Vườn rau Lộc Hưng: chính sách cướp đất quen thuộc của CSVN

Phạm Thạch Hồng

Khi chỉ còn vừa đúng 1 tháng là tết, ngay sau ngày đầu năm dương lịch 2019, nhà cầm quyền CS quận Tân Bình đã mở cuộc đàn áp, phá hủy toàn bộ hàng trăm căn nhà của người dân thuộc khu vực mang tên vườn rau Lộc Hưng (tức khoảng đất sau lưng trạm phát tuyến hay còn gọi là nhà giây thép gió và bưu điện Chí Hoà, gần Ngã Ba ông Tạ, kế cận đường Bắc Hải dẫn vào khu Cư xá Sĩ quan Chí Hòa trước năm 1975). Đây là khu đất có diện tích khoảng gần 50 ngàn mét vuông, xưa là một khu lao động nghèo, nơi những đồng bào di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã sinh sống và canh tác trồng rau suốt cho tới ngày này. Theo người dân tại đây, trước năm 1975 khu vực này có tên “Đồng rau muống Sơn Tây”, sau này gọi là “Vườn rau Lộc Hưng”.

Nhà cầm quyền CS đã huy động gần cả ngàn công an, an ninh, dân phòng và cả thành phần côn đồ đến bao vây toàn bộ khu vườn rau Lộc Hưng, cưỡng bách cư dân ra khỏi nhà rồi ủi sập tất cả mọi nhà cửa trong 2 đợt, lần đầu ngày 4/1/2019 với hơn chục căn và lần thứ nhì là ngày 8/1/2019 ủi sạch cả trăm căn nhà. Những căn nhà này được xây dựng không giấy phép trong vòng mười năm qua vì nhà nước CSVN đã nhất quyết không giải quyết quyền sử dụng đất của người dân ở đây, dù họ đã khiếu nại suốt hai thập niên mà tất cả các cấp cầm quyền (từ thành ủy đến trung ương) đều không trả lời.

Vụ cưỡng bách này đã làm cả hàng trăm gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không nơi trú ngụ, chưa kể đến vật dụng tài sản thành quả mồ hôi nước mắt của họ đã bị phá hủy và cướp sạch.

Người dân khu vườn rau Lộc Hưng chính là con cháu của những người đã sống ở đây suốt từ năm 1954; bên cạnh đó là những người nghèo từ nơi khác mới về đây sinh sống, sang nhượng lại đất để xây dựng nơi cư trú chỉ qua những lời hứa miệng hay giấy tờ cam kết trao tay, không có công chứng từ các cơ quan hành chánh vì là vùng đất còn đang có tranh chấp (giữa người dân và nhà cầm quyền). Trong số những người bị cưỡng bách buộc rời nơi cư trú có một số thương binh VNCH đang tá túc trong một cơ sở từ thiện do các linh mục Công giáo (dòng Chúa Cứu Thế) tạo dựng nên để giúp đỡ họ có mái che thân.

*

Nhiều người dân nơi đây cho biết gia đình họ đã liên tục canh tác trên những thửa ruộng rau nơi này từ ngày ông bà, cha mẹ di cư vào Nam. Họ canh tác trên mảnh đất thuộc Hội Thừa sai giao cho Giáo hội Công giáo Việt Nam quản lý. Từ năm 1954, gia đình họ vẫn canh tác, đóng thuế và tuân thủ mọi yêu cầu của chính quyền liên quan đến luật đất (từ trước cũng như sau năm 1975 và cả những luật mới nhất). Nhưng cho đến nay nhà nước CSVN vẫn chưa hề cấp một thứ giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng đất của họ trong khu vực.Trên thực tế khu đất đó không phải đất công mà là đất của Giáo hội Công giáo từ trước năm 1954 và người Bắc di cư vào được giáo hội cho thuê đất để canh tác và nhiều người còn giữ giấy chứng nhận thuê mướn đất của Họ đạo Chí Hoà, thuộc giáo hội Công giáo.

Một số văn bản, khế ước thuê đất và biên lai đóng thuế người dân ở đây đưa ra đã chứng minh họ có quyền sử dụng đất hợp pháp. Có thể đơn cử như có Tờ Tá mướn đất ký ngày 1/1/1954 với cha sở Họ Chí Hoà; khế ước mướn đất ký ngày 1/1/1975 với Toà Tổng giám mục Sài Gòn; hay biên lai đóng thuế đất sau ngày 30/4/1975 đã chứng minh họ đều là người đã sử dụng đất từ nhiều chục năm và theo luật mới về đất đai ban hành năm 1993 thì hoàn toàn có đủ tư cách để được xác định quyền sử dụng đất hợp pháp.

