Nghị sự Bắc Đới Hà năm nay giới chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thảo luận về môi trường kinh tế trong nước và thực trạng quan hệ Mỹ-Trung, qua đó quyết định dốc toàn lực để đảm bảo ổn định mối quan hệ này. Có nhận định cho rằng trong hơn 60 năm qua, đây là nghị sự Bắc Đới Hà ngắn nhất của ĐCSTQ, nhiều quan chức vì lo ngại dịch bệnh nên đã không đến Bắc Đới Hà.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, bắt đầu từ ngày 1/8, ngoại trừ ông Lật Chiến Thư ở lại Bắc Kinh chủ trì nghị sự Ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/8, còn lại 6 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác đã không còn xuất hiện trên chương trình “Thông tin tiếp sóng” (Xinwen Lianbo) của CCTV. Theo các nguồn tin tại Bắc Kinh và Hà Bắc Trung Quốc, thời gian này đang diễn ra nghị sự thường niên của các quan chức cấp cao ĐCSTQ tại Bắc Đới Hà, phạm vi của hoạt động nghị sự bao gồm tình hình dịch bệnh trong nửa đầu năm và các vấn đề kinh tế trong nước, triển khai công việc trong nửa cuối năm, giải quyết những vấn đề nội bộ và tình hình quốc tế.
Thông tin cho biết, số lượng cán bộ hưu trí đến Bắc Đới Hà năm nay rõ ràng không nhiều bằng những năm trước, và ai nấy tỏ ra thận trọng hơn trong biểu hiện.
Ông Dương (Yang), một học giả người Hà Bắc đã đến thăm quan chức cấp cao của ĐCSTQ ở Bắc Đới Hà, hôm 10/8 tiết lộ rằng giới chức cấp cao đã nghỉ hưu trở nên thận trọng hơn khi đi nghị sự tại Bắc Đới Hà vì lo ngại họa vào thân. Những người ông trò chuyện có những cựu quan chức từng là Bộ trưởng, Viện trưởng, Bí thư tỉnh ủy…., nghe nói về cơ bản mọi người hạn chế gặp gỡ nói chuyện cùng nhau, tránh tiếp xúc trực tiếp .
Nghị sự Bắc Đới Hà của ĐCSTQ là hoạt động thông lệ hàng năm, tổ chức vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám, để các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm và các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu gặp nhau, giúp các quan chức đương nhiệm lắng nghe ý kiến của những người tiền nhiệm đã nghỉ hưu và việc ra quyết định của Trung ương Đảng. Tuy nhiên vì tình hình năm nay đối mặt với thiên tai nhân họa, đối nội đối ngoại rối ren, khiến nghị sự Bắc Đới Hà trở nên tương đối vắng vẻ hơn.
Kinh tế trong nước và quan hệ Mỹ-Trung trở thành trọng tâm
Trong thời gian nghị sự tại Bắc Đới Hà vào ngày 5/8, khi ông Ngoại trưởng Vương Nghị nhận trả lời phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã cho thấy sự thay đổi lập trường cứng rắn trước đây đối với Mỹ, kêu gọi Trung Quốc và Mỹ tái khởi động đối thoại, không nên tiếp tục chia tách. Ngày 7/8, Tân Hoa Xã đăng một bài báo có chữ ký của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, nhấn mạnh phải kiên định duy trì và ổn định quan hệ Mỹ-Trung.
Thông tin cũng cho biết, thời gian này giới “dư luận viên” của ĐCSTQ được lệnh ngừng các động thái chống Mỹ, tất cả đồng loạt “mất tích”.
Trong khi giới quan sát ở bên ngoài Trung Quốc có tiết lộ rằng trong nghị sự này, cấp cao ĐCSTQ chủ yếu thảo luận về tình hình kinh tế trong nước và sự phát triển của quan hệ Mỹ-Trung. Họ tin rằng quan hệ Mỹ-Trung là chìa khóa thành công trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Quyết định cuối cùng của Hội nghị Bắc Đới Hà là duy trì quan hệ với Mỹ và đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại đúng hướng.
Ông Quảng (Kuang), một học giả Trung Quốc cho biết một trong những lý do khiến hội nghị ở Bắc Đới Hà xưa nay thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đó là vì ‘giọng điệu’ của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hàng năm vào tháng Ba thực chất là dựa theo quyết định về nghị sự Bắc Đới Hà hoặc Phiên họp toàn thể của Trung ương ĐCSTQ trước đó.
Không khí thận trọng và tự kiểm duyệt căng thẳng hơn
Từng có nhận định cho rằng Bắc Đới Hà năm nay có xu thế nổi bật muốn gây sức ép buộc ông Tập Cận Bình phải rời bỏ cương vị vì những vấn đề yếu kém trong điều hành, gây đóng cửa nhà máy, nạn thất nghiệp và suy thoái kinh tế… Học giả họ Dương người Hà Bắc cho biết, những năm gần đây hoạt động nghị sự ở Bắc Đới Hà do Văn phòng Trung ương ĐCSTQ tổ chức được quản lý rất chặt chẽ, thông tin bên ngoài chỉ là suy đoán mơ hồ: “Tất cả các hoạt động nghị sự ở Bắc Đới Hà đều được tổ chức và sắp xếp rất chặt chẽ, mọi biểu hiện vượt quá phạm vi đã tổ chức đều không dễ dàng, ai nấy tự biết thận trọng tự kiểm duyệt. Lần này bầu không khí lặng lẽ như vậy, có thể có nhiều ý kiến riêng tư, nhưng không có nhiều khả năng những ý kiến này có thể được tập hợp thành sức mạnh tại Bắc Đới Hà.”
Trong quá khứ, cơ chế nghị sự tại Bắc Đới Hà của giới chức cấp cao ĐCSTQ là cơ chế thường niên đã được triển khai trong các mùa hè hàng năm từ năm 1954 – 1965 và từ năm 1984 – 2002. Đến thời ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2002 thì cơ chế này đã bị bãi bỏ trong 10 năm, vào năm 2012 đến thời Tập Cận Bình thì được khôi phục lại.
Theo RFA