Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Don’t misread Xi Jinping’s intentions at his big meeting,” Nikkei Asia, 20/06/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Như mọi khi, chính trị sẽ lại đi trước kinh tế trong thời đại mới của Trung Quốc.
Tháng 11/2013, cả thế giới đã dõi theo hội nghị trung ương lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, để xem Trung Quốc sẽ đi về đâu dưới thời một nhà lãnh đạo tối cao mới.
12 tháng trước đó, Tập Cận Bình đã lên nắm quyền lãnh đạo đảng, rồi trở thành chủ tịch nước vào tháng 3.
Hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương thường đặt ra các chính sách kinh tế trung và dài hạn quan trọng đối với Trung Quốc. Do đó, mọi con mắt đều đổ dồn vào định hướng của Tập dành cho nền kinh tế.
Ngay sau hội nghị, một nguồn tin của đảng cho biết, “Người ta sẽ phạm phải sai lầm lớn nếu phân tích – và đặt kỳ vọng cao vào – các cuộc họp quan trọng của đảng chỉ từ góc độ kinh tế, kinh doanh, hay tiền bạc.” Hàm ý ở đây là vấn đề quan trọng nhất ở Trung Quốc là quyền lực chính trị chứ không phải kinh tế.
Nhưng các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc đã phạm phải sai lầm này. Họ đã hiểu sai kết quả của hội nghị hơn 10 năm trước như thế nào? Quan trọng hơn, điều cần làm là xem xét lại sai lầm đó trước khi hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 được tổ chức vào tháng 7 sắp tới, để tránh lặp lại sai lầm tương tự.
Năm 2013, thế giới đã chú ý đến những đoạn văn trong thông cáo và các văn bản khác kêu gọi để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực và cho phép các công ty tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đang thống trị.
Sau cùng, việc trao quyền cho các công ty tư nhân và tiến hành cải cách theo định hướng thị trường hoặc không thành hiện thực, hoặc bị giảm hiệu lực. Trong khi đó, dưới sự bảo trợ của đảng, các công ty nhà nước lại ngày càng phình to.
Sự thật là Tập bận tâm đến một việc hoàn toàn khác: khởi động lại chiến dịch chống tham nhũng đặc trưng của mình để “đả hổ” và “diệt ruồi” – các cụm từ tiếng lóng ở Trung Quốc dùng để chỉ các lãnh đạo và quan chức cấp thấp tham nhũng. Chiến dịch này theo đó sẽ cho phép ông trở nên quyền lực hơn.
Một con hổ lớn mà Tập để mắt tới là Chu Vĩnh Khang, một trung gian quyền lực, người mà mãi cho đến năm 2012 vẫn giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng. Chu đã xây dựng tầm ảnh hưởng to lớn bằng cách kiểm soát bộ máy an ninh nội bộ của Trung Quốc, bao gồm Bộ An ninh Quốc gia, một cơ quan tình báo, cũng như cơ quan tư pháp và công an của đất nước.
Chu cũng được nhiều người coi là lãnh đạo cao nhất của cái gọi là phe dầu khí, và là người thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Vào thời điểm tháng 10/2013, một tháng trước khi diễn ra hội nghị trung ương ba, Chu đã bị bí mật giám sát chặt chẽ. Sang ngày 1/12 cùng năm, Tập đã triệu tập một cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị, và quyết định thực hiện một bước đi chưa từng có là đưa vị cựu ủy viên vào diện điều tra. Quyết định bí mật này đã không được tiết lộ trong hơn nửa năm.
Cuối cùng, Chu bị kết án tù chung thân.
Cuộc tấn công bất ngờ vào Chu là bước đi lớn đầu tiên – và cực kỳ rủi ro – trong chiến dịch của Tập nhằm loại bỏ các kẻ thù chính trị và củng cố quyền lực. Nếu canh bạc táo bạo của Tập bất ngờ bị phản kháng và phải chịu thất bại, thì có lẽ ông đã mất quyền lực từ 10 năm trước.
Trên khắp thế giới, những nhân vật cầm quyền cũ của Trung Quốc, các cán bộ đảng, và các nhà quan sát khác đều không thể nhìn ra ý định thực sự của Tập. Những người từng tham dự hội nghị trung ương ba năm đó đã không thể đoán trước được chiến dịch chống tham nhũng của ông sẽ tiêu diệt kẻ thù và tập trung quyền lực hiệu quả đến mức nào.
Lý Khắc Cường cũng trở thành thủ tướng vài tháng trước đó, và là người duy nhất còn lại đang cố gắng hết sức để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách cải cách và mở cửa đã kéo dài hàng thập kỷ của mình.
