Gregory Copley
Hoa Thịnh Đốn, Seoul, và các thủ đô khác rất bất an trước sự tái khẳng định thỏa thuận phòng thủ chung Moscow-Bình Nhưỡng được ký kết hôm 19/06/2024.
Nỗi lo lắng này thật không hợp lý.
Trên thực tế, “hiệp ước” này là một hồi chuông báo động khác, cảnh báo về sự rạn nứt cuối cùng, có lẽ sắp xảy ra, của liên minh hời hợt hiện tại giữa Trung Quốc-Nga, vốn cũng mong manh như liên minh Trung Quốc-Liên Xô vào thời mà cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã phá vỡ nó hồi năm 1972.
Cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và chính phủ Cộng hòa Hàn Quốc (Nam Hàn) đều diễn giải hiệp ước mới này, được ký trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn (CHDCND Triều Tiên) hôm 19/06/2024, là đang ngầm đe dọa nhắm vào cả phương Tây và Cộng hòa Hàn Quốc. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy; đúng hơn, tôi tin rằng hiệp ước này là một tuyên bố chắc nịch chống lại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa); thật vậy, đối với Moscow, hiệp ước này là một tuyên bố chắc nịch và dứt khoát khác chống lại Bắc Kinh.
Hiệp ước này, tuy không đạt tới một sự cam kết thực sự của nước này tham chiến để bảo vệ chủ quyền của nước kia, mà thực ra là một sự tái khẳng định hiệp ước Liên Xô-CHDCND Triều Tiên năm 1961, và hiệp ước này giúp bảo vệ sự kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ Viễn Đông của mình, mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ hơn một năm trước — trong chuyến thăm Moscow vào tháng 03/2023 — đã nói rằng vùng lãnh thổ này thuộc về Trung Quốc và cuối cùng sẽ bị Bắc Kinh thu hồi lại. Tuyên bố này đã khiến ông Putin khó chịu, nhưng, trước ống kính máy quay, ông và ông Tập vẫn gọi nhau là “bằng hữu,” trong khi một nhà bình luận người Nga nhận xét rằng tình bạn này “ấm áp mà không vui vẻ.”
Chính phủ Nam Hàn nêu ra rằng hiệp ước CHDCND Triều Tiên-Nga là mối lo ngại đáng để Seoul sẽ xem xét đóng góp viện trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đang cố gắng thể hiện thế mạnh của Tổng thống Joe Biden khi ông bước vào những tháng nỗ lực cuối cùng cho việc tái tranh cử, chia sẻ rằng hiệp ước này gây ra một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, và rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét “các biện pháp khác nhau” để ứng phó với điều này.
Tuy nhiên, ông Putin nhận thức rõ rằng ông Tập đang cố gắng thống trị nước Nga trong khi Moscow thì đang bị phân tâm bởi cuộc chiến Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Hơn nữa, ông đã được hưởng lợi từ việc CHDCND Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine, đồng thời nhận thức được rằng ông cần Bình Nhưỡng đóng vai trò là chướng ngại ngăn Trung Quốc xâm nhập vùng Viễn Đông của Nga. Hơn nữa, sự khai sinh của nước CHDCND Triều Tiên là nhờ Moscow — nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin — chứ không phải nhờ CHND Trung Hoa, mặc dù quân đội Trung Quốc đã tràn vào Bắc Hàn để giúp nước này trong Chiến tranh Triều Tiên. Bình Nhưỡng luôn thân cận với Moscow hơn là với Bắc Kinh, bất chấp ấn tượng của phương Tây rằng nước này thân cận với Bắc Kinh hơn.
Đây hầu như không phải là một tình huống mới mẻ, nhưng sự rạn nứt căn bản và sâu sắc giữa Trung-Nga — về mặt lịch sử và có tính chất lâu dài hơn nhiều so với nghi ngờ giữa Nga-Hoa Kỳ thời gian gần đây (từ 1917 đến nay) — một lần nữa lại lên đến đỉnh điểm, bất chấp các vấn đề thế giới hiện nay khiến Moscow và Bắc Kinh buộc phải hợp tác cùng nhau một cách miễn cưỡng. Đằng sau bề mặt của tình hữu nghị hiện tại, Nga đã xây dựng các mối quan hệ chiến lược mới quan trọng với Ấn Độ (không chỉ về vũ khí mà còn với Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam, vốn mang lại cho Ấn Độ một tuyến đường mới đến Đại Tây Dương, tránh đi qua kênh đào Suez, và mang đến cho Nga một hành lang mới đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tránh đi qua kênh đào Suez). Nhưng cũng cần ghi nhớ [rằng]:
- Nguồn gốc của các đế chế lịch sử vĩ đại của Nga và Triều Tiên đều có mối liên hệ như nhau với các hậu duệ Mông Cổ vĩ đại của Thành Cát Tư Hãn (1162–1227), và, trong khi người Rus có gốc gác phần lớn từ người Thụy Điển và người Viking khác, thì Hãn quốc Kipchak của Hãn Quốc Kim Trướng gốc Mông Cổ (1259–1480) đã chiếm phần lớn lãnh thổ mà hiện nay là của nước Nga, bao gồm Moscow và Kyiv, trong khi một người cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, thực chất đã tách khỏi những người cháu trai khác để thống trị Trung Quốc và tạo ra triều đại Đại Nguyên (1271–1368) ở đó.
- Trong những năm 1960 và 1970, Hoa Kỳ cảm thấy rằng Liên Bang Xô Viết chỉ tập trung vào cuộc chiến với phương Tây, nhưng vào thời điểm đó, Liên Xô có lực lượng quân sự đông đảo hơn rất nhiều ở biên giới với Trung Quốc so với ở biên giới với các quốc gia NATO của châu Âu. Hơn nữa, chiến lược gia Stefan Possony đã nêu ra vào năm 1970 rằng Liên Xô đã thương thảo các Cuộc đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) với Hoa Kỳ để giữ cho Hoa Kỳ bị ràng buộc trong khi Moscow tìm cách thống trị Trung Quốc. Ông cũng nhắc nhở rằng: “Trước Đệ nhị Thế chiến, theo thông lệ thì [Moscow] sẽ ký kết các hiệp ước không xâm lược như một bước đệm cho chiến tranh.” Quý vị có thể tự rút ra kết luận từ điều đó.
Vì vậy, hiệp ước Moscow-Bình Nhưỡng hoàn toàn không liên hệ gì với Hoa Kỳ cả. Thật bất ngờ làm sao!
Tuệ Minh biên dịch