Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cạnh tranh với Hoa Kỳ đã củng cố mối quan hệ thân thiết với Nga. Trong hoàn cảnh này, Nga đã đưa ra một quyết định hiếm có, cho phép Trung Quốc sử dụng cảng Vladivostok.
Vladivostok vốn là lãnh thổ của Trung Quốc và được bàn giao cho Nga vào năm 1858. Nay Trung Quốc lại đạt được quyền sử dụng cảng Vladivostok sau 165 năm.
Ngày 15/5, theo tờ “Tin tức Buổi tối Bắc Kinh” (Beijing Evening News) và các kênh truyền thông khác của Trung Quốc đưa tin, từ đầu tháng tới, các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc, những nơi không có cảng, có thể sử dụng cảng Vladivostok của Nga như các cảng của họ.
Trước đó, ngày 4/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trong “Thông báo số 44 năm 2023” đăng tải trên website rằng:
“Trên cơ sở phạm vi kinh doanh ban đầu là vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới ở tỉnh Cát Lâm, nay đồng ý tăng thêm cảng Vladivostok của Nga làm cảng trung chuyển vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới.”
Mục đích của động thái này là “triển khai chiến lược của đất nước, nhằm hồi sinh cơ sở công nghiệp cũ ở đông bắc Trung Quốc, và thúc đẩy việc sử dụng các cảng nước ngoài để vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới.”
Do đó, các thành phố ở đông bắc Trung Quốc đã loại bỏ phương thức vận chuyển hàng hóa trước đây bằng đường bộ đến cảng Doanh Khẩu hoặc cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, cách đó 1.000 km, và chuyển sang sử dụng cảng Vladivostok gần đó, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển.
Thành phố Hồn Xuân của Trung Quốc, giáp với Nga, có khoảng 200 km đường sắt và đường bộ nối với cảng Vladivostok. Kênh truyền thông Caixin của Trung Quốc cho biết: “Sự kết nối giữa chuỗi cung ứng của vùng Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga cũng sẽ được tăng cường hơn nữa.”
Phân tích tin rằng giải pháp này là món quà hiếm hoi của Nga cho ĐCSTQ sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Moscow vào tháng Ba năm nay. Trong tương lai, hai nước còn tăng cường hợp tác về năng lượng, như thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Nga.
Nếu ĐCSTQ giành được quyền sử dụng cảng Vladivostok và tiến hành “mượn cảng ra khơi”, thì mối quan hệ Trung-Nga đang nhanh chóng xích lại gần nhau mới đây có khả năng sẽ được củng cố hơn nữa.
Cảng Vladivostok ban đầu là lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng sau tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Trung Quốc, nó đã được sáp nhập vào lãnh thổ Nga theo Hiệp ước Ái Huy. Nga đã đổi địa danh Hải Sâm Uy này (nghĩa là đầm lầy hải sâm) thành Vladivostok, nghĩa là người cai trị phía Đông.
Kể từ đó, nó trở thành thành phố cảng lớn nhất ven biển Hoa Đông. Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng đóng tại đây, Trung Quốc không được phép sử dụng.
Có người dự đoán rằng từ quan điểm của ĐCSTQ, cảng Vladivostok sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho cảng Rajin của Triều Tiên. Khi ĐCSTQ giành được thêm lợi thế thương lượng trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, lợi thế của Trung Quốc sẽ được củng cố.
Vào những năm 2000, ĐCSTQ đã giành được quyền sử dụng lâu dài cảng Rajin và bến cảng Chongjin trong 30-50 năm, đồng thời cùng xúc tiến kế hoạch phát triển cảng Rajin thành một cảng thương mại trung chuyển với Triều Tiên.
Tuy nhiên, do Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc trừng phạt vì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khiến biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên phải đóng cửa, nên cảng Rajin không được sử dụng.
Dự kiến, việc sử dụng cảng Vladivostok sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Trung Quốc. Nguyên nhân là do các tỉnh dự kiến sử dụng cảng là Cát Lâm và Hắc Long Giang được coi là một trong những khu vực lạc hậu nhất ở Trung Quốc, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh nếu mạng lưới lưu thông hàng hóa được cải thiện.
Trước đây, tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm phải sử dụng cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh và những cảng khác để vận chuyển hàng hóa đến các khu vực phía nam như Quảng Châu, nhưng khoảng cách là 1.000 km, chi phí vận chuyển hàng hóa rất lớn.
Ngược lại, cảng Vladivostok chỉ cách 2 thành phố gần biên giới Nga là Tuy Phân Hà của tỉnh Hắc Long Giang và Hồn Xuân của tỉnh Cát Lâm 200 km, do vậy có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa. Dự kiến, trong tương lai, nguồn tài nguyên và ngũ cốc dồi dào ở Đông Bắc Trung Quốc sẽ được chuyển đến miền Nam với số lượng lớn.
Sở dĩ Nga tặng Trung Quốc “món quà” lớn như vậy là vì sự giúp đỡ của ĐCSTQ rất cần thiết đối với Nga, bởi cuộc chiến Ukraine đã tiêu hao nghiêm trọng sức mạnh quốc gia của nước này.
Trước khi xâm lược Ukraine, Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi các khách hàng lớn là các nước phương Tây không còn quan hệ với Nga sau chiến tranh, Nga bắt đầu phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bình Minh, theo Chosun Ilbo