng đặc biệt bất hợp pháp’, chính quyền đã đột nhập vào các doanh nghiệp hợp pháp của người khác và tịch thu rượu của họ. Họ đưa ra những lời buộc tội tùy tiện và không có cách nào để lý luận với chính quyền”, ông tiếp tục.

Ông Vương cho biết chính quyền Trung Quốc tự nó là một hệ thống ‘cung ứng đặc biệt’ và “mỗi bộ phận – từ chính quyền trung ương đến địa phương – đều có ‘khu đất riêng’ [để sản xuất hoặc đặt hàng đồ cung ứng đặc biệt]”.

Ông nhớ lại rằng khi còn ở Trung Quốc, ông đã tình cờ biết đến một số loại rượu “đặc cung” của Trung Quốc. “Ví dụ, quân đội có một loại rượu ‘đồ cung ứng đặc biệt’ có tên là ‘Nam Hải’. Tuyên bố hiện tại của chính quyền Trung Quốc về việc trấn áp rượu ‘cung ứng đặc biệt bất hợp pháp’ thực chất là một mánh khóe để kiếm tiền”.

Đồ ‘đặc cung’ thật hiếm khi xuất hiện trên thị trường

Khi nhu cầu về rượu “đặc cung” cao cấp như Mao Đài tăng lên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường đưa tin về rượu Mao Đài giả. Nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng, tại một thời điểm, có tới 90% rượu Mao Đài trên thị trường Trung Quốc là hàng giả.

Ông Dương Sinh (Yang Sheng), một luật sư Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 10/6 rằng phần lớn rượu Mao Đài trên thị trường là hàng giả vì quân đội trực tiếp mua rượu Mao Đài chính hãng từ công ty. Ông chỉ ra rằng loại rượu “đặc biệt” cung cấp cho các đại sứ quán nước ngoài và chính quyền cấp tỉnh và cấp bộ không có nhãn “đặc cung” trên chai.

“Bạn không thể mua được hàng thật. Bất cứ thứ gì ghi ‘đồ cung ứng đặc biệt’ trên bao bì có lẽ đều là hàng giả. ‘Đồ cung ứng đặc biệt’ thực sự không ghi nhãn ‘đồ cung ứng đặc biệt’. Nó được phân phối thông qua một kênh độc quyền, thứ đảm bảo nó là hàng thật”, luật sư giải thích, người đã sử dụng hóa danh vì sợ bị chính quyền trả đũa.

Ông Vương đề cập đến loại thuốc lá “cung ứng đặc biệt”, chẳng hạn như Xì-gà Trường Thành, với cơ sở sản xuất được thành lập vào cuối những năm 1950 và ban đầu được sản xuất dành riêng cho những người lãnh đạo cấp cao của chính quyền Trung Quốc.

“Tôi đã từng hỏi cảnh sát và nhân viên an ninh quốc gia, và hiện tại thuốc lá “cung ứng đặc biệt” chỉ giới hạn ở các nhà khách tỉnh và bộ tư lệnh quân sự tỉnh. Chúng khó có thể được tìm thấy ở các đơn vị cấp thành phố. Loại xì-gà này chỉ có ở bên trong Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài và khó có khả năng được lưu hành trên thị trường”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts