Nguồn: Jakub Grygiel, “Will Europe’s Front-Line States Have Enough Soldiers to Fight?,” Foreign Policy, 01/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tình hình nhân khẩu học tồi tệ và việc di cư dễ dàng tạo ra một thách thức nghiêm trọng nếu Nga tấn công.
Liệu các quốc gia tiền tuyến phía đông của Liên minh châu Âu có thể đánh trả như Ukraine nếu Nga tấn công họ? Thật không may, đây không còn là một kịch bản giả định nữa: Hầu như không ngày nào trôi qua mà không có một quan chức chính phủ hay học giả Nga lên tiếng đe dọa Ba Lan, Phần Lan, hoặc các nước vùng Baltic bằng các cuộc tấn công tên lửa, hoặc xâm lược, hoặc cả hai. Bằng lời nói và cả hành động, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện rõ rằng ông muốn khôi phục đế chế châu Âu trước đây của Moscow.
Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ là có, bởi khi nhìn vào lịch sử của mình, các quốc gia từng sống dưới sự cai trị của Điện Kremlin đều biết sự chiếm đóng của người Nga sẽ kéo theo những gì. Những ký ức đó đã được khơi dậy sau cuộc xâm lược Ukraine ngày nay, nơi các vụ thảm sát dân thường của binh lính Nga ở Bucha và Irpin chính là lời nhắc nhở rằng việc để mất lãnh thổ vào tay Nga không chỉ là một thất bại chiến thuật mà còn là màn dạo đầu cho bạo lực man rợ.
Lập luận hậu Chiến tranh Lạnh cho rằng Nga sẽ hành xử theo một cách hoàn toàn khác, văn minh hơn so với cách làm trong quá khứ, đã biến mất và nhường chỗ cho ký ức về những bi kịch thời xưa. Người dân ba nước vùng Baltic nhớ lại những vụ hành quyết và trục xuất hàng loạt do Liên Xô thực hiện trong thập niên 1940, bao gồm vụ gần 100.000 người bị trục xuất đến Siberia vào năm 1949. Người Ba Lan cũng không thể quên vụ hành quyết hơn 20.000 sĩ quan quân đội ở Rừng Katyn theo lệnh của lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.
Danh sách tội ác của Moscow chống lại các nước láng giềng còn rất dài – và danh sách đó đã định hình tư thế chiến lược của Trung Âu ngày nay. Như Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski gần đây đã tuyên bố, người Ba Lan thà “ăn cỏ còn hơn trở thành thuộc địa của Nga một lần nữa.”
Do đó, không ngạc nhiên khi 80% người Phần Lan được khảo sát trong cuộc thăm dò năm 2022 nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ đất nước của mình. Cùng năm đó, Viện Doanh nghiệp Warsaw tiết lộ rằng 66% người Ba Lan sẵn sàng tham gia bảo vệ tổ quốc, và nhiều người hiện đang tình nguyện tham gia các khóa huấn luyện cơ bản. Cư dân của các quốc gia khác từ Biển Baltic đến Biển Đen cũng bày tỏ quyết tâm tương tự trong việc bảo vệ lãnh thổ và đồng bào của họ khỏi cuộc tấn công của Nga.
Ý chí là vậy, còn khả năng thì sao? Hiện vẫn chưa chắc chắn liệu có đủ binh sĩ để chống lại lực lượng của Putin hay không. Các quốc gia tiền tuyến của châu Âu có thể gặp vấn đề tuyển quân nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Ukraine đang phải đối mặt hiện nay – một vấn đề vượt xa xu hướng nhân khẩu học vốn đã ảm đạm của các quốc gia này, khi dân số của họ giảm hàng triệu người trong những thập kỷ gần đây.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã cho thấy rõ là công nghệ không thể thay thế binh lính trong một cuộc chiến tranh lớn trên bộ. Người ta vẫn cần binh lính để điều khiển xe tăng và dựng chiến hào, di chuyển và hỗ trợ lực lượng pháo binh, điều khiển máy bay và máy bay không người lái, cũng như chiếm đóng và giữ lãnh thổ. Ví dụ, Ukraine cần hàng nghìn tân binh mỗi tháng để luân chuyển lực lượng, thay thế những người bị thương, và ngăn chặn những bước tiến tiếp theo của Nga. Kyiv thậm chí sẽ cần nhiều nhân lực hơn nữa (bên cạnh nguồn cung đạn dược thường xuyên hơn từ phương Tây) để trở lại thế tấn công và đẩy lực lượng Moscow ra khỏi các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine. Do đó, khả năng của một quốc gia trong việc tạo ra một lực lượng bộ binh lớn và ổn định là điều cần thiết để ngăn chặn và đánh bại kẻ xâm lược tiềm năng.
