Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp trong tháng 6

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp trong tháng 6
Một công nhân đang vận hành máy móc trên dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại nhà máy Oppo ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 20/7/2022. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã nằm trong diện thu hẹp 2 tháng liên tiếp tính tới tháng 6.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 30/6, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 là 49,5, bằng với tháng trước và chỉ số này đã nằm trong diện thu hẹp trong 2 tháng liên tiếp.

Xem xét các chỉ số phụ, chỉ số sản xuất cao hơn ngưỡng phân biệt thu hẹp và mở rộng là 50, trong khi chỉ số đơn đặt hàng mới, chỉ số hàng tồn kho nguyên liệu thô, chỉ số việc làm và chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp thấp hơn 50.

Chỉ số sản xuất là 50,6, giảm 0,2 điểm so với tháng trước; chỉ số đơn đặt hàng mới là 49,5, giảm 0,1 điểm so với tháng trước, cho thấy nhu cầu thị trường sản xuất giảm; chỉ số đơn đặt hàng mới trong tháng là 49,5, giảm 0,1 điểm và chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới không đổi ở mức 48,3, cả hai đều tiếp tục nằm trong phạm vi thu hẹp và các công ty báo cáo rằng nhu cầu thực tế không đủ là khó khăn chính.

Nhu cầu không đủ đã cản trở ý định mua hàng của các công ty. Vào tháng 6, chỉ số khối lượng mua hàng là 48,1, giảm 1,2 điểm, thấp hơn ngưỡng phân chia thu hẹp và mở rộng trong 2 tháng liên tiếp. Chỉ số tồn kho nguyên vật liệu là 47,6, giảm 0,2 điểm.

Chỉ số việc làm trong tháng 6 là 48,1, giống như tháng trước. Dữ liệu này vẫn tiếp tục ở dưới ngưỡng phân biệt là 50 kể từ tháng 3/2023.

Chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất là 50,5, giảm 0,6 điểm so với tháng trước và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 51. Trong số đó, chỉ số hoạt động kinh doanh đối với dịch vụ thị trường vốn, bất động sản và các ngành công nghiệp khác thấp hơn ngưỡng phân biệt mở rộng và thu hẹp.

Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc thường che giấu các điều kiện bất lợi và dữ liệu thực tế có thể còn tệ hơn.

Tháng thứ 2 liên tiếp thu hẹp

Trước đó, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ thu hẹp vào tháng 5. Các nhà phân tích tin rằng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tác động mạnh tới kinh tế Trung Quốc.

Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho biết vào thứ 6 (ngày 31/5) rằng chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) đã giảm xuống 49,5 vào tháng 5 (thuộc diện thu hẹp), và thấp hơn mức 50,4 của tháng 4, cũng như dự báo 50,5 của các nhà phân tích.

Tính đến tháng 6, ngành sản xuất của Trung Quốc đã quay đầu suy giảm trở lại trong 2 tháng liên tiếp sau 2 tháng tăng trưởng trước đó.

Một số người tin rằng dữ liệu của tháng 5 có thể chỉ là hiện tượng tạm thời, đặc biệt là khi chính quyền Trung Quốc đã chi 300 tỷ CNY (nhân dân tệ) để cứu thị trường nhà ở và phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt. Tuy nhiên, dữ liệu tháng 6 mới nhất tiếp tục cho thấy sự thu hẹp. Điều này sẽ có ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính quyền Trung Quốc trong năm nay.

Ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực, với căng thẳng thương mại gia tăng với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts