Hơn 16.000 quan chức Trung Quốc bị điều tra và xử phạt vì vi phạm “tám quy định”

Hơn 16.000 quan chức Trung Quốc bị điều tra và xử phạt vì vi phạm “tám quy định”
Trong ảnh là tòa nhà văn phòng của các cơ quan đảng và chính quyền ở huyện Dung Thành, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. (Ảnh: STR/AFP thông qua Getty Images)

Trong tháng 5 năm nay, hơn 16.000 quan chức Trung Quốc đã bị điều tra và xử phạt vì vi phạm “tám quy định của trung ương”, con số này tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Theo thông tin mới được công bố trên trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), trong tháng 5 năm nay, chính quyền nước này đã điều tra và xử lý 17.204 trường hợp vi phạm “tám quy định của trung ương”, 24.033 người liên quan đã bị “giáo dục phê bình” và xử phạt. Trong số đó, 16.317 người bị kỷ luật đảng và xử phạt chính trị, gần gấp đôi so với 9.755 trường hợp được công bố vào tháng 4 năm nay.

Theo thông báo trên, những quan chức bị xử lý bị tố “lơ là trách nhiệm, hành động tùy tiện và gian dối”, nhận tặng các đặc sản quý giá, tặng phẩm, biếu tiền, ăn uống trái phép hoặc phân phát trợ cấp, phúc lợi bừa bãi. Trong đó có 74 trường hợp cán bộ cấp tỉnh, 991 trường hợp cán bộ cấp huyện và 16.139 trường hợp cán bộ từ cấp phòng trở xuống.

Trước thông tin trên, anh Lưu, một cư dân mạng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, nói với đài Á Châu Tự do (RFA) rằng ở Trung Quốc, những hành vi vi phạm nêu trên “vô cùng phổ biến”, nếu nghiêm túc điều tra và xử lý thì có “cả một tá”. Chỉ là trước đây, tài chính của các chính quyền địa phương tương đối dư dả, chính quyền cũng không điều tra và xử lý ráo riết như bây giờ. “Bây giờ họ không có cách nào để tăng thu nhập, chẳng hạn như lợi dụng các dự án khác nhau như xây dựng đường xá, phủ xanh đất trống để có thể đục nước béo cò, chiếm lợi riêng”.

Ông Mã, một nhà bình luận đến từ tỉnh Hồ Bắc, cho rằng các hiện tượng chính quyền địa phương lấy danh nghĩa xây dựng cái gọi là “cơ sở giáo dục yêu nước” để tạo ra các dự án kỹ thuật nhằm thu phí xây dựng hoặc mượn cớ thực hiện cái gọi là “giáo dục yêu nước” để ngao du ăn uống biến tướng vô cùng phổ biến.

Ông Mã nói rằng cái gọi là “cơ sở giáo dục cách mạng đỏ” được một số quan chức của chính quyền cơ sở đến thăm bao gồm những di tích chiến tranh chống Nhật và một số di tích nổi tiếng không liên quan gì đến họ, thậm chí cả Bảo tàng Chiến tranh Nha phiến vốn không liên quan gì đến cả hai đảng là Đảng Quốc dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tình huống tương tự rất nhiều.

Đức Huệ biên dịch

Related posts