Nhưng bất kể họ có nói gì với những người thăm dò ý kiến, nhiều công dân của các mục tiêu tiềm năng của Nga có thể chọn rời đi khi viễn cảnh chiến tranh trở thành hiện thực. Việc họ di cư về phía tây đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với khi các quốc gia này chưa là thành viên của Liên minh Châu Âu. Ngoài ra, còn có sức hút từ cầu lao động ở Tây Âu, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dân số và nhân lực. Nếu những yếu tố này không được giải quyết, khả năng di cư ồ ạt sẽ đặt ra nghi ngờ về năng lực bảo vệ biên giới phía đông của châu Âu.
Trung Âu là một trong những bên hưởng lợi từ thành công lớn nhất của EU: Tự do di chuyển. Việc không có biên giới nội bộ giữa hầu hết các nước thành viên EU cho phép dòng người và hàng hóa lưu thông dễ dàng, đảm bảo quyền của công dân và cư dân hợp pháp được sống và làm việc ở các nước EU khác. Khoảng cách ngắn, các chuyến bay giá rẻ, cơ hội giáo dục, và sự gần gũi về văn hóa đã tạo ra khả năng di chuyển chưa từng có của các công dân EU. Được trang bị khả năng ngôn ngữ và kỹ năng linh hoạt, nhiều thanh niên từ Warsaw, Tallinn, hoặc Helsinki đang cảm thấy thoải mái hơn ở Berlin, Amsterdam, hay Barcelona so với các thị trấn và làng mạc ở quê hương của họ.
Trong những năm gần đây, nhiều người dân Trung Âu cũng đã mua được căn nhà thứ hai ở nước ngoài. Chẳng hạn, người Ba Lan đang mua bất động sản ở Tây Ban Nha với số lượng kỷ lục. Nếu khả năng kinh tế và mong muốn đa dạng hóa tiết kiệm của họ là một lý do, thì sự bất an về tương lai bị Nga xâm lược có thể là lý do còn lại. Xét cho cùng, ở Tây Ban Nha, họ sẽ được an toàn trước tên lửa lạc và các cuộc đấu pháo.
Lý do thứ hai khiến các quốc gia tiền tuyến của châu Âu có thể gặp vấn đề tuyển quân nếu Nga tấn công là do phần lớn Tây Âu sẽ rất vui lòng chấp nhận một lượng lớn thanh niên từ các nước láng giềng phía đông của họ, ngay cả khi cuộc di cư này là do chiến tranh gây ra. Tình trạng thiếu lao động của chính Tây Âu – và triển vọng về một lượng lớn lao động trẻ có kỹ năng, được xem là dễ hòa nhập – sẽ là cơ sở cho sự hào phóng của Tây Âu, bên cạnh tình đoàn kết với một quốc gia bị tấn công, như được gợi ý bởi phản ứng đối với dòng người từ Ukraine ở các quốc gia như Đức.
Xu hướng nhân khẩu học của châu Âu hiện đã được định rõ: Dân số trong độ tuổi lao động của lục địa này đã giảm suốt 13 năm, vừa giảm gần 10 triệu người – từ mức đỉnh 270 triệu người năm 2011 xuống còn khoảng 260 triệu người hiện nay. Tình trạng thiếu hụt lao động đang ngày càng trở nên trầm trọng. Trong số 27 quốc gia EU, có 19 quốc gia đang thiếu thợ xây, tài xế xe tải, y tá, và các lao động có tay nghề khác. Vào cuối năm 2023, ba phần tư các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu báo cáo rằng họ không tìm được lượng lao động cần thiết. Trong thập kỷ tới, chỉ riêng nước Đức sẽ mất tới 10% dân số trong độ tuổi lao động. Châu Âu đang già hóa nhanh chóng và mất dần lực lượng lao động đóng thuế – đối với các quốc gia ở xa Nga hơn, đây là mối đe dọa nghiêm trọng không kém gì chiến tranh ở phía đông.
Theo đó, nhiều quốc gia EU sẽ rất vui lòng tiếp nhận những người trong độ tuổi lao động chạy trốn khỏi các quốc gia tiền tuyến đang bị tấn công. Thay vì trở thành gánh nặng kinh tế, những người tị nạn chiến tranh này sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang thiếu hụt lao động của châu Âu.
Hơn nữa, nhiều quốc gia phương Tây đang phải đối mặt với vấn đề tuyển quân. Đơn giản là họ thiếu người sẵn sàng phục vụ và chiến đấu khi cần thiết. Ba Lan hiện đang có kế hoạch huấn luyện công dân Ukraine trong độ tuổi nghĩa vụ đang sống trên lãnh thổ của mình để có thể triển khai ở Ukraine. Nhưng điều này cũng sẽ tạo ra tiền lệ cho việc thành lập lực lượng chiến đấu người nước ngoài trên lãnh thổ Ba Lan, mà các quốc gia khác có thể noi theo như một cách để bổ sung cho lực lượng quân đội bị thu hẹp do dân số của họ. Trong quá khứ, không có gì lạ khi một quốc gia có các lữ đoàn, thậm chí là các sư đoàn quân sự được thành lập từ nhóm công dân nước ngoài đến từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Từ góc độ chính trị và xã hội, Đức, Pháp, hoặc Ý sẽ dễ dàng tiếp nhận những người tị nạn châu Âu có mối liên hệ xuyên lục địa, có chung nền văn hóa, và nhìn chung mong muốn hòa nhập vào đất nước họ. Đối với các chính trị gia châu Âu, đây có thể là một cách để thúc đẩy nhập cư mà không kích động phản ứng dữ dội về mặt chính trị như đã thấy trong các cuộc bầu cử nghị viện EU gần đây, khi các đảng vận động chống lại xu hướng di cư ồ ạt từ châu Phi và Trung Đông đã đạt được tỷ lệ phiếu bầu kỷ lục.
Do đó, nếu họ bị tấn công, các quốc gia tiền tuyến của EU nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh lính nghiêm trọng hơn nhiều so với Ukraine. Thật khó để một quốc gia chịu cầm súng nếu phần lớn dân số có thể dễ dàng rời đi. Tất nhiên, các quốc gia bị ảnh hưởng luôn có thể tiến hành kiểm soát biên giới để ngăn những tân binh chạy trốn, điều mà ngay cả luật EU cũng cho phép. Nhưng trừ khi có một kế hoạch chi tiết và chắc chắn, những biện pháp kiểm soát kiểu này sẽ cần nhiều ngày, nếu không nói là nhiều tuần, để được triển khai – và chúng có thể sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt ở Brussels và nhiều thủ đô Tây Âu, vì đã vi phạm một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của EU. Và theo lẽ thường, bất kỳ kế hoạch nào chỉ được thực hiện như một phương sách cuối cùng sau khi bị tấn công đều sẽ không thể ngăn chặn Moscow tấn công ngay từ đầu.
Khi nước Nga hung hăng tiến về phía tây, các nước châu Âu ở tiền tuyến cần lập kế hoạch để giữ chân người dân của mình. Khả năng chiến đấu của một thành viên EU sẽ phụ thuộc vào việc áp đặt kịp thời các biện pháp kiểm soát biên giới, nhưng quan trọng hơn, là lòng yêu nước của người dân. Giống như người Ukraine bây giờ, nhiều người châu Âu ở tuyến đầu sẽ chiến đấu vì đất nước của họ – và vì vị trí của đất nước họ trong một châu Âu tự do. Nhưng nếu lòng yêu thích của họ đối với các khu vực khác của châu Âu lấn át ý thức trách nhiệm đối với đất nước, thì họ có thể chọn tận hưởng những lợi ích được cung cấp trên khắp lục địa, thay vì đối mặt với quân đội Nga trên quê hương của mình.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ đối với các quốc gia tiền tuyến của Châu Âu là duy trì tinh thần yêu nước sôi nổi. Chỉ có một ý thức sâu sắc về tinh thần dân tộc mới có thể vượt qua được cám dỗ của một lối thoát dễ dàng và thoải mái – đồng thời tạo ra ý chí sẵn sàng hy sinh. Nếu không nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và nghĩa vụ này, các quốc gia tiền tuyến của châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu binh lính mà họ chưa từng tính đến.
Jakub Grygiel là giáo sư chính trị tại Đại học Công giáo Mỹ, nghiên cứu viên tại Viện Hoover của Đại học Stanford, cố vấn cấp cao tại Sáng kiến Marathon, và là cựu cố vấn cấp cao trong ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Trump.