Các công ty Thung lũng Silicon tăng cường biện pháp an ninh ngăn gián điệp Trung Quốc

(Ảnh minh họa: Tada Images/Shutterstock)

Trong bối cảnh các nhà chức trách Mỹ ngày càng lo ngại về đe dọa gián điệp từ Trung Quốc, các công ty ở Thung lũng Silicon đang tăng cường kiểm tra an ninh đối với nhân viên và các ứng viên tiềm năng. Sau các vụ gián điệp gây chú ý, những công ty hàng đầu như Google, OpenAI và Sequoia Capital… đang thúc đẩy tăng cường cải thiện các biện pháp bảo mật.

Tờ Financial Times ngày 18/6 dẫn lời một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, những ‘gã khổng lồ’ công nghệ như Google và các công ty khởi nghiệp nổi tiếng như OpenAI đã tăng cường rà soát nhân sự.

Nguồn tin cho hay, sau khi nhận được cảnh báo từ các cơ quan gián điệp đang nhắm mục tiêu vào các nhà phát triển công nghệ Mỹ, các công ty đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital đã hỗ trợ hàng chục công ty khởi nghiệp (bao gồm xAI của Elon Musk) cũng khuyến khích một số công ty trong danh mục đầu tư của họ phải tăng cường thẩm tra rà soát tình hình nhân sự.

Do áp lực địa chính trị, Sequoia Capital vào năm ngoái đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sau gần hai thập niên kinh doanh tại nước này.

CEO Alex Karp của Palantir – nhà thầu phân tích dữ liệu trị giá 53 tỷ USD cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, cho biết việc Trung Quốc giám sát các công ty công nghệ Mỹ là “một vấn đề lớn”, đặc biệt đối với các nhà sản xuất phần mềm doanh nghiệp, mô hình ngôn ngữ lớn và hệ thống vũ khí.

Cuộc chiến Mỹ – Trung

Washington và Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt, theo đó Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khiến Trung Quốc khó tiếp thu và phát triển các công nghệ mũi nhọn – bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và chip tiên tiến.

Tuy nhiên do lực lượng lao động công nghệ châu Á tại Mỹ ngày càng phổ biến, cũng có những lo ngại về tình trạng bài ngoại ngày càng gia tăng tại các công ty công nghệ Mỹ.

Kể từ khi rời chính phủ, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã không ngừng tư vấn cho các công ty công nghệ và đầu tư về rủi ro gián điệp nước ngoài, ông cho biết mối đe dọa từ các cơ quan tình báo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “hoàn toàn có thật và đang diễn ra”. Ông nói: “Các công ty mà tôi nói chuyện và hợp tác làm việc đang rất ý thức điều này, họ đang làm mọi thứ có thể để giảm thiểu nguy cơ”.

Các vụ gián điệp Trung Quốc đã tăng gấp đôi

Theo tờ Financial Times, công ty Google cho biết họ đã áp dụng “các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn hành vi trộm cắp thông tin kinh doanh và bí mật thương mại”.

Sequoia Capital từ chối bình luận, còn OpenAI đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Financial Times.

Nguồn tin cho biết các vụ gián điệp của Trung Quốc đã xảy ra từ nhiều thập niên trước nhưng dường như đã gia tăng gấp bội trong những năm gần đây. Vào tháng Ba năm nay, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc một cựu kỹ sư phần mềm của Google ăn cắp bí mật thương mại AI của Google khi bí mật hợp tác với hai công ty Trung Quốc. Phía nhà chức trách Mỹ cho hay, các công ty như Tesla, Micron và Motorola đều bị Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ một cách “trắng trợn” và đã kéo dài trong 5 năm qua.

Chuyên gia Bill Priestap – cựu lãnh đạo bộ phận phản gián của FBI hiện đang điều hành một công ty tư vấn chuyên về AI có tên Trenchcoat Advisors – đã có kiến nghị về rủi ro từ các đối thủ nước ngoài. Ông cho biết ông đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp các tổ chức tình báo nước ngoài sử dụng nhân viên của các công ty Mỹ để đánh cắp tài sản có giá trị. Ông nói: “Một số nhà tuyển dụng đang tăng cường cảnh giác khi tuyển dụng nhân viên, họ phải hiểu liệu nhân viên đó có bất kỳ vấn đề nào thành điểm yếu của họ không, dù nhân viên tuyển dụng đó có liên quan một số nước [nhạy cảm] thì cá nhân đó có thể dễ bị lợi dụng, cho dù người đó không muốn gây tổn hại cho công ty”.

