Các chuỗi dịch vụ ăn uống của Trung Quốc vật lộn ở thị trường Hong Kong

Leo Cheung

Các chuỗi dịch vụ ăn uống của Trung Quốc vật lộn ở thị trường Hong Kong
“Radish Southward”, một chuỗi nhà hàng ẩm thực Hồ Nam đến từ Trung Quốc nằm tại tầng trệt của Dundas Plaza ở Vượng Giác, đã đóng cửa chỉ vài tháng sau khi khai trương vào cuối năm 2023. Biển hiệu của Radish Southward trong bức ảnh được chụp khi cửa hàng đóng cửa ở Hong Kong vào ngày 20/6/2024. (Ảnh: Kiri Choy/The Epoch Times)

Nhiều thương hiệu của Trung Quốc đại lục đã phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh ở Hong Kong.

Với việc dỡ bỏ các hạn chế về COVID, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống có thương hiệu của Trung Quốc đại lục đã thâm nhập thị trường Hong Kong, mở ra các cửa hàng tại các quận đông đúc. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu trong số này đã phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh của mình, với một số cửa hàng đóng cửa trong vòng một năm sau khi mở cửa, bao gồm “LMM Hand Crashed Lemon Tea”, “Radish Southward”, và “GuluGulu”.

Các nhà phân tích cho rằng việc đóng cửa này là do biên lợi nhuận eo hẹp trong ngành thực phẩm và đồ uống và tình trạng bão hòa của thị trường, khiến các thương hiệu này khó có thể được thị trường hấp thụ nhanh chóng.

Dữ liệu tổng thể cho thấy kể từ giữa năm 2023, ít nhất 42 thương hiệu dịch vụ ăn uống của Trung Quốc đại lục đã bắt đầu hoạt động tại Hong Kong. Trong số đó có “Tanyu,” “Muwu BBQ,” “Season Coconut Grove,” “Tai Er Suancai & Fish,” và những thương hiệu khác, tổng cộng có hơn 100 cửa hàng ở những vị trí đắc địa.

Thái độ của người dân địa phương

“Mixue Ice Cream & Tea”, mở cửa tại trung tâm Vượng Giác (Mong Kok) vào cuối năm 2023, ban đầu thu hút một hàng dài người xếp hàng bên ngoài nhưng gần đây đã mất đi sức hấp dẫn. The Epoch Times đã phỏng vấn anh Ah Jun, một khách hàng của “Mixue Ice Cream & Tea” tại Vượng Giác. Anh cho biết đồ uống ở đó “rẻ hơn các cửa hàng “tay quay” (đồ uống) ở những nơi khác. Nước chanh tôi đang uống chỉ có giá 9 HKD (đô-la Hong Kong) (1,2 USD), chỉ bằng khoảng một nửa giá ở các cửa hàng khác”. Anh cho rằng hương vị của nó “ít nhiều giống như các cửa hàng khác, và ổn”. Anh cho rằng sự gia tăng số lượng cửa hàng chanh là do sự tò mò của người dân Hong Kong. “Người dân Hong Kong thích thử những điều mới mẻ”, anh nói.

Anh cho biết anh cũng đã thử đồ ăn mang thương hiệu Trung Quốc đại lục, chẳng hạn như cá ngâm chua và đồ nướng BBQ ở Hong Kong, nhưng anh thừa nhận rằng anh “chỉ muốn thử một cái gì đó mới và một lần là đủ”. Anh tin rằng nhiều thương hiệu của Trung Quốc đại lục thất bại vì người dân địa phương không quen với hương vị mới.

Ông Kan, người làm việc trong ngành ngân hàng, chỉ ra rằng mặc dù Hong Kong cung cấp một môi trường kinh doanh tự do, nhưng thị trường cuối cùng quyết định thương hiệu nào sẽ tồn tại. Ông bày tỏ sự miễn cưỡng khi thường xuyên ghé thăm các thương hiệu đại lục, nêu ra mối lo ngại về chất lượng nguyên liệu mặc dù chúng có giá thấp. Ông nghi ngờ rằng mức giá thấp như vậy là không bền vững do tiền thuê nhà và chi phí lao động cao của Hong Kong, và ông cho rằng có thể có sự thỏa hiệp về chất lượng nguyên liệu. Ông cho biết có thể đã có “sự thao túng nguyên liệu thô theo cách này hay cách khác”.

Gặp khó khăn ở Hong Kong

“LMM Hand Crashed Lemon Tea”, một công ty có hơn 50 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, đã đến Hong Kong vào tháng 6/2023, mở một số cửa hàng ở các địa điểm khác nhau. Một trong số đó, tại Tòa nhà Hang Lung dọc theo Đường Nathan ở Vượng Giác, được thuê với giá 70.000 HKD (khoảng 9.000 USD) mỗi tháng cho diện tích sàn khoảng 300 foot vuông (khoảng 27,9 mét vuông). Hợp đồng thuê cửa hàng tầng trệt này ban đầu được lên lịch kéo dài đến tháng 4/2025, nhưng kể từ tháng 1 năm nay (2024), cửa hàng đã bị bỏ trống với mức giá chào thuê mới là 50.000 HKD (6.400 USD) để tìm người thuê mới. Cho đến nay, cửa hàng vẫn chưa mở cửa trở lại, chỉ có một số áp phích của các đại lý bất động sản gắn trên cửa để quảng cáo tìm người thuê mới.