Thủ tướng đứng thứ 2 trong hệ thống phân cấp của đảng, sau Tập, và vị trí của ông được cho là sẽ phụ trách các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong mắt Tập, Lý có một lợi thế khiến ông phật lòng: Lý tự hào là người kế thừa hợp pháp của chính sách cải cách và mở cửa cực kỳ thành công của Trung Quốc.
Một tài liệu có tựa đề “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề lớn liên quan đến việc đi sâu cải cách toàn diện” đã được thông qua tại hội nghị năm 2013. Nội dung cải cách được nhấn mạnh trong phần khai mạc hội nghị vì Lý – người đang thực hiện sứ mệnh tiếp nối di sản cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình – khi đó vẫn đủ sức mạnh chính trị để có thể công khai các quan điểm của ông.
Dù tài liệu đã lặp đi lặp lại và nhấn mạnh cụm từ “tăng cường cải cách,” nó lại không đề cập đến “mở cửa,” một thuật ngữ tượng trưng cho sự cởi mở kinh tế của Trung Quốc. Về mặt chính trị, đây mới là điểm quan trọng nhất.
Hồi tưởng lại bầu không khí cởi mở của đất nước vào những năm 1980, một trí thức lớn tuổi của Trung Quốc nhận xét rằng, thông qua tài liệu này, Tập muốn ngầm thông báo với các đảng viên rằng: thời kỳ mở cửa của Đặng đã nhường chỗ cho “kỷ nguyên mới” của Tập.
Hiện tại, có thể nói rằng kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình đã bắt đầu về mặt kinh tế cũng như chính trị tại hội nghị trung ương ba năm 2013. Rõ ràng là định hướng chính sách kinh tế của Trung Quốc đã bị đảo ngược vào thời điểm đó, và Tập đã tung ra chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” như một cách để tập trung quyền lực.
Sau khi nhà lãnh đạo tối cao bắt đầu đi chệch khỏi con đường cải cách và mở cửa, Thủ tướng Lý đã chẳng có cách nào để kéo ông quay trở lại.
Việc Trung Quốc lựa chọn một con đường phát triển kinh tế mới trở nên rõ ràng hơn sau khi chính quyền Tập bước vào nhiệm kỳ thứ hai và bắt đầu gây áp lực lớn bất thường lên Tập đoàn Alibaba.
Các vấn đề của Tập với Alibaba có lẽ sẽ không bao giờ nảy sinh nếu các biện pháp cải cách kinh tế được thông qua tại hội nghị trung ương ba năm 2013 – chẳng hạn như để thị trường nắm “vai trò quyết định” trong việc phân bổ nguồn lực – được triển khai đầy đủ.
Khi chính quyền Tập bước sang nhiệm kỳ thứ ba, đã không còn nhân vật chính trị tầm cỡ nào như cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường để có thể đảm nhiệm vai trò đối trọng với Tập. Không có “hậu duệ” kinh tế nào có thể duy trì chính sách cải cách và mở cửa mà Lý đã được truyền lại bởi Hồ Cẩm Đào. Hồ đã kế thừa nó từ Giang Trạch Dân, người đã tiếp quản từ Đặng Tiểu Bình, người đầu tiên đưa Trung Quốc đi theo con đường này.
Giang qua đời năm 2022 ở tuổi 96. Hồ được hộ tống ra khỏi lễ bế mạc đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng trong cùng năm đó. Lý buộc phải nghỉ hưu hoàn toàn vào tháng 3/2023, rồi đột ngột qua đời chỉ 7 tháng sau đó.
Trong đại sảnh quyền lực, giờ đây không còn tàn tích nào của thời Đặng, Giang, và Hồ.
Hội nghị trung ương hai của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 đã được tổ chức cách đây 16 tháng, vào tháng 2/2023. Nhưng kể từ đó, manh mối về những gì có thể diễn ra đằng sau hậu trường chính trị Trung Quốc đã không còn xuất hiện nữa.
Cũng trong năm ngoái, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đều bất ngờ bị cách chức vì những lý do không được tiết lộ.
Có lẽ số phận của hai cựu bộ trưởng này sẽ được công khai tại hội nghị vào tháng tới. Liệu cả hai có bị cách chức thành viên Ban Chấp hành Trung ương không?
Đã 11 năm kể từ hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 vào năm 2013. Liệu có khả năng chính sách kinh tế Trung Quốc sẽ đi theo đường hướng mới vào tháng 7 tới?
Nếu những manh mối nhỏ giọt quay trở lại trong hội nghị sắp tới, thì chúng chỉ có thể được nắm bắt nếu các nhà quan sát chịu xem xét chúng từ góc độ chính trị, và bỏ qua những thông tin kinh tế được viết hời hợt trong thông cáo bế mạc. Nếu cộng đồng quốc tế chỉ khăng khăng lắng nghe những gì họ muốn nghe, thì họ sẽ hiểu sai về tương lai của Trung Quốc.