Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ đang phát đi những dấu hiệu cảnh báo.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo đối với hoạt động kinh tế. Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đã giảm tốc trong 3 quý. Số liệu quý đầu tiên đã sửa đổi cho thấy chỉ có 1,3% tăng trưởng GDP thực (tức là sau khi trừ lạm phát). Kỳ vọng cho phần còn lại của năm không khá hơn nhiều, với dự báo tăng trưởng GDP là 2,1% cho năm 2024.
Mặc dù con số này tốt hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng yếu ớt của Châu Âu, nơi các quốc gia như Đức đã rơi vào suy thoái hoàn toàn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng lành mạnh của Hoa Kỳ, vốn phải gần 3%. Và nó thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của các đối thủ địa chính trị chính của Mỹ như Trung Quốc (với mức tăng trưởng dự kiến năm 2024 là 4,6%), Iran (3,3%) và Nga (3,2%).
Lạm phát đã giảm nhẹ vào tháng 5, với chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 3,3% (so với 3,4% vào tháng 4). Các nhà kinh tế vui mừng vì giá cả tăng chậm lại, nhưng các hộ gia đình Hoa Kỳ đang phải chịu đựng và than thở. Điều này là dễ hiểu khi giá thực phẩm và các mặt hàng gia dụng khác đang cao hơn 20% so với 3 năm trước và sẽ không sớm giảm xuống. Mức tăng của chi phí năng lượng, giao thông và nơi ở kể từ năm 2020 thậm chí còn tệ hơn và đây là thực tế mà hầu hết người Mỹ phải trải qua.
Do đó, người tiêu dùng Mỹ, vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, đang kiệt sức. Các hộ gia đình đã sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng và các khoản nợ khác, đồng thời cạn kiệt tiền tiết kiệm để trang trải các chi phí. Một phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Thành phố New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP qua Getty Images)
Các thước đo khác về sức khỏe của nền kinh tế cũng đang phát đi những dấu hiệu cảnh báo. Chỉ số sản xuất ISM đã giảm xuống 48,7 vào tháng 5/2024 từ mức 49,2 vào tháng 4, thấp hơn dự báo là 49,6. Điều này có nghĩa là hoạt động sản xuất đã thu hẹp, phản ánh nhu cầu yếu. Sản xuất đã chậm lại và đơn đặt hàng mới giảm. Chỉ số này vẫn thấp hơn mức trước năm 2020, khi lệnh phong tỏa khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Các quan chức tiếp tục lập luận rằng thị trường việc làm đang vững mạnh, bằng chứng là số liệu thống kê cho thấy sự tích cực trong việc tạo việc làm. Mặc dù vậy, hầu hết những công việc này – và số liệu việc làm chính thức đi kèm – phản ánh những công việc bán thời gian có mức lương thấp hơn. Trong năm qua, 1,1 triệu việc làm toàn thời gian đã bị mất, thay thế bằng 1,5 triệu việc làm bán thời gian. Ai là người chiến thắng trong bối cảnh đó?
Nhập cư – phần lớn là bất hợp pháp – là nguồn tăng trưởng việc làm danh nghĩa ở phân khúc thấp hơn của thị trường. Nhưng điều này khiến người lao động bản địa phải trả giá. Tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ, mặc dù vẫn thấp hơn mức thường được cho là suy thoái, đang gia tăng. Con số 4% của tháng 5 đã tăng 17,6% so với tháng 4/2023 và cao hơn mức năm 2019. Tiền lương thực (tức là sau khi trừ lạm phát), được đo bằng thu nhập trung bình hàng tuần thông thường, không thay đổi so với mức trước đại dịch COVID-19. Nói cách khác, tầng lớp lao động và trung lưu hầu như không thể trụ vững, nếu không muốn nói là đang ngày càng xa rời sự ổn định về tài chính.
Hệ thống ngân hàng, cho đến nay đã tránh được cuộc khủng hoảng lan rộng từ các vụ phá sản ngân hàng năm 2023, đã cắt giảm việc cho vay trong quý đầu tiên của năm 2024, cho thấy mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế và bảng cân đối kế toán của chính họ. Các khoản lỗ chưa thực hiện đối với chứng khoán do các ngân hàng nắm giữ vẫn ở mức trên 500 tỷ USD và FDIC (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang) đã tăng số lượng các tổ chức tiền gửi trong danh sách Ngân hàng Có Vấn đề của mình từ 52 lên 63 trong quý đầu tiên, cho thấy nhiều rắc rối hơn ở phía trước.
Thị trường chứng khoán không phản ánh những điều này. Đi từ mức cao nhất mọi thời đại này đến mức cao nhất tiếp theo, diễn biến của thị trường có ngụ ý rằng mọi thứ chỉ có thể tốt hơn. Ví dụ, tỷ lệ vốn hóa thị trường của Hoa Kỳ so với GDP, gần đây là 188%, kể từ năm 2020 đã ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Liệu các mức cao như vậy có thể được biện minh bằng sự đổi mới trong trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác hay không vẫn là điều còn gây tranh cãi. Nhiều khả năng, có vẻ như đó là sự kết hợp của việc mở rộng nguồn cung tiền, thanh khoản dư thừa, lạm phát giá tài sản và sự lạc quan đầy phấn khích, bám víu vào hy vọng nhỏ nhoi rằng bữa tiệc sẽ không dừng lại.
Sự mất kết nối giữa Phố Wall và những người dân Mỹ trung lưu bình thường không thể kéo dài mãi mãi. Cuối cùng, nền kinh tế phải phát triển tới mức định giá cao như hiện nay, hoặc giá trị vốn chủ sở hữu, bất động sản và các giá trị thị trường khác sẽ phải được thiết lập lại.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch