Darren Taylor
OHANNESBURG—Sau một tháng vận động chính trị, cuối cùng Nam Phi cũng có nội các để đưa đất nước hoạt động trở lại sau một trong những cuộc bầu cử cạnh tranh nhất trong lịch sử nước này.
Đảng Đại hội Dân tộc Phi Châu (ANC) đã buộc phải thành lập một chính phủ liên minh sau khi chỉ giành được 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 29/05, mất đi thế đa số áp đảo mà đảng này nắm giữ kể từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Nam Phi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1994.
Điều này có nghĩa là trong tương lai, khả năng thông qua dự luật của ANC sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Lãnh đạo đảng ANC Cyril Ramaphosa đã lên làm tổng thống nhờ sự trợ giúp từ Liên minh Dân chủ (DA)—một đảng lớn thứ hai Nam Phi, có chủ trương ôn hòa. Hôm 30/06, ông Ramaphosa đã bổ nhiệm một trong những nhánh hành pháp quốc gia lớn nhất trên thế giới.
Đây là kết quả của việc phải trao các vị trí lãnh đạo trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và xã hội cho 7 trong số 11 đảng trong Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNU) của Nam Phi.
“Nội các này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD để vận hành và chúng tôi hầu như không có số tiền đó hay phung phí cho một nội các có quy mô như thế ở một quốc gia tương đối nhỏ,” chính trị gia đối lập kỳ cựu Athol Trollip, một nhà lãnh đạo của đảng Action SA vốn không phải là một đảng trong GNU, cho biết.
Giống như nhiều người Nam Phi, ông Trollip lo ngại việc quản lý sẽ hỗn loạn khi có quá nhiều người đưa ra quyết định và định hướng chính sách.
32 bộ trưởng và 43 thứ trưởng—một số người có quan điểm chính trị hoàn toàn khác nhau—được giao nhiệm vụ cải thiện cuộc sống ở một nền kinh tế gần đây mới lấy lại được vị thế nền kinh tế lớn nhất châu Phi, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ tăng trưởng 0.06% trong năm 2023.
Tội phạm bạo lực tràn lan, trung bình có 84 người bị sát hại mỗi ngày; tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới gần 35%; nghèo đói khốn cùng; cơ sở hạ tầng xuống cấp làm tê liệt các dịch vụ tại cảng và đường sắt; tham nhũng; mất điện; mất nước và ngành giáo dục và y tế đang sụp đổ.
Trong bài diễn thuyết trước cả nước hôm 30/6, ông Ramaphosa khẳng định ANC đã giao vài bộ chủ chốt cho DA.
“Tất cả các đảng đã cam kết tôn trọng Hiến Pháp, cũng như thúc đẩy việc quản lý minh bạch và có trách nhiệm, các chính sách và việc ra quyết định dựa trên bằng chứng, chuyên nghiệp hóa dịch vụ công cộng của chúng ta dựa trên sự liêm chính và quản trị tốt.”
Ông Ramaphosa cho biết: “Chính phủ kế nhiệm sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, toàn diện, và bền vững cũng như tạo ra một xã hội công bằng hơn bằng cách giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng.”
Đảng DA coi cam kết của lãnh đạo đảng ANC đối với việc “chuyên nghiệp hóa” dịch vụ công cộng là một chiến thắng lớn.
Đảng này thường cáo buộc đảng ANC trao các vị trí quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước cho những người trung thành với đảng này, thay vì cho những người có kỹ năng cần thiết, dẫn đến thất bại trong việc cung cấp dịch vụ.
Ông John Steenhuisen, lãnh đạo đảng DA, nói với The Epoch Times rằng 12 vị trí nội các của đảng ông có nghĩa là đảng này hiện có “ảnh hưởng xác thực” trong việc đưa Nam Phi vào quỹ đạo phục hồi.
Ông nói: “Giờ đây chúng tôi đã có chỗ đứng trong cụm ngành kinh tế của đất nước, đây là điều không thể thiếu trong những gì chúng tôi muốn đạt được.”
“Chúng tôi sẽ sử dụng các ghế nội các có tầm ảnh hưởng của mình trong nông nghiệp, các công trình công cộng và cơ sở hạ tầng, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và môi trường, cũng như các vai trò thứ trưởng về tài chính, thương mại và công nghiệp, và phát triển doanh nghiệp nhỏ, để theo đuổi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và chương trình tạo việc làm.”
Trong nội các mới của ông Ramaphosa, đảng DA cũng kiểm soát giáo dục cơ bản, truyền thông, và nội vụ.
Ông Steenhuisen cho biết đảng DA còn có các thứ trưởng “giám sát” trong các lĩnh vực quan trọng gồm năng lượng, điện, nước, và giáo dục đại học.
“DA sẽ phát triển kinh nghiệm của mình trong việc cải thiện cung cấp dịch vụ,” ông nói. “Chúng tôi không bao giờ tham gia việc này để có những vị trí vì lợi ích riêng của họ, đó là lý do tại sao chúng tôi đã từ chối chấp nhận những thỏa hiệp nhẹ nhàng và lý do tại sao đôi khi chúng tôi phải mặc cả một cách khó khăn để bảo đảm các chức vụ mà chúng tôi có được là thực chất.”