Một số công ty tư nhân đã mọc lên để cung cấp cho các công ty thông tin tình báo chiến lược về các mối đe dọa gián điệp của Trung Quốc. Ví dụ công ty Strider Technologies có trụ sở tại bang Utah (được thành lập vào năm 2019 bởi hai anh em song sinh Greg và Eric Levesque), công ty này cung cấp một công cụ dữ liệu cho các doanh nghiệp, nhằm mục đích ngăn chặn các quốc gia dân tộc sử dụng nhân viên của họ như mục tiêu tấn công, và xâm nhập vào các nhà cung cấp và nhà sản xuất bên thứ ba.

Sàng lọc bổ sung khi bị hệ thống cảnh báo

CEO Greg Levesque của Strider cho biết, gần đây các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ mới như tính toán lượng tử, AI, và sinh học tổng hợp đã tăng cường sử dụng công cụ của Strider, vì “những công nghệ mới nổi đó là mục tiêu mua sắm chính của Trung Quốc”.

Hệ thống của Strider sử dụng AI để thu thập dữ liệu về các phương pháp do cơ quan tình báo nước ngoài triển khai chống lại các công ty mục tiêu và nhân viên của họ. Ví dụ, công ty Strider đã theo dõi hàng trăm “chương trình nhân tài” của Trung Quốc được cho là tuyển dụng các nhà khoa học và giáo sư nước ngoài, khuyến khích họ đánh cắp công nghệ để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và quân sự của ĐCSTQ. Các chuyên gia như Priestap và McMaster là cố vấn cho công ty Strider.

Nếu ai đó bị hệ thống của Strider gắn cờ cảnh báo, công ty có thể thực hiện sàng lọc bổ sung, chẳng hạn như thẩm định về gia đình hoặc mối quan hệ tài chính ở nước ngoài của người đó và lịch sử du lịch của họ tới các nước mà các cơ quan tình báo nước ngoài đang tuyển dụng.

CEO Greg Levesque cho biết: “Chúng tôi thấy điều này xảy ra trên khắp Fortune 500 (500 công ty lớn nhất của Mỹ theo doanh thu hàng năm)… Mọi người đều là mục tiêu. Đang có một cuộc chiến địa chính trị, theo đó ở tuyến đầu là các ngành công nghiệp mũi nhọn”.

“Dự án Trung Quốc” bị hủy

Vào năm 2022, một chương trình về Trung Quốc là “Dự án Trung Quốc” thời chính quyền Trump gây tranh cãi (các nhóm dân quyền chỉ trích chương trình là phân biệt chủng tộc) bị Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ. Kế hoạch này cũng bị giám sát chặt chẽ khi một số vụ kiện chống lại các học giả gốc Trung Quốc, đặc biệt là các nhà khoa học, đã bị thua kiện trước tòa.

Nhưng kế hoạch này cũng dẫn đến vụ kết án một số người như giáo sư hóa học Charles Lieber của Harvard. Ông ta bị phát hiện đã bí mật nhận tiền của Trung Quốc thông qua một chương trình do nhà nước tài trợ nhằm giúp Trung Quốc tiếp cận kiến ​​thức khoa học và chuyên môn từ Mỹ và các nước khác.

Vào tháng 11, Giám đốc FBI Christopher Wray cùng những người đồng cấp từ mạng lưới tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes: bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) đã tổ chức một sự kiện công khai ở Thung lũng Silicon, sự kiện kêu gọi các công ty công nghệ “đối phó với mối đe dọa chưa từng có từ Trung Quốc”.

Các nhóm ở Thung lũng Silicon đấu thầu các hợp đồng của Bộ Quốc phòng Mỹ đang được khuyến khích mở rộng phạm vi và quy mô thẩm định của họ đối với các mối đe dọa gián điệp của Trung Quốc. Các công ty công nghệ thương mại hợp tác với các cơ quan quốc phòng Mỹ phải tuân thủ các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.

McMaster cũng là một trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết: “Phần lớn hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan đến an ninh quốc gia là các dự án của Chính phủ Mỹ, hiện nay chúng được chuyển giao cho khu vực tư nhân, vì vậy theo góc nhìn của Trung Quốc thì các công ty này đã thực sự trở thành những mục tiêu”.

Theo RFI

Related posts