Tuy nhiên từ nhiều năm qua nhà nước đã không xác minh cho dân mà lại tìm cách thu hồi đất. Để cưỡng chế, các cơ quan nhà nước CS đưa ra những giải thích và chứng cớ gượng gạo không thuyết phục, cho rằng đó là khu đất công, cần thu hồi theo chính sách đất thuộc về toàn dân do nhà nước quản lý.

*

Trong hai thập niên qua nhà nước CSVN đã và đang thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để qui hoạch những dự án, công trình mà quan chức nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi ký giấy phép cho những công ty, nhà đầu tư xây nhà, chung cư hay xây khu thương mại còn người dân chỉ được bồi thường với giá rẻ mạt.

Nhiều khu đất trước nay thuộc về các giáo hội, nằm tại những trung tâm chính của các thành phố lớn, khi nhà nước muốn lấy lại không được thì tìm cách đập phá hoặc gây khó khăn cho các tu sĩ đang trụ trì ở đó, như chùa LiênTrì hay dòng Mến Thánh Giá (ở Thủ Thiêm), như đất Toà Khâm sứ, đất dòng Chúa Cứu Thế (ở Hà Nội).

Hơn một thập niên trước, sự kiện đất Toà Khâm sứ ở Hà Nội đã gây căng thẳng mà Thủ tướng CSVN lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cũng phải đích thân đến nơi, nhưng cuối cùng nhà cầm quyền cũng đã cưỡng chế lấy mảnh đất này và mau chóng biến thành công viên.

Khu vực vườn rau Lộc Hưng hiện nay cũng thế, sau nhiều năm nhà cầm quyền địa phương muốn chiếm để khai thác, nói là xây dựng chung cư, trường học, công viên nhưng không được, vì quyền sở hữu thuộc về Giáo hội Công giáo đã có từ lâu đời.

*

Bắt đầu từ năm 2000, để thực hiện dã tâm cướp đất của người dân Vườn Rau Lộc Hưng, nhà cầm quyền quận Tân Bình áp dụng chiêu thức không cấp chứng nhận Quyền Sử Dụng đất cho họ và tuyên bố “khu đất người dân đang sử dụng từ năm 1954 đến nay là “đất công”.

Và sau khi xảy ra vụ cưỡng chế đất của dân oan vườn rau Lộc Hưng vào ngày 4 và 8/1, theo định hướng, đồng loạt các loa tuyên truyền dưới mọi hình thức ồn ào rằng “nhà nước đập phá nhà vì bà con xây dựng trên đất công”.

Thế nhưng, ngay từ năm 2007, khi nhà cầm quyền liên tục áp lực buộc người dân khu vườn rau phải giao đất để họ giao cho các doanh nghiệp thực hiện các “dự án” kinh doanh thương mại, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn – chủ đất vườn rau Lộc Hưng – đã quả quyết bằng văn bản khoảng 5 ha đất Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình “thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội” trước 30/4/1975 và từ năm 1954, bà con đã liên tục sử dụng ổn định trên khu đất này cho đến nay. Hoàn toàn “không hề có cơ sở pháp lý nào cho phép xác định khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình là thuộc diện chính quyền tiếp quản sau 1975 và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản cùng lúc với các cột ăngten và khu nhà điều hành của Trạm phát sóng”.

Trong văn bản số: I.83.2007.285 đề ngày 21/8/2007, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn nêu rõ:

–Khu vườn rau khoảng 5 hecta, nay thuộc đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, trước 30/4/1975, hoàn toàn không phải đất công. Chính quyền VNCH chỉ sở hữu 1 phần nhỏ (1,5 hecta) và phần diện tích còn lại thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội (3 hecta) và một số sở hữu chủ khác.

– Trên khu vườn rau này chỉ có một ít cột ăng ten (chứ không phải 1 bãi ăng ten, như cách nhà cầm quyền CS thường ghi để gây ngộ nhận) thuộc trạm phát sóng hay phát tín (thoạt tiên của quân đội Pháp, sau đó của chính quyền VNCH). Trạm phát tín này nằm trên đường Lê Văn Duyệt (cũ), nay gọi là CMT8, cách khu vườn rau khoảng trăm mét. Vườn rau này hoàn toàn không phải “thuộc khuôn viên Đài phát tín vô tuyến điện quốc tế Chí hòa-Phú thọ Sài Gòn”, và chưa bao giờ mang tên “Vườn rau Bưu Điện Chí Hòa” (vì Bưu Điện Chí Hòa chỉ mới được thành lập vào ngày 23/5/1987)”.

–Theo công văn S.P.55.011, ngày 17/2/1955 của Trưởng trạm phát tín là Đại Úy Moinard xác nhận “những người dân ở dọc theo hàng rào phía Tây được phép trồng trọt trên khoảng đất có antenne, với điều kiện thỏa thuận trước với Hội Công giáo Truyền giáo là “chủ sở hữu đất…”

– Ngoài ra, Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính nhà đất (hiện nay) xác nhận rằng đến ngày 30/4/1975, Hội đồng quản trị địa phận Công giáo Sài Gòn, (nay là Tòa Tổng Giám mục Tp.HCM), vẫn là chủ sở hữu của khu đất 184.360 m2 tọa lạc tại xã Phú thọ Hòa, số địa bộ 6, số bản đồ 126/5, tờ bản đồ thứ 2, trong đó có phần đất khoảng 30.000 m2 tại vườn rau.

–Sau 30/4/1975, trên thực tế không hề có cơ quan, đơn vị nào của nhà cầm quyền “tiếp quản” khu Vườn Rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình.

– Trong khi đó, sau 30/4/1975 1975, Trạm phát sóng hay phát tín do Trung tâm viễn thông 3 tiếp quản (có nghĩa tính cả các cột ăng ten) nhưng khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình hoàn toàn không thuộc trạm, nên không có lý do gì để tiếp quản và trên thực tế, người dân vẫn tiếp tục canh tác trên khu đất đã bao năm mà không ai, chẳng cấp cầm quyền nào có ý kiến gì.

-Chỉ mãi đến năm 2000, khi người dân trong khu vực này làm thủ tục kê khai đất sử dụng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi đó UBND quận Tân Bình mới ra văn bản bác đơn của họ với lý do “trước và sau ngày 30/4/1975, phần đất chuyên dùng trên bị các hộ chiếm dụng trồng hoa màu… UBND quận không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ được.

Như thế, theo văn bản này, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn khẳng định:

– “Toàn bộ 5 hecta khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề được chính quyền trước (cả Pháp và VNCH) “sử dụng với mục đích chính là làm bãi ăngten cho đài phát tín”.

– Do đó, phần đất 3 hecta thuộc sở hữu của Giáo hội tại khu vườn rau, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình không hề bị chính quyền cũ tịch thu, truất hữu hay trưng dụng;”

Chính vì vậy, tại Văn bản này, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn sau khi đưa ra quan điểm và lập trường của mình, cũng đã đặt ra những câu hỏi cho nhà cầm quyền địa phương khi họ âm mưu chiếm đoạt đất của người dân giao cho doanh nghiệp.

– Về điều gọi là “xin phép giải tỏa số vườn rau màu của nhân dân xung quanh khu đất bãi anten ra khỏi khu đất đó và tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ quanh khu bãi anten” Tòa Tổng Giám mục đã hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường “dựa vào cơ sở pháp lý nào?” và “Tại sao suốt hơn nửa thế kỷ không có tường rào, dưới chế độ thực dân Pháp, rồi dưới chế độ “ngụy quân ngụy quyền” và cuối cùng dưới chế độ cách mạng, nhân dân làm chủ hơn 13 năm, không hề cần có tường bảo vệ dăm ba cột anten, bây giờ đột nhiên lại cần thiết phải xây tường rào bảo vệ? (trích nguyên văn) Có lý do nào khác tiềm ẩn không trong thời buổi đất đai bắt đầu có giá?

*

Luật đất đai về sở hữu “toàn dân” mà chế độ CSVN cưỡng hành là một thứ luật bất nhân để họ có quyền đẩy bất cứ người dân nào đang sống yên ổn trên mảnh đất, trong ngôi nhà của mình vào cảnh màn trời chiếu đất, bơ vơ và uất hận cho đến chết. Chỉ cần một doanh nghiệp nào đó thấy một mảnh đất có giá trị, cấu kết được với nhà cầm quyền vẽ ra một dự án, có vài vài tiêu chí phù hợp với chủ trương là có thể hất ngay người dân ra khỏi chính ngôi nhà, mảnh đất của họ. Bởi vì người dân Việt nam hoàn toàn không có quyền sở hữu mảnh đất họ sống mà chỉ có quyền sử dụng đất nên chỉ cần một vài công văn, quyết định là có thể cưỡng chế, bắt buộc người dân phải chấp nhận đồng tiền “đền bù” rẻ mạt để bắt đầu cuộc sống vô gia cư.

Với một dự án lưu manh được dựng lên, sau khi đá người dân ra khỏi mảnh đất của họ thì đất ấy thuộc về ai? Về mặt lý thuyết nó vẫn thuộc về “toàn dân”, nhưng thực chất là thuộc về chủ dự án, vì có thể bán lại cho người khác!

Vì thế “quyền sở hữu toàn dân” ở đây không có nghĩa là của người dân mà người dân chỉ được sống tạm trên mảnh đất của mình, dù cho mảnh đất ấy có thể được cha ông để lại ngay từ trước khi chính thể này được thành lập. Ý nghĩa “toàn dân” là nhà cầm quyền có thể cướp của dân để giao cho bọn có tiền, là “cá lớn nuốt cá bé”, là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, là “nguy cơ bị cướp một cách hợp pháp” bất cứ lúc nào.

Điều đáng lưu ý là trong vụ cưỡng chiếm đất, tàn phá tài sản người dân Vườn Rau Lộc Hưng, dưới định hướng của nhà cầm quyền, bọn dư luận viên tung hô rằng vì khu đất có nhiều thành phần phức tạp, nghiện ngập, thậm chí có kẻ còn sử dụng từ ngữ nặng nề là “đầu trộm đuôi cướp”… nên buộc phải tàn phá để đảm bảo an ninh, trật tự…và ngay chính Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy cũng lớn giọng rằng “đó là chuyện bình thường (?) nhưng bị nhiều thế lực thù địch lợi dụng kích động.

Đây không phải là lập luận mới, mà ngay từ khi họ âm mưu chiếm đoạt tài sản của người dân nhằm bán cho các doanh nghiệp, vào những năm 2000, nhà cầm quyền CS tại đây lúc bấy giờ cũng đã rêu rao cái gọi là “an ninh, trật tự”, xúi giục, kích động vv… (Chỉ mãi đến bây giờ, khi vấp phải phản ứng dữ dội, nhà cầm quyền CS địa phương mới bắt chước mưu mô các vụ trước đây ở Hà Nội như Tòa Khâm sứ, Nhà thờ Thái Hà để sửa thành dự án “trường đạt chuẩn quốc gia”).

Dụ dỗ, lừa lọc không được, giờ chuyển sang dọa dẫm bỏ tù.

Trong tất cả các vụ cưỡng chế cướp đất từ xưa tới nay, hoặc trong tất cả các tranh chấp giữa nhà cầm quyền và người dân, bao giờ nhà cầm quyền CS cũng ngụy biện tối đa tội lỗi của họ rồi sau đó đẩy mọi chuyện sang một hướng khác. Vì thế không ai còn lạ gì khi từ Nam chí Bắc hầu như những người quyết tâm giữ nhà, giữ đất thường bị buộc vào hai tội, một là “gây rối trật tự công cộng”, hai là “chống người thi hành công vụ”.

Bài bản này nay đang được áp dụng lại cho vụ cướp đất Lộc Hưng! Chế độ CS hiện nay, từ trung ương đến địa phương, ở đâu cũng lăm le dồn người dân vào đường cùng, chỉ chực cướp không và cướp sạch tất cả công sức của người dân. Họ trắng trợn thay đen đổi trắng, ngang nhiên chà đạp lên cả hiến pháp, luật lệ do chính mình lập ra, dùng truyền thông một chiều để lừa dối công luận, và khi không lừa bịp được thì ngang nhiên tự coi có quyền sinh sát với người dân đen.

Hầu hết những nạn nhân vụ cướp đất Lộc Hưng có nguồn gốc người Bắc di cư năm 1954, những người đã tìm cách chạy trốn khỏi một chế độ rắp tâm cướp bóc và sát hại dân lành. Những cuộc đấu tố, xét lại đẫm máu ở miền Bắc sau năm 1954 là những chứng cớ lịch sử ghi lại bằng máu và nước mắt của dân Việt lên án tội ác của chủ nghĩa quốc tế cộng sản, đậm màu Tàu Cộng! Những người dân oan ở vườn rau Lộc Hưng hôm nay –như ông cha họ mấy mươi năm trời, từ khi phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún ra đi tìm tự do, vẫn chỉ là những người dân lương thiện thật thà, chỉ mong được sinh sống làm ăn, dù khó khăn cực nhọc cũng cam, thế nhưng … sau 43 năm, trong khi nhà cầm quyền CSVN vẫn ra rả rằng “đất nước Việt Nam đang trên đường phát triển giàu mạnh, công bằng và văn minh” thì khu vườn rau Lộc Hưng –như bao mảnh đất “vàng” khác trên cả nước, một lần nữa vẫn chỉ là một món lợi lớn phải được khai thác như thường lệ, nhân danh những dự án, quy hoạch vẽ vời mà thực chất chỉ là phương tiện làm giàu thêm cho bọn cơ hội và cướp ngày, thì họ lại một lần nữa là nạn nhân của cả một tập thể những kẻ mang hình dáng con người nhưng không hề có nhân tính!

Related posts