“Chúng tôi cũng hài lòng khi các cuộc thương lượng đã tái khẳng định rằng bất kỳ lời đề nghị đáng ngờ nào cũng có thể bị điều tra và việc bổ nhiệm các công chức cấp cao sẽ không bị cản trở hoặc bị chính trị hóa.”
Tuy nhiên, đảng DA không có bất kỳ vị trí nào trong các bộ phận an ninh, điều mà có thể gây ra xung đột với đảng ANC.
Ông Ramaphosa cũng đã trao các chức vụ hàng đầu cho các đảng đối lập nhỏ hơn là thành viên của chính phủ đoàn kết dân tộc.
Hai trong số những bổ nhiệm quan trọng nhất là lãnh đạo đảng Liên minh Yêu nước, ông Gayton McKenzie, làm bộ trưởng thể thao, nghệ thuật, và văn hóa; và lãnh đạo đảng Freedom Front Plus, ông Pieter Groenewald, sẽ giám sát các dịch vụ cải huấn.
Nhà phân tích chính trị độc lập Ntsikelelo Breakfast cho biết với rất nhiều đảng tham gia quản trị, thì chắc chắn sẽ có “sự rối loạn,” ông nói với The Epoch Times.
“Chính sách đến từ đâu? Có phải đến từ các đảng phái chính trị? Liệu nó có xuất phát từ bộ máy quan liêu không? Mỗi và mọi đảng chính trị thường tổ chức các hội nghị để thông qua các chính sách. Vậy quý vị làm gì? Quý vị có cóp nhặt các chính sách không?
Ông nói: “Mọi thứ sẽ rất thú vị và tôi hy vọng chính phủ mới này thực sự hoàn thành được một số công việc giữa tất cả những sự đàm phán khôn ngoan và các thỏa hiệp mà sẽ phải được thực hiện này.”
Ông Ramaphosa cũng thành lập Bộ Cải cách Ruộng đất do đảng cánh tả Đại hội Chủ nghĩa Liên Phi nắm quyền kiểm soát, đảng này muốn trưng thu đất đai mà không bồi thường, điều mà đảng DA nói rằng họ sẽ phản đối.
Các mối bang giao
Trong chính phủ mới, đảng ANC vẫn nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, trong khi đảng DA phản đối gay gắt mối quan hệ gần gũi của nước này với Trung Quốc, Iran, và Nga.
Trước cuộc bầu cử, một trong những lời hứa chính của đảng DA là “chấm dứt mối quan hệ với các chế độ chuyên quyền” và đưa Nam Phi đến gần phương Tây hơn.
Ông Steenhuisen cho rằng việc này hẳn sẽ “thực tế,” vì Vương quốc Anh, Liên minh Âu Châu, và Hoa Kỳ là những đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi, và bởi vì các giá trị chính trị dân chủ của Nam Phi, gồm cả quyền tự do ngôn luận, đang “đối lập trực tiếp với những gì xảy ra ở Trung Quốc, Nga, và Iran.”
Vị lãnh đạo đảng DA cho biết: “Cơ bản là những quốc gia này được điều hành bởi những kẻ chuyên quyền và những chế độ chỉ tồn tại dựa trên việc đàn áp tàn bạo bất kỳ và tất cả những tiếng nói đối lập.”
“Chỉ vì chúng tôi hiện nằm trong chính phủ không có nghĩa là chúng tôi sẽ im lặng về mối quan hệ của đất nước chúng tôi với những nước kiểu như Trung Quốc và Nga trên thế giới này.”
“Chúng tôi cũng nhận thức rất rõ thực tế rằng những người bạn Mỹ của chúng tôi không mấy hài lòng về sự gần gũi của chúng tôi với Trung Quốc, Nga, và Hamas.”
Ông cho biết: “Hồi năm 2023, các quan chức cấp cao của DA đã dành nhiều tháng ở Hoa Thịnh Đốn để trò chuyện với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ và các nhân vật chính trị cấp cao khác của Mỹ quốc.”
Tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật yêu cầu chính phủ Tổng thống Biden tiến hành đánh giá toàn diện về mối bang giao của Mỹ với Nam Phi.
Hồi tháng Ba, Dân biểu John James (Cộng Hòa-Michigan), chủ tịch tiểu ban Phi Châu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã giới thiệu Đạo luật Đánh giá Mối quan hệ Song phương Hoa Kỳ-Nam Phi.
Nếu dự luật này được Thượng viện thông qua, thì chính phủ sẽ buộc phải báo cáo với Quốc hội về việc liệu Nam Phi có tham gia vào “các hoạt động làm suy yếu các lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hay không.”
Các thành viên Quốc hội từ cả Đảng Cộng Hòa lẫn Đảng Dân Chủ đều lo ngại về mối quan hệ an ninh và quân sự ngày càng phát triển của Nam Phi với các quốc gia mà Hoa Kỳ coi là địch thủ địa chính trị của mình.
Ông James nêu ra rằng Nam Phi vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ ở châu Phi, và hơn 600 doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư vào Nam Phi.
Doanh Doanh biên dịch