Tin thế giới sáng thứ Hai

Ông Pompeo khẳng định lập trường cứng rắn với Trung Quốc

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu (21/8) nói với CNBC rằng Mỹ sẽ duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc vì lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Khi được hỏi về ứng dụng TikTok của Trung Quốc, ông Pompeo không đề cập cụ thể tới việc liệu có công ty Mỹ nào đã mua được nền tảng công nghệ này hay chưa. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của một thương vụ như vậy nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân người dân Mỹ.

Ông Pompeo cũng khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục dõi theo” Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy chính sách buộc mọi công ty Trung Quốc “phục tùng bộ máy an ninh quốc gia”.

Đài Loan sắp khánh thành trung tâm bảo dưỡng F-16 đầu tiên ở châu Á Thái Bình Dương

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ khánh thành trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa F-16 đầu tiên ở Châu Á Thái Bình Dương tại Đài Trung vào ngày 28/8 tới, theo Taiwan News.

F-16

Việc thành lập cơ sở này là kết quả của thỏa thuận giữa Tổng công ty Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước Đài Loan và nhà sản xuất F-16 Lockheed Martin vào tháng 12 năm ngoái. Lực lượng Không quân của quốc đảo này sở hữu 142 máy bay chiến đấu F-16 đang trong quá trình nâng cấp, trong khi vừa mua thêm 66 máy bay phản lực F-16V tiên tiến hơn.

Đài Loan cũng hy vọng trung tâm bảo dưỡng có thể thu hút hoạt động kinh doanh từ các lực lượng không quân khác, Liberty Times đưa tin hôm thứ Bảy (22/8).

Ấn Độ bắn chết 5 kẻ đột nhập biên giới với Pakistan

Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ (BSF) hôm thứ Bảy đã bắn hạ 5 kẻ xâm nhập Pakistan gần biên giới Indo-Pak ở Punjab. Những kẻ đột nhập được trang bị súng trường AK 47 và súng lục Berreta và mang theo gần 10 kg heroin, theo the Indian Express.

Các nguồn tin cho biết những kẻ xâm nhập đã bị vô hiệu hóa sau một chiến dịch ngăn chặn kéo dài sáu giờ tại biên giới Quốc tế ở Ferozepur, Punjab.

“Chúng tôi đã ghi nhận sự chuyển động gần Biên giới Quốc tế vào khoảng 11h30 tối thứ Sáu và do đó đã phát động một chiến dịch kiểm tra. Chúng tôi đã giám sát những kẻ xâm nhập suốt đêm và yêu cầu họ đầu hàng vào khoảng 4 giờ sáng khi chúng vượt biên. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng, họ đã nổ súng đáp trả. Chúng tôi đã giăng hàng rào để không cho phép họ trốn thoát. Khoảng 5h30 sáng, chúng tôi lại phát hiện ra họ và lần nữa yêu cầu họ đầu hàng. Họ lại bắn đáp trả chúng tôi. Chúng tôi đã bắn phản ứng và sau đó trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã tìm thấy 5 thi thể với vũ khí và hàng lậu”, sĩ quan biên giới Mahipal Yadav cho biết.

Ba lý do khiến người dân Belarus cô đơn khi đấu tranh cho tự do

Cây bút bình luận Pierre Haski trên tuần báo L’Obs của Pháp cảnh báo “Sự cô đơn của người dân Belarus”.
Tác giả nhận xét, những hình ảnh của một dân tộc đang phải đấu tranh cho tự do thật ấn tượng và đầy xúc động. Cuộc nổi dậy chưa từng có sau vụ gian lận bầu cử quá đáng, với một ứng cử viên bất ngờ là Svetlana Tikhanovskaia, đã khiến dấy lên những lời kêu gọi ủng hộ tại các nước cộng sản cũ. Tuy nhiên có ba thực tế khiến những người biểu tình Belarus phải đơn độc.

Trước hết, đó là sự quay trở lại của “vùng ảnh hưởng” mà chiến tranh lạnh chừng như đã chôn vùi. Putin đã thành công trong việc tái lập một “không gian sinh tồn” xung quanh Nga, và đã giương móng vuốt như ở Gruzia năm 2008 và Ukraina năm 2014 để khối Liên Xô cũ không bị xói mòn. Thế nên lẽ tự nhiên là nhà độc tài Alexandre Loukachenko quay sang Moscow để tìm sự giúp đỡ dù quan hệ hai nước có lấn cấn. Putin có thể quyết định cứu Loukachenko theo logic “vùng ảnh hưởng”, hoặc bỏ rơi nếu thấy “cuộc cách mạng” Belarus không làm mất đi thế quân bình về địa chính trị.

Thứ hai, châu Âu một lần nữa lại phải lên tuyến đầu trong khi vũ khí trừng phạt ít hiệu quả. Ba Lan và các nước Baltic muốn đi xa hơn, nhưng vấp phải sự do dự thường lệ trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Sự chia rẽ trong Liên hiệp lại càng thấy rõ: Hy Lạp chặn thông cáo chung của EU về Belarus vì cho rằng đã không được bênh vực đến nơi đến chốn trước Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ biển Aegea (Égée theo tiếng Pháp).

Thực tế thứ ba đang đè nặng lên Belarus là sự vắng mặt của Hoa Kỳ, vào lúc cận kề bầu cử tổng thống, dịch bệnh hoành hành, xã hội Mỹ chia rẽ. Người Belarus hiểu rằng họ cô đơn, nhưng vẫn chiến đấu với nhà độc tài, khiến người ta nhớ đến Budapest năm 1956 hay Praha năm 1968.

Kịch bản Công đoàn Đoàn Kết cho Belarus?

Tại khắp các thành phố Belarus, các nhà máy lần lượt đình công, từ ngành hóa chất, giao thông cho đến thực phẩm, trong đó có những nhà máy lớn nhất nước. Đối với tổng thống Loukachenko, kỹ nghệ nặng luôn có vị trí quan trọng. Ông có thói quen đi thăm các xưởng máy, với các ống kính truyền hình đi kèm, ca ngợi mô hình phát triển của đất nước.

Trong suốt 25 năm qua, Alexandre Loukachenko đã thành công trong việc duy trì ở Trung Âu một chế độ độc tài theo mô hình xô-viết cũ, trừ một điều là quyền hành không nằm trong tay đảng Cộng Sản mà do tổng thống và tầng lớp tinh hoa nắm giữ. Nhưng ông thất bại ở một điểm : không biết ra đi đúng lúc. Thế hệ trẻ không còn chịu đựng được việc đất nước ròng rã nhiều năm chỉ luôn được một khuôn mặt đã lỗi thời đại diện. Các công ty quốc doanh nay đã tham gia phong trào phản kháng, với một « kẻ thù giai cấp » duy nhất : Loukachenko.

Related posts