Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr hôm Chủ Nhật (23/6) nói rằng đất nước ông không có ý định kích động chiến tranh và sẽ luôn luôn hướng đến giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Phát biểu này của ông Marcos được đưa ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng trên biển giữa Philippines và Trung Quốc, theo Reuters đưa tin.
“Trong khi bảo vệ đất nước, chúng ta luôn giữ đúng bản chất của người Philippines là rằng chúng ta muốn giải quyết tất cả các vấn đề này một cách hòa bình”, ông Marcos nói khi phát biểu với các binh lính tại đơn vị Chỉ huy miền Tây chịu trách nhiệm giám sát Biển Đông.
Thủy thủ hải quân Philippines và hải cảnh Trung Quốc tuần trước vừa xảy ra vụ đụng độ mới nhất khi phía Philippines làm nhiệm vụ tiếp tệ thường lệ tới Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông. Quân đội Philippines cho biết một thủy thủ đã bị thương nặng và các tàu tiếp tế bị hư hại sau khi bị hải cảnh Trung Quốc cố tình va chạm mạnh.
Quân đội Philippines nói rằng lực lượng Hải cảnh Trung Quốc mang theo dao, giáo dài đã cướp vũ khí và “cố ý đâm mạnh” vào các tàu Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế trên biển.
Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo của Philippines. Một vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (20/6) nói rằng những biện pháp cần thiết đã được thực hiện đúng luật, chuyên nghiệp và không chê trách vào đâu được.
Ông Marcos không nhắc đến tên Trung Quốc trong bài phát biểu và đã chỉ đạo binh lính phải thực hành kiềm chế “trong bối cảnh khiêu khích mãnh liệt”. Ông cũng nói Philippines sẽ luôn luôn thực hiện quyền tự do và các quyền khác của mình phù hợp với luật quốc tế.
“Trong khi thực hiện bổn phận của chúng tôi, chúng tôi sẽ không lựa chọn sử dụng vũ lực hoặc bắt nạt, hoặc cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho bất kỳ ai. Chúng tôi kiên định. Sự bình tĩnh và tâm thế hòa ái của chúng tôi không nên bị hiểu nhầm là sự phục tùng”, ông Marcos nói.
Tổng thống Philippines khẳng định: “Chúng tôi không có ý định kích động chiến tranh – tham vọng lớn của chúng tôi là đem đến cuộc sống hòa bình và thịnh vượng cho người dân Philippines. Chúng tôi không chấp nhận chơi theo các luật lệ mà ép chúng tôi phải chọn phe trong cạnh tranh nước lớn”.
Hải Đăng
Ngộ độc rượu ở Ấn Độ khiến 54 người thiệt mạng
Số người chết đã tăng lên 54 do uống phải rượu nhiễm độc ở tiểu bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ; hơn 100 người vẫn đang nằm viện, một quan chức chính phủ cho biết vào thứ Bảy (22/6).
Gần 200 người đã được điều trị kể từ thứ Tư (19/6) có những triệu chứng nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy, sau khi uống rượu pha methanol ở quận Kallakurichi, cách thủ phủ Chennai khoảng 250 km (150 dặm).
Các quan chức đang điều tra vụ việc và đã bắt giữ bảy người, đồng thời những hành động tiếp theo đang được thực hiện đối với những người bán rượu và nấu rượu trong quận.
Tử vong do rượu sản xuất bất hợp pháp (còn được gọi là rượu quê), là chuyện thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, nơi ít người có đủ khả năng mua rượu mạnh có thương hiệu, mặc dù công chúng yêu cầu trấn áp những người bán rượu.
Chính quyền tiểu bang cho biết họ đang thực hiện các bước để xác định những người liên quan đến việc sản xuất methanol, một loại hóa chất độc hại thường được sử dụng cho mục đích công nghiệp.
Thanh Tâm, theo Reuters
Thủ tướng Hungary: Đánh bại Nga tại Ukraine là điều vô vọng
Thủ tướng Hungary Orban cho hay rằng phương Tây muốn đánh bại Nga tại Ukraine, song kế hoạch này là vô vọng và sẽ phải trả giá đắt.
“Tình hình có vẻ như phương Tây muốn đánh bại Nga với sự hỗ trợ từ Đức và sự lãnh đạo của Mỹ. Tôi nghĩ điều đó thật vô vọng”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố. “Ngay cả khi thành công, viễn cảnh vốn hoàn toàn không thực tế chút nào, chúng ta vẫn phải trả một cái giá đắt không đáng”.
Thủ tướng Hungary cho rằng Nga chịu trách nhiệm về việc khiến xung đột bùng phát ở Ukraine, nhưng nhấn mạnh nguyên nhân chính là ý định gia nhập NATO của Kyiv.
“Rốt cuộc, câu hỏi đặt ra là Ukraine có trở thành thành viên NATO hay không. Trọng tâm của cuộc chiến này là Sevastopol ở Crimea, nơi sẽ treo cờ NATO hoặc cờ Nga ở cửa ngõ Biển Đen. Người Nga nói rằng quốc kỳ của họ đang tung bay tại đó và họ không muốn đổi thành cờ NATO, cũng không muốn ở cạnh các nước NATO”, ông Orban nói. Sevastopol là thành phố quan trọng ở bán đảo Crimea, nơi có tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen của Nga.
Ông Orban được xem là lãnh đạo có lập trường thân thiện với Nga nhất trong các thành viên NATO. Chính trị gia 61 tuổi đã nhiều lần kêu gọi thành viên liên minh hạn chế can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine, ủng hộ thúc đẩy Kyiv và Moscow đàm phán thay vì viện trợ vũ khí cho Ukraine và kéo dài xung đột. Ông cũng phản đối Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Orban tiếp tục khẳng định rằng Hungary sẽ không tham gia sứ mệnh quân sự của NATO ở Ukraine. “Tôi và Tổng thư ký NATO đã thống nhất điều đó, Hungary cũng sẽ không viện trợ tài chính cho Ukraine. Bây giờ chỉ có cựu tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể dừng cuộc chiến”, Thủ tướng Hungary cho hay. “Không chỉ Tổng thư ký sắp mãn nhiệm mà còn cả người sắp nhậm chức, không ai ở NATO được gây áp lực với Hungary”.
Thủ tướng Orban cũng được biết đến là một trong những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất ở châu Âu và thậm chí còn mượn khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của cựu tổng thống Mỹ. Đảng Fidesz cầm quyền của ông Orban tuần này công bố Hungary sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch EU sắp tới với khẩu hiệu “Đưa châu Âu vĩ đại trở lại”.
Phan Anh
Mỹ đưa tàu sân bay Roosevelt đến Hàn Quốc diễn tập
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã cập cảng tại Busan, trước thềm cuộc tập trận ba nước Mỹ – Nhật – Hàn.
Tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt, thuộc Nhóm Tác chiến Tàu sân bay 9 (CSG 9), cập cảng tại Busan phía đông nam Hàn Quốc sáng 22/6, được hộ tống bởi khu trục hạm mang tên lửa phòng không Aegis USS Halsey và khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Daniel Inouye.
Lần gần nhất Mỹ điều tàu sân bay đến Hàn Quốc là vào tháng 11/2023. Đây cũng là chuyến thăm cảng Busan đầu tiên của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận đa phương diện đầu tiên với tên gọi Freedom Edge trong tháng này, chỉ hai tháng sau khi ba nước tổ chức tập trận chung hải quân cũng với sự tham gia của chiếc USS Theodore Roosevelt.
Chuẩn đô đốc Mỹ Christopher Alexander, chỉ huy CSG 9, khẳng định Freedom Edge hướng đến củng cố năng lực chiến thuật, khả năng phản ứng trước mọi tình huống khẩn cấp trong khu vực và cải thiện khả năng hiệp đồng tác chiến giữa Mỹ và đồng minh.
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Nga và Triều Tiên ký hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có điều khoản phòng thủ chung, trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chuẩn đô đốc Christopher Alexander khẳng định tập trận Mỹ – Nhât – Hàn là hoạt động diễn tập thông thường, không nhắm đến rủi ro an ninh khi Nga và Triều Tiên phát triển quan hệ. Ba nước đã nhất trí tổ chức tập trận từ cuộc họp ba bên tại Singapore, bên lề hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6.
Theo thỏa thuận tại Singapore, cuộc tập trận sẽ kiểm tra năng lực tác chiến và hiệp đồng tác chiến của ba nước trên nhiều phương diện, gồm hoạt động trên không, mặt nước, lòng biển và không gian mạng. Hải quân Mỹ khẳng định tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Busan cũng chứng tỏ cam kết vững chắc của Mỹ với đồng minh về mở rộng răn đe chiến lược.
Phan Anh