Ngoài ra, thương hiệu ẩm thực Hồ Nam “Radish Southward” đã bắt đầu thuê tầng trệt của Dundas Plaza, rộng hơn 1.700 feet vuông (khoảng 157,9 mét vuông), với giá 250.000 HKD (32.000 USD) mỗi tháng. Hợp đồng thuê được cho là kéo dài đến tháng 12/2026, nhưng chỉ sau vài tháng, cửa hàng lại được đưa ra thị trường để tìm người thuê mới.

Cửa hàng đồ ăn nhẹ Quảng Châu “GuluGulu” có hơn 500 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục. Vào tháng 9/2023, công ty đã mở một cửa hàng trên Đường Nathan gần ga MTR Yau Ma Tei với mức thuê hàng tháng là 60.000 HKD (7.700 USD). Tuy nhiên, cửa hàng đã được cho thuê lại vào cuối tháng 4.

Ngoài ra, “XitaLaoTaiTai”, một chuỗi nhà hàng thịt nướng với hơn 400 cửa hàng tại Trung Quốc, có một cửa hàng tại Trung tâm New Mandarin ở Đông Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui East), được thuê với mức thuê hàng tháng là 300.000 HKD (38.400 USD). Cửa hàng mở cửa vào tháng 4/2023, nhưng gần đây có thông tin cho biết chủ cửa hàng đã nợ tiền thuê nhà trong một vài tháng. Kể từ đó, cửa hàng đã được rao để cho thuê lại, nhưng nhà hàng thịt nướng sẽ vẫn mở cho đến khi tìm được người thuê mới.

Kinh doanh ‘như một đàn ong’

Ông Law Ka-chung, một nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu, đã nói trong một trong những chương trình YouTube của Epoch Times rằng các thương hiệu đại lục này có thể không hiểu rõ về thị trường Hong Kong, đặc biệt là khi mùi vị của sản phẩm khác với những gì quen thuộc với người dân Hong Kong. Ông cũng nhận thấy rằng người dân đại lục có xu hướng làm mọi việc “như một đàn ong”, điều mà ông thấy khó hiểu.

Ông chỉ ra rằng các công ty đại lục thường bắt đầu lớn, “mở 20 hoặc 30 cửa hàng cùng một lúc”, điều này sẽ gây ra những vấn đề lớn trong việc quản lý chi phí. Ông cho biết mặc dù giá thuê ở Hong Kong đã giảm một phần ba so với mức cao nhất, nhưng vẫn đắt hơn so với giá thuê ở Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, thị trường có thể không thể đáp ứng được tất cả, ông nói thêm.

Doanh thu bán lẻ và nhà hàng thấp

Sự phục hồi của Hong Kong sau đại dịch diễn ra chậm chạp và tình hình doanh số bán lẻ thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo Cục Thống kê và Điều tra Dân số, tổng giá trị bán lẻ tạm tính trong tháng 4 là 29,576 tỷ HKD (3,8 tỷ USD), giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm theo năm lớn nhất kể từ tháng 7/2020 trong thời kỳ đại dịch. So với những số liệu của tháng 4, chúng thậm chí còn tệ hơn so với tháng 4/2022 trong thời kỳ đại dịch.

Đối với doanh thu nhà hàng, con số là 9,342 tỷ HKD (1,196 tỷ USD) vào tháng 3/2024, thấp hơn một chút so với 9,361 tỷ HKD (1,198 tỷ USD) được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với 9,194 tỷ HKD đến 10,589 tỷ HKD (1,177 đến 1,356 tỷ USD) trong cùng kỳ từ năm 2017 đến năm 2019 trước đại dịch.

Trong khi tốc độ phục hồi của Hong Kong vẫn còn yếu, chính quyền địa phương vẫn khuyến khích các công ty của Trung Quốc đại lục tới mở hoạt động kinh doanh tại thành phố này.

Vào tháng 11/2023, Invest Hong Kong (một cơ quan của chính quyền Hong Kong phụ trách về đầu tư trực tiếp nước ngoài) đã đến thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô để đồng tổ chức hội thảo với Chính quyền Tỉnh Giang Tô nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tại tỉnh Giang Tô “vươn ra toàn cầu” và mở rộng thị trường nước ngoài. Cũng có mặt tại đây là ông Li Xuelin, Chủ tịch của Jiangsu Hefu Catering Management Co. Ltd., người đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi đến Hong Kong để mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Theo hồ sơ, “Hefu Noodles” của ông có hơn 400 cửa hàng tại hơn 60 thành phố ở Trung Quốc đại lục. “Hefu Noodles” của Hong Kong cũng đã được khai trương tại Vịnh Đồng La (Causeway Bay) vào tháng 2 năm nay (năm 2024).

Vào tháng 4 năm nay, Invest Hong Kong đã đến Thành Đô, Tứ Xuyên và cùng với Sở Thương mại Tỉnh Tứ Xuyên tổ chức một cuộc họp trao đổi có chủ đề “Hong Kong – Nền tảng của bạn để vươn ra toàn cầu” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Thực phẩm và Đồ uống (F & B) của Tứ Xuyên “Vươn ra Toàn cầu”. Sự kiện này nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư và phát triển trong ngành dịch vụ ăn uống của Hong Kong và khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống của Tứ Xuyên nắm bắt cơ hội và nâng cao thương hiệu của mình thông qua danh tiếng quốc tế của Hong Kong như một nền tảng để thâm nhập thị trường nước ngoài.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts