Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của HRW
22-6-2024
Bước thăng tiến quyền lực của Tô Lâm là chỉ dấu cho chính sách đàn áp càng ngày càng nặng nề và thù nghịch công nhiên với các quyền dân sự và chính trị cơ bản của chính quyền Việt Nam
Một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ hiếm có ở Việt Nam trong mấy tháng vừa qua đã dẫn tới kết quả là một số lãnh đạo cao cấp bị mất chức vì tham nhũng và tân chủ tịch nước được bầu ra, là cựu đại tướng công an Tô Lâm.
Nhưng chính phủ các quốc gia dân chủ đang coi Việt nam là một thị trường hấp dẫn và là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc cần cảnh giác. Không hề là một tín hiệu khả quan, bước thăng tiến quyền lực của ông Lâm là chỉ dấu cho một chính sách đàn áp sẽ ngày càng nặng nề, tuyệt đối không chấp nhận tiếng nói phản biện và thù nghịch công khai với các quyền dân sự và chính trị cơ bản của chính quyền Việt Nam.
Trong vai trò người đứng đầu Bộ Công an chuyên quyền kể từ tháng Tư năm 2016, ông Lâm đã sưu tập đủ tai tiếng. Hồi tháng Mười một năm 2021 – khi cả nước Việt Nam đang vật vã với đợt cấm túc trong dịch COVID-19 – thì xuất hiện một đoạn video ghi cảnh đầu bếp nổi tiếng “Thánh Rắc Muối” bón miếng bít tết dát vàng trị giá 2000 đô la cho ông Lâm ở Luân Đôn. Đoạn video được lan tỏa rất nhanh. Tệ hại hơn, ông Lâm tận hưởng bữa tiệc phát thải carbon này trong khi đang dẫn đầu đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow.
Không lâu sau đó, nhà hoạt động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm, người đã nhại không khí bữa tiệc trên mạng xã hội, bị kết án năm năm rưỡi tù giam.
Nhưng ăn miếng bít tết trị giá 2000 đô la trong khi thu nhập đầu người bình quân ở Việt Nam chỉ có 3,756 đô la vào năm 2021 chỉ là lỗi nhẹ nhất của ông Lâm. Ông ta đã làm nhiều chuyện tệ hại hơn nhiều.
Năm nay đã sáu mươi sáu tuổi, ông Lâm gia nhập Bộ Công an từ năm 1979 rồi nhậm chức bộ trưởng hồi tháng Tư năm 2016. Và dưới sự giám sát của ông, cơ quan này đã gia tăng đàn áp xã hội dân sự ở Việt Nam. Danh sách thật dài:
Chỉ vài ngày sau khi ông Lâm lên thay chức bộ trưởng, Việt Nam chứng kiến một thảm họa môi trường tệ hại nhất trong lịch sử khi nhiều cộng đồng ngư dân bị tổn hại do chất thải độc hại bị xả ra biển. Phản ứng của ông Lâm là gì? Huy động công an đàn áp diện rộng để đe dọa, tấn công, bắt giữ và bỏ tù nhiều nhà hoạt động đi biểu tình đại diện cho quyền lợi của các nạn nhân.
Tháng Năm năm 2016, chỉ một tháng sau khi ông Lâm lên chức bộ trưởng, lực lượng an ninh dưới quyền ông ta đã cản trở không cho nhiều nhà hoạt động đến gặp Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Hà Nội.
Hai năm sau, vào năm 2018, bộ công an của ông Lâm dàn dựng ra Luật An ninh mạng đầy vấn đề, thực chất là để dập tắt tự do ngôn luận, để rồi thẳng tay đàn áp những người phản đối bộ luật này.
Lực lượng an ninh dưới quyền ông Lâm cũng vươn cánh tay đàn áp ra ngoài biên giới Việt Nam, như trong vụ bắt cóc một cựu quan chức đảng, ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin hồi tháng Bảy năm 2017 và một blogger, ông Trương Duy Nhất, từ Bangkok hồi tháng Giêng năm 2019. Cả hai người nêu trên đều bị kết án tù giam nhiều năm. Một blogger khác, Đường Văn Thái, bị bắt cóc ở Bangkok vào tháng Tư năm 2023 và hiện vẫn đang bị tạm giam chờ xét xử.
Thái độ coi thường hiển nhiên của ông Lâm đối với những quan ngại về môi trường còn thể hiện ở nhiều việc khác ngoài vụ diễn ăn miếng bít tết. Trong hai năm 2022 và 2023, lực lượng an ninh bắt giữ một số nhà hoạt động về môi trường với các cáo buộc ngụy tạo. Hai người trong số đó – Đặng Đình Bách và Hoàng Thị Minh Hồng – đang thụ án tù giam. Một người khác, Ngô Thị Tố Nhiên, đang bị công an tạm giam chờ xét xử. Các luật sư dám đứng ra bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền như Võ An Đôn, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng đều đã phải chạy khỏi nước và sống lưu vong. Các luật sư còn ở trong nước đều buộc phải im tiếng do bị công an đe dọa và sách nhiễu.
Dưới trướng của ông Lâm, cơ quan công an đầy quyền lực đã hầu như xóa bỏ hoàn toàn phong trào nhân quyền còn đang phôi thai ở Việt Nam. Các lực lượng an ninh đã bắt gần như tất cả những người có nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam, trong đó có các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và Nhà Xuất bản Tự Do. Công an nhắm vào bất cứ hiệp hội nào có tên gọi chứa đựng những từ ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam sợ nhất như: “Dân chủ,” “Tự quyết,” “Độc lập” và “Tự do.”
Cơ quan công an cũng đã bắt gần như tất cả các nhà hoạt động nhân quyền có nhiều ảnh hưởng và các nhà báo nổi tiếng dám lên tiếng chỉ trích chính sách của chính quyền Việt Nam. Hồi tháng Hai năm nay, ông Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân chính trị, bình luận rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang ở giai đoạn “gặp những khó khăn, trầm lắng.” Một tuần sau đó, chính ông cũng bị bắt. Trong số 164 tù nhân chính trị hiện đang bị giam, giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình, có 147 người bị truy tố và xét xử trong thời gian ông Lâm nắm quyền bộ trưởng.
Giờ đây, với vị trí người đứng đầu nhà nước, ông Lâm sẽ tiếp đón nhiều phái đoàn quốc tế trong các dịp nghi lễ chính thức và trao đổi ngoại giao. Khi bắt tay ông ta, các quan chức quốc tế đừng quên một vệt dài các hậu quả ông Lâm đã để lại trên con đường lên ngôi quyền lực của mình, và các thảm họa về nhân quyền ông ta đã và đang gây ra ở Việt Nam.