Sau cuộc đụng độ gần đây giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc, Tổng thống Philippines ngày 23/6 nói rằng sẽ không lùi bước, nhưng cũng sẽ không bao giờ gây chiến. Ngày 22/6, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói rằng tình hình ở Biển Đông rất đáng lo ngại, những hành động gần đây của Trung Quốc tại tuyến đường thủy tranh chấp này đã “gây phá hoại nghiêm trọng sự ổn định”.
Hãng thông tấn AP của Mỹ đưa tin, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 23/6 nói rằng nước của ông sẽ không nhượng bộ “bất kỳ thế lực nước ngoài nào”, nhưng cũng nói thêm rằng Philippines sẽ không bao giờ xúi giục chiến tranh.
Sau cuộc đụng độ gần đây giữa tàu của Hải quân Philippines với tàu của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, ông Marcos nói với các lực lượng của Philippines rằng: “Chúng ta không có ý định xúi giục chiến tranh. Để bảo vệ đất nước, chúng ta giữ đúng bản tính của mình rằng chúng ta muốn giải quyết tất cả những vấn đề này một cách hòa bình”.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines cũng nói rằng: “Không nên nhầm lẫn thái độ bình tĩnh và hòa bình của chúng ta với sự phục tùng”.
Theo Reuters, trong chuyến thăm Hà Nội, Việt Nam vào hai ngày 21-22/6 vừa qua, ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi cho rằng những hành động của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động gần đây nhằm vào Philippines xung quanh Bãi cạn Second Thomas, là vô trách nhiệm, hung hăng, hăm dọa và rất nguy hiểm, đồng thời gây phá hoại nghiêm trọng sự ổn định”.
Second Thomas là tên tiếng Anh của bãi cạn này, trong khi Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là Bãi Nhân Ái, Philippines gọi là Ayungin.
Ông Kritenbrink nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng đồng minh Philippines của mình”. Ông cũng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cả công khai lẫn riêng tư nói rõ với Bắc Kinh rằng, theo “Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines”, các nghĩa vụ giữa Hoa Kỳ và Philippines là “không thể thay đổi được”.
Hôm 21/6, Philippines cáo buộc rằng Trung Quốc đã hung hăng can thiệp vào nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nhưng các quan chức Philippines cho biết sẽ không xem xét việc viện dẫn “Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines”.
Vụ đụng độ này xảy ra vào ngày 17/6, khi Hải quân Philippines đang vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội nước này đóng tại Bãi cạn Second Thomas. Philippines cho biết, hành động của Trung Quốc đã làm bị thương một số thủy thủ Hải quân Philippines và làm hư hại ít nhất 2 tàu quân sự bằng dao rựa, rìu và búa. Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án hành động của Trung Quốc là “sự xâm lược bất hợp pháp”.
Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Philippines, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/6 nói rằng, những biện pháp “cần thiết” mà Trung Quốc thực hiện là “không thể khiển trách”.
Ngoài ra, theo Báo Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post – SCMP) của Hong Kong, một phát ngôn viên quân sự của Philippines cho biết vào hôm 21/6 rằng họ đã quan sát thấy 4 tàu Hải quân Trung Quốc trong lãnh thổ Philippines ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau cuộc đụng độ trên.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói: “Chúng tôi cho rằng mỗi một quốc gia trong khu vực này, bao gồm cả Trung Quốc, cần tôn trọng luật pháp quốc tế và cần hành động có trách nhiệm trong lĩnh vực hàng hải”.
Biển Đông là tuyến đường vận chuyển thương mại hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD hàng năm. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả những phần được Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan nói rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch và tổng hợp