Huyền thoại bơi lội Olympic Michael Phelps đã điều trần trước Quốc hội Mỹ vào thứ Ba (25/6), yêu cầu Cơ quan chống doping thế giới (WADA) xử lý các vụ việc cáo buộc có vấn đề doping của vận động viên Trung Quốc.
Vào ngày 25/6/2024, cựu vận động viên Olympic Michael Phelps đã phát biểu tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ: “Xem xét các biện pháp chống doping trước Olympic 2024”. (Nguồn: Nathan Howard/Getty)
Phelps được biết đến là vận động viên bơi lội giành được nhiều huy chương nhất trong lịch sử với 23 lần huy chương vàng Olympic, ông được mệnh danh là “Cá bay”. Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ “Xem xét các biện pháp chống doping trước Olympic 2024”, ông đã chỉ trích gay gắt cách làm việc của WADA.
Phiên điều trần nhằm mục đích xem xét các biện pháp chống doping cho Olympic sắp tới.
Phelps cho biết: “Quốc hội nên tiếp tục gây ảnh hưởng lên WADA để thúc đẩy cơ quan này duy trì tính độc lập và hiệu quả. Vấn đề WADA nhiều lần khuất phục trước áp lực từ cộng đồng thể thao quốc tế là không phải ngẫu nhiên”.
WADA đã bị nghi ngờ về vai trò trách nhiệm đảm bảo các vận động viên Olympic không sử dụng chất cấm bất hợp pháp để chiếm lợi thế trong thi đấu.
Mùa xuân năm nay, có tin cho biết trước thềm Olympic Tokyo 2021, 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với loại thuốc trợ tim bị cấm, nhưng WADA vẫn cho phép họ thi đấu. Trong số vận động viên bơi lội đó có 5 người đã giành được huy chương, có 3 huy chương vàng.
Phelps kêu gọi Quốc hội tích cực vào cuộc trong vấn đề xử lý chất cấm để giữ công bằng và uy tín của Olympic: “WADA đã không theo quy định để điều tra kết quả xét nghiệm dương tính của gần hai chục vận động viên bơi lội Trung Quốc, điều này có thể đã ảnh hưởng đến một số người bạn thân của tôi”.
Giám đốc điều hành Cơ quan chống doping Mỹ Travis Tygart và cựu vận động viên bơi lội Olympic Allison Schmitt cũng tham dự phiên điều trần.
Schmidt, người từng 4 lần đoạt huy chương vàng, là thành viên của đội tiếp sức 800 mét tự do của Mỹ đã giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo, đứng sau đội vận động viên Trung Quốc. Cả hai đội Mỹ và Trung Quốc đều phá kỷ lục thế giới trước đó về bơi tiếp sức.
Schmidt nói với ủy ban: “Chúng tôi đã nỗ lực thi đấu. Chúng tôi tập luyện chăm chỉ. Chúng tôi tuân theo mọi quy tắc. Chúng tôi điềm tĩnh chấp nhận thất bại. Nhưng nhiều người trong chúng tôi sẽ bị ám ảnh bởi kết quả có khả năng bị ảnh hưởng doping trong trận đấu đó”.
Lo ngại về Olympic Paris sắp tới
Tygart kêu gọi Quốc hội hành động đối với WADA, chẳng hạn như đặt ra các điều kiện về việc Mỹ tài trợ cho WADA. Năm 2024, Mỹ đã tài trợ khoảng 3,7 triệu USD cho WADA.
Trước đó, Ủy ban Chuyên trách về Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc của Hạ viện Mỹ đã gửi ý kiến cho Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Giám đốc FBI Christopher Wray về vấn đề này. Bản ý kiến chỉ ra rằng liên quan vụ bê bối bơi lội vào 2 năm trước, phía Trung Quốc đã cung cấp cho WADA thêm 2 triệu USD ngoài mức phí hàng năm.
WADA không trừng phạt 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc có kết quả dương tính với doping mà thay vào đó dựa vào kết quả điều tra của Trung Quốc.
Trung Quốc giải thích kết quả xét nghiệm dương tính là do nhà bếp của khách sạn nơi các vận động viên lưu trú trước Olympic Tokyo bị ô nhiễm. Tuy nhiên Cơ quan chống doping của Mỹ (USADA) nhận thấy lời giải thích đó không thuyết phục.
“Chất cấm này chỉ có ở dạng thuốc viên, nhưng bằng cách nào đó lại lọt vào nhà bếp của một khách sạn nơi các vận động viên bơi lội đang ở”, Dân biểu Cộng hòa đến từ bang Washington là Cathy McMorris Rodgers boăn khoăn không hiểu vì lý do nào WADA đã công nhận lời giải thích này là hợp lý.
WADA cho biết nguyên nhân vì các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 của Trung Quốc vào thời điểm đó nên họ không thể tiến hành “điều tra thực tế” về kết quả xét nghiệm dương tính, do đó không thể bác bỏ lời giải thích của phía Trung Quốc.
Đáp lại những lời chỉ trích, WADA đã bổ nhiệm công tố viên Thụy Sĩ Eric Cottier làm điều tra viên độc lập để điều tra việc xử lý vụ việc ở Trung Quốc. Cotier được bổ nhiệm vào ngày 25/4 và dự kiến sẽ đệ trình kết quả điều tra trong vòng hai tháng. Nhưng việc bổ nhiệm ông cũng khiến một số nhà phê bình tức giận, do cho rằng Cottier có thể có “vấn đề lợi ích”.
Chính phủ Mỹ đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về những vận động viên bơi lội Trung Quốc liên quan. Đồng thời, các nghị sĩ cũng gửi ý kiến cho Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) là Thomas Bach, yêu cầu IOC thực hiện “hành động nhanh chóng, dứt khoát và hoàn toàn minh bạch” liên quan đến vụ bê bối doping của vận động viên Trung Quốc và cáo buộc có bao che.
Bản ý kiến nhấn mạnh, một khi hệ thống chống doping bị mất niềm tin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vận động viên vô tội, cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào công bằng của Olympic Paris sắp tới.
Trong bối cảnh Olympic Paris 2024 (26/7-11/8) đang đến gần, diễn biến của vụ việc này đang thu hút chú ý.
Cao Vân, Vision Times