Pinnacle View Team
Theo các chuyên gia, nền kinh tế có nhu cầu yếu của Trung Quốc đang trong trạng thái ảm đạm. Nhưng thay vì cung cấp sự cứu trợ nhạy bén cần thiết cho những người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang tăng cường sản xuất dư thừa và khiến những khó khăn kinh tế trong nước trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời gây rắc rối cho phần còn lại của thế giới.
Chia sẻ trên “Diễn đàn Tinh Anh” (Pinnacle View), một diễn đàn của đài truyền hình Tân Đường Nhân, các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng mô hình kinh tế chính trị này là một nỗ lực mạnh mẽ nhằm thâm nhập hàng loạt vào thị trường ngoại quốc bằng các sản phẩm giá rẻ như xe điện. Quan trọng hơn, đây cũng có thể là một nỗ lực nhằm phát triển nhanh chóng hướng tới một nền kinh tế kế hoạch hóa để chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt thời chiến.
Ông Văn Quán Trung (James G. Wen), cựu giáo sư kinh tế và nghiên cứu quốc tế của Đại học Trinity Hoa Kỳ, cho biết trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều lớp rào cản.
Ông nói: “Nhiều vấn đề mang tính hệ thống trong đảng cầm quyền đã biến nền kinh tế Trung Quốc thành ‘một con quái vật,’ tức là nước này có một số yếu tố của nền kinh tế thị trường, nhưng quyền phân bổ nguồn lực mang tính quyết định nhất lại thuộc về một đảng thiếu tính chính danh.”
Suy ngẫm về động lực kinh tế của Trung Quốc, ông Văn lưu ý: “Hơn mười năm trước, các nhà kinh tế chính thống ở Trung Quốc đã đi đến kết luận đồng thuận rằng nếu Trung Quốc không tiến hành cải tổ thêm, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm. Vào thời điểm đó, một số quan chức cấp cao trong chính quyền ĐCSTQ, chẳng hạn như cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng chỉ ra rằng nếu không cải tổ chính trị, thì thành quả cải tổ kinh tế sẽ mất đi.”
Ông Văn nói, “Những người theo chủ nghĩa cải tổ đó chủ trương rằng thị trường phải là yếu tố quyết định việc phân bổ các nguồn lực, trong khi người đứng đầu ĐCSTQ hiện nay lại tái khẳng định rằng đảng quyết định mọi thứ, kể cả thị trường và các nguồn lực, đây hoàn toàn là một sự chuyển hướng 180 độ.”
“Ông Tập Cận Bình dùng hình tượng cứu Đảng bước lên sân khấu, nêu cao khẩu hiệu này để trấn áp các đối thủ và những người có khuynh hướng cải tổ hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.”
Ông Văn cho biết với việc sử dụng kho bạc nhà nước để trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, giới lãnh đạo ĐCSTQ đang muốn phát triển nền kinh tế nhà nước bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tiễn kinh tế cho thấy rằng phương pháp tương tự như một nền kinh tế kế hoạch này có thể có một số tác động kích thích ngắn hạn nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề căn bản.
Ông Văn nói, “Hãy lấy việc làm làm ví dụ. Hiện nay không chỉ lao động nhập cư nông thôn phải chịu thất nghiệp, mà cả những sinh viên mới ra trường cũng không tìm được việc làm. Đây là một vấn đề lớn của nền kinh tế Trung Quốc.”
Ngoài ra, ông Văn cho biết, việc sản xuất hàng loạt trong nền kinh tế kế hoạch hóa nhà nước dẫn đến các sản phẩm được bán ra thị trường với giá thấp, đồng thời Hoa Kỳ, châu Âu, và các quốc gia khác đang bắt đầu có phản ứng trước kế hoạch xâm chiếm thị trường toàn cầu của ĐCSTQ.
Theo ông Văn, thị trường đất đai là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên thị trường đất đai của Hoa lục lại bị ĐCSTQ độc quyền vì họ không cho người dân Trung Quốc sở hữu đất tư nhân. Nhà cầm quyền này cũng đang tăng cường mua đất ở hải ngoại.
“ĐCSTQ từ lâu đã sử dụng tài chính đất đai để bòn rút của cải từ việc tăng giá đất. Một phần nhỏ trong số tiền thu về đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng phần lớn là để chu cấp cho bộ máy quan liêu có gần 100 triệu công chức của nhà cầm quyền này, cũng như để mua chuộc một số nước nghèo hoặc các lãnh đạo độc tài của họ để làm đồng minh và mở rộng chi tiêu quân sự để chuẩn bị cho chiến tranh.”
Bác bỏ tuyên truyền chính thức rằng “Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo tuyệt đối và đã toàn diện đạt được sự thịnh vượng vừa phải (tiểu khang),” ông Văn nói rằng Trung Quốc vẫn còn lạc hậu. “Chúng ta biết rằng, hiện nay có 600 triệu người kiếm được ít hơn 1,000 nhân dân tệ (khoảng 138 USD) một tháng và hơn 900 triệu người kiếm được ít hơn 2,000 nhân dân tệ (khoảng 276 USD) một tháng.”
Nền kinh tế Trung Quốc ‘không bền vững’
Nhiều nhà kinh tế và chính trị gia phương Tây đã bày tỏ lo ngại về nền kinh tế đang dần rơi vào trạng thái tê liệt của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 03/06, nhà kinh tế đạt giải Nobel Paul Krugman nói rằng mô hình kinh tế của Trung Quốc là “không bền vững.” Ông cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “không sẵn lòng một cách khó hiểu” đối với việc sử dụng thêm chi tiêu chính phủ để trợ giúp cho nhu cầu tiêu dùng, và thay vì thế lại sử dụng chi tiêu để mở rộng sản xuất.
Hồi tháng 08/2023, ông Krugman đã viết rằng lý tưởng nhất là Trung Quốc thúc đẩy cải tổ nhu cầu dài hạn để mang lại cho các gia đình nhiều thu nhập hơn, và mức tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thay thế cho các khoản đầu tư không bền vững.
Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, cho biết năm nay ông Krugman “nhận thấy Bắc Kinh đã đi theo con đường hoàn toàn ngược lại, vì vậy ông ấy tin rằng sai lầm này của ông Tập Cận Bình đã khiến tình trạng khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Trung Quốc sớm hơn.”
“Nhà kinh tế phương Tây này tin rằng điều Bắc Kinh cần giải quyết cấp bách là nhu cầu trong nước và họ nên làm những gì chính phủ Hoa Kỳ đã làm, đó là cung cấp phúc lợi hoặc phân phối tiền, một biện pháp đơn giản và hữu hiệu, để khi người dân có tiền, thì nhu cầu sẽ tăng lên,” ông Lý cho biết trên “Diễn đàn Tinh anh.”
Khi Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đến thăm Trung Quốc vào tháng Tư năm nay, bà đã kêu gọi Trung Quốc ngừng dựa vào xuất cảng để kích thích nền kinh tế và tăng nhu cầu cũng như tiêu dùng trong nước. Bà nói rằng nếu các chính sách kinh tế của Trung Quốc không thay đổi, thì Hoa Kỳ có thể sẽ phải điều chỉnh thuế quan.
Bà Yellen cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc bán phá giá các mặt hàng xuất cảng xe điện, pin, và các sản phẩm quang năng vào Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Tạp chí Time, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nêu lên một loạt các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc, gợi ý rằng nước này không phải là đang phát triển bùng nổ mà là đang trên bờ vực sụp đổ.
Nền kinh tế kế hoạch và hệ thống thời chiến
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, cho biết trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng việc ĐCSTQ tập trung vào sản xuất hơn tiêu dùng là để “củng cố cơ chế vận hành quyền lực.”
Bà Quách cho rằng có hai lý do có thể khiến ông Tập Cận Bình làm như vậy.
Bà nói, “Đầu tiên là bản thân hệ thống của ĐCSTQ được thiết kế để ứng phó với tình trạng thiếu hụt kinh tế trong thời chiến. Do đó, khi gặp khó khăn áp lực, ĐCSTQ sẽ đi theo hướng mà họ quen thuộc và dễ bề vận hành nhất.” Ad
“Khả năng thứ hai là ĐCSTQ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai. Đặc biệt liên quan đến các biện pháp ngăn chặn và chống virus nghiêm ngặt được áp dụng trong ba năm kể từ khi COVID bùng phát.”
Bà Quách nói, “Một số người đặt câu hỏi liệu đây có phải là một bài kiểm tra sức chịu đựng đối với sự chuyển đổi sang hệ thống thời chiến của ông Tập Cận Bình hay không, vì ông ấy muốn xem giới hạn sức chịu đựng của người dân Trung Quốc là ở mức nào để chính quyền toàn trị có nhiều không gian hơn để hành động trong những tình huống khó khăn cực hạn trong tương lai.”
CIA ước tính ĐCSTQ có thể sẵn sàng tấn công Đài Loan vào năm 2027. Một số chuyên gia tình báo đã dự đoán những năm nguy hiểm nhất sẽ là năm 2025 và 2026.
Bà Quách nói, “Chúng ta nhận thấy một số thay đổi ở Hoa lục, chẳng hạn như mức tiêu dùng yếu, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự quy mô lớn hoạt động hết công suất, việc tăng cường kiểm soát xã hội, quản lý nghiêm ngặt dân số di cư, kiểm duyệt dư luận, huy động quân đội cho chiến đấu, tuyển quân, v.v., tất cả những tín hiệu này đều cho thấy ĐCSTQ đang tiến tới trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh.”
Bà Quách cho biết, trước sự cần thiết để Ủy ban Lập kế hoạch của Đảng sắp xếp nhiều nguyên liệu thô và yếu tố sản xuất khác nhau trong thời chiến, ĐCSTQ cũng đang thử nghiệm các căng tin thuộc sở hữu nhà nước để phân phát khẩu phần thực phẩm cho cá nhân.
“Loại hình kinh tế thời chiến này cũng có thể được gọi là nền kinh tế thiếu hụt kế hoạch hóa tập trung, trong đó tất cả các vật tư và mặt hàng thiết yếu đều phải phân theo một hệ thống hạn ngạch,” bà nói, đồng thời nêu ví dụ về hệ thống phân phối khẩu phần ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vào thời Đệ nhị Thế chiến.
Bà Quách cho biết, “Nếu đây là thời chiến của ĐCSTQ, thì tất cả sẽ được thiết kế để giành chiến thắng trong chiến tranh, và mọi nguồn lực xã hội sẽ đều được ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu của chiến tranh.”
Vân Du biên dịch